(Đọc bộ bốn tác phẩm “Giữ lửa” của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh)

Nồng ấm truyền lửa chính luận

Thứ Bảy, 28/05/2022, 10:03

“Giữ lửa” là biểu tượng của một chuyên mục trên Báo Nhân Dân - chuyên mục Vấn đề tháng này trên Nhân Dân hằng tháng; ra đời theo sáng kiến của nguyên Tổng Biên tập Hoàng Tùng, Hồng Hà. Và Nguyễn Hồng Vinh được giao nhiệm vụ, đã “gác” chuyên mục này trong suốt 25 năm qua.

(Nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam)

1. Những bất ngờ và thú vị về “Giữ lửa”

“Giữ lửa” là biểu tượng của một chuyên mục trên Báo Nhân Dân - chuyên mục Vấn đề tháng này trên Nhân Dân hằng tháng; ra đời theo sáng kiến của nguyên Tổng Biên tập Hoàng Tùng, Hồng Hà. Và Nguyễn Hồng Vinh được giao nhiệm vụ, đã “gác” chuyên mục này trong suốt 25 năm qua.

Đọc lại 4 tập “Giữ lửa” (NXB Văn học, tập 1 - năm 2014, tập 2 - năm 2017, tập 3 - năm 2019 và tập 4 - năm 2022) của nhà báo, nhà thơ, PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh, có hai điều làm tôi bất ngờ và thú vị.

Nồng ấm truyền lửa chính luận -0

Thứ nhất, hơn 1.500 trang sách đầy đặn, vừa tập hợp những bài thể luận, còn cho thấy một cây bút tài hoa, đa phong cách, “quét” được nhiều thể loại báo chí tưởng khó dung hòa: xã luận, chuyên luận (chiếm phần lớn), phóng sự, bút ký, phê bình sách, trả lời phỏng vấn...

Thứ hai, thú vị nhận ra, ngoài một Hồng Vinh là nhà quản lý báo chí, chỉ đạo báo chí, từng đứng đầu tờ báo Đảng, nhà báo hơn 50 năm tuổi nghề, nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, còn có một Hồng Vinh - nhà thơ ân nghĩa, chân tình, một hồn thơ hồn hậu, đau đáu với cuộc đời, đắm đuối với thơ ca, qua lăng kính các nhà báo, nhà phê bình văn học, nhà thơ, cùng những bài thơ của tác giả được phổ nhạc.

Chuyên mục Vấn đề tháng này được viết ở dạng thể luận (xã luận, bình luận, chuyên luận) - một dạng thể khó viết trong nghề báo, đòi hỏi không chỉ có tri thức, tầm nhìn và bản lĩnh, ý thức chính trị nhạy bén thời sự trong cách tiếp cận, phân tích vấn đề, mà còn đòi hỏi sự dài hơi trong cách nghĩ, cách “nuôi”, cách viết, bày tỏ cả thái độ và tâm huyết của người viết. Cái khó của chính luận là tạo được sức hấp dẫn trong việc phân tích sự kiện và đánh giá, dự báo, định hướng chính trị từ các dữ liệu khô khan, một cách thuyết phục.

Trong lao động sáng tạo của nhà báo viết chính luận, quá trình ấy là từ trực quan sinh động (quan sát, lắng nghe, ghi chép…có tính chất thông tin) đến tư duy trừu tượng (hình thành những ý kiến đánh giá, quan điểm…có tính chất lý luận) và từ tư duy trừu tượng đã được định hình bằng những luận điểm ấy, trở lại bàn chuyện thực tiễn thông qua những chứng cứ, những chuyện thật và lý lẽ của tác giả. Bài bình luận có thuyết phục hay không, phụ thuộc vào khả năng tìm được cái cớ (câu chuyện thời sự làm căn cứ) và trình độ luận chứng, phân tích lý lẽ, lập luận, tầm khái quát vấn đề của tác giả.

Chính vì độ khó và kén người viết như vậy, không nhiều nhà báo, tờ báo giữ được, nuôi được một chuyên mục lâu bền như “Giữ lửa”, nếu không có “lửa nghề” và “tay nghề” như nhà báo Hồng Vinh. Đọc bốn tập “Giữ lửa”, tôi đã mượn hai chữ thật đắc dụng “Lửa báo” và “Hơi văn” (chữ dùng của nhà báo lão thành Phan Quang) để viết bài “Nhà báo Hồng Vinh - Người giao hòa “lửa báo” với “hơi văn”.

“Lửa báo” của Nguyễn Hồng Vinh chính là nhiệt huyết, là tính định hướng của người viết trong từng bài luận chỉ chừng trên dưới 500 chữ, đề cập một cách nóng hổi một vấn đề thời sự, trọng tâm trong tháng của đất nước. “Hơi văn” trong tác phẩm báo chí của Nguyễn Hồng Vinh là cảm xúc chính trị, mạch văn tùy bút chính luận, là cách diễn đạt thuyết phục của một nhà báo - nhà thơ…Biên độ xúc cảm chính trị và xúc cảm đời sống của Nguyễn Hồng Vinh rất lớn.

2. Bí quyết của “Giữ lửa”

Đọc 4 tập “Giữ lửa”, tôi phát hiện ra bí quyết để ông giữ được và truyền được nhiệt huyết “lửa báo” ấy tới độc giả trong ngần ấy năm: Thứ nhất, đưa tư liệu mới, cách nhìn, cách tiếp cận mới vào những đề tài cũ, đề tài lặp lại, và, Thứ hai, cách viết gần gũi, thuyết phục, viết ngắn, chính trị mà không lên gân, thời sự mà không thô mộc. 

Viết bài luận đón Xuân là một ví dụ. Đây là đề tài lặp đi lặp lại hằng năm, thường dễ nhàm chán, sáo rỗng, lên gân, khó viết hay. Nguyễn Hồng Vinh khéo léo đưa những chi tiết đặc sắc của thời sự trong năm, dễ đi vào lòng người, về những thành tựu, những nỗ lực của Nhà nước và nhân dân, lấy hứng khởi, cảm xúc cho việc truyền lửa. Có thể dẫn một số bài tiêu biểu: “Cho sắc Xuân thắm mãi!”, “Chào Xuân Ất Mùi - 2015”, “Chào năm mới 2022 - Quyết tâm cao, kì vọng mới”, “Khát vọng Việt Nam” v.v…

Các bài luận của Nguyễn Hồng Vinh thường “bàn” và “luận” để bày tỏ trực tiếp quan điểm, thái độ, chính kiến của tác giả, thông qua các luận điểm, luận cứ, luận chứng, tư duy theo lối quy nạp hoặc diễn dịch. Cái khó là phải viết ngắn. Viết ngắn tốn rất nhiều thời gian và công sức. Nguyễn Hồng Vinh đã phải dày công khi cố nén thông tin đầy chất “lửa báo” vào trong cái khuôn trên dưới 500 chữ, làm sao để thuyết phục người đọc.

Các bài viết của ông thể hiện cách viết gần gũi, có sức gợi mở người đọc, nhất là cách đặt đầu đề (tít bài). Tác giả thường dùng tít gợi là một câu ngắn, chỉ nêu ý nghĩa có tính luận đề, tính biểu trưng, dùng động từ mạnh, để khơi gợi, kích thích người đọc. Có tới vài trăm tít gợi như thế trong bộ “Giữ lửa”: “Nội lực, mãi là yếu tố hàng đầu”; “Vẻ vang thay những người làm báo cách mạng!”; “Vững tin đổi mới”; “Cùng góp sức làm đẹp cuộc đời mình, quê hương mình”; “Tiếp nối con đường Tháng Tám”; “Sức mạnh từ nhân dân”; “Hãy làm cho hoa thơm át đi cỏ dại”; “Những trang nhật ký thắp sáng tin yêu và hy vọng” v.v…

Nhà báo, nhà văn Phan Quang gọi những bài luận của Nguyễn Hồng Vinh là các bài viết “gọn gàng, nhỏ nhẹ”, là “một nhà báo, nhà thơ luôn cố gắng giao hòa lửa báo với hơi văn”. Tôi nghiệm ra, gọn gàng vì gói được những ý tưởng lớn, định hướng lớn trong một bài viết ngắn. Nhỏ nhẹ vì tác giả viết như một lời bộc bạch, kể chuyện, gửi gắm…

Nhà báo Phan Quang từng đánh giá, đây là “những chính luận có giá trị”, “những công trình nghiên cứu công phu”, “đầy thông tin cập nhật và có định hướng xử lý vấn đề sáng rõ”, những bài về văn hóa, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật “bài nào cũng ngồn ngộn thông tin, cho phép người đọc tiếp cận ý kiến nhiều chiều”...

3. Ba bài học nghiệp vụ báo chí chính luận từ bộ tác phẩm “Giữ lửa”

Thứ nhất, sự vận dụng nhuần nhuyễn tri thức lý luận vào phân tích tình hình thực tiễn.

Viết chính luận không thể thiếu cơ sở lý luận, vận dụng lý luận. Cái khó là vận dụng như thế nào để không lên gân, gượng ép, khó nữa là đạt tới sự nhuần nhuyễn. Tác giả Nguyễn Hồng Vinh có cách viết mềm mại, uyển chuyển khi ông vận dụng lý luận vào những bài viết thể luận. Chẳng hạn, bài “Xốc tới với ngọn lửa Tháng Tám”. Hoặc khi cần cơ sở lý luận để luận chứng cho vấn đề chống tham nhũng, tác giả đã thuần thục trích dẫn, kết nối các tư tưởng lớn: “Nhà triết học Đan-te tổng kết ba điều nổi bật: kiêu ngạo, ghen tị và tham lam, chúng sẽ thiêu cháy lòng người...”.

Khi viết về quan hệ giữa cũ-mới, giữa xưa-nay trong văn hoá, ông thật tinh tế khi dẫn lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1947 (trong tác phẩm Đời sống mới): “Đời sống mới không phải  cái gì cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì ta phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay thì ta phải làm… Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đủ đầy hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới”. Dẫn dắt như thế để bàn chuyện kế thừa và phát triển trong văn hoá, quả thật nhuần nhuyễn.

Thứ hai, viết chính luận hay bút ký, ghi chép, tác phẩm của Nguyễn Hồng Vinh đều đầy ắp chi tiết, tư liệu. Luận điểm rõ ràng, luận cứ thuyết phục, luận chứng sắc sảo… là những yêu cầu cơ bản cần có cho một tác phẩm chính luận. Nhiều bài luận của Nguyễn Hồng Vinh, yếu tố luận chỉ là sự kết nối, phát triển ý, còn sức thuyết phục, sức nặng lại nằm ở chính những ngồn ngộn con số, tên đất, tên người, tên sự kiện… được gọi lên, được đặt cạnh nhau trong tràn đầy cảm xúc.

Những bút ký, ghi chép của ông là những mạch cảm xúc được trải dài theo những câu chuyện sinh động. Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh đã vượt qua được cái khó của nhiều tác giả khi viết về các nhà lãnh đạo thường để sự kiện lấn át chi tiết, thừa cảm xúc mà thiếu thông tin…

Ở những bài trả lời phỏng vấn, dễ nhận thấy những nhận thức, quan điểm nghề nghiệp đậm tính nhân văn của một người làm công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí, công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Trả lời phỏng vấn của Báo Đại Đoàn kết, ông bộc bạch: “Làm báo bao giờ cũng có một nguyên lý là phản ánh chân thật, trung thực sự việc sự kiện. Nhưng làm báo còn có mấy chữ “nên” và “không nên”, đó là khi thấy sự thật nhưng có nên nói lúc này không và nói ở thời điểm nào, mức độ nào cho thích hợp… Khi phản ánh thì phải cân nhắc mức độ, liều lượng”; “Đối với người làm quản lý báo chí - xuất bản có tính chỉ đạo, phải hiểu rất sát thực tiễn đời sống... Mình cần có kĩ năng giải quyết giữa nguyên tắc và thực tế sao cho hài hòa…”.

Thứ ba, ngôn ngữ biểu đạt sâu, sắc và mạnh.

Những tít bài khái quát cao, biểu đạt sâu, những đoạn kết về chân dung các nhân vật thường là ngôn ngữ giàu lòng tin yêu con người và cuộc sống.

Là người làm thơ, ông đã thổi hồn thơ đúng lúc, đúng chỗ, đúng liều lượng vào những bài viết tưởng như khô khan nhất, mà ông đã trình bày tại các cuộc hội thảo, hội nghị, v.v…

Đọc hàng chục bài viết của các tác giả là nhà báo, nhà văn, nhà thơ - góc nhìn của đồng nghiệp về những tập thơ “Thơ và dấu ấn cuộc đời”, “Xanh mãi”, “Chồi biếc” - cho thấy một sự lý giải, sự khẳng định về mối quan hệ gắn bó giữa báo và văn trong sự nghiệp làm báo - viết văn của Nguyễn Hồng Vinh: “Chắt mật ngọt cho văn từ nghề báo”, “Với tôi là người làm báo, nên càng thấy thơ là bạn đồng hành thân thiết, giúp tư duy nâng tầm khái quát, giúp trang viết có hồn sâu…”. Đây là lời tâm sự chân thành từ trải nghiệm thực tiễn của Nguyễn Hồng Vinh.

 Đọc lại bộ 4 tập sách với hơn 400 bài viết, đặc biệt là tập 4 này thể hiện rõ sự đa phong cách, đa dạng về nội dung, với nhiều thể loại. Đạt tới thành công ấy, tác giả đã kết hợp hài hoà sự nhạy bén chính trị với tay nghề vững vàng trên nền cảm xúc cách mạng của một nhà báo dạn dày kinh nghiệm và hồn thơ vời vợi yêu thương.

Với các cây bút xã luận, bình luận, chuyên luận, bộ “Giữ lửa” (4 tập) là nơi truyền lửa chính luận. Và do vậy, tôi gọi nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh là người nồng ấm truyền lửa chính luận cho nghề.                                                

Hà Nội, 5-2022

Trần Bá Dung
.
.