Những ngôi nhà kỳ dị trong rừng thông

Thứ Bảy, 02/10/2021, 16:07

Năm trước đi trại viết ở Đà Lạt, mọi người đố tôi dám vào "biệt thự ma" theo lời đồn đại của du khách và người dân ở đây dưới chân đèo Pren vào buổi tối. Nghe tới chuyện ma tôi gai người nhưng lại thấy thích thú vì tò mò. Đà Lạt có nhiều biệt thự hoang phế không người qua lại nên ai cũng ngại tới. Nhưng ngôi nhà hoang ở chân đèo Pren được người đời đồn thổi là "có ma" thật. Đêm đêm cánh lái xe đều gặp bóng một cô gái mặc áo trắng hiện ra từ một ô cửa sổ nào đó.

Liều một phen với ma đêm

Tất nhiên tôi không dám đi một mình và trông cậy cả vào chàng nghệ sĩ nhiếp ảnh Phước "khùng" (biệt danh MPK). Gặp nhau ở quán cà phê Ngọc Tùng trên phố khi biết sự liều một phen của tôi thì MPK nhận lời dẫn đường liền. Bởi lẽ anh rất thạo đường đi lối lại. Hơn nữa ngôi biệt thự ấy lại cách xa thành phố tới hơn chục cây số. Một nơi hẻo lánh hoang lạnh không bóng người qua lại. Vậy mà MPK đã từng dẫn đoàn phim tới ngôi biệt thự ma này dựng phim. Lại có lần anh tha thẩn cả ngày để chụp ảnh những giọt nhựa thông để bày triển lãm. Nhưng đến đó vào những đêm vắng người thì anh chưa một lần tuy sinh sống ở Đà Lạt đã nửa thế kỷ. Chuyến đi của chúng tôi có hai sự tò mò. Một là rất mới với tôi. Hai là rất cũ với MPK. Đợi đến chập tối chúng tôi thuê xe máy lên đường. Con dốc hun hút gió lạnh trời bỗng sập tối làm tôi giật mình.

nha.jpg -0
Một góc biệt thự Hằng Nga.

Trên đường đi MPK cho biết ở Đà Lạt có tới mươi ngôi nhà ma. Đa số là ở trong phố hoặc xa một chút thì chỉ có ngôi biệt thự ở trên đường Cam Ly. Ngôi nhà ma này một thời làm mọi người hoảng sợ không dám đi qua vì có những tiếng người hú về đêm. Một câu chuyện có thật đã xảy ra đó là cái chết của một cô gái người dân tộc ở đây. Cô đã treo cổ chết ở ngôi nhà này vì bị một kẻ Sở Khanh lừa tình. Vì thế người ta dọn đi bỏ lại ngôi nhà hoang phế cả mấy chục năm.

Tiếng người hú về đêm có lẽ chỉ là tiếng gió từ núi Lang Biang dội về. Có thể là những thác gió xối mạnh qua khe cửa mà nghe như tiếng người gào. Không ai dám đi vào lúc nửa đêm là vì thế. Riêng ngôi biệt thự số 8 đường Quang Trung lâu nay đã trở thành nơi làm việc của một cơ quan hẳn hoi. Vậy mà cứ đêm đến, qua đây ai cũng thấy có tiếng trẻ con khóc thậm chí còn gào lên như tiếng mèo hoang nghe rợn người.

Chẳng mấy chốc chặng đường tới chân đèo Pren thu ngắn lại. Rừng thông rậm rít réo rắt trong tiếng gió ào ạt tràn về. Con đường dẫn vào "ngôi nhà ma" hiện ra mờ mờ trong sương xám xịt. Ngôi nhà sẫm đen trước mắt. Tim tôi bắt đầu loạn nhịp vì tiếng gió rít lên qua những khe cửa trống. Bất ngờ MPK nói to: "Đi vào nhà nghen!". Tôi giật bắn mình ngỡ như vừa bị ma hù dọa. Tất nhiên MPK đi trước, tôi lò dò theo sau. Bất ngờ tôi vấp vào bậc cửa thế là bổ nhào về phía trước. MPK đỡ tôi rồi đi nhanh vào trong nhà. Tôi chững người lần theo cái bóng của MPK. Tôi vội bật đèn ở điện thoại lên để dõi theo bước chân MPK. Chúng tôi đi nhanh lên tầng hai. Bỗng điện thoại tuột khỏi tay tôi. Ánh sáng tắt ngấm.

Tôi định quay xuống tìm điện thoại thì có một bàn tay chặn lại. Khi ấy tôi bước hụt, suýt bị rơi xuống tầng một. Một cánh tay lạnh ngắt ôm ngang lưng tôi kéo lên. Thì ra đó chính là cánh tay trần của MPK. Tôi hoảng hồn. Anh có thói quen lạnh mấy cũng chỉ mặc áo phông bò ba lỗ. Lúc này tiếng gió rít trong rừng thông âm u tràn tới. Ngôi nhà như muốn bay lên trong cơn gió giật. Cơn mưa bất chợt ập xuống.

Trời lạnh xuống chừng 13 độ. Tôi và MPK co ro đứng im trong bóng tối. Bỗng có tia chớp lóe lên. Ba ngôi mộ hoang hiện ra dưới chân vườn thông. Gió lại ào tới. Tôi hồi hộp hỏi MPK liệu "có ma" sẽ xuất hiện chăng. MPK bật cười dẫn tôi tới một khung cửa sổ rồi hét rõ to: "Hai con ma đây!". Nói rồi hai cánh tay anh trắng nhợt vung lên cao hù dọa tôi trong đêm tối. MPK cười sằng sặc. Còn tôi ém mình sau khung cửa thở dồn dập trong ánh chớp mưa sa. Thì ra ma chỉ là trong trí tưởng tượng thần hồn nát thần tính của tôi mà thôi. Dù sao một trải nghiệm lạ và căng thẳng cũng làm cho tôi cảm giác thú vị.

"Ngôi nhà ma" ngày

Sáng hôm sau MPK chỉ đường cho tôi đến phố Huỳnh Thúc Kháng để vào biệt thự Hằng Nga. Cái tên thì đẹp nhưng ngôi nhà lại được xây quái dị nhất thành phố Đà Lạt. Người ta nói đó là "ngôi nhà ma" thì đúng hơn. Một ngôi biệt thự kỳ lạ. Mọi người gán cho nó cái tên Crazy House. Một ý tưởng điên rồ của chủ ngôi nhà. Hình biệt thự là một cái cây khổng lồ nằm trên một diện tích chừng 2.000 mét vuông. Cái cây khổng lồ này được nhái theo chuyện chú Cuội ngồi gốc cây đa trên Mặt trăng. Các nhánh cây mở rộng xù xì tựa những dòng dung nham nóng chảy. Trong mỗi nhánh cây hay thân cây là những căn phòng sang trọng. Chúng được gắn với những cái tên rất cổ tích như "Con gấu", "Con ong", "Quả bầu", hay "Hươu cao cổ", hoặc "Kangaroo"... Đường đi lên các phòng bằng nhiều cách. Có thể lên các bậc thang ở ngoài hoặc chui trong lòng ruột rỗng của vỏ cây. Tôi như bị chìm ngập trong một mê cung kỳ diệu. Mỗi góc khuất là một bất ngờ về đường nét kiến trúc. Những ô cửa như con mắt ngộ nghĩnh mời chào. Ánh sáng lấp lánh như cầu vồng cuốn theo chiều gió lung linh trên cao. Đúng là một ngôi nhà có kiến trúc kỳ dị và ấn tượng.

nha2.jpg -0
Đường lên tầng cao của biệt thự Hằng Nga.

Kiến trúc sư, Tiến sĩ Đặng Việt Nga chủ ngôi nhà có ý tưởng muốn con người trở về với thiên nhiên. Biểu tượng cây đa nhiều cành vươn lên cao là sự hòa nhập vũ trụ của con người. Hàng trăm biến ảo về hình hài và màu sắc được hòa tấu lên bản trường ca thiên nhiên mà những bộ tộc K'ho bản địa đã gìn giữ bao lâu nay. Nhiều đêm bà đã chơi đàn Piano ngân vang trong gió bão. Ngôi nhà cây vũ trụ của bà luôn vững chãi sáng bừng lên những âm thanh. Cung điệu ngân vang mời gọi những già làng và các chàng trai cô gái K'ho trở về. Hình ảnh họ ăn mừng và nhảy múa quanh những cây nêu luôn ám ảnh người kiến trúc sư tài hoa này. Về triết lý kiến trúc giống như những cây nêu có "Anten" kết nối với thế giới tâm linh giữa trời đất. Con người và vũ trụ là một phải nương tựa vào nhau mà sinh sôi nảy nở.

Vậy mà ngôi nhà này suýt bị đập bỏ bởi bị coi là kỳ dị khùng điên. Ban đầu bà đã phải mất tới bảy lần xin giấy phép xây dựng mới xong. Khi hoàn thành và chuẩn bị khai trương thì thành phố lại có chủ trương phá đi (1993). Họ cho là Crazy House phá vỡ cấu trúc của đường phố, ngược đãi với sự thẩm mỹ của các ngôi biệt thự truyền thống cổ điển của Đà Lạt hơn trăm năm qua. Thậm chí họ còn cho ngôi nhà gợi lại những yếu tố mê tín ma mị. Họ quyết định ngày đập bỏ biệt thự Hằng Nga. Lúc này Tiến sĩ Đặng Việt Nga đã phải cấp tốc viết gửi tới những đồng chí lãnh đạo trên Trung ương để giải thoát tai họa. Đến nay Crazy House được xếp hạng là một trong mười ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới. Mỗi năm đón hơn chục ngàn khách tới thăm và đóng thuế cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng. Crazy House trở thành địa chỉ văn hóa độc đáo của thành phố Đà Lạt. 

Người chuyên vẽ biệt thự

Hiện nay người có nhiều biệt thự nhất trong tay chính là họa sĩ Vi Quốc Hiệp. Anh đã vẽ hàng trăm bức tranh về biệt thự ở Đà Lạt. Họa sĩ gắn bó với Đà Lạt đã hơn 40 năm và bị mê hoặc bởi chính vẻ kỳ ảo của những ngôi nhà trong rừng thông. Anh đã mở nhiều triển lãm tranh về biệt thự Đà Lạt. Họa sĩ cho biết những biệt thự ở Đà Lạt đa số là tác phẩm nghệ thuật kiến trúc của hai ông Ernest Hebrad và Jacques Lagisquest người Pháp. Người ta muốn biến Đà Lạt thành một tiểu Paris. Do đó những ngôi biệt thự tạo nên vườn hoa nghệ thuật kiến trúc ở miền xứ lạnh này.

Ngày đầu gặp nhau, họa sĩ Vi Quốc Hiệp đã dẫn tôi về nhà xem phòng tranh của anh. Tôi như bị cuốn theo sắc màu kỳ ảo của những mái ngói trong rừng thông. Mỗi ngôi nhà của anh như có một nhịp điệu chuyển động của màu sắc. Đó có thể là điểm nhấn ở ô cửa sổ hay ống khói vươn lên trong sương bay. Nhất là có những ngôi nhà họa sĩ vẽ khi chúng có nguy cơ bị con người phá sập. Những ô cửa như những con mắt buồn và đôi khi chúng muốn gào lên trong sự đớn đau. Họa sĩ muốn sưởi ấm cho những ngôi nhà bằng ngọn lửa tâm hồn mình qua sắc màu tràn ngập tình yêu thương.

Vương Tâm
.
.