"Ông Ba Mươi" - nhìn từ phê bình sinh thái!

Thứ Sáu, 21/01/2022, 17:32

Khi mà môi trường sinh thái toàn cầu sa vào tình trạng khủng hoảng, rừng bị chặt, bầu khí quyển bị đầu độc, nước nguồn bị cạn, trái đất nóng lên, đa dạng sinh học bị vi phạm nghiêm trọng... nhân loại đứng trước bao nguy cơ mất an toàn, phê bình sinh thái (Ecocriticism) ra đời như là một giải pháp, dù mang tính tình thế còn hơn không.

Con người đang tự chặt cái cây mà mình ở trên đó, phê bình sinh thái như một tiếng kêu cảnh tỉnh: Đừng tự giết mình, hãy dừng lại... Đang mải mê với niềm hạnh phúc tán dương, ca ngợi con người là “chúa của muôn loài”, là “trung tâm của vũ trụ”, nhờ ánh sáng của phê bình sinh thái, văn học hiện đại giật mình trước chân lý: Tự nhiên mới là trung tâm! Con người thật đáng quý, trí tuệ và hùng mạnh nhưng con người vẫn phải sống trong ngôi nhà tự nhiên, ngôi nhà ấy sụp đổ thì...!!! Phê bình sinh thái lại soi về quá khứ để con người giật mình: Ngày xưa nhân loại sống hài hòa với tự nhiên!

Phân bố chủ yếu ở châu Á, với đặc tính loài rất đặc trưng nên được văn hóa xứ này nhất trí coi là một biểu tượng cơ bản đa dạng về nghĩa, xin được lấy hình tượng hổ để chứng minh vấn đề trên.

Hổ trông giữ đền thờ Ấn Độ!

Những năm cuối thế kỷ XX ở một miền núi xa xôi phía Tây Ấn Độ, đột nhiên thú rừng nai, hươu, lợn rừng..., nhất là lợn rừng nhiều vô kể tràn xuống những mảnh đất canh tác ít ỏi phá hoại hoa màu. Không làm sao người ta xua đi được những đàn lợn rừng đen trũi phàm ăn tràn cả vào vườn nông dân. Những điều này trước đây chưa hề có. Các nhà khoa học vào cuộc mới vỡ ra cái lý do: Vì người ta đã giết gần hết loài hổ. Không còn kẻ thù nên các loài, nhất là lợn rừng sinh sôi vô tội vạ...

Thì ra con người là kẻ thù của chính họ, đã làm mất đi một đối trọng của tự nhiên. Hiện tượng này lặp lại ở nhiều nơi như Myanmar, Bangladesh, Trung Quốc... Con người vội vàng ghi tên “hổ” vào “Sách đỏ” bởi đó là một loài thú có ích trong việc cân bằng sinh thái... Theo các nhà sinh vật học, xứng danh là “chúa sơn lâm”, hổ còn ý nghĩa cân bằng các loài thú ăn thịt khác tạo số lượng vừa đủ, hài hòa trong cuộc cạnh tranh sinh tồn!

Con người mới giở lại lịch sử văn hóa càng thấy cha ông họ đối xử với loài hổ nhân văn, đạo lý hơn và cũng trí tuệ hơn bây giờ nhiều.

Hầu hết tập quán các nền văn hóa châu Á đều coi hổ là con vật linh thiêng có vị trí chúa tể của núi rừng. Là loài dũng mãnh nhất trong muôn thú, danh từ hổ đều được gắn liền với bổ ngữ “thiêng” đi kèm: hổ thiêng, hùm thiêng, được tôn là linh vật trong 12 con giáp, tượng trưng cho sức mạnh và sự uy linh, trấn giữ cửa ải ngũ phương, có khả năng chống lại tà ma. Sự sùng bái đến mức mê tín, có nơi quan niệm đàn ông sinh vào năm hổ (Dần) sẽ có tính khí mạnh mẽ, có năng lực “làm chúa”, ngày đầu năm được mời “xông nhà” để gia chủ “ăn nên làm ra”, nhất là không sợ hổ thật đến quấy nhiễu (!?).

Thần thánh hóa như vậy nên xuất hiện tập tục thờ hổ haythờ thần hổ đã đi vào tín ngưỡng dân gian như lẽ tự nhiên. Thậm chí một số dân tộc còn tôn thờ hổ như thần giám hộ bảo vệ cuộc sống. Nhiều quốc gia, cộng đồng lấy hình ảnh con hổ làm vật tổ, làm biểu tượng. Được thiêng hóa nên tên gọi của loài vô cùng phong phú. Ngay ở Việt Nam cũng rất nhiều danh xưng thường đi kèm với một danh tính ngữ tôn kính: Ông Hổ, ông Cọp, ông Hùm, ông Kễnh, ông Hầm, ông Ba Mươi, ông Khái...

Người ta quan niệm không được kêu đích danh “con hổ” mà phải gọi chệch đi để “Ngài” khỏi giận (!). Thế nên lại có nhiều cách gọi khác: Ba Cụt (cọp ba chân), Ba Ngoe (cọp ba móng), Ông Thầy (cọp thành tinh), Ông Ba bị... Có nơi căn cứ vào màu lông còn gọi ông Mun, ông Gấm... Và tất nhiên còn là các tên Mãnh chúa rừng xanh, Chúa tể rừng xanh, Sơn quân chúa xứ, Sơn quân mãnh hổ, Sơn lâm đại tướng quân, Sơn quân chúa động,... Trong số các tên này thì cái tên “ông Ba Mươi” ấn tượng hơn cả.

Theo truyền ngôn dân gian, có mấy cách lý giải: Hổ sống thọ 30 tuổi; thường hay rình mò nhà dân vác lợn, chó... vào đêm 30 Tết; có thù oán gì thì chỉ đi ba mươi bước là quên hết (tức rất vô tư, trượng nghĩa). Lại có truyền thuyết kể, thời gian nan, khi hết lương thực, may mắn Nguyễn Ánh được hổ cho thịt thú rừng. Khi lên ngôi, nhớ ơn, vua cho lập miếu thờ và ra lệnh ai giết hổ bị phạt 30 trượng, ai báo kẻ phạm tội được thưởng 30 quan tiền...

Kể sơ sơ như vậy đủ thấy hổ được tôn trọng đến mức nào. Chưa kể các tập quán lập cả đền thờ riêng, rồi vẽ tranh thờ làm bùa chú để mời gọi khí tốt, đuổi đi khí xấu. Trong phong thủy châu Á nơi thắng địa phải có yếu tố bắt buộc là “tả thanh long, hữu bạch hổ” tức rồng xanh bên trái, hổ trắngbên phải. Tục thờ Mẫu Việt Nam gắn liền với tranh ngũ hổ với 5 màu sắc khác nhau. Tạo hình dân gian cũng có bức tranh 5 ông hổ châu tuần quanh điện thờ. Trong chùm truyện về vua Hùng thì có khảo dị người mẹ sinh ra Thánh Gióng vốn dòng dõi hổ, để rồi truyền thuyết này tượng hình thành vị thần Hổ tức Mẹ Thánh Gióng thờ ở đền Trình (Hương Sơn - Mỹ Đức - Hà Nội).

Là biểu tượng của sức mạnh, uy vũ, hình thể oai linh đẹp một cách uyển chuyển nên hổ đi vào không gian văn hóa quân sự nhằm tôn lên thanh thế. Nhiều vua Trung Quốc, Mông Cổ thích ngồi ghế bọc da hổ, hai chân trong tư thế kẹp đầu hổ. Còn dùng cả tên gọi: Trong “Tam quốc diễn nghĩa” có“ngũ hổ tướng”. Lãnh tụ khởi nghĩa ở ta là Hoàng Hoa Thám tự/được mệnh danh là “Hùm thiêng Yên Thế”. Các võ tướng có phù hiệu, ấn tín “hổ phù” (khắc hình đầu hổ). Nơi bàn việc quân gọi là “trướng hùm”: “Trướng hùm mở giữa trung quân” (Kiều). Những nét văn hóa ấy đều có căn cứ từ “mẫu gốc” là hổ không chỉ uy dũng còn có trí khôn “phân tích” đối tượng, quyết đoán, tính kiên nhẫn, biết chờ đón cơ hội, biết che giấu mình, biết bung hết sức vồ mồi đúng lúc...

Hổ trong tự nhiên!

Những khía cạnh trên có thể khái quát vào phạm trù “sinh thái văn hóa nhân văn”, từ sinh thái tự nhiên đi vào, chiều vào, phổ vào sinh thái văn hóa. Từ quan niệm ấy người ta còn thấy hổ gần gũi, như là bạn của người; tình cảm, ân nghĩa.

Trong văn học dân gian và cổ trung đại phương Đông, hầu như nước nào cũng có môtip hổ sống chung, là bạn, ân tình, ân nghĩa với người. Trong cổ tích người Việt “Trí khôn của ta đây” lý giải vì sao lông hổ vằn vện và trâu không có hàm trên. Bóc cái vỏ “cổ tích” thì hạt nhân hợp lý của nó vẫn là sự gần gũi người với vật, kể cả loài ăn thịt là hổ. Chú hổ trong câu chuyện hiện lên như một con người thật thà ngốc nghếch. Cũng là bài học: thật thà ngốc nghếch thì dễ bị lừa... Nhưng trong “Cóc kiện trời” thì hổ lại rất khôn và là nhân vật quan trọng trong “đội quân loài vật” “gây sức ép” buộc Ngọc Hoàng phải điều đình...

Truyện Nôm “Tống Trân - Cúc Hoa” có chi tiết Sơn Thần biến thành mãnh hổ mang thư Cúc Hoa sang nước Tần. Trong “Thoại Khanh - Châu Tuấn” thì hổ cõng Thoại Khanh và mẹ chồng sang tận nước Tề tìm chồng. Trong truyện “Lục Vân Tiên” (Nguyễn Đình Chiểu) hổ như người anh hùng trượng nghĩa, quân tử giúp cởi trói cho tiểu đồng rồi đưa Vân Tiên ra khỏi hang, bắt đi kẻ xấu là hai mẹ con Thể Loan... Chùm truyện cười “Bác Ba Phi”, hổ cũng như người, ăn ở, làm việc (xay lúa, giã gạo)... Hổ như người, lẽ nào người lại tiêu diệt hổ?

Hầu hết mọi nền văn học châu Á có môtip hổ nắm bắt bí mật của tự nhiên. Tương tự như truyện Ấn Độ, Indonesia...ở ta có truyện “Thằng Cuội” kể Cuội vào rừng bắt gặp hổ mẹ chữa cho hổ con đã chết bằng lá cây. Cuội liền bứng cây ấy về trồng làm thuốc cứu người cứu vật. Thì ra hổ là “bậc thầy” chữa bệnh mà con người phải học tập!

Càng về thời hiện đại hổ càng thưa vắng, hẳn nhiên thưa vắng cả trong văn học. Năm 1937, nhà vănTchya cho in tiểu thuyết “Thần Hổ” kể chuyện theo luật nhân quả người giết hổ sẽ bị hổ giết lại. Theo phong cách kỳ ảo, Lan Khai trong “Truyện đường rừng” (1940) lại kể người hóa hổ, người và súc vật có thể hóa kiếp cho nhau... Các tác phẩm này gián tiếp kêu gọi con người phải hòa hợp với tự nhiên. Sau này Nguyễn Huy Thiệp có truyện “Trái tim hổ” (1987) lên tiếng giữ lấy sự toàn vẹn của tự nhiên, vì nhờ tự nhiên mà con người mới tồn tại...

Không ngờ lời con hổ trong “Nhớ rừng” của Thế Lữ “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu?” lại “điểm trúng huyệt” phê bình sinh thái: Ước gì còn nhiều hổ để giữ cân bằng tự nhiên, cân bằng cả trong lòng người!

Nguyễn Thanh Tú
.
.