Nhạc sĩ, giảng viên Lê Đức Sơn: "Mong muốn làm giàu bản sắc văn hóa Việt cho guitar cổ điển"
Mới đây, tuyển tập “Độc tấu Guitar - 30 tác phẩm chuyển soạn từ ca khúc và dân ca Việt Nam” chứa đựng công sức, tâm huyết và tình yêu dành cho cây đàn guitar sau hơn 30 năm làm nghề của nhạc sĩ Lê Đức Sơn, giảng viên Khoa Accordion - Guitar - Keyboard, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vừa ra mắt người yêu nhạc. Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện cùng nhạc sĩ Lê Đức Sơn xung quanh tuyển tập công phu và đặc biệt này.
- Thưa nhạc sĩ Lê Đức Sơn, Tuyển tập vừa ra mắt là cuốn thứ 2 sau cuốn “Phương pháp học guitar - Lý thuyết và Thực hành” được ông thực hiện vào năm 2017. Đâu là lý do để ông thực hiện Tuyển tập ý nghĩa này?
+ Tuyển tập vừa ra mắt là sự tiếp nối cuốn sách trước. Thực tế, khi giảng dạy môn Guitar cổ điển tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (HVANQG) thì các giáo trình giảng dạy, ngay cả cuốn giáo trình của tôi trước đây, phần lớn tập hợp những tác phẩm nước ngoài. Vì âm nhạc cổ điển có nguồn gốc và phát triển mạnh ở châu Âu. Ở Việt Nam, trước đây một số nghệ sĩ guitar lão thành như Hải Thoại, Tạ Tấn, Văn Vượng, Đặng Ngọc Long… từng chuyển soạn ca khúc Việt Nam cho cây đàn guitar nhưng so với nhu cầu của người chơi thì chưa nhiều.
Tôi thực sự nghĩ đến việc thực hiện cuốn sách này trong khoảng thời gian đại dịch COVID bùng phát. Khi đó, tôi tổ chức khá nhiều lớp học online cho các học sinh cả nước. Nhiều học sinh tha thiết là tại sao không có những bản chuyển soạn tác phẩm Việt Nam vì ngay từ khi bắt đầu học đã tập với tác phẩm nước ngoài khó quá. Nghe vậy, tôi thấy đúng là mình chưa hoàn thành nhiệm vụ thật! Những bản nhạc của thế giới hay đấy, nhưng đôi khi xa xôi với tâm hồn người Việt. Người học cần những bản nhạc gần gũi để khi học hứng thú hơn. Khi trình độ chơi đàn tiến bộ, gu thẩm mỹ nâng lên thì việc tiếp cận các tác phẩm phương Tây dễ dàng hơn.
- Tuyển tập được đánh giá là “cần thiết và có vai trò, ý nghĩa hết sức to lớn, đóng góp phần đưa âm thanh, âm nhạc, bản sắc văn hóa Việt Nam hội nhập dòng chảy, đời sống âm nhạc thế giới”, hẳn ông mất nhiều thời gian, công sức để thực hiện?
+ Tuyển tập gồm 30 tác phẩm (20 tác phẩm được chuyển soạn từ ca khúc và 10 tác phẩm được chuyển soạn từ làn điệu dân ca Việt Nam) tôi phải tiến hành nhiều khâu từ nghe, chọn tác phẩm, nghiên cứu viết hòa âm, phối khí.
Khâu chọn ca khúc, dân ca phải cân nhắc khá nhiều vì có những tác phẩm hay nhưng để diễn tấu trên cây đàn guitar chưa chắc đã hợp. Tôi lựa chọn tác phẩm với tiêu chí: hay, quen thuộc, phù hợp với cây đàn guitar và không được khó quá. Xong phần chọn bài, tôi chơi nháp trên đàn với việc hình dung ra các tuyến giai điệu cho từng tác phẩm. Sau đó tôi đặt bút viết. Đây mới là phần việc mất nhiều thời gian nhất. Có bài ban đầu dự tính kiểu này nhưng khi viết lại thấy cần thay đổi để phù hợp với tính năng của nhạc cụ. Tất cả trên nguyên tắc chọn cách hòa âm tối ưu để người chơi guitar không bị làm khó nhưng vẫn có thể lột tả được đặc trưng giai điệu. Tôi quyết tâm “tự gây áp lực cho mình” bằng việc đăng ký đề tài khoa học với Nhà trường với thời hạn 1 năm. Và, công trình khoa học này đã được bảo vệ thành công tại Hội đồng Khoa học HVANQG Việt Nam tháng 11/2023.
Với đối tượng chơi guitar có phổ tuổi khá rộng nên tôi lựa chọn đưa vào tuyển tập những ca khúc hay, gần gũi được sáng tác ở nhiều giai đoạn, thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau như “Tình ca” (Hoàng Việt), “Người Châu Yên em bắn máy bay” (Trọng Loan), “Mùa xuân đầu tiên” (Văn Cao), “Quê hương” (Giáp Văn Thạch), “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” (Trương Quý Hải)… Hay những bài dân ca đại diện cho các vùng, miền, có giai điệu độc đáo như “Mưa rơi” (dân ca Khơ Mú), Chầu văn… Mong muốn của tôi là khoác lên những ca khúc quen thuộc ấy một chiếc áo mới, với ngôn ngữ âm nhạc mới đại chúng hơn để cây guitar ngày càng tiếp cận với đông đảo công chúng yêu nhạc.
- Được biết, ông đã dành cho cây đàn guitar một tình yêu bền bỉ và mãnh liệt, vượt qua mọi khúc quanh của cuộc sống. Tình yêu ấy bắt đầu từ khi nào?
+ Tôi lớn lên tại Bắc Giang vì cha mẹ tôi làm giáo viên nghề tiện tại Trường Công nhân Kỹ thuật 1 ở đây. Tôi biết đến cây đàn guitar từ khi 7 tuổi thông qua việc đứng nép sau cánh cửa, nhìn lén cách các anh chơi đàn. Dù chỉ mày mò tự học nhưng trong thời gian học cấp 1, cấp 2, tôi đã được các chú, bác trên Huyện ủy Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang (Hà Bắc cũ) đón đi biểu diễn, đệm đàn cho hội nghị, hội diễn. Đến năm 12 tuổi, tôi mới được học guitar bài bản vào những dịp hè tại Nhà văn hóa thị xã Bắc Giang dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Trọng Ánh. Ngày ấy, những mùa hè nắng như đổ lửa, với xe đạp cà tàng đi cả chục km nhưng tôi không nghỉ buổi nào. Bé quá, không mang được đàn, tôi phải tập nhờ cây đàn của một người bạn chị gái sinh sống ở thị xã Bắc Giang.
Tình yêu với cây đàn guitar trong tôi cứ lớn dần tới khi tốt nghiệp trung học. Tôi quyết tâm từ chối cơ hội được đi học nghề tại Tiệp Khắc, theo tiêu chuẩn con em cán bộ công nhân viên để khăn gói đi thi vào HVANQG Việt Nam. May mắn khi lên Hà Nội, tôi được Đại tá, nhạc sĩ Trọng Loan, GS. NSND Trọng Bằng là các cậu họ giúp đỡ học ôn ngắn hạn guitar cổ điển với những thầy giáo giỏi và hết lòng động viên tôi quyết tâm thi đỗ vào Khoa Guitar của trường.
- Giờ đây là Thạc sĩ, giảng viên đào tạo hệ tài năng của HVANQG Việt Nam nhưng hình như con đường trở thành giảng viên của ông cũng không ít khó khăn?
+ Quả đúng như vậy, sau 8 năm học, năm 1993, tôi cầm tấm bằng tốt nghiệp hệ Đại học môn guitar cổ điển về Hải Phòng lập nghiệp. Tôi kiếm sống bằng việc đánh guitar điện trong các ban nhạc phục vụ đám cưới hay vũ trường, sàn nhảy… Với khát khao được giảng dạy, tôi ngỏ ý xin vào Nhà văn hóa thành phố, bác Giám đốc Nhà văn hóa dẫn tôi đi một vòng tham quan, chỉ vào những lớp học võ đang nở rộ thời đó bảo: “Cháu thấy đấy, ở đây mọi người chỉ học võ, ít học guitar lắm”…
Ở Hải Phòng 4 năm, tôi tự thấy mình tụt hậu quá. Công việc kiếm sống khác xa với kiến thức được học. Đời sống âm nhạc ở Hà Nội lại vô cùng phát triển, sôi động. Tôi quyết định quay lại Hà Nội, xin làm cộng tác viên dạy môn guitar cổ điển tại Khoa Nhạc nhẹ, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Nhưng lớp học lèo tèo, chỉ 2 - 3 bạn một lớp. Anh Trưởng phòng Đào tạo thấy cám cảnh gọi tôi vào bảo: “Sơn ơi, em dạy có 2- 3 học sinh, lương thì thấp, vậy bõ công không? Hay em cứ nghỉ cũng được”. Tôi quả quyết “Em đi dạy vì yêu nghề. Nhà trường trả bao nhiêu không quan trọng”. Thú thực, khi ấy tôi có công việc tay trái là đánh đàn tại các khách sạn 5 sao nên thu nhập cũng đủ sống. Và thật may mắn, từ những lớp 2 -3 học sinh lèo tèo mà tôi vẫn quyết tâm dạy ấy, Hoàng Xuân Tùng qua sự huấn luyện của tôi, xuất sắc lọt vào top 10 tài năng trẻ Việt Nam tại Đại nhạc hội Guitar toàn quốc (năm 2002). Thời điểm này, tôi cùng Lê Thu, bạn cùng lớp lập nhóm song tấu guitar và đã biểu diễn thành công trên nhiều sân khấu… Cũng năm 2002, tôi được Ban Giám đốc và Khoa Accordion - Guitar- Jazz mời về giảng dạy bộ môn Guitar jazz và Guitar cổ điển tại HVANQG Việt Nam.
Trong suốt quá trình dạy học, niềm hạnh phúc của tôi là nhìn thấy đam mê và sự trưởng thành của học trò. Có thể kể tới những học sinh xuất sắc như Lê Thanh Bình đã đoạt giải nhất bảng Junior tại cuộc thi Bangkok Guitar Festival & Competition (2006). Nguyễn Trần Phương giải Nhất bảng A Liên hoan và thi guitar Quốc tế Alma tại Hà Nội (2017), Hà Mạnh Đức giải Nhất bảng Junior Liên hoan và cuộc thi Guitar quốc tế Sakurai Kohn tại Hà Nội (2022) và giải Nhì bảng mở rộng trong cuộc thi do Hiệp hội Guitar Thái Lan tổ chức (2023)…
- Trở thành một giảng viên như mơ ước, vậy ai là người có ảnh hưởng lớn đối với ông trong quá trình học và làm nghề?
+ Tôi may mắn được học bởi những người thầy giỏi như thầy Tạ Tấn, hay thầy Nguyễn Như Dũng, khi ấy vừa tốt nghiệp guitar cổ điển tại Liên Xô (cũ) về. Có thể nói, không chỉ có kiến thức về guitar cổ điển mà thầy còn dạy chúng tôi về văn hóa châu Âu thông qua các buổi nghe nhạc. Ngày đó thương học trò nghèo, cuối tuần, thầy lại đón về nhà nấu cơm cho ăn, tổ chức buổi biểu diễn tại gia đình. Tôi vẫn nhớ nhà thầy nhỏ, chật cứng sách và máy quay đĩa nhưng luôn có không gian biểu diễn rất nghiêm túc. Thầy còn đưa chúng tôi đi xem tranh, xem phim về các danh họa, nhạc sĩ… Thầy luôn nhắn nhủ, không phải học guitar là chỉ nghe guitar mà phải hiểu biết nhiều lĩnh vực khác…
- Trò chuyện với ông, có cảm giác trong ông vẫn đầy ắp cảm hứng và một tình yêu đặc biệt dành cho guitar?
+ Tình yêu với cây đàn guitar trong tôi chưa bao giờ vơi cạn. Ngoài công việc giảng dạy ở Nhạc viện, tối thứ 7 hàng tuần tôi vẫn duy trì 1 lớp học online miễn phí dành cho mọi lứa tuổi, ngành nghề… Ngoài ra, tôi đều đặn tổ chức đêm nhạc guitar cổ điển vào tối Chủ nhật tuần thứ 2 hàng tháng. Cũng như tiếp tục sáng tác, chuyển soạn những ca khúc, làn điệu giàu bản sắc văn hóa Việt Nam cho độc tấu guitar cổ điển với hy vọng một ngày nào đó những bản nhạc này sẽ được nhiều người nước ngoài biết đến, góp phần đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ!