Nữ thi sĩ Trang Thanh: Thơ như số phận

Thứ Sáu, 21/07/2023, 16:32

Đầu năm 2023, liên tiếp niềm vui đã đến với với riêng nhà thơ Trang Thanh khi chị nhận được những giải thưởng văn chương quan trọng. Giải B thơ Hình tượng Người chiến sĩ Cảnh vệ Công an nhân dân; Giải Ba Cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội năm 2021-2022; Giải Ba cuộc thi thơ Nhịp điệu mới 2023 do Văn nghệ Thái Nguyên, VOV và Quán Chiêu Văn tổ chức.

Như vậy, rõ ràng kể từ giải thưởng Lá trầu, Trang Thanh đã giữ vững được phong độ sáng tạo của mình, dù đời riêng chị trải qua không ít những khúc quanh nghiệt ngã. Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện cùng chị.

- Bước ra từ Quán quân giải thưởng “Lá trầu” năm 2008 của Quỹ Lời vàng Eva, chị được xem là một gương mặt thơ có phong cách riêng, có giọng điệu thơ mới. Từ bấy đến nay, thêm 15 năm đồng hành với thơ, chị có điều gì để kể về câu chuyện làm thơ của mình?

z4518883947233_8890319441c1a90dade775489681fab1.jpg -0

+ Sau tập “Bay lặng im” đoạt giải Lá trầu, tôi vẫn lặng lẽ viết và in tập “Mây trắng” cuối năm 2011. Việc xuất bản “Mây trắng” lúc đó, trong ý định ban đầu là để khép lại câu chuyện lẽ ra không dám đi đến hồi kết của tôi và nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Nhưng rồi chính “Mây trắng” đã mở ra khúc ngoặt lớn nhất cuộc đời tôi, dắt tôi đến với một cuộc sống giản dị, đầy yêu thương và bình yên như tôi hằng mong ước. Đến nỗi, từ bấy tôi không còn chạm đến thơ nữa. Tôi chăm con, chăm chồng, vun vén gia đình nhỏ bé của mình, không màng gì đến bên ngoài, tưởng như từ đó tôi đã là người ở ẩn. Và đúng khoảng 4 năm bên anh Phục, tôi không viết bài thơ nào, trừ một “Khúc đồng dao cho em Gạo” (chưa xuất bản), tôi tâm niệm viết để tặng con trai của chúng tôi.

Cho đến tháng 6 năm 2015, như chị biết đấy, chồng tôi mắc bệnh hiểm nghèo. Thời gian chúng tôi sống với nhau quá ngắn ngủi, con trai chúng tôi lúc đó mới 3 tuổi. Khi tia sét ấy giáng xuống cuộc sống hạnh phúc của chúng tôi, thì đột nhiên những câu thơ run rẩy quay về. Tôi viết bài thơ “Cây đèn soi vào bóng tối” tặng chồng và con tôi, khi đó chồng tôi hàng ngày nằm viện.

Sau đó là những tháng ngày chăm chồng trong bệnh viện, tôi đã bám víu vào thơ ca để có thể đứng vững hơn qua những khoảnh khắc ngặt nghèo nhất của đời mình. Bài thơ “Khúc bi ai từ rừng hoa độc” (một trong ba bài thơ đoạt giải Văn nghệ Quân đội vừa qua) là tôi viết về cảm giác hoang mang, sụp đổ của chúng tôi khi ấy.

Với tôi thơ như cuộc đời, thơ là số phận. Những câu chuyện cuộc đời tôi có khi được ghi lại trong thơ như nhật ký. Với tập “Mây trắng”, tôi không sắp xếp gì mà để nguyên trật tự sáng tác theo thời gian, để kể câu chuyện về một giai đoạn cuộc đời, trước và trong khi tôi gặp chồng tôi sau này. Thực ra chúng tôi định in tập thơ đó là để làm kỷ niệm trước khi chia tay nhau, nhưng rồi chúng tôi cùng nhận ra rằng quyết định đó thật vô lý! Số phận và tình yêu là điều gì đó thật khó cắt nghĩa, và thật bất ngờ như cách mà Thượng Đế thưởng cho sự dũng cảm đến liều lĩnh của chúng tôi, cuộc đời lại ban cho chúng tôi món quà vô giá là bé Gạo…

- Vậy còn với thơ, chị đã gặt hái thêm được những gì ở thơ và từ thơ?

+ Tôi viết chưa bao giờ để nghĩ rằng mình sẽ gặt hái được gì. Những giải thưởng mang đến thêm chút động lực, có niềm vui nho nhỏ cho cuộc sống đỡ buồn tẻ, và cũng để thấy thêm những điểm nhìn, một vài sự ghi nhận về thơ của mình. Còn cơ bản, nhà thơ là cô độc, viết trước hết như tôi quan niệm: “là để thắp lửa cho riêng mình”. Thơ như là tri kỷ. Tôi hay nghĩ ngợi, nghĩ đến ốm, luôn mang vác khối tâm tư chính mình như thể ôm một khối bom.

Sau khi chồng tôi đi rồi, có một giai đoạn vì đau khổ quá chừng, tưởng như không thể sống nổi, tôi có lúc hờn giận với thơ. Nghĩ vì thơ mà cuộc đời mình ra đến nông nỗi này, tôi toan không thèm viết nữa. Nhưng rồi cứ một lúc đột nhiên nào đó, thơ lại run rẩy thầm thì. Thật oan cho thơ! Nó như gõ vào đầu tôi đòi nợ. Tôi viết để trả nợ cho thơ, nhưng cũng cứ để đó. Trong tôi có cảm giác chán nản và buồn cho việc nhà thơ phải tự in thơ ở thời buổi này. Nhưng cái số đã buộc, viết mãi mà cứ để đó, cũng vẫn chẳng khác gì kiếp này vẫn phải mang vác cả khối tâm tư nặng như khối đá. Tôi quyết định in, để tự giải phóng mình khỏi khối đá ấy.

Tập thơ tôi sắp ra mắt có tên là “Tên tôi hai chữ thanh không”, lấy tên một bài thơ đoạt giải cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội vừa rồi. Sau đó, nếu trời cho tôi khỏe mạnh, tôi sẽ in tập “Nỗi đau tỏa hương trên cành gai”, và tập tiếp theo là “Người đàn bà trên con đường tóc”.

- Là một nhà thơ chuyên nghiệp, hẳn việc làm thơ vừa là nghề, vừa là nghiệp của chị. Chị đã có những nguyên tắc cho công việc sáng tác như thế nào? Chị có đặt ra những giới hạn, hay nói cách khác là những ngưỡng mà thơ của một người chuyên nghiệp buộc phải đạt tới?

h1.jpg -0
Gia đình nhà thơ Trang Thanh - Nhà văn Nguyễn Khắc Phục.

+ Thật hồn nhiên tôi vẫn nghĩ: Sống cho nên thơ quan trọng hơn thơ. Những đau đáu nghĩ suy, những dằn vặt, trăn trở với đời sống, sự âu lo, hốt hoảng… luôn thường trực khiến tôi lúc nào cũng ốm. Chỉ khi nào ý tứ một bài thơ lóe lên, tôi như chợt khỏe để lao vào cuộc viết. Mỗi cuộc viết kéo dài khiến tôi đắm chìm vào biển tâm tư buồn sâu thăm thẳm mà chỉ có cơn ốm tiếp theo mới lôi tôi ra khỏi đó được. Rồi tôi sẽ ốm thật sự ít ngày, có khi đến vài tháng, nửa năm, hoàn toàn không viết nổi chữ nào nữa. Lúc ấy tôi như người mù chữ, trống rỗng nội tâm đến độ như chưa bao giờ thuộc về những bài thơ mà mình đã viết ra. Trong những khoảng rỗng ấy, tôi chọn cách “biến mất” khỏi đời sống ồn ào, lặng lẽ trở về với con người bản thể của mình, đấy là cách tôi sống cho thơ. Vật vã lắm nên tôi chưa bao giờ coi thơ là để vui chơi hay cầu danh. Đấy là nghiệp ở đời, cũng là quà của Thượng Đế, mình vừa phải ghi khắc, vừa trân trọng, hiến dâng. Tôi hiến dâng cả những niềm đau và vẻ đẹp cuộc đời cho thơ, bằng việc sống cho chân thực với bản thể mình.

Xong mỗi mạch viết, tôi bắt đầu như một biên tập viên, cẩn thận chi chút với từng con chữ, đọc đi đọc lại đến thuộc, nghiền ngẫm đến nát ra rồi để đó cho thời gian khiến cảm xúc lắng lại và tự kiểm chứng. Cứ thế, thơ nằm trong bản thể sống, gặm nhấm hàng ngày, trở thành mối bận tâm thường trực, buộc mình phải sống cho nó đắm đuối. Tôi cứ mài mòn nội tâm mình để viết, trong cái bể nội tâm mênh mông vô tận đó, không có giới hạn nào có thể đặt ra cho sự sáng tạo.

- Gần đây thấy chị viết nhiều tản văn. Những tản văn của chị như những mảnh kí ức đọc lên rưng rưng nhớ. Mới đây trong tản văn “Tên con là bông hoa gạo đỏ”, chị đã chia sẻ câu chuyện về bố của con trai chị, nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Chị đã thu nhận được điều gì lớn nhất từ nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Khắc Phục?

+ Trong hai năm nghỉ việc làm báo, tôi tập thiền, trị liệu chăm sóc sức khỏe, và lặng lẽ viết, được hai tập tản văn nhưng cũng chưa in. Anh Phục có một sự nghiệp đồ sộ như vậy nhưng anh luôn nói: Tài năng chưa quan trọng, làm người tử tế mới quan trọng. Khi tôi nói, mình đặt tên con là Nguyễn Trần Thiên Anh nhé, anh nói, để anh sửa một chữ, là Thiện Anh. Nói thật, tôi yêu anh Phục, ai cũng bảo vì ham tài, nhưng thật ra tôi vì con người đầy yêu thương và trách nhiệm với cuộc sống của anh. Khi gặp anh, tôi chưa biết anh là ai, cho đến lúc anh ra đi rồi tôi cũng chưa đọc hết tác phẩm của anh. Mỗi lúc thấy tôi đọc anh thường cười bảo: “Đọc làm gì, ra đây xem anh làm cái này, ngồi đây chơi với anh và con hay hơn”.

- Chị sẽ làm gì với di sản của nhà văn Nguyễn Khắc Phục?

+ Tôi chỉ mong đủ sức khỏe để có thể nuôi con khôn lớn như mong muốn của anh ấy. Mỗi lần mở máy ra định sắp xếp bản thảo cho anh là tôi quay cuồng chóng mặt, đến giờ vẫn vậy. Với văn chương bây giờ, có lẽ phải tùy duyên, tôi chưa có điều kiện xuất bản tác phẩm của anh, cũng không dám mong đợi gì. Thơ ca khiến nội tâm tôi luôn bão tố, tôi tập thiền mong được cân bằng hơn, để có thể sống một cách bình thường nhất, vì các con, như anh Phục vẫn dặn: “Mấy mẹ con cứ sống sao cho bình yên là được”.

- Xin trân trọng cảm ơn chị.

Như Bình (thực hiện)
.
.