Nhà văn Phan Đình Minh và “Mùa hoa liễu quế hương” năm ấy

Thứ Tư, 03/01/2024, 18:21

Thi thoảng, tôi hay ngồi lại để nghĩ về các nhà văn và định hình khuôn mặt văn chương của họ. Có người nghĩ mãi, tìm mãi mà mình không thể phác vẽ được, bởi mình đọc họ rồi, mà mọi thứ cứ tuội đi. Có người nghĩ thật lâu mới chầm chậm hiện lên đôi nét nào đó. Nhưng có người chỉ cần nhớ đến cái tên của họ, giọng nói của họ thì ngay lập tức gương mặt đời thường và gương mặt văn chương đồng hiện.

Thậm chí, đôi khi một thanh âm, hình ảnh nào đó, một nhân vật nào đó của họ cứ vang vọng, tơ vương mãi trong mình. Phan Đình Minh là nhà văn mà bóng và hình của anh luôn lấp lánh trong tôi ở vùng gần gụi, cả những miền thẳm sâu mờ hồ nhất.

Nhà văn Phan Đình Minh và “Mùa hoa liễu quế hương” năm ấy -1

Tuổi thơ của Phan Đình Minh gắn với cái không khí vừa náo nhiệt vừa hoang buồn của ga Cẩm Giàng, tiếng còi hỏa xa như thúc giục lúc lại như lơ đễnh vô tình, và tiếng còi tàu thủy trải dài, luênh loang trên ngã ba sông dùng dằng con nước. Rồi đôi lần cùng đám bạn bắt ve đào dế, trèo cây hái ổi, tắm ao trong khuôn viên Tự lực văn đoàn - vương quốc một thời của những ngôi sao rực sáng trên bầu trời văn học thế kỷ trước. Và cả những câu chuyện của cha về các văn nhân lừng lẫy ấy đã cho Phan Đình Minh được tắm đẫm trong cái không khí, hồn vía của một miền đất cổ và những ánh xạ văn chương. Có lẽ, từ những ngày ấy, hạt mầm văn chương trong Phan Đình Minh đã được hình thành, cho đến một ngày cái cây chữ nghĩa ấy bừng trổ và mang đến văn đàn một cái tên: Nhà văn Phan Đình Minh.

Không nhớ rõ, tôi đã đọc “Mùa hoa liễu quế hương” của Phan Đình Minh khi nào, có lẽ là sau cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2004-2005. Truyện này được giải Tư, nhưng lại là truyện làm tôi nhớ nhất trong số những tác phẩm đoạt giải. Một số bạn văn trẻ cũng nói với tôi, họ biết đến Phan Đình Minh từ “Mùa hoa liễu quế hương”. Rồi từ ấy, họ chẳng rời được văn chương của anh, dù hàng năm đội ngũ viết văn của xứ sở này vẫn được nối dài thêm, như có người nói là “rừng người viết”. “Mùa hoa liễu quế hương” hấp dẫn người đọc bởi tài dựng truyện và kể chuyện của Phan Đình Minh. Tôi thích cái cách kể rủ rỉ, tâm tình nhưng cũng sắc sảo, tinh tường trong truyện ngắn này. Tác giả là người tài hoa trong thắt mở câu chuyện, khắc họa ngoại hình, tính cách nhân vật. Truyện đóng đinh vào tôi, mỗi khi tôi nghĩ đến Phan Đình Minh là "hoa liễu quế hương" lại bung tỏa trong lòng.

Trên đường đến nhà Phan Đình Minh, tôi cứ nghĩ đến cái “lâu đài tình ái” như cái “container dựng ngược” của anh năm nào, đã được nhà văn Nguyễn Thế Hùng miêu tả trong một bài viết vừa hài hước, lại có chút gì đó như se xót. Bởi khi đó, anh và vợ cùng thiên thần nhỏ của họ phải sống trong căn nhà vỏn vẹn 8 mét vuông. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trong cái không gian ấy, bất chấp khi trận gió hàn hay nắng nóng cháy da hầm thịt, cả khi ngập ngụa trong trận lụt lịch sử của Hà Nội. Dĩ nhiên, lầu văn của văn nhân họ Phan cũng được bố trí trong 8 mét vuông ấy. Mà đúng là “lầu”, bởi vì nơi viết văn của anh là gác xép mà mặt sàn cách trần nhà chỉ khoảng 1 mét. Ngồi thì vừa, vô tình đứng lên ắt có khi bươu trán, ung đầu.

Nhà mới của vợ chồng anh là căn hộ ở khu chung cư Gelexia Riverside trên đường Tam Trinh, gần công viên Yên Sở. Diện tích căn hộ gấp 10 lần cái “lâu đài tình ái” thuở hàn vi. Anh thích không gian thoáng đãng nơi này, nó tiện cho vợ chồng anh về quê chăm sóc cha mẹ già. Còn khi nào văn nhân nổi hứng “nịnh vợ”, muốn dẫn “nàng” đi uống cà phê phố cổ hay có cuộc tụ tập thù tạc với anh em bạn bè ở khu trung tâm thì cũng không mất mấy đoạn đường. Phan Đình Minh dẫn tôi đi thăm mọi ngóc ngách của căn nhà, tôi để ý thấy laptop của anh vẫn để trên sofa. Giờ đã có phòng văn riêng rồi, nhưng thi thoảng anh thích ra phòng khách làm việc, vì thoáng mát hơn. View của phòng khách là mấy chậu cây cảnh mướt mượt, phía xa là trời cao xanh lộng gió, bảo sao anh viết lắm truyện có gió thế, chỉ trong một tập truyện cũng đến mấy tác phẩm mà tên gắn với chữ “gió”: “Sông quê tráng gió”, “Những ngày gió cả”,... rồi đặc biệt là “Gió Trương Chi”.

Nhà văn Phan Đình Minh và “Mùa hoa liễu quế hương” năm ấy -0
Bìa tập truyện ngắn của nhà văn Phan Đình Minh.

Phan Đình Minh cứ rủ rỉ kể cho tôi nghe về những tháng ngày đã qua của anh. Ngôi nhà xưa nơi quê cũ, dòng sông Cẩm Giàng, ga xép, những tiếng còi và khu vườn của Tự lực văn đoàn. Tất cả vẫn còn tươi ròng, sống động trong niềm yêu dấu, nỗi hoài vọng của người văn. Tháng ngày chiến đấu trong vai người lính tình nguyện trên đất bạn Campuchia, những thăng trầm của quãng thời gian tại ngũ, công việc viết văn với những chia sẻ chân tình về nghề làm tôi thêm tin vào những điều tử tế, tốt đẹp giữa cuộc đời.

Trong lúc chúng tôi ngồi trò chuyện thì chị Thủy - vợ anh - lặng lẽ làm việc nhà, chạy sang giúp hàng xóm việc gì đó, rồi đi chợ. Chị trở về với chùm vải và mấy thức bánh quê đặt gọn xinh trên hai cái đĩa, mời chồng và khách. Xen vào những đoạn chuyện trò, thi thoảng Phan Đình Minh lại đưa tôi một thức gì đó, nói nhỏ nhẹ, chân tình: “Em ăn đi!”. Cái cung cách của anh làm tôi nghĩ đến những người anh lớn tuổi đón đứa em xa, có thể là đi chiến đấu, đi làm ăn dạt trôi đâu đó lâu lắm mới trở về. Tôi đồ rằng, ai ngồi nói chuyện cùng Phan Đình Minh sẽ cảm thấy rất dễ chịu, chẳng muốn dứt câu chuyện với anh. Bởi anh nhiều chuyện, hiểu chuyện, không cách bậc, khách sáo...

Tôi nói với anh là có một giai đoạn tôi khá sốt ruột và mong ngóng đọc truyện của anh, nhưng Phan Đình Minh vắng bóng, hoặc rất hiếm khi xuất hiện. Đó là mấy năm sau giải thưởng của Văn nghệ quân đội với “Mùa hoa liễu quế hương”. Là người viết tôi hiểu dân sáng tác đôi khi cũng cần những quãng trầm, ngưng nghỉ, để đằm lại, chiêm nghiệm, làm mới và (rất có thể) sẽ bung trổ rực rỡ ở giai đoạn mới. Anh bảo anh là tạng viết chậm, chỉ khi nào thấy điều mới mẻ, gặp được tứ truyện hay, cảm xúc căng đầy thì mới ngồi vào bàn viết. Anh không có thói quen ép mình ngồi vào bàn viết để cố nặn ra chữ. Cũng có khi một tứ truyện, một nhân vật làm anh nghĩ lung lắm, trằn trọc vài đêm là truyện thường.

Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 2011-2012 là sự trở lại ngoạn mục của Phan Đình Minh, năm đó anh đoạt giải Tư. Mấy năm tiếp theo, ở các cuộc thi truyện ngắn danh giá của Báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn và tác phẩm, và cuộc thi Cây bút Vàng lần 3, 4 do Hội Nhà văn phối hợp với Bộ Công an tổ chức. Cái tên Phan Đình Minh luôn nằm trong bảng xếp hạng. Đặc biệt, với giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 2015-2017, Phan Đình Minh trở thành một trong số ít nhà văn Việt Nam 2 lần đoạt giải truyện ngắn Báo Văn nghệ.

Cuối năm 2022, sau 16 năm in cuốn sách thứ 5, Phan Đình Minh mới lại trình làng tập truyện ngắn “Gió Trương Chi” với 16 truyện ngắn, một tác phẩm đầy đặn, sang trọng, đẹp đẽ ở mọi góc độ. Người nào văn ấy, câu này đúng với Phan Đình Minh. 16 truyện ngắn là 16 câu chuyện đời, từ quê đến phố, ở đó nhà văn bằng con mắt quan sát rất sâu và tinh của mình đã soi thấu vào những ngổn ngang, mọi góc khuất của đời sống để phơi tỏ, lý giải và gợi mở những hướng đi về phía ánh sáng.

Nhà văn cảm thông, xa xót với từng thân phận nhỏ nhoi, từng cảnh đời ngang trái, đồng thời róng riết lên án những thói tật xấu xa còn đầy rẫy trong xã hội. Nhưng phủ trùm lên mỗi trang văn là tư tưởng sâu sắc về căn cốt văn hóa dân tộc, tấm lòng đôn hậu với con người và cuộc đời. “Gió Trương Chi” là truyện ngắn để lại trong tôi nhiều dư ba, nó gợi nhiều day trở về hành trình tìm kiếm cái đẹp, tận hiến cho nghệ thuật, về sự đối sánh giữa cái đẹp, sự thanh cao với cái xấu, sự thấp hèn; về mối quan hệ của nghệ thuật với cuộc sống, của người nghệ sĩ với nhân quần.

Có một hôm, trong cuộc điện thoại với tôi, Phan Đình Mình bảo: “Lạ quá, ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thạch Lỗi dưới quê có treo ảnh anh với 3 vị khác trong phòng truyền thống”. Là người nhà, người làng đi họp hành, dự lễ tại các nhà trường nói với anh vậy, chứ anh cũng chưa biết là nhà trường treo ảnh anh như thế nào. Anh còn bảo, quê anh nhiều nhân vật tiếng tăm lắm, vậy mà họ lại chọn nhà văn để treo ảnh, “lạ quá!”.

Tôi thì không thấy lạ, bởi xứ Đông quê anh vốn là miền đất văn hiến lâu đời, việc trọng chữ, trọng người nhiều chữ đã trở thành truyền thống quê hương. Nhất là những con chữ ấy lại đẹp đẽ, thanh sạch được sinh ra từ một trái tim ấm áp, một tâm hồn đôn hậu.

Nguyễn Phú
.
.