Những bản tình ca thông reo

Thứ Năm, 12/08/2021, 16:02

Lên xứ sở ngàn thông Đà Lạt hầu như ai cũng nhớ câu ca: "Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi/ Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi/ Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ...". Bởi lẽ hàng ngàn cánh rừng thông đã có từ xa xưa đem lại vẻ đẹp bí ẩn và đầy quyến rũ của miền cao nguyên Lang Biang. Những cây thông già cao vút là biểu tượng hùng vĩ, ứ căng nhựa sống của Đà Lạt bao đời qua

Ngã ba tình và lâu đài Cù Lần

Đi tới bất cứ cung đường nào của Đà Lạt ta cũng có thể gặp những rừng thông gợi cảm như những bài thơ thiên nhiên trong màn sương bay. Nhà thám hiểm, bác sĩ Yersin khám phá ra miền đất Đà Lạt vào năm 1839 đã òa vỡ cảm xúc với những cánh rừng thông điệp trùng phía trước.

Khi đó một số người K'ho dẫn đường cũng trầm trồ bởi hồ nước Đan Kia rộng lớn. Họ đã nhảy múa suốt đêm bên lửa trại. Mặc cho những vết thương còn cào xước mặt và những giọt máu rơi trong cuộc luồn rừng vượt suối, Yersin đã ôm mặt khóc trước sự hùng vĩ của núi Lang Biang (cao hơn 2.000 mét). Và cũng bắt đầu từ đây rừng thông xanh mướt trên những đồi cao có một đời sống khác. Chúng cất lên những bài tình ca và kể những câu chuyện cổ tích của miền đất lạnh mù sương.

Những bản tình ca thông reo -0

Lửa trại ở bản Cù Lần. 

Câu chuyện mà Yersin được nghe do thổ dân ở đây kể lại rằng: Phía sâu trong cánh rừng thông ở thung lũng dưới chân Lang Biang đã từng có một lâu đài thần tiên. Lâu đài do một chàng trai tên là Cù Lần xây để tặng cho người mình yêu. Lâu đài nằm trong cánh rừng thông phủ đầy cỏ hồng. Chàng trai Cù Lần đã xuống núi khênh từng hòn đá lên xây ngôi nhà theo đúng ý người yêu.

Ngày tháng trôi qua với niềm hy vọng lớn lao lâu đài hình thành dần. Nhưng rồi mưa gió sấm sét đã đánh đổ lâu đài không ít lần. Chàng Cù Lần không hề nản chí, anh lại bắt đầu lại từ những viên đá nền móng. Đó là tình yêu và khát vọng của chàng nơi xóm quê nghèo của người K'ho. Rừng thông đã cất lên tiếng hát để động viên chàng. Gió thông reo vang bản tình ca bên suối Đan Kia. Lâu đài lại mọc lên rực rỡ trong giấc mộng tình yêu của chàng Cù Lần.

Tên bản Cù Lần ra đời khi mọi người tìm về thung lũng Vàng để sống trong tình yêu bất tử đó. Những hàng thông ngày một xanh tốt hơn. Hạt thông bay theo chiều gió núi tràn về. Rừng thông non lại mọc lên. Lâu đài cổ tích lung linh trong sương nay chỉ còn trong ký ức dân bản K'ho.

Nhưng bản tình ca "Trái tim Cù Lần" luôn vang lên trong rừng thông xanh. Lời ca tha thiết: "Cho anh nói lời yêu/ Như đứa nhà quê thật thà/ Xin em hãy nhận đi/ Xác thân mẹ nuôi khôn lớn/ Xin em hãy nhận đi/ Trái tim mộng mơ/ Trái tim Cù Lần...". Cũng từ đó tại con đường dốc đứng trên đồi cao phía xa đã mọc lên một cây thông cổ. Các chàng trai, cô gái K'ho gọi nơi đó là "Ngã ba tình". Cây thông già trở thành biểu tượng vững chãi như chàng Cù Lần say đắm trong cuộc tình bên thôn suối cạn thuở xa xưa.

Mỗi mùa lũ về đứng trên cây thông "Ngã ba tình" luôn nghe được tiếng hú vang của chàng trai Cù Lần gọi tên người yêu. Và cũng từ cây thông kiêu hùng này ai cũng có thể nghe được giai điệu của bản tình ca trên đỉnh núi Lang Biang vọng về. Đó là một bi tình sử dẫn tới cái chết của đôi bạn trẻ của hai bộ tộc đầy thù hận. Hai người yêu nhau tha thiết nhưng bị gia đình và dân bản ruồng rẫy xua đuổi. Cái chết của họ đã đem lại sự hòa hợp của những dòng họ thù ghét nhau. Tình yêu là sự hóa giải tất cả cho cuộc sống an lành và hòa bình. Mỗi khi đến Đà Lạt, cây thông già ở Ngã ba tình như một lời chào thân thiện. Ngã ba đem lại những hy vọng cho những đôi trai gái đến cầu xin thần linh của đại ngàn Lang Biang ban phúc lành. 

Phố núi trong rừng thông

Sau này nhà thám hiểm Yersin đã rời Đan Kia dưới chân núi Lang Biang về thung lũng Hồ Xuân Hương để xây dựng thành phố Đà Lạt. Cách xa Đan Kia, suối Vàng tới gần 20 cây số nhưng con phố trong rừng thông ở đây thoáng và ít mưa ẩm hơn. Đà Lạt có thời tiết bốn mùa trong một ngày cũng là do rừng thông bao quanh ở độ cao từ 1.200 đến 1.300 mét. Nhiều thung lũng trong thành phố Đà Lạt đã mọc lên những cánh đồng hoa. Nhưng hàng trăm rừng thông vẫn là tấm bản đồ xanh rộng lớn tạo nên hình ảnh kỳ vĩ và thơ mộng của Đà Lạt. Những biệt thự và những con phố mọc dưới những hàng thông xanh mướt.

Đó là một thành phố trong rừng với đúng nghĩa của nó. Cho dù nay nhà cửa phố mọc lên san sát. Không ít những đồi thông bị tàn phá bởi những quy hoạch công nghiệp. Nhưng thành phố Đà Lạt vẫn lọt thỏm trong điệp trùng những cánh rừng thông bạt ngàn bao phủ. Lời bài hát quen thuộc "Đà Lạt hoàng hôn" của Minh Kỳ đã miêu tả điều đó: "Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông/ Hàng cây thắm màu đèn lên phố phường/ Giờ đây hơi sương giá buốt/ Biết ai thương bước cô liêu/ Một người đi trong sương rơi".

Những bản tình ca thông reo -0
Bình minh thông reo. 

Đà Lạt vẫn mang âm hưởng cô liêu như vậy. Buồn mênh mang với những cơn mưa. Mơ mộng trong sương sớm mang tiết xuân khi bình minh đổ về từ trên đỉnh núi. Những cánh rừng thông vẫn phả lên thành phố Đà Lạt sự ám ảnh bởi những câu chuyện bi kịch của tình yêu. Người ta còn ví Đà Lạt là thành phố của tình yêu. Mà tất cả những cuộc tình đó đều gắn với hình ảnh cây thông xanh tươi và ngút ngát trên những đồi cao.

Rừng thông trên hồ Than Thở là điểm nhấn đẫm lệ cho một cuộc tình với câu chuyện "Đồi thông hai mộ". Những hàng thông luôn ngân vang trong gió reo: "Một chiều rừng gió lộng/ Một chiều rừng nhớ chuyện bên đồi thông/ Nàng năm ấy khi tuổi vừa đôi chín..." (Sáng tác nhạc sĩ Hồng Vân). Đó là cuộc tình không thành của cô giáo với chàng sinh viên. Bi kịch dẫn tới cái chết của hai người. Cuối cùng họ chỉ có ước vọng khi chết được chôn cất bên nhau dưới đồi thông. Nghe nói vẫn còn đâu đó dấu tích của hốc cây thông già vẫn lưu giữ những bức thư cuối cùng của hai người. Đó là hòm thư tình yêu mà họ gửi cho nhau bên hồ Sương Mai (nay là hồ Than Thở).

Cánh rừng trên đồi thông hồ Than Thở chính là điểm cuối của con suối Cam Ly chảy tới. Suối Cam Ly là nơi tích tụ làm nên con hồ Xuân Hương trái tim của thành phố Đà Lạt. Bài hát "Thương về miền đất lạnh" luôn cất tiếng da diết: "Cam Ly vô tư lên tiếng than muôn đời/ Thông reo vi vu Than Thở như ngậm ngùi/ Lữ khách bâng khuâng, thương nhớ vô vàn/ Cuộc tình duyên nàng trinh nữ".

Hình ảnh "Thông reo vi vu" luôn mang âm hưởng cô liêu trên hồ Xuân Hương trên Đồi Cù. Mấy con phố chợ Đà Lạt luôn ồn ã vô tư của một ngày khi sương tan. Nhưng chiều đến là mây đọng trên những nhành thông. Đà Lạt bị co lại le lói ánh đèn trong sương thơm ngát hương thông. Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã có lần lên Đà Lạt viết: "Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu". Trường Đại học Đà Lạt nằm trong một rừng thông đẹp tựa như tranh vẽ. Nơi đây cũng ấp ủ biết bao cuộc tình đã nảy sinh dưới rừng thông mơ mộng bên Hồ Xuân Hương.

Những cung đàn thông xanh

Dân bản địa ở đây luôn nói những cánh rừng thông của họ biết ca hát. Với chiều cao trung bình tới 30 mét và thân cây lớn gần một mét nên những tán cành thông luôn xòe căng đón ánh mặt trời. Gió trên cao tràn về tạo những vũ điệu âm thanh kỷ ảo. Còn khi mưa rơi những giọt nước óng ánh cùng với nhựa thông vàng hòa nhập như chùm nốt nhạc cất lên cung bậc thánh thót lung linh. Suốt chiều dài từ dốc Prenne dưới chân núi, thông mọc san sát chạy dài lên tới đỉnh cao thành phố Đà Lạt (dài chừng 30 cây số). Chúng là tấm thảm âm nhạc thơ mộng và dào dạt cảm xúc trong suối reo thác đổ.

Ở vùng Cổng trời người ta còn khám phá ra những rừng thông cổ tới ngàn năm tuổi(?!). Thông đã che chở cho Đà Lạt được mệnh danh là một Paris thu nhỏ đủ sắc màu bên những thung lũng hoa. Đà Lạt là xứ sở ngàn thông mênh mang trên thảo nguyên Lang Biang. Một thành phố xinh đẹp để thương để nhớ: "Thành phố nào vừa đi đã mỏi/ Đường quanh co quyện gốc thông già/ Chiều đan tay nghe nắng chan hòa/ Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em/ Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn" (Thành phố buồn - Lam Phương). 

Vương Tâm
.
.