Những viên ngọc quý ở lục địa đen
2021 là một năm thắng lợi đối với văn học các nước châu Phi. Nhà văn Abdulrazak Gurnah (Tanzania) giành giải Nobel Văn học 2021 chỉ là “phát pháo đầu” cho một loạt những tác giả người Phi khác đoạt các giải thưởng danh giá tầm quốc tế. 2022 này các nhà phê bình có thể tự tin nói rằng năm nay đã tiếp nối “mạch thành công” của 2021.
Bạn đọc hứng thú với mảnh đất - con người châu Phi không hề thiếu những tác phẩm xuất sắc đến từ lục địa đen để thỏa mãn trí tò mò của mình.
“Chuyện kể từ mảnh đất hạnh phúc nhất thế giới”
Tuy đã ở tuổi 88 nhưng ngòi bút của nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà hoạt động xã hội Wole Soyinka (tên đầy đủ: Akinwande Oluwole Babatunde Soyinka) vẫn không kém sắc nhọn. Ông được coi là tác giả châm biếm hàng đầu ở Nigeria nói riêng và châu Phi nói chung. Soyinka bao giờ cũng chĩa ngòi bút về phía kẻ mạnh và đưa bàn tay giúp đỡ ra cho người yếu thế. Ông châm biếm chứ không chì chiết, chỉ ra trò hề của người đời chứ không tự biến mình thành trò hề.
Tác phẩm mới nhất của Wole Soyinka là tiểu thuyết “Chuyện kể từ mảnh đất hạnh phúc nhất thế giới” (“Chronicles from the Land of the Happiest People on Earth”). Câu chuyện mang tính “Liêu Trai Chí Dị” kể về một giáo phái bí mật gồm những cá nhân quyền lực nhất Nigeria và âm mưu ăn trộm xác người từ một bệnh viện ở Mỹ. Soyinka trong tác phẩm này đã khắc hoạ được những mẫu nhân vật phổ biến trong xã hội Nigeria nhưng lại ít được nhắc đến như những chính trị gia thay đổi giá trị và hình ảnh của mình như thay áo, hay một tầng lớp trí thức trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài để rồi thực hiện những hành vi bỉ ổi khi về nước.
Theo lời tác giả, ông lên ý tưởng về tiểu thuyết “Chuyện kể từ mảnh đất hạnh phúc nhất thế giới” từ hơn 60 năm trước nhưng chỉ bắt tay vào việc viết vào năm 2011. Động lực thúc đẩy ông là một bài báo trên tờ New York Times (Mỹ). Bài báo nói về một cuộc khảo sát tìm đất nước hạnh phúc nhất trái đất. Nigeria là quốc gia dẫn đầu danh sách. Với một con người luôn đi sát sườn kinh tế - chính trị Nigeria như Wole Soyinka, kết quả trên thật buồn cười. Với “Chuyện kể từ mảnh đất hạnh phúc nhất thế giới”, Soyinka muốn chỉ cho đồng bào lẫn các bạn bè quốc tế của ông những cái mục ruỗng ở trong xã hội Nigeria.
“Ngôi nhà rỉ sét”
Nói đến thể loại hiện thực huyền ảo là nhiều người sẽ nghĩ ngay đến văn học châu Mỹ Latinh với những “cây đại thụ” như Gabriel García Márquez, Isabel Allende, Jorge Luis Borges, v.v… Vậy nhưng châu Phi cũng có truyền thống văn học hiện thực huyền ảo riêng họ. Các nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch gốc Phi như Ben Okri, Helen Oyeyemi và Ngũgĩ wa Thiong'o đã từ lâu sáng tác những tác phẩm kết hợp giữa lối phân tích hiện thực phương Tây với cái sự huyền ảo, siêu thực rút ra từ văn hóa cổ truyền châu Phi.
Mới đây nền văn học hiện thực huyền ảo châu Phi lại có thêm một đại diện mới với tiểu thuyết “Ngôi nhà rỉ sét” (The House of Rust) do nữ nhà văn, nhà thơ người Kenya Khadija Abdalla Bajaber sáng tác. Tiểu thuyết lấy bối cảnh là vùng biển gần thành phố Mombasa quê hương tác giả. Nhân vật chính là cô bé gái một mình ra khơi để tìm người cha ngư phủ của mình bị mất tích. Cô bé đi trên chiếc thuyền ma thuật làm bằng xương và có khả năng tự thay đổi hình dạng mỗi khi gặp một chướng ngại mới.
Đọc “Ngôi nhà rỉ sét”, độc giả thấy đâu đó bóng dáng của “Ông già và biển cả”, nhưng tác phẩm của Khadija Bajaber có tính cách riêng và tự đứng được trên đôi chân của mình. Các hình mẫu, hình tượng có gốc gác từ văn hóa, thi ca truyền thống của dân tộc Hadrami ban đầu tưởng lạ, nhưng độc giả càng đọc lại càng lấy làm thân quen. Đấy là bởi vì tác giả đã khéo léo mượn hành trình của nhân vật chính làm “trung gian” giữa văn hóa Hadrami với bạn đọc nước ngoài. Bất kỳ huyền thoại nào cũng có một bộ mặt con người, và Khadija Bajaber đã làm điều đó với “Ngôi nhà rỉ sét”.
“Ngôi nhà rỉ sét” lần đầu tiên gây sự chú ý khi đoạt giải thưởng châu Phi của nhà xuất bản Graywolf Press (Mỹ). Giải thưởng này được trao cho tác phẩm đầu tay của các nhà văn sống và làm việc tại châu Phi. Cứ dựa theo thành công mà “Ngôi nhà rỉ sét” đã và đang đón nhận, chúng ta có thể tự tin rằng Khadija Bajaber sẽ còn chạm đến những đỉnh cao mới trong sự nghiệp tương lai của mình.
“Kiếp sau”
Trước khi Abdulrazak Gurnah giành giải Nobel Văn học 2021, tên tuổi ông đã được biết đến nhiều trong thế giới văn học châu Phi sáng tác bằng tiếng Anh. Gurnah là một đại diện cho lứa nhà văn lớn lên trong sự sụp đổ của chế độ thuộc địa. Họ sử dụng ngôn ngữ của những kẻ đô hộ mình để vừa tố cáo tội ác của chúng, vừa nhằm tăng nhận thức của cộng đồng thế giới về tình thế rối rắm và ngổn ngang mà nhiều nước châu Phi mới giành được độc lập phải đối mặt.
Tiểu thuyết “Kiếp sau” (Afterlives) tiếp tục những chủ đề từng xuất hiện trong các tác phẩm trước đó của Abdulrazak Gurnah. Câu chuyện diễn ra tại Zanzibar - quê hương của tác giả - dưới thời Đế chế Đức đô hộ. Hai thế hệ nối tiếp nhau của một gia đình tại Tanganyika (nay thuộcr Tanzania) sống qua những biến cố lịch sử quan trọng từ cuộc nổi dậy Maji Maji (kết thúc năm 1907) đến Thế chiến thứ nhất. Giữa những sự kiện lịch sử lớn lao mà vẫn còn ảnh hưởng đến Tanzania ngày nay, nhà văn vẫn khắc họa thành công những hình mẫu nhân vật đại diện cho cả một lớp người sống dưới chế độ thuộc địa.
Một điểm khiến “Kiếp sau” được nhiều bạn đọc lẫn các nhà phê bình đánh giá cao là dám đi sâu vào phân tích tâm lý từng nhân vật và cách họ phản ứng với các “ông chủ” Đức. Mối quan hệ chủ - tớ giữa kẻ đô hộ và người bị đô hộ là một chủ đề ít tác giả dám đối mặt trực diện. Phải là người có con mắt của cả nhà sử gia lẫn chuyên gia tâm lý như Abdulrazak Gurnah mới có thể làm thế thành công. Ông phân tích rất rõ lý do vì sao có những người sẵn sàng cầm roi đánh vào lưng đồng bào họ. Trong lòng những người đó bị gặm nhấm bởi những cái gì, Gurnah đều viết hết lên trang sách. Ông làm việc tưởng như khắc nghiệt vậy, nhưng nhà văn không bao giờ để mất sự công bằng của mình. Ông hiểu rằng mỗi cá nhân thật nhỏ bé trước những áp lực mà thể chế xã hội thúc vào lưng họ, nhưng cũng lại chính những cá nhân đó củng cố thêm thể chế. Đây là cách hiểu vẫn còn khá thiếu trong cách các tác giả phương Tây phân tích thế giới hậu thuộc địa.
“Gần như tất cả đàn ông Lagos bị điên”
Thành phố Lagos của Nigeria đang trở thành một trong những đô thị phát triển nhanh nhất nhì châu Phi. Lagos không còn là Thủ đô của Nigeria nữa, nhưng nó vẫn là trung tâm thương mại – tài chính cho toàn bộ khu vực Hạ Sahara. Lagos đang sản sinh những triệu phú, tỷ phú mới với tốc độ đáng ngạc nhiên, và dường như ai sống ở thành phố này cũng để mình bị cuốn vào một giấc mơ chung về sự phồn thịnh.
Tuyển tập truyện ngắn “Gần như tất cả đàn ông Lagos bị điên” (Nearly All Men in Lagos are Mad) của nữ tác giả Damilare Kuku được sinh ra trong một môi trường như thế. Nhà văn dựa vào những câu truyện mình bắt gặp khi làm việc trong ngành điện ảnh để sáng tác. Điện ảnh là một trong những ngành phát triển nhanh nhất ở Nigeria và đang thu hút không ít tài năng trẻ. Đặt những con người đó giữa đường phố Lagos rợp bóng đèn neon và quan sát cách họ “bơi” giữa những tham vọng, cuộc tình, thất bại và thành công là điều mà Kuku đã làm.
Theo tác giả, ngoài việc vẽ ra một bức tranh về thế hệ trẻ Nigeria đương thời, cô còn có một số mục tiêu khác muốn đạt được với tuyển tập truyện ngắn: “Sự giàu có vật chất chưa chắc đã phá vỡ hết những sợi xích buộc chân Nigeria với quá khứ. Trái lại để đạt được sự giàu có vật chất, nhiều người sẵn sàng hy sinh những cái gì làm nên danh tính của họ… Tôi nhìn thấy nhiều bạn bè mình là người đồng tính nhưng lại lấy người khác giới tính với họ. Họ làm thế không chỉ để vừa lòng cha mẹ, cấp trên, cộng đồng mà còn vì khái niệm về sự “thành công” của xã hội Nigeria không có chỗ cho người đồng tính… Tôi không muốn dạy dỗ ai cả. Tôi chỉ mong rằng độc giả sẽ rút ra được một cái gì đó từ những người đi trước.”.