Những mẫu quen

Thứ Năm, 09/12/2021, 12:47

Một nhà văn nói với tôi rằng, cậu thấy hình ảnh bắp chân trần của cô thiếu nữ vùng sơn cước khi lội qua con suối nước trong quen thuộc quá. Thỉnh thoảng đọc một truyện ngắn miền núi ta lại nhìn thấy hình ảnh ấy, nó nhàm và cũ quá không?

Đúng là rất quen thuộc, quen thuộc đến mức khi gặp một truyện ngắn ở chủ đề ấy, người ta chưa cần đọc hết, đã mường tượng ra những hình ảnh sẽ diễn ra. Sự lặp lại những mẫu quen khiến người đọc nhàm chán và đoán trước câu chuyện. Đó là còn chưa kể đến những phản ứng của một số người bản địa cho rằng, trong văn học về đề tài miền núi, hình tượng đồng bào thiểu số hiện lên thường thô kệch, ngốc nghếch. Điều ấy là sự thực trong suy nghĩ có phần phân biệt và định kiến của nhiều người viết mà họ lại ít chịu cập nhật hiện trạng thực tế hoặc thiếu cái nhìn cởi mở, bao quát. Rất nhiều hình ảnh, ngôn ngữ rất cũ kĩ, lạc hậu thậm chí không còn chính xác nữa cứ lặp đi lặp lại.

Thế nhưng tại sao nhiều người viết tiếp tục đi theo lối mòn ấy và không riêng gì văn học viết về đề tài miền núi? Trong nhiều thể tài khác có những anh bộ đội cứ phải nghiêm túc tuyệt đối đến cứng nhắc và không tưởng, nhiều cô giáo thì phải hết sức đạo đức và hành động rất kịch, còn đa số giới văn nghệ sĩ lại sống hết sức bừa phứa, lăng nhăng…

Đành rằng trong đời thực và văn học nghệ thuật có những mẫu số chung nhất định nhưng cuộc sống là đa dạng, phong phú và thay đổi không ngừng, không có ai hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu. Những mẫu quen bị mặc định trong đầu như kiểu người thành phố thì tinh ranh, khôn lỏi, người nông thôn thì chất phác, ngờ nghệch được lặp đi lặp lại gây những cảm giác rất khó chịu. Không những là nhân vật, kể cả khung cảnh, tâm lý cũng rếch rác, mòn vẹt. Nào là chiều muộn thì đâu đâu cũng thấy khói lam bốc lên ở những mái nhà miền quê, là nỗi tê tái của một mùa đông xám xịt nơi biên tái, là nỗi hoang mang, cô đơn của người trẻ trong một quán cà phê giữa phố xá đông người…

Những mẫu cũ lặp lại và quá quen thuộc, thậm chí chưa đặt bút, người viết đã bị những thứ ấy ám ảnh. Những câu chuyện đi theo những đường mòn ấy dễ bị người ta đoán trước được kết cục, không còn tò mò hay gợi mở. Người viết mới buông vài câu, người đọc đã đoán được những tình tiết và diễn biến tiếp theo. Theo tôi đó là sự thất bại của người viết, ở cả phương diện sáng tạo cũng như kích thích sự liên tưởng và suy nghĩ của người đọc.

Tôi đưa thêm vài ví dụ cụ thể nữa để thấy rằng, nếu thiếu sự tìm tòi, người viết rất dễ rơi vào những cái hố thăm thẳm cũ kĩ. Đó là một cô gái có chồng làm việc ở xa, ít về nhà và ngay lập tức sẽ xuất hiện một chàng hàng xóm tốt bụng hoặc một anh đồng nghiệp đẹp trai, vui tính. Kết cục là ai cũng suy đoán được cô gái kia sẽ ngoại tình vì không chịu nổi sự cô đơn hoặc cám dỗ. Hoặc một trường hợp khác cũng khá điển hình, một cậu bé nghèo sống cạnh một nhà giàu và bị những đứa trẻ nhà bên ấy coi thường, khinh bỉ. Cậu bé này sẽ tìm mọi cách để vươn lên để trả thù, còn nhà hàng xóm kia rút cục thì lụn bại, phá sản vì mấy đứa con hư hỏng đã phá nát gia sản của bố mẹ…

Những mẫu quen -0

Gần đây tôi thường xuyên đọc truyện ngắn của Tống Ngọc Hân, một đồng nghiệp cùng thế hệ. Trong các tác phẩm của Tống Ngọc Hân, tôi rất khó đoán được kết cục, tưởng câu chuyện sẽ diễn ra như thế này nhưng hoá ra nó lại chệch ra một hướng khác. Tác giả đã rất giỏi ém câu chuyện đến tận lúc cuối cùng, người đọc gặp một cái kết bất ngờ và tránh được những suy đoán thông thường. Kể cả khung cảnh và cách dùng từ ngữ, tác giả cũng hết sức tránh lặp lại những mẫu quen và sáo ngữ như "ầng ậc nước mắt", "buồn tê tái", "hoang hoải, trống vắng"… mà luôn ý thức tìm những cách diễn đạt mới, đó là một người có nhiều nỗ lực để làm mới mình và đề tài.

Một đồng nghiệp khác từng gửi cho tôi một truyện ngắn viết về những cô gái điếm. Tôi dự đoán sẽ có những bất ngờ xảy ra trong một truyện ngắn có nhiều "đất" để làm mới ấy, nhưng không. Vẫn là những cô gái điếm nhẹ dạ bị lừa gạt. Các cô bị những kẻ ăn chơi lừa phỉnh, hiến thân xác miễn phí rồi sau đó chúng quẳng các cô ra đường. Những chuyện như thế, tôi nói với người bạn viết, nó đã diễn ra hàng trăm năm rồi, viết như thế không có gì mới. Những cô gái điếm bị lừa gạt, chịu đau thương và uất ức, vẫn là cái nhìn và hình ảnh rất cũ, nhạt nhẽo và quen thuộc.

Cách đây hơn nửa thế kỉ, Ngọc Giao viết về chủ đề này trong tiểu thuyết "Xóm Rá" và ông đã tạo ra một quầng rất sáng và mới. Một cô gái điếm đã hành động như một anh hùng để làm đẹp cho bạn mình. Cô đã cởi phăng chiếc quần đang mặc để nhường cho bạn để cô ấy khỏi phải chết truồng. Và chính cô gái điếm ấy đã cao ngạo để mình truồng như vậy và đẩy cỗ xe tang chở bạn mình đi ngang nhiên giữa phố. Hành động của cô điếm quả là "anh hùng" và chưa từng thấy trong văn học Việt!

Những mẫu quen -0

Ngọc Giao đã tạo ra một điểm sáng. Nếu vẫn là những cô điếm bị vùi dập đau thương từ đầu đến cuối, bị hết kẻ này hành hạ đến kẻ khác sỉ nhục thì cuốn sách đi theo một đường cũ rích, không có gì mới. Trong "Xóm Rá'', Ngọc Giao còn có những điểm phá bỏ định kiến cũ, quan niệm cũ về những cô gái điếm. Không phải tất cả những cô gái điếm đều làm điếm vì tiền hay bị người ta đẩy đến bước đường cùng. Có những cô làm điếm vì nhu cầu dục tính rất cao, có cô vào chỗ ấy chỉ để thỏa mãn nhu cầu của mình! Tôi không định kiến về cái nghề cổ xưa như trái đất này nhưng rõ ràng cái nhìn của Ngọc Giao là rất mới.

Ngoài ý nghĩa tố cáo xã hội, sự ăn chơi truỵ lạc, cảnh khốn nạn, bần cùng của nhiều người thì Ngọc Giao đã nhìn thấy, đã dựng lên những thứ rất mới, thậm chí khác thường từ một chủ đề rất quen thuộc khác với những hình dung về nó trước đây. Đây là một kiệt tác của Ngọc Giao theo quan điểm cá nhân của tôi. Dù rằng, sự công bố quá muộn mằn của nó so với thời điểm viết bởi hoàn cảnh xã hội và những thăng trầm của Ngọc Giao đã khiến tác phẩm chưa được hưởng những vinh quang xứng đáng.

Trở lại vấn đề mẫu quen, sở dĩ "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh được đánh giá cao một phần vì Bảo Ninh đã không nhìn chiến tranh và người lính hai bên chiến tuyến như những nhà văn Việt trước đó. Ông đã nhìn cuộc chiến theo cách khác, dù kiểu này không mới với những nhà văn thế giới nhưng lại rất mới với những người Việt. Cuộc chiến tranh Việt Nam dưới con mắt nhìn của một người lính Việt, người lính của nhãn quan cộng sản rất khác biệt với những người cùng thời và đồng nghiệp và nó tạo ra sự ngỡ ngàng đáng kể.

Những mẫu quen -0

Trước đó, Nguyễn Huy Thiệp cũng vậy. Nguyễn Huy Thiệp đã nhìn Nguyễn Huệ và một số nhân vật lịch sử không giống những nhà văn trước mình và đồng thời với mình. Ông nhìn khác đi và sự mới mẻ của ông có hiệu quả thế nào và tác động ra sao thì mọi người đã nhìn thấy. Rồi Nguyễn Việt Hà cũng nhìn khung cảnh, nhân vật Hà Nội khác các nhà văn tiền chiến và cùng thời với mình. Các nhân vật trí thức, người Hà Nội trước đó cơ bản được miêu tả lịch lãm hoặc rất đạo mạo nhưng trong các tiểu thuyết của mình, Nguyễn Việt Hà đã nhìn họ bởi cảm quan khác. Họ nhố nhăng, sa đọa, hay uống rượu, nói phét và chơi gái. Từ "Cơ hội của chúa", "Khải huyền muộn" và cả những cuốn sau này Nguyễn Việt Hà đều đi theo cái hướng ấy và anh đã gặt hái được những thành công nhất định.

Nói thì dễ nhưng ai cũng biết rằng bước khỏi những mẫu quen là khó lắm. Người ta thích cái quen vì nó dễ viết, dễ làm, không cần nhiều công phu và tìm tòi. Ngay cả trong cuộc sống, thay đổi khỏi những thói quen cố hữu đã đòi hỏi những nỗ lực thì với sáng tạo văn học nghệ thuật, làm ra những cái mới, cái lạ càng cần nhiều nhiệt huyết và cố gắng, thậm chí cả lòng dũng cảm nữa. Nhưng lẽ nào chúng ta cứ bằng lòng mãi với những thứ quen thuộc, cũ mòn tới mức nhàm chán và tiếp tục đặt những dấu chân gần như trùng lặp với hàng nghìn, hàng vạn những bước chân đã đi qua?

Uông Triều
.
.