Phan Bội Châu - Tiếng cười "gằn" yêu nước!

Thứ Năm, 13/04/2023, 11:31

Những năm đầu thế kỷ XX đất nước đắm chìm trong bóng đêm nô lệ, là một cách biểu hiện tinh thần yêu nước, văn chương cất lên những tiếng nói bi phẫn tha thiết thức tỉnh quốc dân. Có tiếng cười nhưng không phải tiếng cười vui mà là tiếng cười chua chát.

Tản Đà châm biếm tình cảnh vong quốc nô trong bài “Xuân cảm”: “Dân hai lăm triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Các tác giả Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng dùng tiếng cười chĩa vào những kẻ đã mất ý thức trước nỗi nhục mất nước: “Người đều biết xấu hổ/ Ta sao không thẹn thò” (Danh sơn lương ngọc phú).

Ngô Đức Kế cũng cảm thán mà thốt lên: “Than ôi! Người ta tỉnh giấc rồi, ta còn mê ngủ! Người đã qua đò, ta còn cắm sào! Thì làm sao đứng nổi trên đài múa văn minh tiến bộ lớn này? Huống chi phong trào vô cùng, cuộc tiến hóa do đó mà cũng vô cùng”. Nhà chí sĩ mong muốn một sự thức tỉnh: “Ngày nay ngồi giữa cái thú ca múa hồ sơn mà không lo, rồi nhìn núi sông đổi đời mà không thương tiếc! Chả biết hai mươi lăm triệu đồng bào ta rồi sẽ kết cục sao đây?” (Văn minh tân học sách)...

Phan Bội Châu - Tiếng cười
Danh sĩ, nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867-1940).

Ý nghĩa phổ quát của những tiếng cười đau đớn ấy gián tiếp một sự kêu gọi cả dân tộc phải tìm ra con đường cứu nước. Không ngẫu nhiên những tác giả này đều là những nhà chí sĩ mang tư tưởng canh tân, trong đó có Phan Bội Châu. Với trái tim nhiệt huyết của nhà yêu nước lớn, Phan Bội Châu chưa thành công là do bế tắc về đường lối và cũng chưa gặp thời. Phan Bội Châu sáng tác văn chương để gửi vào đó tiếng cười rất riêng, đặc sắc về nghệ thuật, nóng bỏng một tinh thần đổi mới. Nhưng có gì đấy phẫn uất, chua chát, ngậm ngùi. Trước cảnh vong quốc nô nếu chỉ dừng lại ở mức mỉa mai, châm biếm, chế giễu thì là tiếng cười yêu nước nhưng bất lực. Là nhà cách mạng có tầm nhìn xa rộng, Phan Bội Châu sớm có ý thức kêu gọi tập hợp đội ngũ, chuẩn bị tinh thần, lực lượng, nhận chân kẻ thù chờ cơ hội mà vùng dậy đòi lại nước non.

Lấy tiếng cười hài hước, thân mật Phan Bội Châu gửi đến các chú lính tập, vạch ra cái đúng sai, cái cần phải làm ở họ là ý thức về nỗi nhục mất nước, để sau này có dịp giúp nước bằng cách hướng nòng súng về phía kẻ thù thực dân Pháp: “Các chú tập binh/ Các chú tập binh/ Chú ở An Nam sinh/ Chú ở An Nam trưởng/ Chú sung, chú sướng/ Chú phủ/ Chú phê/ Mãn hạn chú về/ Thuế sưu chú chết/ Họ đang chú la lết/ Thân thích chú xác xơ/ Chú đã biết hay chưa?/ Tây công ơn chi chú?/ Chú con một họ/ Chú của một nhà/ Yếm bà lại buộc cổ bà…”. Chữ “chú” điệp lại trong mỗi câu thơ được nhấn mạnh để đay đả. Có cảm tưởng “chú” chỉ còn như những cái bia tập bắn vô hồn là công cụ trong người khác cứ bị lật đi giở lại.

Mượn tiếng nói của người vợ khuyên chồng, có khuyên nhủ, có hài hước, chế giễu, có cả mỉa mai, không chỉ nói với chồng mà còn nói với tất cả các bậc “tu mi nam tử”: “Xin chàng ngồi lại/ Thiếp phân giải đôi lời/ Hơn bốn chục năm trời/ Đem thân làm nô lệ/ Nỗi đắng cay xiết kể/ Nói ra những sầu bi/ Chàng nam tử tu mi/ Tại làm sao không biết?/ Tại thế nào không biết?/ Chỉ nguyệt hoa, hoa nguyệt/ Chỉ chè, rượu, bạc, cờ/ Chỉ hờ hững, hững hờ/ Chịu làm dân mất nước/ Thử nhìn sau, xem trước/ Kìa các nước lân bang/ Bọn nam tử đường đường/ Sử xanh còn tạc để/ Bia vàng còn tạc để/ Chàng con nhà thi lễ/ Vốn nòi giống Lạc Hồng/ Lẽ nào chịu trong vòng/ Cho quân Tây đầy đọa/ Cho quân thù đầy đọa/ Thiếp xin chàng tạc dạ/ Này cách mạng, cơ quan/ Kíp tổ chức kết đoàn/ Làm sao cho nghiêm nhặt/ Làm thế nào cho nghiêm nhặt/ Còn như việc gia thất/ Đã có thiếp lo trong/ Dầu chết cũng cam lòng/ Thiếp không ăn năn chi cả/ Mấy lời vàng đá:/ Chàng ơi, vị quốc vong thân!”.

Rõ ràng đây là thơ kêu gọi, kêu gọi cùng nhau đứng dậy mà đánh đuổi kẻ thù. Cái khác là kêu gọi bằng hình thức tiếng cười, nhất là mượn tiếng nói của người đàn bà vốn được quan niệm là “nữ nhi” yếu đuối chỉ biết lo việc bếp núc mà nay cũng có những suy nghĩ thật đáng kính trọng. Dẫn đến một sự liên tưởng ở người đọc: đàn bà còn thế huống hồ các “bậc nam nhi”. Câu cuối “Chàng ơi, vị quốc vong thân!” không còn là riêng của ai nữa mà là của chung hồn dân tộc!

Thời đó có nhiều tiếng cười tự trào tự giễu mình không xứng đáng với chức phận, như một châm ngôn truyền thống: “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” (Nước nhà được mất, trách nhiệm ở đàn ông). Nhưng chua chát đến đau đớn phải là “tiếng cười gằn” (Trần Đình Hượu) Phan Bội Châu. Phan Bội Châu chua chát nghi ngờ chính cả con người thực của mình: “Râu mày trơ trẽn với non sông/ Thiệt phải mình chăng? Lòng hỏi lòng/ Sấm điếc gió câm trời đất trọi/ Muông qua chim lại tháng ngày chung”. Mục đích chưa tới, lý tưởng chưa trọn “Toan vớt đồng bào, vớt chẳng xong” nên Phan Bội Châu nhức nhối đau trong nỗi cô đơn không biết tỏ cùng ai: “Biết nói cùng ai, cười với bóng/ Ông xanh xanh hỡi thấu chăng ông?”.

Phan Bội Châu - Tiếng cười
Sách viết về chí sĩ Phan Bội Châu.

Rất ý thức việc để nước mất là nỗi nhục lớn, thế nên những chữ “thẹn”, “tủi”, “nhục”… có rất nhiều trong thơ Phan Bội Châu: “Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng”. Đó là nỗi nhục của người yêu nước có chí khí lớn lao: “Non sông đã chết, sống thêm nhục/ Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!” (Xuất dương lưu biệt).

Trong bài “Vô đề” làm năm 1929 thể hiện rõ cái bất lực, bi phẫn với nỗi đau thật khó hóa giải: “Chán khóc ai rồi lại khóc mình/ Dở cười, dở nói, dở làm thinh/ Lung tung sóng bể, à đa sự/ Lấp ló trăng đêm, ủa hữu tình/ Cương ngựa, ách trâu cười một giống/ Tiếng gà, máu quốc khắc năm canh/ Ngán cho kìa chiếc thuyền con cỏn/ Chở nổi bao nhiêu khối bất bình”. Đau nhất, buồn tủi nhất là “Cương ngựa, ách trâu cười một giống”, cả giống nòi này đang chịu cảnh ngựa trâu, hơn nữa lại trong cảnh ngựa vẫn phải chạy khi đang chịu trong “cương”, trâu đang trong “ách” lúc cày bừa…

Ngày Tết vốn là dịp thể hiện hồn dân tộc, nhưng khi nước mất thì ngày Tết lại là những cảnh dở khóc dở cười, nhìn thấy cảnh nhố nhăng, Phan đau đớn mỉa mai: “Cái Tết năm nay tết những gì?/ Pháo đời Tự Đức, đốt đời ni!/ “Đít-cua” choáng váng trời nghe điếc/ “Cô-nhắc” li bì đất phải say/ Xe ngựa rập rình con nước mẹ/ Râu mày lố nhố vợ ông Tây/ Thành lầu thêm tuổi thêm cao ngất/ “Bông giủa”, “Bông giua” mãi tháng ngày” (Mừng Xuân Đinh Sửu).

Theo Phan Bội Châu bi kịch lớn nhất của đất nước lúc này là tê liệt ý thức đấu tranh, mất hết ý thức tự tôn dân tộc: “Khen cho tài ngủ người mình nhỉ/ Kêu đến bao lâu cũng kệ thây” (Đồng hồ náo). Trong tác phẩm “Hải ngoại huyết thư” nổi tiếng, Phan Bội Châu dùng tiếng cười phê phán để thức tỉnh đám quan lại phong kiến, vốn là người Việt nhưng lại cam tâm quỳ gối trước kẻ xâm lược Pháp. Họ quên đi lịch sử anh hùng tự cường, quên đi danh dự, quên đi liêm sỉ của một người dân từng có cha ông không chịu sống quỳ trước ngoại bang xâm lăng để cốt lấy hai chữ “yên thân”: “Trời nghiêng đất lở mặc dầu/ Cốt thân phú quý là đầu sự lo/ Bài thiện sách sao cho khéo lạy/ Cửa cường quyền nhờ cậy kêu van/ Nay “đắc tội” mai “cảm ơn”/ Cái thân thôi thế là toàn một thân”. Chấp nhận nô lệ nên họ không nghĩ đến dân đến nước: “Dân mặc dân, chẳng dân thì chớ/ Cứ của mình mình giữ khư khư”. Phan Bội Châu còn hướng đến những người dân, vì miếng cơm manh áo mà phải chịu nhục theo người Pháp “làm công” hầu hạ: “Bấy lâu theo việc làm công/ Vì tiền há phải có lòng vì ai/ Vì y thực theo loài giống khác/ Dẫu ấm no, tiếng ác rửa sao?/ Sao bằng ta vị đồng bào/ Công danh cũng có, lẽ nào kém ai”.

Thấy mình có lỗi với dân, với nước vì mình có chí mà chưa đủ lực, đủ tài để cứu nước, thế nên nhìn con chim Phan Bội Châu cũng nghĩ nó đang mỉa mai mình: “Thuyền chỉ một khoang/ Đậu dưới cây bàng/ Ngửa lên trên cây/ Có chim cu cườm/ Nó đắc ý gáy/ Từ mai đến hôm/ Rằng “Cụ, cụ ngu”/ Có ba việc to/ Một là thân vu (vous – tiếng Pháp xưng hô chỉ bạn)/ Mất ráo tự do/ Hai là bụng vu/ Nhờ người mới no/ Ba là miệng vu/ Nói nhờ người cho” (Biện nạn cùng chim cu cườm). Mượn hình tượng con chó, Phan Bội Châu mỉa mai đau đớn những kẻ hèn nhát chỉ vì miếng ăn: “Giặc cướp vào nhà, đuôi quịt đất/ Gậy mày ngó cửa, miệng vang trời/ Tham mùi bã quá liều thân chết/ Thấy miếng ăn rồi cắm cổ xơi…”. Kẻ thù hùng hổ đến thì cúp đuôi, kẻ ăn mày yếu đuối thì lại hung hãn… Thật đáng hổ thẹn!

Sâu sắc và vĩ đại, tiếng cười Phan Bội Châu có công thức tỉnh cả một dân tộc đang trong vòng nô lệ. “Câu thơ dậy sóng” (Tố Hữu) ấy đã góp phần đẩy con thuyền cách mạng Việt Nam tới đích độc lập tự do năm 1945.

Nguyễn Thanh Tú
.
.