Nỗi oan thời xưa - nhìn từ thời nay!

Thứ Năm, 11/08/2022, 12:27

Chưa thấy sách vở nào của ta nói “Quan Âm Thị Kính” có thực ngoài đời nhưng “Nỗi oan nàng Đậu Nga” được nhiều sách Trung Hoa kể rằng có thật. Sách “Liệt nữ truyện” viết thành truyện “Đông Hải hiếu phụ” kể xảy ra thời Nguyên, nhân vật chính có tên Chu Thanh sống ở vùng Đông Hải được xếp vào “thiên cổ kỳ oan”. Nhà văn Quan Hán Khanh (1229?-1307?) - tác gia kịch nổi tiếng (tương truyền viết 60 vở, hiện còn 18 vở) viết thành “Đậu Nga oan”.

“Quan Âm Thị Kính” được biết nhiều qua sân khấu chèo cổ có lẽ được “chèo hóa” từ một truyện cổ dân gian thuyết lý về nhà Phật. Truyện được Nôm hóa có tên “Quan Âm tống tử bản hạnh” dài 1260 câu rất chi tiết có phần rườm rà còn “Quan Âm Thị Kính” gần như trùng khít với bản chèo dài 786 câu cô đọng, tinh tế hơn, tính kịch căng thẳng, tâm lý nhân vật dữ dội hơn... Cả hai vở của Trung Quốc và của ta đều có nhân vật chính là nữ với nỗi oan ngút trời nhưng mang tâm lý, tính cách quan niệm mỹ học rất riêng về cuộc đời, về phận người, về cách ứng xử...

Nhìn từ triết học con người trên tinh thần đối thoại ở thời hội nhập hôm nay càng thấy những ý nghĩa hiện đại phát sáng. Nó như một chứng minh văn chương đỉnh cao luôn mới mẻ ở bất kỳ thời nào để mang giá trị muôn đời!

untitled-7.jpg -0
Tượng Quan Âm tống tử!

Ở vùng Sở Châu nọ có một gia đình nghèo, người chồng Đậu Thiên Chương theo nghiệp bút nghiên. Người vợ mất sớm khi đứa con gái Đoan Vân lên ba tuổi. Đậu Thiên Chương vay của Thái Bà 20 lạng bạc. Lãi mẹ đẻ lãi con, nay phải trả 40 lạng. Không có tiền trả nợ, lại đúng dịp lên kinh ứng thi, Chương liền bán con cho Thái Bà dưới danh nghĩa “làm dâu”. Thái Bà xóa hết nợ còn đưa thêm cho Chương 10 lạng bạc nữa... 17 tuổi, Đoan Vân đổi tên Đậu Nga cưới chồng. Một năm sau chồng chết...!!!

Thầy lang Trại Lô là một con nợ của Thái Bà. Trại Lô lừa kế giết Thái Bà xóa nợ nhưng được cha con Trương Lư cứu. Thái Bà đồng ý cha con Trương Lư lấy hai mẹ con để trả ơn. Đậu Nga cương quyết cự tuyệt với lý do “thủ tiết với chồng”. Trương Lư Nhi (con) căm tức, nghĩ kế trả thù. Để ép buộc Đậu Nga, Trương Lư Nhi (con) lén bỏ thuốc độc vào bát cháo Đậu Nga nấu nhằm giết Thái Bà. Thái Bà không muốn ăn, Đậu Nga bèn chuyển cháo cho Trương Lão Nhi (cha). Trương Lão Nhi trúng độc chết. Trương Lư Nhi đổ tội đầu độc cho Đậu Nga, bắt nàng giải lên quan.

Đào Ngột - tri huyện nổi tiếng tham nhũng, nhận tiền đút lót của Trương Lư Nhi, bắt Đậu Nga ra thẩm vấn. Bị đánh chết đi sống lại, Đậu Nga một mực kêu oan. Đào Ngột sai đem Thái Bà ra đánh. Thương mẹ chồng tuổi già, Đậu Nga đành nhận tội. Bị giải ra pháp trường xử tử, trước khi chết Đậu Nga xin treo cao một dải lụa trắng cùng ba lời thề: Nếu bị oan, thì “đao chém qua đầu một giọt máu nóng cũng không rơi xuống đất mà sẽ bắn lên dải lụa trắng kia”; Nếu bị oan, thì “sau khi chết, trời sẽ giáng tuyết dày ba thước, đắp lên thi thể”; Nếu bị oan, sau khi chết “đất Sở Châu này sẽ hạn hán trong suốt 3 năm liền”!

Lời thề ứng nghiệm đủ cả ba!

Quay về chuyện Đậu Thiên Chương. Sau khi thi đỗ Nhất giáp Tiến sĩ, Thiên Chương làm quan Tham tri chính sự được nhà vua cử đi xét lại các bản án. Vì Thái Bà dời nhà đi xa nên Thiên Chương không tìm được tung tích con gái chỉ biết nhớ con bạc cả tóc. Khi thấy Sở Châu đại hạn, biết có án oan Thiên Chương bèn xem lại tất cả các án cũ. Vì con gái đổi tên nên Thiên Chương không nhận ra Đậu Nga là con gái mình. Thấy đúng tội Thiên Chương không nghi ngờ nữa. Hồn oan Đậu Nga hiện về kể cho cha biết, mong cha: “Những ai làm loạn nhân luân/ Phân thây xé xác vạn lần mới thôi/ Cha ơi bản án còn đây/ Cha đem sửa lại tỏ bày cho con...”. Xem xét, điều tra kỹ Thiên Chương thấy đúng bèn cho bắt lũ gây tội. Hồn oan Đậu Nga hiện về đối chất. Tất cả cứng họng. Đậu Nga xin cha vì mẹ chồng tuổi cao không người phụng dưỡng nhờ cha đem về nuôi để con yên lòng “nơi chín suối”... Người có hiếu thì chết đi vẫn có hiếu!

Vở kịch là một “liên văn hóa” giữa cổ tích với “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo” và một nguyên lý nhà Phật “oan có đầu nợ có chủ”. Đào Ngột nhận hối lộ mà tạo oan sai. Cha con Trương Lư giết người đổ tội. Nên Đậu Nga dù chết cũng không tha cho bọn chúng... Đấy cũng là lớp nghĩa biểu hiện khát vọng công bằng của người xưa: Công lý phải được thực thi. Gây ra tội nào phải trả tội như thế!

untitled-8.jpg -0
Tranh nàng Đậu Nga và lời thề!

Ở thời toàn cầu hóa hôm nay, trái đất như co lại, hẹp lại. Vì bị chi phối, ràng buộc lẫn nhau, muốn tồn tại và phát triển con người phải đối thoại với nhau. Thế nên tiếp nhận văn học chuyển sự chú ý từ cốt truyện tác phẩm sang lời thoại nhân vật. Đây là lời những người dân Sở Châu vô tội than với quan Thiên Chương: “Chúng tôi biết Đậu Nga bị oan nhưng sợ quyền thế của tên tham quan đó mà đành ôm hận chứ không dám nói ra. Chúng tôi không hề hãm hại nàng, cớ sao lại phải chịu nạn hạn hán suốt 3 năm này chứ?”. Lời đáp của quan Thiên Chương cũng là lời của công lý: “Biết rõ Đậu Nga bị oan, vậy mà không nói lời công đạo, đó là bất nghĩa. Những kẻ hùa theo tham quan không cứu người lương thiện, đó là bất nhân. Trời cao có mắt. Thiên tai nhân họa là để trừng trị những kẻ bất nhân bất nghĩa vậy!”. Thì ra đó còn là chân lý, là đạo lý!

Con người không làm việc ác, không hại người, tưởng rằng thế là không phạm tội, không xấu. Họ không biết rằng im lặng là đồng lõa với tội ác. Thế nên họ bị trừng phạt!

Vở chèo “Quan Âm Thị Kính” hàng mấy thế kỷ nay làm thổn thức hàng triệu trái tim bao thế hệ bởi những khát khao về lẽ công bằng, về tình người. Một người vợ Thị Kính yêu chồng lại bị vu oan thành kẻ giết chồng. Cái nguyên cớ bắt đầu và cơ bản là tính cách yếu nhược, nông cạn của người chồng học trò Thiện Sỹ. “Nối giáo” là tính cách gia trưởng, độc đoán của “nhà chồng” Sùng Ông Sùng Bà cay nghiệt thiếu nhân tính. Giả trai đi tu lại bị vu “mượn màu thiền dở thói mưa mây” mà có con…

Thị Kính tốt, hiền lành cam chịu như thế mà bị oan, mà oan thảm hai ba lần. Trong cái xã hội đầy tai ương, đầy mâu thuẫn, phi lý như thế thì người tốt, cái tốt không tồn tại được. Mà muốn cho cái tốt, người tốt tồn tại thì phải thay đổi cả cái xã hội ấy. Cái tiếng than của nàng rất yếu ớt, một lần than với mẹ đẻ, hai lần than với cha đẻ (Oan con lắm, mẹ/cha ơi!), một lần than với làng (Trình lạy làng, oan kẻ tu hành này lắm!), một lần than với Sư cụ (Oan con lắm, thày ơi)!!! Nhưng xét từ nguyên lý đối thoại lại rất quan trọng. Tiếng than ấy không phải nói với con người, dù là những người thân nhất, gần nhất mà là than với phận người, với cõi người. Thế nên nó không có lời đáp lại. Lời Thị Kính “độc thoại nội tâm” (hát sử rầu, vãn láy): “Oan này nhẫn chịu, thác rày thời thôi!” cũng vậy. Nỗi oan ấy là hạt nhân của kiệt tác!

Nhưng tại sao cả làng của Thị Kính, Thị Màu chỉ biết ra “ăn khoán” chứ không cần biết đến lẽ phải: Lời tố cáo có đúng không!? Các “quan”, dù có là quan “ăn tiên chỉ” cũng chỉ cần nhìn thấy “cái bụng chửa” của Thị Màu, không cần “điều tra”, đã coi Thị Kính là “tác giả”!? Trời đất ơi? Vì con người ta vô cảm trước tai họa của con người!

Có phải im lặng là tốt không?

Kiệt tác ấy như nói với hôm nay rằng: Hiểu biết và tình thương sẽ là hai cánh đưa con người bay vào bầu trời văn minh. Thiện Sĩ thì ngược lại. Là “nho sinh” nhưng nó vừa không hiểu biết vừa thiếu nhân tính, tức vô học và vô đạo. (Ngày nay có “nho sinh” nào như thế không?). Ngu đến mức không biết “cái râu mọc ngược” là điềm không may (!?). Vô đạo đến mức đẩy người vợ hiền vào nỗi oan thấu trời. Nó có phải là người, chưa nói tới tình nghĩa vợ chồng “đầu gối tay ấp”...? Dân gian bèn biến nó thành con vẹt. Tượng “Quan Âm tống tử” là hình ảnh một người phụ nữ bế một đứa bé, bên cạnh có con vẹt. Con vẹt ấy là Thiện Sĩ. Nó mãi mãi là kiếp vẹt “học vẹt”, nói vẹt... Sao mà dân gian mỉa mai sâu sắc thế: muốn làm người khôn, tử tế, người học phải thoát kiếp “vẹt”!!!

“Đậu Nga oan” và “Quan Âm Thị Kính” mãi mãi như hai vì sao rực rỡ tỏa sáng tinh thần nhân văn trên bầu trời văn hóa phương Đông!

Kiệt tác không bao giờ cũ!

Người viết bài này cứ tưởng tượng rằng nhờ đọc hai kiệt tác ấy mà nhà bác học Albert Einstein mới có câu nổi tiếng: “Thế giới không bị hủy diệt bởi những kẻ làm điều ác, mà bởi sự im lặng của những người tốt”!

Nguyễn Thanh Tú
.
.