Những ngôi trường mang tên nữ anh hùng liệt sĩ xứ Đoài

Thứ Năm, 21/07/2022, 16:10

Liệt nữ Anh hùng ấy là Đỗ Thị Sinh, bí danh Minh Hà (1925 -1947) - người con của "Xứ Đoài mây trắng" - sinh trưởng trong một gia đình nhà nho tại thôn 3 xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Phụ thân bà là cụ Đỗ Khắc Tuân, người từng được triều đình Nhà Nguyễn sắc phong Cửu phẩm văn giai năm 1926. Được cha mẹ nuôi ăn học, bà theo nghề y và cô em gái theo nghề sư phạm.

Là người sớm có lòng yêu nước và căm thù giặc, năm 1942, bà tìm đến ánh sáng của lý tưởng cách mạng. Nhờ người anh rể là Nguyễn Văn Canh (sau làm Bí thư Đảng ủy đầu tiên của xã Canh Nậu, liệt sĩ thời kỳ chống Pháp) dìu dắt và giác ngộ về Đảng Cộng sản, bà tham gia hoạt động cách mạng, lấy bí danh Minh Hà. Năm 17 tuổi, Minh Hà được cha mẹ cho đi học lớp cứu thương tại Hưng Yên, sau đó về làm y tá tại Nhà thương Sơn Tây (Bệnh viện Sơn Tây ngày nay). Bà vừa chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, vừa kết hợp tham gia công tác tuyên truyền, vận động cách mạng trong quần chúng.

Những ngôi trường mang tên nữ anh hùng liệt sĩ xứ Đoài -0
Đoàn đại biểu Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, UBND huyện Thạch Thất và thân nhân viếng mộ nữ anh hùng Minh Hà (Đỗ Thị Sinh).

Năm 1944, bà được tổ chức giao nhiệm vụ tham gia gây dựng tổ chức Việt Minh tại khu vực giáp ranh liên huyện ở các xã: Hiệp Thuận (huyện Quốc Oai) và xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất), quê hương của bà. Với các hình thức thể dục thể thao luyện tập võ gậy, làm công tác vệ sinh phòng bệnh, bà đã tập hợp và tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng. Đến tháng 1 năm 1945, tổ chức Việt Minh do bà lãnh đạo đã thực hiện các hoạt động như: rải truyền đơn, tập hợp lực lượng, chống thu thóc tạ, cảnh cáo răn đe bọn phản động đàn áp nhân dân…

Ngày 12/5/1945, bà bị phát xít Nhật bắt khi đang viết tài liệu tuyên truyền chính sách của Việt Minh. Thấy Minh Hà còn trẻ, có nhan sắc lại hiểu biết rộng (bà khá thạo tiếng Nhật), bọn giặc đã dùng tiền bạc, bổng lộc hòng mua chuộc bà. Một tên sĩ quan Nhật còn ngỏ ý muốn lấy bà làm vợ. Bà cương quyết chống lại âm mưu của địch. Biết không thể khuất phục nổi người nữ đảng viên trẻ tuổi bất khuất kiên trung, giặc giam bà tại nhà tù Kim Đái (Sơn Tây). Chúng tra tấn dã man nhưng bà vẫn kiên cường chịu đựng, giữ vững khí tiết người đảng viên cộng sản.

Tháng 7/1945, được sự giúp đỡ của một số bạn tù, bà đã vượt ngục thành công, trở về tiếp tục hoạt động củng cố phong trào cách mạng tại địa phương. Tháng 8/1945, bà cùng các đồng chí cán bộ cách mạng lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở xã Canh Nậu và tỉnh Sơn Tây, sau đó tham gia công tác chính quyền cách mạng.

Năm 1946, bà được cấp trên cử về công tác ở Tỉnh Quảng Yên, một địa phương mà các cơ sở cách mạng vừa trải qua đợt khủng bố nặng của giặc.

Năm 1947, bà trở thành Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Yên (nay là Quảng Ninh). Tỉnh ủy đã phân công bà phụ trách địa bàn cơ sở kháng chiến còn non yếu. Ở đó, địch hoạt động chống phá ta ác liệt, nhiều cơ sở bị vỡ, không ít cán bộ đã hy sinh. Điển hình là địa bàn xã Phong Cốc, huyện Yên Hưng - Quảng Yên. Hồi bấy giờ huyện Yên Hưng có 6 xã với trên 1 vạn dân. Giặc biết có cán bộ tỉnh về nằm vùng, lãnh đạo quần chúng nên đã truy lùng ráo riết. Minh Hà được gia đình cơ sở cách mạng là mẹ đẻ của cô Tô Thị Thu (cô Thu là Chủ tịch UBND xã Phong Cốc, huyện Yên Hưng), cùng nhân dân nuôi giấu và hết lòng đùm bọc, che chở.

Bị mật thám theo dõi gắt gao, lại thêm có kẻ chỉ điểm nên bọn giặc đã dùng thủ đoạn đột kích: chúng giăng dây hai đầu đường liên xã, bắt giữ hơn 30 người đang trên đường đi chợ, trong đó có Minh Hà. Do mới chỉ nghe danh tính, ngay cả kẻ nội gián cũng không biết rõ mặt Minh Hà nên chúng đưa tất cả những người vừa bắt được về Phòng Nhì tại thị xã Quảng Yên. Chúng tuyên bố sẽ thưởng cho ai chỉ mặt người nào có tên là Minh Hà? Thậm chí chúng còn dùng thủ đoạn tra hỏi, đe dọa đánh đập dã man mọi người, hòng tìm ra bằng được Minh Hà. Không muốn vì mình mà những người khác phải bị liên luỵ, bắt bớ, bà đã tự bước ra khỏi đám đông dõng dạc nói với lũ giặc: “Tao chính là Minh Hà, còn tất cả những người kia đều là người dân lương thiện đi chợ, không một ai có liên quan tới tao cả”.

Địch buộc phải thả tất cả những người bị bắt vô cớ, còn giam giữ một mình bà. Dụ dỗ, mua chuộc không được, chúng tra tấn bà vô cùng dã man, Minh Hà vẫn một lòng bảo vệ cơ sở kháng chiến vừa được gây dựng lại, cắn răng chịu đòn, không khai nửa lời. Lũ giặc khát máu không có chứng cứ nào kết tội được bà, chúng cho tay chân tàn nhẫn đánh bà đến chết trong nhà tù.

Đêm 14/7/1947, địch đem xác bà thả xuống dòng sông Chanh (một nhánh của sông Bạch Đằng) để phi tang. Xác bà trôi dạt vào xã Phong Cốc, được bà con địa phương kín đáo vớt lên. Ngày 15/7/1947, một phong trào đấu tranh của nhân dân bùng nổ đòi thả người vô tội nhằm đánh lạc hướng bọn địch. Trong lúc ấy, một nhóm cán bộ và nhân dân đã tranh thủ khâm liệm, mai táng bà chu đáo. Sau đó, nhân dân còn nhiều lần đấu tranh, đòi lập miếu thờ bà tại xã Yên Hưng, buộc bọn địch phải nhượng bộ. Minh Hà khi ấy đang là Tỉnh uỷ viên tỉnh Quảng Yên, mới 22 tuổi.

Những ngôi trường mang tên nữ anh hùng liệt sĩ xứ Đoài -0
Tượng đài nữ anh hùng liệt sĩ tại Trường THPT Minh Hà (TX Quảng Yên).

Từ khi bà hy sinh đến nay đã 75 năm trôi qua, tấm lòng người dân đất Quảng Ninh vẫn một lòng hướng về bà. Miếu thờ người nữ liệt sĩ luôn tỏa ngát khói hương tri ân và tưởng nhớ.

Ghi nhớ công lao của bà, ngày 24/6/2005, Nhà nước đã truy tặng bà danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vào dịp này, đoàn đại biểu Đảng bộ, HĐND và UBND huyện Thạch Thất và thân nhân của liệt sĩ Minh Hà đã đến thắp hương kính viếng bà tại xã Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Vinh danh và tri ân nữ anh hùng liệt sĩ  Xứ Đoài, Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Phong Cốc (nay là phường Phong Cốc) thành lập năm 1948, đã lấy tên là chi bộ Minh Hà. Năm học 1967 - 1968, trường cấp 3 Hà Nam (nay là THPT) được UBND tỉnh Quảng Ninh ký quyết định  mang tên Minh Hà. 

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, tháng 12/2013, công trìnhxây dựng tượng đài nữ Anh hùng Liệt sĩ Minh Hà được khởi công tại khuôn viên của Trường THPT Minh Hà. Kinh phí được thị xã Quảng Yên hỗ trợ 200 triệu đồng, phần còn lại được huy động bằng nguồn vốn xã hội hóa. Không có ảnh, tượng được tạo tác mô phỏng theo hình ảnh cô em gái ruột rất giống bà. Tượng được khánh thành ngày 13 tháng 4 năm 2014, làm bằng chất liệu đá trắng, tư thế đứng hiên ngang, toàn thân, cao 2,7m; bệ tượng cao 1,3m, khắc họa hình ảnh của bà năm 22 tuổi.

Không chỉ được ngưỡng mộ, tôn vinh tại Quảng Ninh - địa phương bà Minh Hà trực tiếp hoạt động cách mạng và hy sinh anh dũng, mà trên quê hương xứ Đoài của bà tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, từ năm 2006 đã có ba ngôi trường mang tên bà: Trường THCS Minh Hà, Trường Tiểu học Minh Hà A, Trường Tiểu học Minh Hà B. Đặc biệt, kể từ năm học 2022 - 2023 này, huyện Thạch Thất có thêm một ngôi trường nữa mang tên bà: Trường THPT Minh Hà. Theo kế hoạch tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm nay trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 10 lớp học khối 10 với tổng số 450 em học sinh.

Phát huy truyền thống Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và huyện Thạch Thất Anh hùng, nhiều năm học vừa qua và hiện nay, cán bộ - giáo viên - học sinh các đơn vị giáo dục: Trường THCS Minh Hà, Trường Tiểu học Minh Hà A, Trường Tiểu học Minh Hà B đã và đang dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi: Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Thầy cô giáo và học sinh các nhà trường ra sức thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Dù khó khăn đến đâu cũng thi đua dạy tốt, học tốt", xứng đáng với danh tính của bậc liệt nữ kiên trung Anh hùng bất khuất Minh Hà.

Nguyễn Thị Thiện
.
.