Những cây cầu văn hóa phương Đông!

Thứ Bảy, 19/10/2024, 11:05

Có nhiều cây cầu bắc ngang bầu trời văn hóa phương Đông, chỉ xin miêu tả lại vài hình tượng quen thuộc chung đặc điểm gắn liền với cuộc tình cảm động.

Cầu Ô Thước có ở nhiều nước nhưng đi sâu vào tâm thức để kết thành lễ hội cộng đồng thì có ở Trung Quốc và Nhật Bản. Gọi là Ô Thước vì do hai loài chim quạ và chim khách kết cánh với nhau làm thành. Việt Nam không có lễ hội nhưng "bắc" vào tập quán, thiêng đến mức thành tục kiêng suốt cả tháng 7 âm hầu như không có chuyện cưới hỏi, làm nhà, công việc buôn bán cũng ế ẩm...

Cả ba nước có chung mô-típ: vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ yêu nhau nhưng bị Ngọc Hoàng phạt lỗi bắt cả năm chỉ được gặp nhau ngày 7 tháng 7 (Thất Tịch). Bầy chim bắc thành cầu Ô Thước ngang sông Ngân giúp họ. Nước mắt mừng tủi của cặp vợ chồng rơi xuống hạ giới, gọi là mưa Ngâu.

image001.jpg -0
Hình minh họa xây cầu Rama!

Truy ngược về nguồn, ra đời từ Trung Quốc, truyện kể Ngưu Lang chăn trâu cho Ngọc Hoàng, say mê tiên nữ dệt vải tên Chức Nữ nên bỏ bê công việc, để trâu nghênh ngang đi cả vào điện Ngọc Hư sang trọng. Chức Nữ thì trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng tức giận, bắt mỗi người ở một bên bờ sông Ngân, chỉ được nhìn nhau từ xa. Đàn quạ thương tình bèn bảo nhau bay lên trời kết làm cầu để đôi vợ chồng có thể gặp nhau trong một đêm. Vì phải đội những tấm ván cầu nên đầu bầy quạ bị trụi lông. Lại có dị bản kể Thiên Hậu (vợ Ngọc Hoàng) không đồng ý Chức Nữ người tiên lấy Ngưu Lang người thường nên bà bắt Chức Nữ ngồi bên sông Ngân làm công việc dệt những đám mây ngũ sắc...

Tiếp biến sang nước ta, câu chuyện được khúc xạ bởi tư duy và quan niệm của văn hóa Việt. Truyện kể, sông Ngân không qua lại được nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh các phường thợ mộc dưới trần lên thượng giới làm cầu. Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, các thợ mộc cứ cãi nhau mãi nên đến hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bắt họ hóa thành kiếp quạ làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.

Vì thế, cứ tới tháng 7 loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô Kiều. Vốn đã xấu xí lại còn làm lông bay bẩn mặt sông, Ngưu Lang, Chức Nữ bèn ra lệnh trước khi lên trời bầy quạ phải nhổ sạch lông đầu. Thế là từ đó, cứ tới tháng 7 thì loài quạ dưới hạ giới trông rất tội nghiệp, đầu trọc lốc, bộ cánh đen đúa càng thêm xơ xác... Câu chuyện lý giải hai hiện tượng tự nhiên trong khoảng thời gian tháng 7 âm là mưa ngâu và quạ trụi lông đầu.

Trên dưới nửa thế kỷ trước, ở nhà quê, quạ vẫn còn nhiều, cứ vào đầu tháng 7 âm là quạ kêu ầm cả xóm. Đến kỳ thay lông nên trông chúng gầy còm xơ xác, nhất là cái đầu trọc nom vừa ngộ nghĩnh vừa đáng thương. Nhìn đàn quạ lại nghĩ tới câu chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ. Người nhà quê xưa ghét quạ vì chúng xấu xí, đen đủi lại kêu điếc tai, nhất là hay bắt trộm gà con. Câu chuyện buồn, hình tượng (quạ) lại không gây thiện cảm nên thành "kiêng cữ" cũng dễ hiểu.

Các thành ngữ về quạ hầu hết là tiêu cực: "Trai thấy gái lạ như quạ thấy gà con"; "Láo liên như quạ"; "Quang quác như quạ"; "Đen như quạ", "Xấu như quạ"; "Đồ quạ mổ"... Câu chuyện kèm theo bài học giáo huấn về đoàn kết, làm bất kỳ công việc gì cũng phải biết bảo ban, nghe lời nhau mới thành công. Phường thợ mộc kia mạnh ai nấy làm, chẳng ai nghe ai nên không làm xong được cầu. Không đoàn kết sẽ dẫn đến thất bại và phải chịu hậu quả. Cả đám thợ liền bị hóa thành bầy quạ xấu xí...

Con đường giao lưu đến với Nhật Bản xa hơn, lại qua biển nên nội dung câu chuyện nhạt đi, thế vào tinh thần Nhật Bản đậm đà. Truyện kể, Ngọc Hoàng có người con gái yêu tên là Tanabata-tsume (Orihime) rất giỏi nghề dệt lụa. Một ngày nọ, nhìn thấy một gã chăn bò rất đẹp trai tên là Hikoboshi đi ngang qua, nàng đem lòng si mê. Ngọc Hoàng đồng ý cho họ nên vợ nên chồng. Nhưng, vì quá yêu nhau, suốt ngày bên nhau rong chơi và chẳng chịu làm gì cả, người con gái bỏ quên cả khung cửi, còn con bò của chàng trai thì lang thang khắp nơi ở trên trời. Các vị thần rất bất bình bèn phạt hai người phải sống ở hai đầu sông Ngân. Mỗi năm một lần, họ chỉ được phép gặp nhau vào ngày 7 tháng 7 hằng năm.

image003.jpg -1
Hình ảnh lễ hội Tanabata (Nhật Bản).

Từ đó, cứ vào ngày này là bầu trời trở nên quang đãng như để chào đón, chúc phúc cặp vợ chồng. Truyền thuyết kết thành lễ hội Tanabata lãng mạn. Về bản chất, lễ hội Tanabata là một lễ hội ngắm sao, kỷ niệm cuộc gặp gỡ của hai vị thần Orihime (Chức Nữ) và Hikoboshi (Ngưu Lang). Hằng năm, cứ vào ngày này, tại xứ Phù Tang tổ chức lễ hội sao, hay còn gọi là ngày lễ Thất Tịch. Người ta viết những lời cầu nguyện cùng những vật trang trí (theo luật ngũ hành) lên cành tre, đưa lên thuyền với ý niệm con thuyền sẽ theo dòng sông Ngân huyền thoại lên tận trời... Các đôi uyên ương sẽ tới các đền thiêng cầu nguyện...!

Cầu Rama là cây cầu nổi tiếng thế giới trong văn hóa Ấn Độ và cả thế giới, bởi trước hết nó được "bắc" rất đẹp và hoành tráng trong sử thi "Ramayana". Truyền thuyết kể, hoàng tử Rama bị buộc phải từ bỏ quyền lên ngôi và đi lưu đày trong 14 năm. Vua quỷ Ravana bắt công chúa Sita (vợ Rama) đưa đến Sri Lanka. Rama trở về và một cuộc chiến kéo dài diễn ra. Cuối cùng, Rama đánh bại kẻ cướp, đưa vợ về và giành lại ngôi vua. Nhưng, vượt biển bằng cách nào?

Để sang được đảo Sri Lanka, thần Rama tập hợp đội quân khỉ xây một cây cầu nổi trên biển bằng cách viết tên Rama trên những tảng đá và ném chúng xuống nước. Vì tên Rama như một bùa phép thần kỳ nên những viên đá không bị chìm. Con đường/cây cầu này có thật không? Trên thực địa, nó dài khoảng 30 km, là một chuỗi các bãi cát ngầm đá vôi ngoài khơi bờ biển Tamil Nadu (Ấn Độ) và đảo Mannar (Sri Lanka). Khảo cổ địa chất cho thấy đó từng là một dải đất kết nối giữa Ấn Độ và Sri Lanka và con người có thể đi bộ. Thế kỷ XV, một cơn địa chấn đã làm sụt lún và con đường chìm sâu xuống biển.

Lại có nghiên cứu với những chứng cứ thuyết phục khẳng định cây cầu có thực, tức là một công trình nhân tạo. Lại có phản biện cho rằng "cây cầu" được kiến tạo bởi cát lắng và quá trình tự nhiên của trầm tích mà thành. Có thực hay không thì chưa thật rõ nhưng cái có thật là sự thiêng liêng của cây cầu trong sử thi "Ramayana" huyền thoại. Vì nó là linh hồn của kiệt tác vĩ đại -  một phần của văn hóa Ấn Độ. Người ta tôn sùng thần Rama cũng tức là tôn sùng cây cầu. Người ta cầu nguyện mối tình thủy chung chồng vợ cũng là nguyện cầu cho cây cầu linh thiêng ấy mãi mãi bắc ngang bầu trời văn hóa Ấn Độ.

Thế nên, khi Chính phủ Ấn Độ đề xuất dự án nạo vét dải đất ấy để tạo ra một con đường vận chuyển biển vô cùng thuận lợi giữa Ấn Độ và Sri Lanka, thì lập tức bị phản ứng dữ dội. Tất nhiên, trước tiên là ngành văn hóa - du lịch, vì làm thế là "xóa sổ" một di tích khảo cổ "một đi không trở lại". Cây cầu đã trở thành biểu tượng văn hóa cả nhân loại biết, nếu "xóa" đi khác nào chặt gốc cây đã được lịch sử trồng mấy ngàn năm, để rồi làm héo rũ hoa quả văn hóa vốn đang đẹp đẽ, tươi rói. Lại thêm, cây cầu ấy là biểu tượng cho tình nghĩa vợ chồng chung thủy, phá nó tức phá bỏ biểu tượng hôn nhân...

Từ những câu chuyện trên cho thấy cây cầu trong văn hóa luôn gắn liền với tình yêu. Cây cầu vật lý gắn nối hai bờ. Cây cầu tình yêu gắn kết hai trái tim. Cầu còn là điểm hẹn, nơi gặp gỡ... Điển tích Vĩ Sinh người nước Lỗ (thời Xuân Thu) yêu một cô gái nhưng cha mẹ cô chê rể nghèo. Cặp tình nhân hẹn gặp nhau dưới chân cầu để đi trốn. Vĩ Sinh đến trước đợi. Người yêu chưa đến, nước triều dâng, chàng cứ ôm chặt lấy trụ cầu, thà bị chết đuối còn hơn thất hứa.

Phải chăng, ánh hồi quang của câu chuyện này lấp lánh trong bài thơ "Đợi" của Vũ Quần Phương: "Anh đứng trên cầu đợi em/ Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm/ Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy/ Nước chảy bên lòng, anh đợi em/ Anh đứng trên cầu nắng hạ/ Nắng soi bên ấy lại bên này/ Đợi em. Em đến? Em không đến?/ Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!/ Anh đứng trên cầu đợi em...!". Anh trên cầu đợi em. Dưới cầu, dòng sông thời gian hay dòng tình yêu cứ chảy. Liệu có cập bến hôn nhân?

Ca dao Việt có hình tượng "cầu dải yếm": "Gần đây mà chẳng sang chơi/ Để anh ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu/ Mồng tơi chả bắc được đâu/ Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang". Tại sao lại vậy? Xin mời bạn! 

Nguyễn Thanh Tú
.
.