Những lá thư bắc cầu...!!!

Thứ Năm, 01/09/2022, 18:00

Nhân loại đang bước vào kỷ nguyên 4.0, thời của vi điện tử, của số hóa... với vô số các ứng dụng tin nhắn hiện đại hết sức nhanh chóng như Messenger, Zalo, Viber... Liệu thời của những lá thư tay đã kết thúc. Không. Vì đặc trưng của thư là “bắc cầu” không chỉ qua không gian, còn là vào thời gian, nhất là “bắc cầu” vào những tâm trạng, những nỗi lòng... Với những “địa chỉ” ấy thì thư điện tử khó mà thay thế được.

Là một hình thức trao đổi thông tin gián tiếp bằng chữ viết, thư được dùng để bày tỏ tình cảm yêu thương luyến ái (thư tình); viết thư để trao đổi nội dung thông tin về tình hình cuộc sống, sức khỏe, công việc, tình cảm (thư thăm hỏi/thư từ); viết nội dung khiêu khích, thách thức hoặc đề nghị lui quân, hoãn binh... (chiến thư); mời dự sự kiện, công việc (thư mời); viết yêu cầu, đề đạt công khai một nội dung nào đó trên các phương tiện thông tin đại chúng (thư ngỏ); thư do nhà nước này gửi cho nhà nước khác thông qua đại sứ (quốc thư); có nội dung cảm ơn, trân trọng ghi nhận điều gì đó (thư cảm ơn)...

Có những lá thư đã qua hàng trăm năm, hàng ngàn năm nhưng hậu sinh đọc lại sẽ hiểu hơn lịch sử, hiểu cha ông họ yêu và sống thế nào. Thế là thư không chỉ “bắc cầu” giữa người và người, còn “bắc cầu” vào cả quá khứ và tương lai nữa...

image001.jpg -0
Tranh vẽ thiếu phụ Ba Tư xưa gửi thư!

Chỉ với cây bút và tờ giấy, có những lá thư đã đi vào lịch sử vì đã góp phần làm thay đổi lịch sử!

Lá thư tay đầu tiên của nhân loại được ghi nhận là của nữ hoàng xứ Ba Tư gửi đi khoảng năm 500 TCN. Lá thư tình nổi tiếng nhất thế giới được coi là của vua Henry VIII nước Anh gửi vào năm 1527 có nội dung tỏ tình với người phụ nữ tên là Anne Boleyn sẽ trở thành vợ thứ hai bởi Henry đã có hoàng hậu nhưng không sinh được con trai. Đặc biệt hơn là lá thư này khởi đầu cho cuộc cách mạng tôn giáo nước Anh, bởi sau đó nhà vua tách khỏi nhà thờ Công giáo La Mã năm 1533 để có thể ly dị vợ. Từ đó bắt đầu bùng lên phong trào cải cách Anh giáo. Tháng 10 năm 1860, một cháu gái tên Grace Bedell viết thư cho Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ Abraham Lincoln đề nghị ông tiếp tục làm Tổng thống. Lincoln nghe theo lời khuyên của cháu bé là “để râu” vì sẽ có nhiều người bỏ phiếu. Bởi hầu hết phụ nữ đều thích râu sẽ kêu gọi các ông chồng ủng hộ... Sự việc diễn ra quả đúng như vậy. Nhờ có thời gian làm thêm nhiệm kỳ tiếp theo, vị Tổng thống tài năng đã chèo lái con thuyền nước Mỹ đi đúng hướng, ổn định và giàu có.

Ở Việt Nam thế kỷ thứ XV những lá thư gửi tướng giặc Minh của thiên tài quân sự Nguyễn Trãi là những lá thư đuổi giặc mang tầm tư tưởng lớn của dân tộc yêu đạo lý, chính nghĩa, đanh thép, hào hùng, trí tuệ ngùn ngụt ý chí ngọn lửa yêu nước, yêu hòa bình vạch ra cho bọn cướp nước con đường sống là đầu hàng. Không chỉ là tư liệu lịch sử quý giá, những lá thư ấy đi vào lịch sử quân sự thế giới khẳng định chiến lược tâm công trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.

Gắn liền với thư từ là người đưa thư nên câu chuyện được biết đến nhiều nhất vì nó trở thành nguồn gốc ra đời của môn chạy Marathon được nhân loại tôn vinh. Đó là sự kiện năm 490 TCN, quân Hy Lạp giành chiến thắng vang dội trước quân Ba Tư ở chiến trường Marathon (Tây Bắc Athens). Kịp thời báo tin chiến thắng về vương triều, một người lính có tên Phidippides cầm thư chạy từ chiến trường về thủ đô. Không còn ngựa cưỡi anh đã chạy bộ một mạch hoàn thành nhiệm vụ rồi gục xuống chết. Mãi đến năm 1921 người ta mới đo cụ thể quãng đường người lính ấy chạy là 42,195km (26,2 dặm).

Người xưa dùng chó (kéo xe trượt tuyết), lạc đà, la, lừa (qua vùng sa mạc), ngựa, voi, bằng cách đi bộ, đi thuyền... để chuyển thư. Nhưng thi vị và lý thú hơn cả là dùng bồ câu, nhất là trong lĩnh vực quân sự thì bồ câu thực sự là một “chiến binh” lợi hại. Không chỉ chuyển tin nhanh, chính xác, bồ câu còn có khả năng “định vị” rất tốt nên người ta còn nhờ bồ câu dẫn đường... Cả chính sử và huyền thoại kể nghĩa quân Lê Lợi huấn luyện rất giỏi những đàn chim bồ câu đưa thư đã góp phần quan trọng vào những chiến công đuổi giặc.

Các hình thức chuyển thư tạo nên một tâm lý tiếp nhận đặc thù ở cả hai phía gửi và nhận. Người gửi, ngoài mong muốn sự chuyển tải đầy đủ nội dung thông tin còn là sự mong muốn thư chuyển đi nhanh. Người nhận, ngoài mong chờ nội dung thông tin tốt đẹp còn là sự mong mỏi thư đến sớm. Chính tâm lý mong muốn, chờ đợi này đã thiêng hóa những cánh thư. Người ta coi thư là sứ giả của hạnh phúc nên rất trân trọng, đọc thuộc lòng, cất giữ như vật quý. Người đưa thư cũng hưởng hạnh phúc lây. Thời trung cận đại các nhà quý tộc và tư sản giàu có phương Tây sau khi nhận thư thường biếu tiền cho người đưa thư. Thành lệ, các nghệ sĩ nghèo (thời Phục hưng) thường nhận nhiều thư từ giới hâm mộ, đã nghèo lại càng nghèo thêm vì phải “boa” cho người chuyển thư!

untitled-12.jpg -0
Một hình ảnh đưa thư cuối thế kỷ XIX ở Việt Nam (qua rừng chống thú dữ).

Có một bài thơ ở tầm kiệt tác đọng lại rồi đi vào văn hóa nhân loại như một hằng số thiêng liêng về tình cảm con người. Đó là “Thu tứ” của Trương Tịch đời Đường: “Lạc Dương hiu hắt gió thu về/ Thư gửi muôn trùng cách biệt quê/ Ngần ngại mãi còn chưa hết ý/ Người đưa thư sắp đi lại mở ra xem”. Đó là tâm trạng một người đang ở Lạc Dương nhớ nhà, nhớ quê ở nơi xa muôn trùng cách trở. Lạc Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam), thời các nhà Chu, Đông Hán, Nguỵ, Tấn đều đóng đô ở đây, đến đời nhà Đường đặt Lạc Dương là Đông Đô. Là cố đô của nhiều triều đại nên có nhiều thắng cảnh, lúc này đang độ thu về, Lạc Dương mang vẻ trầm mặc cổ kính càng gợi nên ở người lữ thứ nhớ về cố hương. Nhớ mà chỉ biết gửi tình ý vào thư, con chữ thì làm sao nói cho hết được cái tình nên viết mãi mà chưa hết ý đến nỗi người đưa thư sắp đi mà lại còn mở ra xem (Hành nhân lâm phát hựu khai phong). Bài thơ là tâm trạng thấp thỏm của nỗi nhớ nói mãi không cùng, câu chữ thì khép lại, cái tình thì dư ba.

Garcia Marques là một trong những nhà văn lớn viết bằng tiếng Tây Ban Nha vĩ đại chỉ sau Miguel de Cervantes. Với bút pháp hiện thực huyền ảo tác phẩm của ông nói một cách tinh tế, sâu sắc tình cảnh con người cô đơn, vô nghĩa. Nhân vật chính trong tiểu thuyết “Ngài Đại tá chờ thư” không có cả tên gọi, sống trong hoài vọng và vô vọng chờ đợi những lá thư có nội dung trả tiền lương hưu để sống. Tự nhiên những lá thư trở thành lẽ sống, vì nó và nhờ nó mà ông tồn tại. Nhưng chờ hoài, chờ mãi mà không thấy... Tác phẩm như chứng minh tài năng tiểu thuyết, ngoài sự sáng tạo tình huống độc đáo mà vẫn hợp lý còn là sự phân tích các cung bậc tâm lý muôn vẻ tế vi của con người.

Nelson Mandela (1918 - 2013) là chính trị gia, Tổng thống, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng nhất Nam Phi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Apacthai (phân biệt kỳ thị chủng tộc). Từ năm 1964 đến năm 1990 ông bị khép tội và bị bắt giam. Trong thời gian tù đày, ông đã viết hàng trăm bức thư gửi gia đình, những người ủng hộ, chính quyền Nam Phi và cả những kẻ đối lập. Những lá thư ấy trở thành tài sản tinh thần của dân tộc Nam Phi, trở thành tư liệu lịch sử về một thời kỳ bi tráng của cả đất nước, tư liệu về một cuộc đời huyền thoại, một tấm gương sáng chói, một nghị lực bền bỉ phi thường...

Với văn hóa duy tình như nước mình thì thư là một phần của đời sống. Khi chưa có Internet, ở nhà quê, chiều chiều người ta ngóng theo bác đưa thư dừng xe đạp trước ngõ, hồi hộp, hy vọng. Thời còn kháng chiến đuổi giặc thì những người mẹ, người vợ mong thư chồng, con đến cháy lòng. Ở trường học, những phong thư mực tím như những ngọn gió để những tâm hồn chớm yêu cất cánh bay...

Ở ngày hòa bình hôm nay thì những lá thư thời chiến không chỉ là kỷ vật riêng tư mà đã trở thành tài sản văn hóa dân tộc lưu giữ vẻ đẹp tâm hồn, tính cách lãng mạn, trong sáng và tuyệt vời cao cả, tất cả hướng về chân lý cũng là đạo lý là hòa bình, độc lập, tự do. Những lá thư ấy đã góp phần làm nên lịch sử!

Thư sẽ sống mãi cùng nhân loại. Như khẳng định điều ấy mà cuộc thi “Viết thư UPU” dành cho giới trẻ do Liên minh bưu chính quốc tế (UPU) phối hợp UNESCO tổ chức luôn hấp dẫn, mời gọi. Về thực chất đó là những tác phẩm văn học với ngôn từ trong sáng, tinh tế, chân thành, những người trẻ sẽ nói với cả thế giới về những quan niệm, suy nghĩ, ước mơ của họ.

Nguyễn Thanh Tú
.
.