Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang: Không đứng bên lề hơi thở thời đại

Chủ Nhật, 08/09/2024, 11:40

Nhắc đến Vũ Thị Huyền Trang, văn đàn nghĩ ngay đến cô gái Phú Thọ đầy nội lực trong văn chương. Có thể nói hành trình viết của cây bút sinh năm 1987 này đầy sự bền bỉ và dấn thân mạnh mẽ. Tác phẩm của Vũ Thị Huyền Trang "phủ sóng" hầu hết các báo, tạp chí trên khắp cả nước. Có một dạo cánh văn trẻ còn “kháo” nhau, nếu tìm ra được một cây bút chuyên sống bằng nhuận bút thì chỉ mỗi Vũ Thị Huyền Trang.

Luôn giữ thói quen viết mỗi ngày

Tôi với Vũ Thị Huyền Trang kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam cùng năm 2022, đó cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Trang. Chúng tôi ngồi cùng bàn ăn và trao đổi những điều nhỏ nhặt của nghề viết. Trang nhã nhặn, thậm chí so với một người như tôi thì cô nàng khá điềm đạm. Trong cách nói chuyện của Trang, vẫn cho thấy một người lành tính. Chỉ vậy thôi, chẳng kịp lưu lại điều gì bởi chúng tôi nhanh chóng bị xé lẻ ra bằng những cuộc vui của các bàn bên cạnh. Tuy vậy, tôi vẫn tìm đọc Vũ Thị Huyền Trang. Bởi tạng viết của Trang có điều gì đó khá giống tôi ở cách nhìn hướng thiện và luôn mở một cánh cửa thoát ra cho số phận nhân vật.

chân-dung-nhà-van-vu-th%3f-huy%3fn-trang.jpg -0
Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang.

Để có một trường hơi trong văn chương, đòi hỏi người viết không chỉ có chất liệu để sáng tạo mà còn có tính kỷ luật cao. Bởi chỉ cần lơi nhịp viết, tạm cho phép mình nghỉ ngơi, hay gặp lúc bí bách mà dừng bút, thì dễ dàng buông trôi tác phẩm đó vào quên lãng. Nếu đã để quên một tác phẩm, chắc chắn lại sẽ để quên thêm tác phẩm thứ 2, rồi tuần tự rất nhiều tác phẩm tiếp theo.

Nhưng, có lần trò chuyện cùng Trang mới hay cô nàng luôn đưa mình vào một khuôn khổ nhất định. Duy trì cảm hứng và kỷ luật sáng tác tất nhiên là một việc khó đối với bất cứ người làm nghệ thuật nào. Cảm hứng có khi tự đến, có khi bắt buộc phải đi tìm, nhất là đối với những người viết văn chuyên nghiệp. Cảm hứng sáng tạo của Trang không chỉ được nuôi dưỡng từ mọi thứ diễn ra ngoài đời thực, mà luôn mở rộng ra trong phim ảnh, sách báo.

Trang cũng tự đề ra kỷ luật của bản thân, không cho phép mình lười biếng và luôn giữ thói quen viết mỗi ngày. Điều này giúp Trang nuôi dưỡng cảm xúc, sự nhạy bén trong kiếm tìm và phát hiện ý tưởng mới. Trong quá trình sáng tác, tất nhiên có những lúc bị bí giữa chừng, cây bút trẻ Phú Thọ này luôn tìm mọi cách để giải quyết vấn đề. "Không bỏ dở tác phẩm quá lâu, vì nếu để lâu khi quay lại, mọi thứ sẽ trở nên rời rạc".

Tôi nhìn thấy trong cô gái nhỏ nhẹ này một sự quyết liệt với văn chương. Đi là tận cùng, chạm là thấu cạn. Bằng tâm thế này, hành trình viết của Trang đã gặt hái nhiều thành công qua các giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn và thơ chủ đề "Người đô thị" do Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức năm 2014 - 2015; Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn do Hội Văn học Nghệ thuật 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai tổ chức với tác phẩm "Dấu ấn quê hương" năm 2018; Giải "Tác giả trẻ" - Giải thưởng văn học 2022 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Vũ Thị Huyền Trang cũng thuộc top các tác giả trẻ sở hữu nhiều đầu sách in riêng với gần 20 ấn phẩm đã được phát hành. Trong số đó có thể kể đến những ấn phẩm được yêu thích như: "Chỉ cần nhắm chặt mắt" (NXB Văn học, 2013); "Chiều nay có một cuộc hẹn" (NXB VHVN, 2017); "Đô thị ảo" (NXB Hồng Đức, 2021), "Hái trăng trên đỉnh núi" (NXB Kim Đồng, 2021); "Những đám mây ngoan" (NXB Kim Đồng, 2024). Và mới đây thôi, những ngày cuối cùng của tháng 8 này, Trang cũng kịp gây xôn xao văn đàn bằng tập truyện ngắn "Lưng người thăm thẳm" do NXB Trẻ phát hành.

Còn thương mới dõi theo nhau

Có thể nói ngay từ khi đơn vị phát hành vừa thông báo thì tập truyện đã gây chú ý và nhận về lời đặt hàng rất sớm. Đến ngày mở bán thì tôi phải tranh thủ lắm mới có được tập truyện này một cách sớm nhất. Tôi tin, những ai đã đọc Trang, theo dõi Trang suốt hành trình viết, luôn sẽ tìm thấy cô nàng biến đổi và đào sâu văn chương mình qua mỗi ấn phẩm.

Với 22 tác phẩm trong "Lưng người thăm thẳm", Vũ Thị Huyền Trang mang đến những số phận đơn côi đến mức cô độc giữa muôn triệu con người lướt qua trong xã hội này. Điệp trùng sự nghèo khó, khốn cùng và bế tắc như ẩn vào cái bảng lảng mông mênh của núi đồi, rừng cây và gió mây. Cây bút trẻ này vẫn cho thấy lối quan sát tỉ mỉ đến chi tiết nhất trong đời thường để khi khắc họa câu chuyện thì độc giả cơ hồ như thấy đâu đó mình đã từng gặp, khác chăng mình bị cuốn trôi vào hối hả của guồng quay cuộc sống mà chưa một lần đứng lại để nghiền ngẫm về thân phận hữu hạn trong cõi người vô hạn này.

tác-ph%3fm-m%3fi-nh%3ft-v%3fa-phát-hành-nh%3fng-ngày-cu%3fi-tháng-8-c%3fa-vu-th%3f-huy%3fn-trang.jpg -1
Tác phẩm mới nhất vừa phát hành của Vũ Thị Huyền Trang.

Đó là anh tài xế Thuận của những chuyến xe dài dọc cung đường núi trong "Giày hoa" vẫn khao khát một mái ấm gia đình; cô gái tên Sim với những câu chuyện huyền ảo giữa núi đồi thêu lên một hy vọng. Cũng có thể là người mẹ điên dại luôn bảo vệ đứa con trai của mình; lão Vạm cụt chân luôn đẽo gỗ thành những bức tượng khó hiểu; và chàng Youtuber Huân luôn đau đáu về hai chữ tử tế trong cuộc đời này; họ tạo nên "Những khuôn mặt tượng" đầy ám gợi. Còn nữa là Xiu trong "Kẻ dịch chuyển"; là Sương trong "Tại sao im lặng"; là Núi của "Thả quỷ"; là Lim của "Mắc kẹt"… những cá thể cô đơn đi tìm một lối thoát cho số phận mình. Dễ thấy được cảm xúc mà tác giả đã chuyển tải vào nhân vật, từ đó lan tỏa tới người đọc một nỗi xa xót. Nỗi buồn của thân phận họ hiện lên cũng đẹp một cách lạ thường bởi tận cùng của số phận họ đã biết nương tựa nhau, nắm níu nguồn sống và bứt thoát mình ra khỏi nẻo tối để đi về phía ánh sáng.

Như chính Vũ Thị Huyền Trang chia sẻ khi chọn nhân vật để viết, bởi chính sự sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo khó, gắn bó với những người nông dân chân chất, thật thà. Lớn lên dù đi đâu, làm gì Trang vẫn mang tấm lòng cởi mở của người quê để bắt quen, gần gũi với những người bình thường, giản dị. Nữ nhà văn soi mình vào họ mỗi ngày nên có nhiều thứ để trải ra trang viết. Với Trang thì họ đẹp lắm, từ khuôn mặt còn lấm bụi đường xa đến nụ cười giấu bao nỗi truân chuyên, mưa nắng.

Suy cho cùng, lấp lánh phía sau trang viết chính là nỗi lòng của tác giả. Người viết vì thương mà viết ra những câu chữ, ngỏ hầu người đọc cũng vì thương mà tìm thấy nguồn năng lượng tích cực được gói ghém trong những tác phẩm đó. Chữ thương giao nhau cũng là điểm chung của lòng người. Người với người, kỳ thực chỉ mỗi chữ thương mới ràng buộc vào nhau. Trong mất mát có hồi sinh. Trong nghèo khó có nảy chồi hy vọng. Trong nghịch cảnh, con người vẫn đối tốt với nhau bằng tất cả tấm lòng. Để không phải nuối tiếc khi nhìn nhau từ phía sau. Mà thật ra chúng ta còn nhìn thấy tấm lưng thăm thẳm của nhau là bởi vì còn thương mới dõi theo nhau.

Nhưng chữ thương đó, trong bối cảnh xã hội ngày nay, Vũ Thị Huyền Trang còn khéo léo lồng vào đó là một nỗi thương của con người với thiên nhiên. Hầu hết các tác phẩm đều có bối cảnh là rừng, với những mảng xanh đang bị khai thác một cách tận diệt. Nữ nhà văn như mượn tác phẩm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta biết thương núi rừng cây cỏ, để từ đó biết thương chính mình và thương thêm những con người xung quanh. Chỉ khi chữ thương mở rộng ở một tầm bao phủ như vậy thì cuộc đời chính chúng ta tự khắc trổ xanh những lá hoa và vững vàng những núi rừng.

Tôi ở TP Hồ Chí Minh, Trang ở Phú Thọ, sau lần ngồi chung bàn ăn đó đến nay vẫn chưa gặp lại nhau, nhưng thoảng khi vẫn trao đổi cùng nhau chuyện viết lách. Trang từng chia sẻ không muốn là người đứng bên lề hơi thở thời đại nên luôn cố gắng đi qua bề mặt của niềm vui để đào sâu vào góc khuất nội tâm từng nhân vật mình sáng tác. Và tôi luôn tin với ý niệm viết này, Vũ Thị Huyền Trang sẽ đi những bước thật xa và thật vững hơn nữa trong hành trình văn chương của mình.

Tống Phước Bảo
.
.