Nhà văn Tống Phước Bảo: Xót từng câu, đau từng chữ!
Khoảng hơn mười lăm năm trước, nhà văn Tống Phước Bảo từng thử sức sáng tác một số bài thơ, truyện ngắn nhỏ đăng rải rác trên các báo địa phương. Nhưng dường như cái duyên chưa đủ lớn, cây bút 8X này tạm gác lại đam mê để hòa vào vòng xoay mưu sinh xô bồ, bận rộn. Ở tuổi 35, những trải nghiệm cuộc sống đầy cung bậc cảm xúc thôi thúc anh quyết định khơi lại ngọn lửa văn chương vẫn âm ỉ cháy trong trái tim mình.
Tiếng gọi của đam mê
Bằng bản năng văn chương mãnh liệt, vốn phương ngữ Nam bộ giàu có, cộng với vốn sống dày dặn, thâm trầm, Tống Phước Bảo viết khỏe và sâu. Cái tên Tống Phước Bảo liên tục xuất hiện trên các mặt báo từ địa phương đến trung ương. Người đọc ấn tượng bởi một giọng văn mộc mạc mà uyển chuyển, da diết, đượm tình sông nước miền Tây đang từng bước định hình phong cách riêng.
Truyện ngắn của Tống Phước Bảo thường có cốt truyện đơn giản, dễ tóm tắt nhưng ghim lại trong lòng độc giả bởi khả năng miêu tả không khí truyện mênh mang, cuốn hút và biệt tài phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc, chính xác. Tả tình mà thấp thoáng cảnh. Tả cảnh mà tha thiết tình. Cảnh với tình quyện hòa mềm mại, nhuần nhuyễn trong từng tác phẩm.
Tống Phước Bảo là nhà văn có bút lực dồi dào. Những ý tưởng luôn chen chúc, trăn trở trong tâm trí, đòi tác giả giãi bày ra trang giấy. Trung bình mỗi tháng, anh viết được khoảng hai truyện ngắn và một vài tạp văn. Số lượng có đi đôi với chất lượng? Tống Phước Bảo nhiều lần tự vấn bản thân mình như vậy. Thế nên, anh thường cất dành tác phẩm của mình như nghệ nhân ủ rượu quý. Lúc nào cảm thấy đủ độ lắng trong cảm xúc và suy nghĩ thì anh mang tác phẩm ra trau chuốt, gọt giũa. Anh luôn tìm cách làm mới ngòi bút của mình và mở rộng biên độ đề tài nhằm hiểu rõ hơn những sở trường, sở đoản, những giới hạn của bản thân. Anh cho rằng, không viết thử thì làm sao biết khả năng đến đâu?
Từ miền Tây đến Sài Gòn
“Viết thử” nhưng cho ra tác phẩm thật. Miền Tây “phù sa muôn đời bồi đắp chín nhánh sông” hiện lên bâng khuâng, thao thức cõi lòng qua các tác phẩm “Phấn thổ đồng bưng”, “Mắt phù sa”, “Mút chỉ cà tha”, “Chiều khiết bông”, “Ráng chiều cù lao”, “Mưa miền Cố Giang”, “Gió ngọt nước đồng”… Ở đó, những phận người lênh đênh như trái bần trôi, gắn chặt đời mình vàm sông, con nước nặng tình phù sa châu thổ. Sóng gió nào rồi cũng sẽ qua thôi, ngang trái nào rồi cũng được hóa giải. Chỉ có những đợi chờ là luôn khắc khoải, những yêu thương là còn đọng mãi, những muộn phiền vẫn vương vấn đâu đây. Họ sống hồn hậu, thuần mộc như bông điên điển, như cụm lục bình, thuỷ chung như cây dừa, cây đước bám rễ ôm trọn từng tấc đất quê hương.
Và trước sự thay đổi chóng mặt của nơi chôn rau cắt rốn, tác giả không giấu được sự đớn đau quặn thắt: “Nhưng lòng kinh xưa giờ đã thành lộ cái, làm gì còn sóng nước mà chèo đò. Ai hát? Ai nghe? Có chăng chỉ còn lại đám lá trơ mắt dòm châu thổ khô cằn, dần cạn phù sa” (Mắt phù sa). Xót từng câu, đau từng chữ! Vùng quê yên bình bị trầy xước, tổn thương khi đối mặt với cơn thịnh nộ của thiên tai và phải chống cự trước sự tàn phá của con người. Có lẽ Tống Phước Bảo đang ước “bao giờ cho tới ngày xưa”? Dẫu biết rằng, quy luật tất yếu của cuộc sống là sự vận động, không gì có thể mãi đứng yên một chỗ. Nhưng anh cứ đau đáu mãi về cái xóm nhỏ cù lao, nhớ thương mãi mảnh hồn quê trong ký ức êm đềm…
Như những nhân vật trong tác phẩm của mình, lớn lên và rời xa quê hương đến thành phố kiếm kế sinh nhai, Tống Phước Bảo cũng vậy. Anh đã có gần ba mươi năm gắn bó với Sài Gòn hoa lệ đất chật người đông. Sài Gòn trở thành đề tài “ruột” của anh bên cạnh miền Tây sông nước. Sài Gòn trong anh “Chẳng có người lạ, chỉ có người quen; chẳng thể ghét, chỉ có thương. Người thương người vì nhau mà sống. Người thương đất này, vì nó mà ở lại đây cho trọn một đời”. Tất cả được anh gói ghém chỉn chu trong cuốn sách “Sài Gòn còn thương thì về” với mười chín tản văn và tám truyện ngắn tinh tế, sâu lắng và ăm ắp yêu thương như: “Nỗi thương lạc loài”, “Tập tầm vông”, “Hồn xuân”, “Sài Gòn vội vã gặp rồi lại xa”…
Hai mảng đề tài soi chiếu, bổ sung cho nhau tạo nên phong cách vừa thống nhất, vừa đa dạng trong văn chương Tống Phước Bảo. Các nhân vật của anh liên tục “di chuyển”. Có người bỏ quê lên phố, cũng có người rời phố về quê. Quê nhà dẫu nghèo vật chất nhưng luôn đầy ắp chân tình, cọng rau con tép xuề xoà qua bữa. Thành phố tuy bon chen nhưng vẫn luôn bao dung chở che những phận người tứ chiếng tha phương, nơi “còn đó nhiều tấm chân tình, lắm điều trượng nghĩa”. Hay Tống Phước Bảo đang mượn nhân vật để nói viết về nỗi lòng chênh chao của chính mình? Anh quê gốc ở An Giang nhưng lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó khiến anh có những góc nhìn đối sánh trọn vẹn, đa chiều về bức tranh quê và phố.
“Sạc” đầy trải nghiệm
Có lúc hoàn thành xong một cuốn sách, Tống Phước Bảo cảm thấy tâm trí mình chơi vơi, trống rỗng, kiệt quệ như cái cây bị sâu đục thân mà diễn đạt hoa mĩ theo cách nói của anh thì “tưởng chỉ cần một làn gió thổi qua cũng đủ nhấc bổng mình lên trời”. Anh nhanh chóng nạp đầy năng lượng tích cực bằng những chuyến đi.
Anh tôn thờ “chủ nghĩa xê dịch”, viết rồi đi, đi rồi biết, cứ tuần hoàn đều đặn như vậy. Và Facebook anh cũng ngập tràn ảnh đẹp: mới nhí nhảnh selfie tại Đà Lạt đã nghiêm ngắn ở Cố đô Hoa Lư, vừa dạo bước giữa Hà Nội mùa thu đã hoà mình vào Sa Pa bảng lảng. Những chuyến đi ấy là nguồn cảm hứng để anh viết nên các truyện ngắn “Pháo hoa cổ trấn”, “Gặp Sài Gòn ở ngõ Tạm Thương”, “Trên đồi Tái Sinh”…
“Linh đinh tình phù sa”
Trong năm 2023 này, nhà văn Tống Phước Bảo trình làng một cuốn sách mới với nhan đề rất gợi hình - “Linh đinh tình phù sa”. Đây là tuyển tập mười hai truyện ngắn đặc sắc mang đậm dấu ấn Tống Phước Bảo. Câu chuyện nào cũng nhức nhối và xốn xang như thể chữ “linh đinh” vô định ấy đã gắn chặt vào số phận từng nhân vật sống quẩn quanh miệt phù sa “chín nhánh”. Là Dũng với giấc mơ sống đúng với bản thể giới tính trong “Như lục bình trôi”. Là Út Thẩn “mỏi mòn cả xuân xanh đời con gái” đợi chờ tình yêu vô vọng trong “Đò qua sông vắng”. Là thằng Đuông từ bỏ tất cả mọi cơ hội rộng mở để trở về xóm Mồ Côi trong “Ráng chiều cù lao”. Là hình ảnh ngoại trong “Mùa so đũa trổ bông” cứ thắt thẻo ruột gan ngóng trông con gái…
Tác giả chia sẻ: “Thông qua những truyện ngắn này, tôi đem đến những điều dung dị, chất phác và hào sảng như là vốn dĩ bản tính của người Cửu Long ăn sâu vào gốc rễ nội tâm và căn cơ chính mình”. Như thể muốn bù đắp cho các nhân vật, hầu hết các truyện ngắn của Tống Phước Bảo đều kết thúc có hậu, đầy ắp những giá trị nhân văn. Trong “Con cá làm ra con mắm”, một cặp vợ chồng đã hóa giải được vướng mắc dấm dẳng trong lòng khi người vợ hiểu ra nghĩa cử cao đẹp âm thầm của chồng dành cho thân nhân đồng đội cũ từng vào sinh ra tử cùng mình nơi chiến trường khốc liệt. Trong “Câu hát linh đinh”, tình bạn của anh Hoàng và Hai Hiền đã được hàn gắn sau những hiểu nhầm, rạn nứt…
Nhận xét về nghệ thuật truyện ngắn của Tống Phước Bảo trong cuốn sách này, nhà văn Võ Diệu Thanh khẳng định: “Văn của “Linh đinh tình phù sa” là một chữ tình được viết rất lả lướt bằng chính những vết thương. Vết thương có bao giờ mà không chân phương. Nhưng đó là một quần thể thương tật có thể cất lên bằng tiếng lòng du dương, mượt mà điệu nghệ. Đốp chát đấy nhưng chất tình lành lặn và mang một sức sống bền bỉ. Cảm giác như cuộc sống này khắc nghiệt nhằm nhò gì, nước mắt nhằm nhò gì. Mắc gì mà sợ hãi”. Đúng thật vậy, cuộc sống không phải lúc nào cũng êm xuôi, bằng phẳng, nhưng sau tất cả những va đập, tổn thương, mất mát, Tống Phước Bảo vẫn bản lĩnh sống và viết những trang văn đượm tình, nặng nghĩa.
Nhà văn Tống Phước Bảo nghiện viết đến quay quắt. Ngày nào không gõ lách cách trên bàn phím dăm ba dòng gì đó, anh cứ thấy bứt rứt không yên. Anh vẫn thường tâm sự rằng, độc giả còn thương thì anh còn viết, còn muốn được gửi đến họ “cái tình miệt thứ, cái thương đồng bưng”. Bởi vì anh chính là “một dòng phù sa của muôn triệu dòng phù sa đang chảy tràn khắp miệt đồng bưng châu thổ” đang bồi đắp cho cánh đồng văn chương những mùa quả ngọt toả hương thơm ngát…