Nhà văn Nguyễn Phú: Phơi mở nét "vân hoa" tộc người
Với nhà văn Nguyễn Phú, mỗi lần cần gì liên hệ tôi hay gọi “Biên vương ơi”. Dắt dây câu chuyện phải kể đến đám viết trẻ chúng tôi bảo nhau nhà văn Nguyễn Thế Hùng là “Nam vương” của làng văn, thế còn Nguyễn Phú là gì, suy nghĩ mãi tôi trao ngay cho anh hai từ “Biên vương”.
1. Với nhà văn Nguyễn Phú, mỗi lần cần gì liên hệ tôi hay gọi “Biên vương ơi”. Dắt dây câu chuyện phải kể đến đám viết trẻ chúng tôi bảo nhau nhà văn Nguyễn Thế Hùng là “Nam vương” của làng văn, thế còn Nguyễn Phú là gì, suy nghĩ mãi tôi trao ngay cho anh hai từ “Biên vương”. Ngay cả chính Nguyễn Phú cũng từng hỏi thế đâu ra hai từ ngộ nghĩnh vậy. Tôi chẳng biết, chỉ biết hai từ này nảy ra trong đầu tôi ngay lúc hai ông anh văn chương mình quý mến bắt bí mình.
Nhưng, có lẽ như chính Nguyễn Phú nói, tất cả mọi sự đến và đi với chính mình trong cuộc đời này đều là duyên - nợ. Vậy nên biên viễn xa xăm đã cho làng văn một “Biên vương” từ ngày ấy, những năm tháng Nguyễn Phú công tác tại cực Bắc (Hà Giang) và cực Tây (Điện Biên). Chính quãng đời này là cơ hội vô cùng quý giá để anh hòa mình trọn vẹn, chân thật nhất vào đời sống văn hóa phong phú, đẹp đẽ của đồng bào các dân tộc.
Nhà văn Nguyễn Phú trong tôi là một người thâm trầm với văn chương nhưng đầy nhiệt thành với bạn bè. Có lần anh dẫn chúng tôi lang thang Đường Lâm cả ngày, trong vóc dáng một người anh tận tụy và hiền lành, từng ngõ cổ, từng hàng quán, Nguyễn Phú nói và kể, rành rọt chi tiết thể như một người yêu nét cổ kính và giữ được hồn mình trước sự đô thị hiện đại của đất và người.
Thoảng khi chúng tôi hay trò chuyện tận đêm để nói về văn chương, về tác phẩm và cả những mênh mông chuyện đời. Ở một góc nào đó trong tâm trí của người giảng viên Học viện Biên phòng (Sơn Tây- Hà Nội) này, luôn dành cho bạn văn những quan tâm thầm lặng. Rất nhiều lần anh nhắn hỏi tôi về bạn văn này, cây bút trẻ kia, bởi anh thấy sự vắng mặt quá lâu trên văn đàn của họ. Đôi khi tôi hay đùa với các bạn văn trẻ, các anh chị mà chúng tôi tưởng lạnh lùng xa cách lại hóa ra rất thân gần và ấm áp.
2. Nhắc đến Nguyễn Phú người ta thường hay nhắc đến “Hoa pằng nảng rơi rơi”, truyện ngắn đầu tay xác tín văn chương của Nguyễn Phú cho đến tận bây giờ. Ngày mới lên Đồn biên phòng Bạch Đích, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang công tác, Nguyễn Phú thường làm nhiệm vụ kiểm soát trên các ngả đường và trong khu vực chợ Bản Muồng. Một phần số kiếp đàn bà, con gái người Mông từ cái chợ ấy đã gieo vào lòng nhà văn sự khắc khoải miên mải.
Như Nguyễn Phú từng chia sẻ: “Tiết tháng Ba, dưới làn mưa xuân lây rây, những bông hoa gạo cháy đỏ trong trời biên tái, rực rỡ rụng rơi ven đường bên bước chân của những người đàn bà Mông lầm lụi xuống chợ; những gương mặt đàn bà Mông cúi gằm trước món hàng mình bán, tay nhẫn nại tước lanh; những bóng đàn bà Mông bước sau đuôi ngựa của chồng khi chợ tàn, liêu xiêu, nhập nhòa vào sương núi... sẽ không bao giờ bước ra khỏi tâm trí tôi. Có lẽ, "Hoa pằng nảng rơi rơi" ra đời từ những yêu thương, xa xót, ám gợi đó”.
Nguyễn Phú bắt đầu sáng tác từ khi còn là học sinh trung học phổ thông, từng đoạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn 2008-2009 của Tạp chí Văn nghệ quân đội, giải Ba cuộc thi truyện ngắn NXB Giáo dục năm 2022, top 10 truyện ngắn hay Báo Văn nghệ Trẻ năm 2010, top 10 truyện ngắn hay Báo Văn nghệ năm 2012. Nguyễn Phú có truyện đăng tải trên các báo, tạp chí: Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ Công an, Nhân dân... Mặc dù tác phẩm đã xuất hiện trong khoảng 20 tuyển tập truyện ngắn đặc sắc/hay/chọn lọc, nhưng đến nay anh chưa in sách riêng. Văn chương với Nguyễn Phú không là cuộc chơi, văn chương là một phần cuộc đời của những người dấn thân với nó.
Một chiều cuối năm, chúng tôi trao đổi vài điều về văn chương, hóa ra số tác phẩm có thể in sách của Nguyễn Phú bây giờ gom lại chắc cũng in được 4 tập truyện ngắn, 1 tập tản văn, 1 bút kí + ghi chép; 1 tập chân dung văn học; ngoài ra còn thơ (đặc biệt là thơ thiếu nhi), các bài phỏng vấn, viết ngắn khác. Với Nguyễn Phú đường văn hay đường đời, cũng là chữ duyên mà ra. Điều cốt tử của nhà văn chính là chất lượng tác phẩm và hành trình viết bền bỉ.
3. Nhưng có lẽ tôi vẫn thích Nguyễn Phú của “Mưa ở bến Nguyệt Hàn”. Tôi thấy Nguyễn Phú đã thoát ra một không gian núi rừng bạt ngàn gió, lồng lộng phận người và hơn hết là một cuộc phiêu lưu mới ở Nguyễn Phú bắt đầu bằng truyện ngắn này. “Mưa ở bến Nguyệt Hàn” cho thấy sự đa dạng của Nguyễn Phú trong bối cảnh, sắp đặt không gian và kết cấu truyện ngắn. Thậm chí từ ngữ anh dùng để miêu tả trạng thái tâm lý nhân vật cũng mạnh mẽ và bứt thoát hơn những truyện ngắn khác viết về miền núi.
Nguyễn Phú kể lại câu chuyện mối lương duyên của nàng Châu Long và đôi bạn Lưu Bình - Dương Lễ qua góc nhìn của một chàng trai trẻ ôm mối tình đơn phương vô vọng. Góc nhìn mới lạ được đặt trong những câu chữ cắt tỉa gãy gọn và kết cấu chặt chẽ đến độ cảm xúc của tôi khi đọc cứ bị nén lại rồi bung ra như “Vầng trăng mười sáu nhòe vỡ trên mặt sông vắng. Những con sóng nối nhau hối hả trôi về cửa bể. Mưa. Trời bất ngờ đổ mưa. Những giọt nước lạnh, nhớ và đau…”. Đẹp và buồn. Sâu thẳm và u uẩn. Mạnh mẽ và bất lực. Yêu thương cạn cùng cũng chỉ như những giọt nước tê tái buốt tim nhỏ vào tâm khảm của tận đáy bất lực. Nguyễn Phú vẫn tạng viết đó nhưng thăng hoa hơn, phiêu du và thênh thang bay trên một câu chuyện nền, từ đó thoát ra những hoài vọng về một thứ văn chương tinh cất.
Nguyễn Phú còn là một người bán sách rổn rảng trên mạng xã hội mà tôi rất thích. Tôi tin Nguyễn Phú chẳng lời lóm gì đâu. Bởi cái cách bán buôn nghệ sĩ và chỉ như một kênh lan tỏa văn chương đến độc giả, bạn văn. Kì thực là sự sẻ chia hơn chuyện kinh doanh, bởi hầu hết giá bán rất rẻ so với thị trường. Lắm khi bạn văn mua sách thì ít mà hành ông chủ nhà sách Sao Khuê thì nhiều. Có khi một đơn sách vài cuốn, mà người mua cứ nằng nặc phải có chữ kí của tác giả sách, Nguyễn Phú cũng chiều tất. Đôi lúc sách cứ gửi đi mà tiền bán thì chưa kịp chuyển. Cứ vậy Nguyễn Phú vẫn bán. Bán và viết cả lời giới thiệu rất tâm huyết để lan tỏa cuốn sách. Bán trong tâm thế trân trọng cả người viết lẫn người mua. Bán như một tấm chân tình dành cho văn chương.
Và cũng từ nhà sách sao Khuê đó, Nguyễn Phú được bạn bè nhớ đến mỗi lần muốn tặng sách cho nhau. Chắc Nguyễn Phú không ngờ có những cuốn sách anh bán ra là từ những cuộc “chung kèo” khi đám văn trẻ chúng tôi cược với nhau một điều gì đó. Cứ cược và chọn sách của anh đang đăng bán, người thắng cược vào trang mạng cá nhân anh chọn để mua, người thua cuộc thì chuyển tiền. Bên thắng bên thua, bên mua bên bán, tất cả đều lời. Lời cái chữ nghĩa và lời luôn cái tình văn chương với nhau.
4. Tôi nhớ trong lần trao đổi gần đây với anh, tôi vẫn mong anh ra mắt một tập sách đầu tay, đứa con tinh thần này sẽ ghi lại chặng hành trình sáng tác và nhắc nhớ một Nguyễn Phú trong lòng độc giả lẫn bạn bè văn chương.
Một đêm muộn Nguyễn Phú nhắn tin hỏi liệu có ai tìm mua cuốn sách hay không? Khi sách càng ngày càng đứng ra rìa của sự phát triển công nghệ của thời đại, khi các hình thức giải trí khác đang lấn át đi văn hóa đọc. Tôi vẫn bảo với anh nếu tin là duyên thì cứ tin tận cùng sẽ vẫn có người yêu sách, vẫn có những tấm lòng trân quý với văn chương và trên hết đọc một cuốn sách, lần giở từng trang còn phảng phất mùi mực in luôn là một hấp lực nào đó với người yêu mến văn chương.
Nguyễn Phú hồ hởi chia sẻ dự định in Tập truyện “Hoa pằng nảng rơi rơi”. Âm hưởng xuyên suốt tập truyện là lời hát buồn thương về đàn bà, nhất là đàn bà Mông với thân phận, niềm đau và tình yêu của họ. Qua số phận những mối tình, thân phận những người đàn bà vùng cao phần nào cũng là phẩm tính người miền núi, nét “vân hoa” tộc người được phơi mở.
Nguyễn Phú từng nói “Có lẽ yêu thương đàn bà, viết về thân phận đàn bà là cái duyên của tôi. Mà duyên thường gắn với nợ. Tôi e rằng nợ nần này, tôi dùng chữ nghĩa, và cả những gì ngoài chữ nghĩa cũng sẽ không bao giờ trả hết được”. Tôi cho rằng cái nợ lớn nhất với Nguyễn Phú chính là nợ tập truyện đầu tay với người yêu văn chương.