Những người thắp lửa Then
Ở nhiều tỉnh như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn... công việc bảo tồn hát Then được người dân và chính quyền quan tâm. Đặc biệt, những nghệ nhân yêu văn hóa dân tộc vẫn truyền dạy cho thế hệ trẻ, để họ thêm yêu Then và có thể biểu diễn được Then.
Vừa làm ruộng, vừa hát Then
Rất nhiều thanh niên các xóm bản của huyện Định Hóa (Thái Nguyên) biết hát Then. Những câu Then dìu dặt luyến láy trong các lễ hội, màn múa hát giao duyên mùa xuân khi đại dịch COVID-19 chưa hoành hành luôn để lại ấn tượng. Nhiều bậc cao niên cho biết, mùa xuân, khách đến thăm gia đình người Tày, Nùng Định Hóa không chỉ được thết đãi rượu, mà cả lời ca tiếng hát. Câu Then hòa với đàn tính trầm trầm, đôi lúc trong trẻo như tiếng suối reo, cất lên từ những nếp nhà sàn ẩn dưới màu xanh tán cọ.
Người nông dân ân nghĩa và yêu Then, yêu tiếng hát và tự hào chung tay bảo lưu nếp sinh hoạt văn hóa của dân tộc mình. Họ, cùng với các nghệ nhân, đã hình thành các câu lạc bộ (CLB) ở hầu hết các xã, để thanh thủ truyền dạy, tập luyện, biểu diễn và bảo lưu. Ngoài lớp thanh niên, thì thành viên đa số là giáo viên, nông dân địa phương, vốn đã quen thuộc từ khi còn trong bụng mẹ. Nhiều người vừa làm ruộng, vừa hát Then. Nhiều CLB giỏi cả hát, diễn và làm đàn tính, đó là các CLB thuộc các xã Phúc Chu, Trung Hội, Yên Trạch và Phượng Tiến…
Nghệ nhân Lưu Xuân Lai, Chủ nhiệm CLB hát Then xã Phúc Chu, hiện đang sống ở thôn Đồng Uẩn (xã Phúc Chu) một người nổi tiếng cả tỉnh về giọng hát và biểu diễn, cho hay: "Quê hương tôi là vùng quê cách mạng. Chúng tôi yêu văn hóa tinh thần, nhưng cùng với đó là biết tiếp lửa, truyền dạy để lớp sau cũng biết, hiểu và biểu diễn được. Tôi cũng phải truyền dạy cho các cháu trong nhà, rồi các cháu họ và tiếp đến là các cháu có niềm đam mê. Nhà nông thì ai cũng bận, nên vì yêu mà khéo sắp xếp thời gian tham gia CLB".
Vâng, phải yêu lắm, tự hào và nhiệt huyết lắm, ông Lai mới khéo thu vén công việc gia đình, để làm tốt công tác văn hóa nghệ thuật tại địa phương. Từ năm 2006, được sự giới thiệu của UBND xã Phúc Chu, ông đã đi biểu diễn, giao lưu hát Then ở nhiều tỉnh. Trong những chuyến đi đó, ông tranh thủ gặp các nghệ nhân nổi tiếng, giỏi nghề để học tập, nghiên cứu và sưu tầm thêm những làn điệu cổ. Từ đó, ông đã thành lập CLB hát Then Phúc Chu để việc hoạt động, giao lưu thuận lợi hơn. Là người nông dân chính gốc, thừa hưởng nhiệt huyết văn hóa văn nghệ từ cha mình, anh Nguyễn Minh Sơn, Chủ nhiệm CLB hát Then xã Trung Hội đã vinh dự được người dân phong là "thày Then". Không chỉ bởi anh là thầy giáo dạy văn hóa, mà còn là người có hơn 20 năm nghiên cứu Then để đến nay có một kho tư liệu, góp phần vào kho tàng văn hóa dân tộc Tày, Nùng của Thái Nguyên.
Là giáo viên, nên anh Nguyễn Minh Sơn có nhiều điều kiện để truyền dạy cho các học trò về tình yêu Then và khả năng đàn hát. Anh Sơn cũng rất mừng, vì ở một số trường phổ thông trong huyện Định Hóa, Then đã được đưa vào giới thiệu và dạy cho các học sinh. Nhờ thế, ngày càng nhiều học sinh, bạn trẻ thuộc và biết đến vốn quý báu của dân tộc mình hơn.
"Rất may cho thế hệ sau này, là vẫn còn nhiều nghệ nhân đang tích cực truyền dạy. Đó là những người yêu nghệ thuật, yêu quê hương và có trách nhiệm với mai sau. Thanh niên phải biết Then, bởi nếu cuộc sống người Tày không có Then, như cây không lá, như mùa xuân thiếu tiếng chim hót và hương hoa. Tiếng Then vừa thể hiện niềm vui, sự cầu khấn cho người dân khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, bình an, con cái ngoan ngoãn, mùa màng tốt tươi…", anh Sơn tâm sự.
Trong quá trình tìm hiểu, tôi cũng may mắn được gặp nhà nghiên cứu Hoàng Huy Ấm, nhà ở số 2 Nguyễn Thái Học, phường Chi Lăng (TP Lạng Sơn) gần như cả cuộc đời gắn bó với văn hóa hóa dân gian các dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc. Đến giờ, tuổi đã cao ông vẫn hăng hái nghiên cứu, truyền dạy các điệu hát Then cho người dân. Các văn nghệ sĩ Lạng Sơn coi ông Ấm là người nghiên cứu Then số một của tỉnh. Tuy sức khỏe hạn chế, nhưng ông vẫn chịu khó đi sưu tầm, tiếp tục in hằn dấu chân mình ở những mảnh đất mới để tiếp tục làm giàu có vốn hiểu biết của mình, và đến tối ông thắp đèn làm việc đến khuya. Ông Ấm tâm sự rằng, mình có thói quen mấy chục năm và đến giờ vẫn giữ. "Tôi vẫn vừa đọc, nghiên cứu, viết, soạn nhạc và soạn giáo án để truyền dạy cho các học trò về văn hóa dân gian và các điệu Then. Then người Tày xứ Lạng là kho tàng quý báu, cần phải để cho nhiều người có vốn hiểu biết về giá trị cũng như nghệ thuật về Then cổ và phát huy giá trị ấy trong đời sống hiện đại".
Ngày xưa, hát Then thường được dùng trong cúng bái thần linh, trong các lễ hội xuân, cầu mưa, cầu mùa, lễ cấp sắc… Được tắm đẫm trong văn hóa và nề nếp dòng tộc hầu như ai cũng biết hát, nên có thể nói ông Ấm là con nhà nòi và bầu nhiệt huyết luôn ấm nóng. Với niềm đam mê văn hóa và âm nhạc, đồng thời muốn có thêm kiến thức để gìn giữ các điệu Then cổ, ông Ấm đã thi vào Nhạc viện Hà Nội. Tốt nghiệp, ông về công tác tại Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, đóng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Đây là môi trường và cũng là điều kiện tốt nhất để ông phát huy sở trường, đồng thời có cơ hội nghiên cứu và gìn giữ các điệu Then cổ.
Tích cực truyền dạy
Hiện nay tỉnh Lạng Sơn đang mở nhiều lớp dạy hát Then, đàn Tính. Ông Ấm luôn là người được mời kèm cặp, dạy cho nhiều lớp và đến nhiều CLB hát Then để truyền đạt kiến thức cho họ. Tuy nhiên, trước cơ chế thị trường, văn nghệ dân gian cần được người trẻ quan tâm nhiều hơn nữa.
Là học trò của ông Ấm, cũng được học văn hóa tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, chàng trai trẻ người Tày, Hoàng Việt Bình đã sáng lập Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật truyền thống của trường Đại học Văn hóa khi cậu còn là sinh viên. Sau này, về công tác tại Lạng Sơn, cậu cũng tích cực truyền dạy cho nhiều người trẻ biết đến Then nhiều hơn nữa. Còn nghệ nhân ưu tú Hà Thị Mai Ven, Chủ nhiệm CLB Điếp Sli Then, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) cho biết: "Trong quá trình hoạt động, các hội viên CLB đã tham gia truyền dạy hát then, đàn tính cho học sinh tại các trường tiểu học. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng truyền dạy dân ca miễn phí cho các em nhỏ trong vùng nên nhiều em say mê, yêu thích làn điệu then, gảy đàn tính".
Ở Thái Nguyên, trong mấy năm gần đây, nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Hồng, Chủ nhiệm CLB Hát then tỉnh Thái Nguyên cũng thường về Định Hóa để cùng các nghệ nhân địa phương truyền dạy cho các lớp học. Người Định Hóa biết ơn bà lắm. Bởi dù đường xa, mưa rét hay nắng nôi, bà vẫn đến nhiệt tình giảng dạy. Dù có thời gian, bà mệt, khản giọng, nhưng bà vẫn cố gắng hướng dẫn các học viên, không để lớp nào phải nghỉ.
Quanh chuyện hát Then, đàn tính, nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Hồng đã say sưa kể cho chúng tôi nghe về Mường trời, Mường pụt, về nghi lễ Then và các điệu Then của vùng Việt Bắc, trong đó có "Khửn tàng pây cầu an", gồm 10 chương trích đoạn trong Then cổ của các dân tộc Tày. Phải khẳng định, Then và đàn tính đang được phổ biến rộng rãi, với nhiều "kênh" khác nhau trên nhiều tỉnh vùng cao. Điều đó thể hiện nỗ lực của những người con yêu quê, có tâm, mong muốn những giá trị quý báu được giữ lại. Và để mỗi mùa xuân, câu Then lại vang lên, như hồn người Tày, Nùng giao lưu cùng trời đất. Dẫu thế, nhiều nghệ nhân chung tâm sự rằng, việc gìn giữ cũng nhiều nỗi khó khăn. Bởi, để Then "ngấm" vào thế hệ thanh niên ngày nay, thật chẳng dễ dàng.
Nghệ nhân Lưu Xuân Lai khẳng định: "Tuổi trẻ cũng bận học hành, bận làm việc kiếm sống. Đâu có thể dành nhiều thời gian, tâm huyết cho Then. Cũng may, trong gia đình tôi, vợ và các con tôi đều biết hát Then. Tôi nghĩ, như thế là đã làm lan tỏa được giá trị rồi. Qua nhiều biện pháp truyền lửa, chúng tôi tin Then sẽ sống mãi".
Một điều thật đáng mừng là năm 2019, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là một vinh dự lớn. Tuy nhiên suốt nhiều năm, việc bảo tồn Then vẫn do cấp tỉnh, cụ thể hơn là do các nghệ nhân, người dân gìn giữ bằng tâm huyết. Cơ chế hỗ trợ các nghệ nhân dân gian còn nhiều bất cập, việc truyền dạy chưa thật sự được quan tâm, nên cần phải cụ thể và sâu sắc hơn nữa trong việc nhân lên số người đam mê hát Then.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030", theo đó nghệ thuật Then cũng sẽ được quan tâm. Mong rằng, đề án sẽ đi vào đời sống, quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo tồn nghệ thuật Then truyền thống.