Phan Huy Chú - “Văn chương nết đất...”!

Chủ Nhật, 27/08/2023, 21:30

Ngành nhân học văn hóa chứng minh, để trở thành nhân tài chủ yếu là do quá trình "tự lực cánh sinh", "gien" di truyền là tiền đề, truyền thống văn hóa gia đình, quê hương là quan trọng. Yếu tố thứ ba đóng vai trò nâng đỡ để đôi cánh tài năng bay cao bay xa vào bầu trời thời đại.

Trong thực tế cũng có trường hợp như vậy như làng Mộ Trạch (Hải Dương) từng được vua Tự Đức tặng câu: "Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ" (Mộ Trạch tài năng bằng nửa thiên hạ). Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám có đến 18 bia khắc tên 25 Tiến sĩ của làng… Các Tiến sĩ này lại thường là người của một số dòng họ lớn. Bài viết xin giới thiệu học giả Phan Huy Chú (1782 - 1840) - mẫu người văn hóa là sản phẩm tinh hoa của dòng tộc, quê hương, tiêu biểu cho câu Kiều: "Văn chương nết đất…".

Phan Huy Chú - “Văn chương nết đất...”! -0
Tranh vẽ chân dung Phan Huy Chú (1782 – 1840).

1. Phan Huy Chú hiệu Mai Phong quê gốc Thạch Châu, Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, sinh năm Nhâm Dần 1782 tại làng Thụy Khuê (làng Thầy) huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, nay là Thụy Khuê, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Có thể có lý do là hai người cô Phan Huy Chú là bà Phan Thị Nẫm và Phan Thị Lĩnh là những cung tần được sủng ái trong phủ chúa Trịnh. Bà Phan Thị Lĩnh được chúa Trịnh Căn yêu chiều đưa đi ngao du ngoạn cảnh tới vùng Thụy Khê trữ tình, thơ mộng. Sau khi chúa băng hà bà Phan Thị Lĩnh chuyển về Thụy Khuê sinh sống… (!?).

Những chi tiết ấy không quan trọng bằng cả hai quê (nguyên quán và trú quán) đều có truyền thống văn hóa lâu đời. May mắn hơn, ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng nhiều thực tài. Ông nội Phan Huy Chú là tiến sĩ Phan Huy Cận (1722-1789) làm quan dưới triều Lê-Trịnh - người mở đầu cho sự nghiệp khoa bảng của dòng họ Phan Huy lừng danh. Cụ Phan Huy Cận có 5 người con đều nổi tiếng tài năng: Phan Huy Thực, Phan Huy Ôn, Phan Huy Ích, Phan Huy Sảng, Phan Huy Tân.

Thân phụ Phan Huy Chú là tiến sĩ Phan Huy Ích (1751- 1822) làm đại quan dưới thời Tây Sơn. Thân mẫu Phan Huy Chú là bà Ngô Thị Thục (em gái Ngô Thì Nhậm), tức ông ngoại Phan Huy Chú là Ngô Thì Sĩ. Có tài năng và hoài bão lớn nhưng sự nghiệp công danh Phan Huy Ích không dài vì triều Tây Sơn sớm bị triều Nguyễn thay thế. Bất đắc chí, ông về quê ở ẩn dạy học tránh xa mọi phiền lụy, thù hận, qua thơ văn để lại cho thấy đó là một tài năng nhưng không gặp thời. Ông mất trong nỗi buồn chán nhưng kịp để lại cho đời đứa con (cũng là học trò) Phan Huy Chú như ngôi sao tỏa rạng bầu trời tư tưởng học thuật thời trung đại.

Là trường hợp hiếm hoi khi mang trong mình dòng máu của hai dòng họ nổi tiếng (Phan Huy, Ngô Thì), Phan Huy Chú không chỉ kế thừa tinh hoa dòng họ nội mà còn tiếp thu tinh anh từ họ ngoại, vừa là cháu, vừa là học trò của Ngô Thì Nhậm - danh sĩ nổi tiếng đương thời, một điểm tựa tri thức của triều Tây Sơn rất được vua Quang Trung quý mến. Năm 1798 vua Quang Trung mất, triều Tây Sơn suy vi, chán nản Ngô Thì Nhậm xin từ quan về viết sách dạy học. Lúc này Phan Huy Chú 16 tuổi càng có điều kiện gần gũi người bác ruột để học hỏi một tài năng lớn của đất nước thời bấy giờ.

Như vậy cây đại thụ văn chương Phan Huy Chú tươi tốt, cường tráng trước hết là được trồng ở mảnh đất văn hóa dòng tộc. Nhưng đó vẫn là khách quan, chủ yếu và cơ bản vẫn là sự phấn đấu của chủ thể. Chính Phan Huy Chú viết trong "Lịch triều hiến chương loại chí" - trước tác tiêu biểu của ông cũng là của cả thời trung đại: "Kẻ học giả ngoài việc đọc kinh sử còn cần phải xét hỏi sâu rộng, tìm kiếm xa gần, khảo cứu để định lấy lẽ phải, thế mới đáng là người học rộng. Tôi từ nhỏ đi học vẫn thường có chí ấy. May nhờ được sách vở các đời để lại và sự dạy dỗ của gia đình nên về điển chương, gọi là có biết qua đầu mối".

Nhưng hình như ông trời hay thử thách tài năng. Thông minh, học giỏi, kiến văn uyên bác nhưng cả hai lần đi thi (năm 1807 và 1819) chỉ đỗ đến Tú tài. Trong cái rủi có cái may, sau đợt thi Hội bị trượt (1807), Phan Huy Chú đóng cửa đọc và viết hơn 10 năm để có "Lịch triều hiến chương loại chí". Vua Minh Mạng lên ngôi rất quan tâm, khuyến khích việc làm trước thuật (viết sách). Phan Huy Chú bèn dâng bộ sách này (vào năm 1821) được vua ban thưởng hai bộ áo quý kèm 30 lạng bạc và thăng vào chức Lang trung bộ Lại.

Năm 1824 được thăng chức Hồng lô tự khanh và sung vào đoàn sứ bộ đi Trung Quốc với chức Phó sứ. Năm 1829 làm Thừa phủ Thừa Thiên. Năm 1830 đi sứ Trung Quốc lần hai. Năm 1832 bị cử đi "hiệu lực" (một kiểu "biếm trích" tức kỷ luật) ở Batavia (nay thuộc Indonesia )… Những chuyến đi nước ngoài này giúp mở rộng tầm nhìn, làm giàu có thêm vốn sống, vốn tri thức và củng cố thêm bản lĩnh trước thuật của một tài năng lớn - một nhà bác học, danh nhân văn hóa Việt Nam, người tiên phong mở đường về bách khoa thư!

Phan Huy Chú - “Văn chương nết đất...”! -1
Một tác phẩm tiêu biểu của Phan Huy Chú.

Phan Huy Chú để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm có giá trị, nổi bật nhất là bộ "Lịch triều hiến chương loại chí" gồm 49 quyển khảo cứu về lịch sử Việt Nam từ lập quốc đến cuối triều Lê. Bộ sách thể hiện sự công phu sưu tầm tư liệu, khảo cứu, đối chiếu sắp xếp chia theo 10 loại hiến chương gọi là chí, gồm "Dư địa chí": Khảo cứu về đất đai, phong thổ, lịch sử địa lý Việt Nam; "Nhân vật chí": Tiểu sử các vua chúa, tướng sĩ, các bậc trung thần có công; "Quan chức chí": Các chế độ quan lại; "Lễ nghi chí": Các quy định, thể chế, phẩm phục, các nghi lễ trong triều đình; "Khoa mục chí": Chế độ giáo dục, khoa cử; "Quốc dụng chí": Chế độ thuế khóa, tài chính; "Hình luật chí": Pháp luật các đời; "Binh chế chí": Quy chế tổ chức và việc luyện binh; "Văn tịch chí": Tình hình sách vở; "Bang giao chí": Công việc giao thiệp, nghi lễ đón tiếp các sứ thần.

2. Nhìn từ hôm nay, cái mới của tác phẩm này thể hiện ở chỗ nào?

Xin một phép đối sánh nhỏ. Thời trung đại vẫn còn nặng nề một quan niệm rất cũ "Thuật nhi bất tác" (kể lại mà không sáng tác/làm mới) kìm hãm sự sáng tạo của nhà văn. Đồng thời quan niệm "văn sử triết bất phân", dù có thay đổi nhưng vẫn còn hằn rõ trong các "Đại Việt thông sử" (Lê Quý Đôn), "Việt sử bị lãm" (Nguyễn Nghiễm), "Việt sử tiêu án" (Ngô Thì Sĩ)… Phải đến "Lịch triều hiến chương loại chí" mới thể hiện rõ sự vượt thóat khỏi tư duy nguyên hợp cổ xưa.

Kế thừa tính mới mẻ của tiền bối (nhất là Lê Quý Đôn), có lẽ Phan Huy Chú là người sớm nhất có một tư duy thể loại gần với hiện đại (coi thể loại là nhân vật chính của văn học). Không phải là dấu gạch nối trung đại - hiện đại mà gần như ông đứng hẳn về hiện đại với sự phân biệt rõ các khái niệm "trước thuật" (nghiên cứu) và "ngâm vịnh" (sáng tác). Cứ nhìn vào tên gọi 10 chí trên cũng phần nào nói lên điều ấy, đặc biệt là "nhân vật chí". Chưa kể tới sự sắp xếp cả bộ có chủ ý khoa học, lôgich, từ khái quát tới cụ thể rất hệ thống…

Trong bối cảnh hôm nay đọc "Lịch triều hiến chương loại chí" càng thấy khâm phục một tư duy khoa học đi trước thời đại, một phong cách nghiên cứu làm chủ tư liệu (thật đồ sộ), những nhận định bình luận đích đáng dựa trên sự khảo cứu kỹ càng. Càng thấy kính trọng một tâm huyết với truyền thống, một tinh thần dân tộc, một tư tưởng tiến bộ.

Chỉ một câu trong "Dẫn thứ tự các chí" cho thấy sự rạch ròi trong việc xác định các giới hạn: "Việc định giới hạn để ngăn cách là việc cần làm trước tiên khi mới dựng nước". Hôm nay có nhiều việc lớn nhưng chúng ta chưa có được suy nghĩ của tiền nhân, ví như có công trình trọng điểm mà "đội vốn" nhiều lần (!?). Vì sao? Vì không đủ tư duy "định giới hạn", tức không biết làm, hoặc cố tình không làm theo kế hoạch…

Con cháu cần học kỹ tinh thần dân tộc phải đặt lên trên tất cả: "Nước Việt ta, từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần phong hội đã mở, đời nào cũng có chế độ của đời ấy. Đến đời Lê, kiến thiết kỹ càng, phép tắc đầy đủ, thanh danh của nước và văn hóa, nhân tài đều thịnh không kém gì Trung Hoa" (trích trong lời Tựa).

Chính Phan Huy Chú là người đã sớm khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của đất nước ta: "Ngoài biển phía Đông Bắc có đảo Hoàng Sa, nhiều núi lớn nhỏ, đến hơn 130 ngọn núi… Các đời chúa Nguyễn đã đặt đội Hoàng Sa 70 người, người làng An Vĩnh thay phiên nhau đi lấy hải vật. Hàng năm cứ đến tháng ba, khi nhận được mệnh lệnh sai đi, phải đem đủ sáu tháng lương thực, chở năm chiếc thuyền nhỏ ra biển…". Một bài học "trước thuật" sáng ngời cho trí thức mọi thời trước hết là phải vì nước, vì tư thế, sự tồn vong và phát triển của đất nước!

Nguyễn Thanh Tú
.
.