Những ngọn gió xuân...
Trong thần thoại Hy Lạp có 4 vị thần đại diện cho 4 ngọn gió đều là con trai của nữ thần Rạng đông Eos và thần Chiêm tinh Astraeus: Zephyrus - cơn gió tây của mùa xuân, Notus - cơn gió nam của mùa hè, Eurus - cơn gió đông của mùa thu và Boreas - thần gió bắc lạnh lẽo. Họ đem lại mưa gió thuận hòa, nhưng cũng có khi đem tới bão tố khủng khiếp.
Trong số này Zephyrus là vị thần “phong tình” nhất. Vào mùa xuân chàng thường hóa thành những con ngựa gió để giao phối với bầy ngựa cái sinh ra cả đàn ngựa con.

Zephyrus còn cưới nữ thần Cầu vồng Iris và sinh ra một người con trai là vị thần Đam mê Pothus. Lại có mối tình “ngoài lề” với nữ thần Hoa cỏ Chloris cùng làm cho đất đai màu mỡ và khí hậu ôn hòa, cây trái tốt tươi. Không chỉ vậy, còn đem lòng yêu chàng trai trẻ đẹp Hyacinthus. Không được đáp lại, Zephyrus nổi giận thổi bay chiếc vòng vô tình đập trúng đầu Hyacinthus. Tiếc thương một chàng trai chết oan, thần Apollo hóa Hyacinthus thành loài hoa dạ lan hương.
Như vậy người Hy Lạp cổ đã cắt nghĩa gió gắn liền với sự phong tình phồn sinh trong mùa xuân. Có lẽ xuất phát từ thực tế ngoài đời sống, khi mùa xuân đến, gió sẽ làm công việc thụ phấn cho các loài hoa. Cùng với các loài côn trùng khác gió xuân đủ nhẹ góp phần tạo ra ý nghĩa sinh sôi nảy nở này.
Nhờ được thiên nhiên ưu ái nằm giữa đại lục, đất đai tươi tốt, cây cỏ hiền hòa, phong phú các loài động vật, gió đi vào văn hóa Trung Hoa có tên Phong Bá (tên gọi khác là Phi Liêm, Phong Sư, Cơ Bá) - một hình tượng của Đạo giáo có thân nai, đầu chim, sừng hươu, đuôi rắn. Khi chạy thì hóa thân vào con báo. Vì vô hình vô ảnh nên gió được “hữu hình hóa” thành mô hình các con vật nhưng có mối liên hệ gần gũi. Như đúng với thực tế về báo chạy nhanh nhất trong các loài vật, đúng là “nhanh như gió” vậy.
Có sao chủ là sao Cơ - chòm bảy sao ở phương Đông, một trong 28 sao thiêng (Nhị thập bát tú), thần được hình dung là một ông lão đầu tóc bạc phơ, tay trái cầm “bánh xe gió”, tay phải cầm “quạt gió” xưng là “Phương Thiên Quân”. Đến đời Đường - Tống, Phong Bá được gọi là “Phong Di” (Dì Gió) cho mềm mại, nhẹ nhàng, và cũng phù hợp hơn với tiết xuân (xuân phong, đông phong). Trong thơ Đường Tống có nhiều những làn gió xuân thể hiện tâm trạng, nổi tiếng nhất ở bài "Đề đô thành Nam trang" (Thôi Hộ) có câu “Đào hoa y cựu tiếuxuân phong”. Ngọn gió xuân này thổi vào "Truyện Kiều" đọng lại câu thơ: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
Qua hình tượng gió xuân cho thấy hai phong cách, phương Tây thiên về duy lý, thực tế, quan tâm nhiều hơn đến thiên nhiên; phương Đông thiên về duy tình, hướng sự chú ý vào mối quan hệ người với người, có tả thiên nhiên cũng là để nói đến con người (tả cảnh ngụ tình).
Trong văn chương Việt, Thiền sư Viên Chiếu (đời Trần) viết "Tham đồ hiển quyết" có những câu về gió xuân rất lạ: “Khô mộc phùng xuân hoa cánh phát/ Phong xuy thiên lý phức thần hương” (Cây héo vào xuân hoa nở đầy/ Gió đưa ngàn dặm nức hương thần). Một sự tương phản triệt để: cây (dù) khô nhưng gặp xuân thì nở đầy hoa, gió đưa hương thơm xa ngàn dặm. Càng đáng quý hơn đó tình yêu cuộc sống, cái đẹp, niềm lạc quan mạnh mẽ của một thi sĩ - thiền sư.
Bài "Cây chuối" của Nguyễn Trãi có cái nhìn khác: “Tự bén hơi xuân tốt lại thêm/ Đầy buồng lạ màu thâu đêm...”. Một cây chuối rất Việt Nam đầy sức sống vào mùa xuân! Rất có thể chịu ảnh hưởng từ bài "Vị triển ba tiêu" của Tiền Hử thời vãn Đường: “Đuốc lạnh không khói, ngọn nến xanh/ Nõn chuối thơm còn cuốn vì sợ cái rét xuân/ Phong thư còn giấu điều gì đó/ Gió xuân về lén mở ra xem” nhưng "Cây chuối" khác ở chỗ đón gió xuân ấm áp, nhất là cái nhìn “độc sáng” coi đó là bức thư tình thì thật mới. Trong bài "Hoa đào I", gió xuân của Nguyễn Trãi còn có tình như con người: “Một đóa đào hoa khéo tốt tươi/ Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười/ Đông phong ắt có tình hay nữa/ Kiện tiển (quý vô cùng) mùi hương dễ động người”.

Lê Đức Mao đỗ Tiến sĩ năm 1505 đời vua Lê Uy Mục có bài "Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào" (viết trước 1504) vui tươi, ngộ nghĩnh: “Mừng xuân, xuân yến, xuân ca/ Bốn dân mưa huệ, trăm nhà gió huân”. “Gió huân” chỉ gió mát phương nam thổi vào mùa xuân. Gió xuân không còn là “đông phong” nữa, mà là gió nam, đậm chất Việt hơn. Nhà thơ miêu tả niềm hân hoan trong hội xuân: “Ba làng vui vẻ ngày vui/ Tung ba tiếng chúc, gió mười dặm xuân/ Nhởn nhơ cõi thọ, nền nhân/ Vui lòng hy tạo, tụng ân bình hòa…”.
Hoàng Sĩ Khải đậu Tiến sĩ năm 1544 đời Mạc làm nhiều thơ, còn để lại "Tứ thời khúc vịnh". Khi tập đoàn Lê-Trịnh thắng nhà Mạc, ông làm thơ ca ngợi thời thịnh trị sắp đến: “Trường An xe ngựa rân rân/ Đâu đâu mừng thấy tiết xuân đã về/…Thiều quang phủ khắp gần xa/ Gió nhân hây hẩy khí hòa hây hây”. “Gió nhân” cũng là “gió xuân”, tức lòng người vui vẻ, hân hoan.
Làm bạn với các sứ giả Triều Tiên trong dịp đi sứ Trung Hoa, Lê Quý Đôn có bài thơ "Giản Triều Tiên quốc sứ Hồng Khải Hy, Phó sứ Triệu Vinh Tiến, Lý Huy Trung" (Viết gửi Chánh sứ Triều Tiên Hồng Khải Hy, Phó sứ Triệu Vinh Tiến, Lý Huy Trung) có hai câu cuối thật ý nhị: “Lữ hoài tịch diệp như hoa phiến/ Tân hướng xuân phong vị triển dương” (Tình lữ khách xếp chồng như nếp quạt hoa gấp lại/ Hướng về gió xuân được mở tung).
Theo các ghi chép, nhân sứ bộ Triều Tiên mời tiệc sứ bộ An Nam (tại Yên Kinh) và tặng các quà quý như thuốc, quạt giấy (đặc sản văn hóa Triều Tiên), Lê Quý Đôn làm thơ cảm tạ. Mượn hình ảnh cái quạt gấp lại, hướng về gió xuân thì nở tung (như hoa) nhà thơ ca ngợi tình bạn giao hảo hai nước vui vẻ như đón gió xuân hòa bình, hữu nghị, thân thiện, nồng ấm!
Phùng Khắc Khoan (1528-1613) làm quan lớn - Thượng thư bộ Công (1599), Thượng thư bộ Hộ (1602) rất thương dân. Ông làm thơ mỉa mai bọn nho sĩ ăn chơi chẳng quan tâm đến thời thế loạn ly: “Chí bình sinh (chỉ) mong được đi ngựa xem hoa lúc gió xuân/ Bắt chước hạng ăn chơi ở Trường An học món gà chọi để cầu phú quý” ("Nguyên đán". Thơ chữ Hán). Mượn “gió xuân” tái hiện không gian (mùa xuân) để châm biếm những kẻ gọi là có học mà vô cảm đua đòi, chơi bời trong khi dân tình đói khổ. Đó là điều đáng quý ở nhà thơ nhân đạo vì dân này.
Nguyễn Công Trứ nhất quán “hành đạo” với “hành lạc”, ưa tự do, chỉ muốn vượt ra ngoài những trói buộc khắt khe để “ngông nghênh”, “ngất ngưởng” với đời. Lẽ tự nhiên con người ấy bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu thế gian để đi theo tiếng gọi cá nhân: “Khen chê phơi phới ngọn đông phong” (Bài ca ngất ngưởng)… “Đông phong” ở đây lại làm ẩn dụ cho dư luận, coi khen chê như gió thổi. Nhà thơ ngạo nghễ khẳng định bản thể: “Người có biết ta chăng thì chớ, chẳng biết ta, ta vẫn là ta”… Sống ở thời ngột ngạt, nhố nhăng, Tú Xương có bài Xuân hứng khát khao một sự đổi thay: “Một ngọn đông phong sẽ thổi phào/ Đông quân nhường tỏ lối ra vào”. “Đông phong” là gió xuân, “đông quân” tức mặt trời hay thần mùa xuân. Một gửi gắm mãnh liệt, dù xa xôi: cái mới thật lớn lao sẽ về…
Ở khu vực văn học dân gian, gió xuân thổi trong "Truyện Trinh thử" - một ngụ ngôn đặc sắc về chủ đề đề cao đạo lý nhân nghĩa thuỷ chung và phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy cạm bẫy. Một đêm Chuột Bạch đi kiếm mồi về nuôi con chẳng may gặp nạn liền chạy vào một hang nọ, ngẫu nhiên đấy là “nhà” của vợ chồng Chuột. Lúc này Chuột Cái đi vắng, Chuột Đực bèn đem lời quyến rũ, mồi chài, ve vãn, đe dọa. Chuột Bạch cũng cố gắng mềm mỏng, kiên quyết giữ mình…
Câu chuyện là “lời” của hai nhân vật với những “lớp” ngôn từ đối lập sinh động: ướm hỏi - phản ứng; thăm dò - khẳng định; mồi chài, lôi kéo - phủ định, vạch trần; tấn công - ngăn chặn… thật hấp dẫn. Lời Chuột Đực trau chuốt, bay bướm, văn hoa, đúng là lời của kẻ “tán gái” ỡm ờ: “Hay là nhắn cá gửi chim/ Đêm xuân đón gió đi tìm mùi hương”. Ngọn “gió” đêm xuân ở đây lại mang tính “trăng gió”… Chuột Cái đột ngột trở về. Thế là cái ghen “thường tình” nổi lên. Lời Chuột Cái ngoa ngoắt, chanh chua, đay nghiến, đanh đá nhưng cũng rất bóng bẩy, hoa lá…
Là một thuộc tính của mùa xuân, gió xuân luôn nhẹ nhàng, mát mẻ, lại là tác nhân của sự sinh sôi, nên được các thi nhân gửi vào đấy chất phồn thực phong tình. Có xuân là có gió. Gió xuân thổi nhiều hơn trong mảnh đất văn chương hiện đại, đa sắc thái, nhiều cung bậc, cấp độ hơn. Xin được dừng lại với những ngọn gió xuân trước thời trung đại.