Nhật Tuấn - Kẻ cô độc trên đời

Thứ Năm, 27/10/2022, 15:49

Một chiều mùa hè cách đây nửa thế kỷ, trên căn gác nhà Trần Hoài Dương ở phố Đường Thành, lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Nhật Tuấn. Tôi đến chơi với Trần Hoài Dương, hai anh em đang nửa nằm nửa ngồi trên sàn gỗ thì Nhật Tuấn đến. Tôi nhỏm ngay dậy. Lúc ấy tôi là thằng sinh viên mới ra trường, mơ viết văn, còn Nhật Tuấn thì đã rất nổi tiếng.

Bọn trẻ chúng tôi chuyền tay nhau đọc truyện của ông qua bản đánh máy. Có những truyện nhiều năm sau mới in, nhưng cũng có những truyện mất hút. “Hai bàn tay em nhỏ”. “Con tàu trắng đi trong khói nắng”…

Ít năm sau, Nhật Tuấn chuyển hẳn vào Sài Gòn.

Khoảng đầu năm 1992, ông cùng mấy bạn văn chung nhau ra tập sách chuyên đề “Văn học & dư luận”, trong đó có mục “Bút mới”. “Bút mới” giới thiệu sáng tác của những người viết trẻ. Ông Tuấn gọi tôi, bảo gửi cho ông cái truyện ngắn mà mình thích. Còn đang lưỡng lự thì ông bảo thôi, in cái “Bão đêm”. “Bão đêm” đã in Báo Văn nghệ, Nhật Tuấn in lại trong “Bút mới”, kèm lời bình của Lê Đình Kỵ và Bùi Thanh Tùng (sau này tôi mới biết Bùi Thanh Tùng là bút danh của nhà văn Nhật Tiến, anh trai Nhật Tuấn, sau 1975 định cư ở Mỹ).

nhattuan2.jpg -0

“Văn học & dư luận” ra được 4 số, chưa kịp ra số 5 thì đình bản, không rõ lý do?

Sau vụ “Bút mới”, tôi gần gũi Nhật Tuấn hơn. Có lần ông mời tôi lên nhà chơi. Hồi này Nhật Tuấn ở Gò Vấp, cùng khu với một số nhà văn khác như Trần Hoài Dương, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Quốc Minh… Ông Tuấn nói năng bỗ bã, thẳng thừng. Nhiều lần tiếp xúc, nhận ra bên trong vẻ thô tháp, hơi phũ ấy, là sự chân thành, giàu tình cảm của một trái tim đập khỏe. Có lần biết ông và Trần Hoài Dương giận nhau, “nghỉ chơi” với nhau vì một chuyện gì đó, tôi gọi cho ông, bắt chước kiểu nói năng bất cẩn của ông: “Bạn bè thân thiết, già móp rồi, còn bày đặt giận dỗi!”. Ít lâu sau ông Tuấn hồ hởi gọi lại: “Tao đến thằng Quỳ, hai thằng đang ngồi uống bia (Trần Bắc Quỳ là tên thật của nhà văn Trần Hoài Dương)”.

*

Thập niên 70-80 thế kỷ trước, khi còn ở Hà Nội, Nhật Tuấn nổi tiếng với truyện ngắn. “Trang 17”, “Con chim biết chọn hạt”, “Ngôi nhà đang lên tầng”… Ông và Tô Hải Vân là hai cây bút truyện ngắn đặc sắc, văn phong mới mẻ, lịch lãm, khác nhiều cây bút cùng thế hệ. Chuyển vào Sài Gòn, Nhật Tuấn cho ra mắt một loạt tiểu thuyết: “Bận rộn”, “Lửa lạnh”, “Mô hình và thực thể”… Viết nhiều, in nhanh. Nhưng theo tôi, có lẽ đáng kể nhất trong số những tác phẩm của ông, một thành quả văn chương không dễ đời văn nào cũng gặt hái được: tiểu thuyết “Đi về nơi hoang dã” (1988).

“Đi về nơi hoang dã” được một số người viết bài giới thiệu, khen ngợi trên báo này báo kia. Nhưng nói chung, không thực sự gây ra một sự kiện tương tự như “cơn địa chấn” trong giới viết lách. Tôi thấy tiếc cho Nhật Tuấn. Lại thêm một ví dụ về cái gọi là số phận của những cuốn sách, những tác phẩm… Từ lâu, tôi vẫn tin mỗi truyện ngắn, tiểu thuyết, cuốn sách in ra, như một sinh thể, và cũng có số phận như con người. Thành công, thất bại, may mắn, rủi ro, hanh thông, chìm nổi… đôi khi còn tùy thuộc vào sự ưu ái, cất nhắc của Thượng đế.

Tôi không nhớ rõ Nhật Tuấn chuyển về một vùng quê ở Bình Dương từ khi nào. Ông có khu nhà vườn ở trên đó - “trang trại”, như ông nói. Bán nhà ở Gò Vấp, ông mua được ngôi nhà trong phố, đường Nguyễn Kiệm, nhưng thời gian đầu khóa cửa để đấy. Một vài tuần, có khi cả tháng, cần gặp gỡ ai đó, hoặc có công có việc, mua sắm những thứ đồ thiết yếu cho đời sống…, ông phi xe máy từ Bình Dương về Nguyễn Kiệm. Xong một vài ngày, lại phi xe máy lên “trang trại”. Nhiều lần ông rủ tôi lên nhà ở Bình Dương chơi. Tiện nghi đầy đủ. Ăn chơi xả láng… Bạn bè ông từ ngoài Bắc vào, cả từ nước ngoài về, cũng đã từng đến đây thăm ông. Riêng tôi ngại. Chả hiểu vì sao, sau này đôi khi nghĩ đến, thấy ân hận.

Một hôm Nhật Tuấn bất ngờ phi xe máy xuống Vũng Tàu. Ông gọi tôi ra ngồi ở một cái quán cà phê gần Bãi Sau. Suốt mấy tiếng đồng hồ đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Chính trị, xã hội, văn chương… Chuyện gì Nhật Tuấn cũng có thể đưa ra những ý kiến sắc sảo khiến tôi bái phục. Ông bảo tôi không đi Bình Dương thì thôi, nhưng thỉnh thoảng có lên Sài Gòn thì cứ đến nhà ở Nguyễn Kiệm mà tá túc. Còn hơn ở khách sạn. Ông sẽ đưa chìa khóa cho tôi… Rồi không hiểu nguồn cơn gì, lại nhắc đến mấy đứa con ở nước ngoài. Đã lâu ông không được gặp các con. Giọng bỗng nghẹn, phải bật ra một câu chửi thề. Tháo kính, lau. Tôi tránh nhìn vào mắt ông. Tránh nhìn một vào vết thương hở miệng, vào nỗi bất hạnh của riêng người khác.

20221014_164745.jpg -0
Một tác phẩm của nhà văn Nhật Tuấn.

Ra về, Nhật Tuấn loay hoay dắt cái xe máy từ trên hè phố xuống lòng đường. Đưa được xe xuống, ông lập cập, vất vả vắt chân qua yên xe. Lúng túng suýt đổ kềnh cả xe lẫn người. Tôi vội vàng giơ tay đỡ. Thấy mồ hôi Nhật Tuấn toát ra đầm đìa. Ông nổ máy chạy đi rồi, tôi nhìn theo, đứng lặng.

*

Nhà Nhật Tuấn ở Bình Dương tôi không đến. Nhà ở Nguyễn Kiệm cũng không. Mà có định đến Nguyễn Kiệm thì cũng muộn rồi. Có một người phụ nữ trẻ quê miền Tây đã tới ở đó. Đấy là người phụ nữ cuối cùng ăn ở với nhà văn như vợ chồng.

Nhớ buổi tối trước đó mấy năm, đi dạo với Nhật Tuấn ngoài bãi biển Vũng Tàu, vui chuyện tôi hỏi: “Cái bà hiện giờ là bà thứ hai à?”. Nhật Tuấn bật cười: “Sao lại thứ hai?”. Nhật Tuấn xòe hai tay giơ lên. Trời tối, tôi không đếm được mấy ngón.

*

Tôi ra Bắc dự một cuộc hội thảo. Lúc về, xe chở đại biểu xuống ngang sườn dốc Tam Đảo, nghe Nhật Tuấn gọi: “Tí chết mày ạ. Thế đếch nào đang khỏe mạnh bình thường, lăn ra ngất. May có ông hàng xóm nhìn thấy”.

Tôi hoảng: “Ngất ở đâu? Sài Gòn hay Bình Dương?”.

“Bình Dương. Ngay giữa sân. Nhưng đang nằm Sài Gòn”.

Xe đông người, không tiện hỏi nhiều, tôi chỉ với thêm một câu: “Anh cẩn thận”.

Tôi về đến Vũng Tàu thì Nhật Tuấn cũng ra viện. Ông nhà văn bắt đầu chuyển sang nghiên cứu việc điều trị bệnh tim mạch. Trước Nhật Tuấn, tôi từng một lần thiếu máu não thoáng qua, phải mất thời gian dài thuốc thang, tập tành chăm chỉ. Giờ tạm đủ hiểu biết để hầu chuyện ông. Ông nhắn cho tôi tên các loại thuốc, thực phẩm chức năng. Có loại phải nhờ mua bên Mỹ…

Tôi bảo: “Thân già một mình chỗ rừng thiêng nước độc thì cũng coi chừng”. Trong máy, Nhật Tuấn cười hềnh hệch: “Rừng thiêng nước độc thế đếch nào. Tao trốn Sài Gòn lên đấy cốt để hưởng không khí trong lành”. “Trong lành, nhưng thui thủi một thân một mình…”. “Mày có vẻ sợ một mình nhỉ? Tao chết, cứ việc quẳng mẹ cái xác ra đường cho chó tha!”.

Nói thế nhưng mấy hôm sau lại điện thoại, khoe: “Buổi sáng đi bộ ở đây, sướng. Sáng nào tao cũng dậy đi bộ. Vào rừng cao su…”.

Ôi trời! Nghe nói không khí trong rừng cao su độc lắm? Không biết đúng không? Chưa chắc, nên cũng không dám can ngăn Nhật Tuấn. Vả lại, ông đang thấy thoải mái. Thoải mái sẽ khiến người ta khỏe lên. Làm ông mất hứng có khi lại mắc tội.

Đi bộ vào rừng cao su. Và tiếp tục… luyện chữ.

Thời gian này, Nhật Tuấn năng viết blog. Nghe nói, ngoài việc viết tiểu phẩm cho đài phát thanh hay truyền hình nào đó (để có thu nhập), ông còn cộng tác thường xuyên với một tờ báo, giữ mục “Hẻm buôn chuyện”. Tôi thích những câu chuyện về những nhân vật “dưới đáy” của ông: dân ba gác xích lô, buôn thúng bán mẹt, đĩ điếm…

Hỏi ông chuyện sáng tác, ngay lập tức, ông gửi liền cho tôi đọc mấy cái truyện ngắn, rồi sau đó là vài ba chương của một cuốn tiểu thuyết đang viết dở. Không hiểu ông có hoàn thành cuốn tiểu thuyết này không? Và những bản thảo như những đứa con rơi rụng của Nhật Tuấn, giờ không biết trôi dạt ở đâu?

Bẵng đi một thời gian.

Người phụ nữ trẻ miền Tây chia tay ông, về quê. Ra vẻ phớt đời, nhưng không giấu được vị buồn trong giọng, ông thông báo cho tôi biết tin ấy qua điện thoại.

Bẵng đi thời gian nữa.

Bất ngờ nghe tin Nhật Tuấn mất.

Các loại thuốc tim mạch, thực phẩm chức năng, đi bộ, rừng cao su… không cứu nổi ông. Tôi sực nhớ đến cuộc ra đi của Trần Hoài Dương. Trần Hoài Dương mất trong ngôi nhà đầy ắp những giá sách, và chỉ có sách đưa tiễn.

Hình như những phút cuối cùng trong bệnh viện cũng không có người ruột thịt, bạn bè thân quen nào bên cạnh Nhật Tuấn?

Lặng lẽ. Cuộc ra đi của những kẻ quen sống một mình, không sợ một mình - tuyệt đối cô đơn luôn được họ ưu tiên lựa chọn.

22-8-2022

Trần Đức Tiến
.
.