Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy: "Văn chương mang lại cho tôi sự tươi mới!"
Vừa qua, tại NXB Hội Nhà văn đã diễn ra buổi tọa đàm về tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái” của nhà văn Phạm Thị Bích Thủy - một tác phẩm có độ dày 600 trang về đời sống gia đình đầy ắp hơi thở đương đại bao gồm cả sự rạn nứt và đổ vỡ các giá trị truyền thống.
Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy là một gương mặt không xa lạ với văn chương Việt trong 10 năm qua với các tác phẩm như: các tập truyện ngắn “Chạy trốn” (2013), “Zero” (2017); các tiểu thuyết “Đồi cát bay” (2014), “Tiếng sáo lạc” (2015), “Đáy giếng” (2015).
Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với nhà văn Phạm Thị Bích Thủy.
- Thưa nhà văn Phạm Thị Bích Thủy, trong đời sống tinh thần của chị, với tư cách là một nhà quản trị doanh nghiệp, văn chương nói chung và công việc viết văn có ý nghĩa như thế nào?
+ Văn chương hay nói rộng hơn những thứ liên quan tới nghệ thuật giúp tôi “lãng mạn” hơn giữa cuộc sống rất “náo động” của mình và của xã hội. Ví dụ như, trên hành trình ngày nọ đi công tác ở Yên Bái, ngay giữa lúc rất căng thẳng khi phải di chuyển xa, họp hành, bàn cãi, tranh luận, ra quyết định..., tôi vẫn có thể bồi hồi thương nhớ bóng lưng còng của những người mẹ khi nhìn qua cửa kính ô tô, thấy khói lam chiều bay lên từ mái nhà đơn côi giữa rừng. Những cảm xúc đó rất dịu dàng và tươi như cái cây được tắm mưa sau nhiều ngày nắng khô với gió bụi. Cảm xúc văn chương mang lại cho tôi sự tươi mới, dẻo dai để làm những việc có vẻ “khô cứng” mang tính phân tích, dữ liệu một cách hiệu quả, sáng tạo và cân bằng hơn.
Việc viết văn cho tôi cơ hội được thỏa chí thiết kế, tổ chức và xây ra xã hội trong tưởng tượng của mình. Việc bỗng nhiên từ không có gì, bạn cứ thế dùng từ ngữ viết ra và rồi đến lúc bạn cảm thấy có vẻ như những nhà cửa, phố xá, xã hội kia có thể được sờ mó thấy. Đó là cảm giác rất hạnh phúc. Bạn cảm thấy được sự tồn tại có tính “vật chất” của cái “đền đài, miếu mạo hay ruộng vườn” do mình tự “dựng” lên. Vâng, bạn là chủ nhân của cả thế giới hư cấu đó!
- Chị có thể chia sẻ về quá trình thai nghén và hoàn thành tiểu thuyết "Gia đình có bốn chị em gái" vừa ra mắt của chị đã diễn ra như thế nào? Có điều gì từ nội tâm đã thôi thúc chị phải viết ra tiểu thuyết này?
+ Tôi cũng không có sự nung nấu nào từ trước về việc dứt khoát phải viết ra một cuốn tiểu thuyết về gia đình. Tuy nhiên, có thể coi là hơi có chút “định mệnh” liên quan tới cuốn tiểu thuyết này, vì từ khi còn là cô giáo dạy đại học những năm 90 thế kỷ trước, khi tôi chưa 30 tuổi, được các sinh viên hỏi: “Nhà cô có bao nhiêu anh chị em?” và “Các chị em của cô có giống cô không?”. Tôi giật mình vì anh chị em trong gia đình tôi có đời sống rất không giống nhau. Khi đó, tôi trả lời: “Các chị em nhà cô không giống cô!” và rất tự nhiên, tôi buột miệng: “Tôi mong sau này sẽ viết một tiểu thuyết về gia đình vì tôi muốn viết về việc anh chị em cùng được bố mẹ sinh ra, cùng được nuôi dạy và cùng nhau lớn lên trong một môi trường, nhưng mỗi người lại có một số phận hoàn toàn khác nhau!”.
Tháng 7/2015, nhà văn Ma Văn Kháng tặng tôi cuốn tiểu thuyết “Ngọn tre già trổ hoa” của nhà văn Vũ Oanh với mẩu giấy nhắn “Một gợi ý để sau này Thủy sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về đề tài gia đình?”. Nhưng, thời gian này tôi cũng chưa nghĩ tới tiểu thuyết về gia đình, khi đó tôi đang viết một cuốn khác. Năm 2020, dịch COVID-19 bùng nổ và mùa hè 2020-2021 là thời gian khốc liệt nhất mà chúng ta đã trải qua. Những ngày cách ly, ngày ngày ở trong nhà xem tin, khắp nơi người ta tranh cãi ai đúng ai sai, ai cần ai hỗ trợ phòng dịch...
Ở nước Mỹ xa xôi, câu chuyện về người đàn ông da màu George Floyd bị chết do một cảnh sát da trắng đè tì lên cổ trong 8 phút dẫn tới bạo loạn khắp các bang trên toàn nước Mỹ và lan ra một số quốc gia khác. Tôi cứ tự hỏi: “Tại sao con người không biết yêu thương nhau mà lại phải tranh cãi, thù địch, thậm chí là giết lẫn nhau? Lý do gì mà gia đình hôm nay lại rạn vỡ, “huynh đệ tương tàn?”.
Thế là tôi bắt đầu nghiên cứu về lịch sử gia đình, tìm đọc nhiều tài liệu triết học liên quan tới gia đình, học lại lịch sử Việt Nam và nhận ra dường như những vấn đề gia đình đều có gốc rễ liên quan tới sự bất bình đẳng cơ hội, hiểu một cách đơn giản là ai đó trong xã hội bị mất cơ hội làm gì đó tốt đẹp vì một ai khác cướp mất. Cứ thế, tôi bắt đầu viết “Gia đình có bốn chị em gái” vào đầu tháng 7/2021 và đóng máy vào chiều ngày 8/2/2024 tức là ngày 29 Tết Giáp Thìn.
- Là cử nhân văn chương được đào tạo bài bản ở nước ngoài, trở thành giảng viên Văn học Nga ở Đại học Ngoại ngữ, rồi trở thành doanh nhân. Nhưng rồi, chị trở lại với văn chương qua hàng loạt tác phẩm nối tiếp nhau trong vòng 10 năm qua. Đây có phải là hành trình đặc biệt để chị trở lại với "con người văn chương" vốn có của chính mình không?
+ Thật ra không có chuyện “trở đi”, “trở lại”, tôi vẫn là tôi thôi, vẫn làm những thứ mình thích theo cách này hay cách khác thôi! Việc tôi rời trường đại học, ban đầu chỉ là liên quan tới chuyện “cơm áo” mà thôi! Tôi bắt đầu bằng việc tự học tiếng Anh để tăng cơ hội mưu sinh, từ việc dạy trẻ con đến hành trình làm “thợ đụng”, gặp gì làm nấy với tiếng Anh, rồi có công việc làm nhân viên văn phòng cho người nước ngoài. Nhờ đó được tham gia nhiều khóa đào tạo dài hạn, ngắn hạn cả trong và ngoài nước, học MBA khi đã được làm quản lý...
Dù hành trình đi “kiếm ăn” của tôi có vẻ “lặn lội” trong con mắt nhiều người, nhưng với tôi nó mang lại niềm thích thú vô bờ bến với nhiều trải nghiệm quý. Trên hành trình đó, bất kể lúc nào tôi cũng vẫn yêu thích văn chương. Những năm đó, tôi viết cho chính mình như một sự giải tỏa và giải trí để thỏa chí tưởng tượng và cảm xúc của mình, khởi đầu với “À í a” - một truyện ngắn về nông thôn Đồng bằng Bắc bộ. Và rồi tôi cứ thế đi tiếp, im lặng, lầm lũi đến ngày hôm nay.
Tôi thấy mình không rời đi đâu mà phải trở về! Tôi vẫn ở đó, vẫn yêu thích quản trị doanh nghiệp một cách sáng tạo, nhân văn và vẫn lẳng lặng viết văn về cuộc sống ngày hôm nay.
- Là một phụ nữ hiện đại và khá bận rộn, chị đã dành thời gian như thế nào cho văn chương?
+ Khi người ta không muốn làm gì đó thì lý do để nại ra là: “Bận quá!”. Bạn thích làm điều gì thì bạn sẽ tìm ra đủ thời gian để làm điều đó thật tốt. Tôi luôn cố gắng sử dụng thời gian hiệu quả hơn, làm việc tập trung hơn để có thể tăng năng suất lao động và nhờ vậy có dư thời gian cho những công việc khác. Cứ thế, tôi tự nhủ thích viết văn thì phải cố mà viết thôi! Vậy nên, tôi phải thức khuya hơn, tôi phải ngồi trước bàn làm việc suốt những ngày nghỉ. Tóm lại, với tôi, người viết văn sẽ có đủ năng lực để phân bổ thời gian của mình thành những ngăn để làm mọi việc thông thường và viết văn.
- Nhà văn Chu Lai từng chia sẻ rằng, viết văn thực sự là một thứ công việc cực nhọc và hao tổn sinh lực. Với trải nghiệm của cá nhân mình, chị cảm thấy như thế nào sau mỗi lần hoàn thành một tiểu thuyết?
+ Tôi thấy chẳng có chuyện làm gì mà không cực nhọc. Viết văn chắc gì đã cực nhọc bằng người nông dân lội ruộng mò ốc lúc 3-4 giờ sáng, chắc gì đã cực nhọc bằng những người phụ nữ chở hàng đi chợ lúc nửa đêm với chiếc xe máy chở cồng kềnh như xe bán tải, ngày nắng cũng như ngày mưa! Ai cũng cực nhọc cả thôi, vì trách nhiệm nào đó mà họ lao động như vậy! Và, lẽ dĩ nhiên, việc nào bạn làm nghiêm túc, tận tâm thì đều phải “lao tâm khổ tứ”, phải mất sinh lực chứ!
Mỗi lần viết xong một tác phẩm thì tôi hay nói đùa là bị “rỗng não”, tức đầu óc và thân xác có cảm giác hoàn toàn trống trơn. Tôi cứ để rỗng như vậy một vài ngày trong khi làm những việc lặt vặt như dọn nhà, quét sân, sửa chữa đồ đạc lặt vặt và đi tập thể dục... Rồi thì trạng thái đó cũng qua nhanh, tôi không nghĩ tới và cũng không đọc những gì đã viết nữa. Tôi phải bắt đầu những điều tôi đã có trong danh mục công việc mà bị xếp phía dưới của thứ tự ưu tiên do việc viết lách trước đó!
- Xin cảm ơn nhà văn Phạm Thị Bích Thủy!