Những tiếng reo vui bằng thơ

Thứ Sáu, 06/05/2022, 14:17

Trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, hòa lẫn trong bước chân của các binh đoàn chủ lực, có nhiều cánh quân của các binh chủng văn học nghệ thuật, trong đó đông đảo nhất có lẽ là các nhà thơ.

Như thiên chức của mình, những người làm thơ có hay không mặc quân phục ngày ấy đã kịp ghi nhanh và truyền lại cho các thế hệ mai sau cái không khí kỳ lạ của giờ khắc chiến thắng cuối cùng của cuộc trường kỳ kháng chiến đằng đẵng bao năm. Những bài thơ vô cùng giàu cảm xúc đã đành, nhưng cũng tràn ngập các chi tiết thực được lưu giữ rất tinh tế nên quý báu như những trang sử liệu bằng thơ vậy.

Ấy là hình ảnh “những cánh rừng tràn vào thành phố” trong thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, hình ảnh “những người đi tới biển” trong thơ của nhà thơ Thanh Thảo, hay cái chi tiết rất thú vị trong thơ của nhà thơ Vương Trọng, khi ông kể chuyện thấy một cô giao liên từng gặp ở Trường Sơn đang dương cao lá cờ trên tay đi giữa phố xá Sài Gòn ngày 30/4 ấy, liền hỏi vui là chiếc gậy Trường Sơn quen thuộc từng cùng em dắt mọi người trèo đèo lội suối giờ ở đâu rồi, thì liền nhận được câu trả lời bất ngờ:

Gậy em ngày ấy cầm tay
Bây giờ thành cán cờ này đó anh

image003.jpg -0
“Độc Lập theo tăng vào cổng chính”, thơ Hữu Thỉnh (ảnh tư liệu).

Một chi tiết nhỏ mà đủ sức bao gồm cả một nội hàm bao la! Đúng là chỉ có con mắt của nhà thơ mới nhìn ra. Đủ biết sức mạnh của các chi tiết trong nghệ thuật lớn lao biết dường nào!

Riêng tôi, tôi đã viết cả chùm mấy chục bài thơ theo kiểu “thơ nhật ký” trong sổ tay ghi chép và sáng tác của mình, mỗi bài thơ như một bài báo nhỏ hay một bức ảnh chụp vội cũng được. Trang báo có hạn, chỉ xin nhắc đến một bài nhỏ, ấy là bài “Mắc võng ở Sài Gòn”, với mấy câu vừa thực vừa mơ về cái đêm đầu tiên ngủ ở Sài Gòn mà tôi đã nhiều lần kể với bạn đọc:

Lần đầu về với Sài Gòn
Loay hoay tìm nơi mắc võng
Nhìn bốn bức tường nhẵn bóng
Thương tình chẳng nỡ đóng đinh.

Suốt đêm nằm không trở mình
Hai đầu võng treo song cửa
Mơ màng nửa thức nửa ngủ
Bâng khuâng nửa phố nửa rừng.

Ru anh như chiếu như giường
Đệm chăn đầu không bén gối
Trong mơ chợt nghe tiếng suối
Mở mắt quạt trần đang quay.

Tôi đã chọn chi tiết về đêm ngủ đầu tiên ở Sài Gòn vào giờ phút đầu tiên của hòa bình. Nhưng một nhà thơ khác, anh Hữu Thỉnh lại chọn chi tiết về bữa ăn đầu tiên và thời khắc buổi chiều lịch sử của ngày 30/4/1975 để lưu lại cho mai sau - bài thơ “Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập” là một loạt chi tiết hết sức thú vị mà tôi tin sẽ có sức trường tồn cùng thời gian, nhất là mỗi khi ngày 30 tháng 4 đến. Mời các bạn đọc lại toàn bài thơ giản dị mà tài tình này nhé:

BỮA CƠM CHIỀU TRONG DINH ĐỘC LẬP

Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện
Rau muống xanh như hái tự ao nhà
Trời còn đầy ắp hoa và pháo
Nhìn nhau chưa vội dở vung ra.

Màu xanh sân cỏ xanh mải miết
Quây quần đồng đội đến vui chung
Hàng cây so đũa cùng ta đó
Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng.

Khách thường thương mấy anh nhà báo
Theo tăng băng dốc mấy mươi ngày
Sáng chiếm núi Bông chiều Cửa Thuận
Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây.

Tăng vẫn dàn theo hình chiến đấu
Xích còn vương đất đỏ Phan Rang
Vừa mới vào mâm anh nuôi bận
Chia thêm tổng - thống - ngụy - đầu - hàng.

Kìa gắp đi anh, ai nấy giục
Có gắp chi đâu mải ngắm trời
Tự Do xanh quá, mênh mông quá
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi.

Bỏ lại đằng sau bao trận đánh
Kịp vào thành phố sáng tên Người
Độc Lập theo tăng vào cổng chính
Cờ treo trên đỉnh nước non ơi.

Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm
Ta reo trời đất cũng reo cùng
Ta no cười nói say đôi mắt
Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông.

HỮU THỈNH

Những tiếng reo vui bằng thơ -0

“Tự do xanh quá, mênh mông quá/ Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi”, thơ Hữu Thỉnh.

Chẳng cần bình bán gì nhiều, tôi tin bạn đọc cũng thấy những lối sử dụng chi tiết và hình ảnh tài tình của tác giả. Điều tác giả nhấn mạnh nhất là thời điểm lịch sử: giờ phút cuối cùng kết thúc chiến tranh, mà Sài Gòn được gọi là “cái đích cuối cùng” như không thể khác. Bởi vậy, không chỉ có người lính có mặt trong bữa ăn lịch sử mà muôn vật và trời đất đều tụ về lúc ấy:

Hàng cây so đũa cùng ta đó
Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng.

Lại có những lối nói mà chỉ có nhà thơ mới dùng được, ấy là sức mạnh của các liên tưởng hình ảnh “Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây” - một thứ chiến công rất “thơ mộng”, hoặc nữa:

Tự Do xanh quá, mênh mông quá
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi.
Và cách nói từ thực đến hư, từ cụ thể mà gồm hết khái quát:

Độc Lập theo tăng vào cổng chính…

Nhưng thú vị nhất có lẽ là chi tiết đang vào bữa cơm lính tráng thì anh nuôi có nhiệm vụ đột xuất:

Vừa mới vào mâm anh nuôi bận
Chia thêm tổng - thống - ngụy - đầu - hàng.

Vâng, ai chẳng biết ngay là chi tiết … hư cấu của thi sĩ, nhưng hư cấu trên cái nền thực tế nhãn tiền như thế thì người không tin là thực cũng phải “OK” mà phục tài ông nhà thơ sâu mà hóm này thôi!

Thiết nghĩ, với một bài thơ như bài này và những bài thơ mang tính ghi nhanh kịp thời về thời khắc lịch sử 30/4/1975 như ta đã biết thì chẳng cần ai phải bình luận gì nhiều. Cả người viết và người đọc đã cùng chung tâm thế, đã quá hiểu nhau thì chỉ cần đọc lên là tất cả đều chúng khẩu đồng từ mà vừa tán thưởng, vừa cười vui với nhau mà thôi.

Thế là, thơ về ngày đại thắng cũng như lòng người ngày sum họp, tất cả chỉ gồm trong một tiếng reo vui bất tận:

Ta trẻ như cờ, ta trẻ lắm
Ta reo trời đất cũng reo cùng!

Vâng, những vần thơ viết về ngày đại thắng chính là tiếng reo vui của trái tim toàn dân tộc Việt Nam, chẳng có gì khác hơn.

Anh Ngọc
.
.