Nhà văn Lại Văn Long: Ngòi bút phải hướng thiện

Thứ Năm, 31/03/2022, 15:23

Là một người cầm bút tên tuổi, nhà văn, nhà báo Lại Văn Long có nhiều thành tựu trong văn nghiệp và báo chí. Tác phẩm của anh luôn đau đáu với những thân phận và cả thời cuộc của đất nước. Nhân dịp này, anh đã dành cho chúng tôi một cuộc chuyện trò về nghề viết.

Mỗi tác phẩm cũng có số phận như con người

trang 5- nhà văn lại văn long.jpg -0
Nhà văn Lại Văn Long.

- Những tác phẩm của anh đều có tính khái quát và tư tưởng sâu sắc. Kiến thức triết học có giúp anh trong sáng tác các tác phẩm đó hay không?

+ Tôi từng thất vọng khi đậu vào Khoa Kinh tế chính trị, nhưng bị buộc phải học Triết. Đến khi được học Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều, từ đó say mê luôn. Thời sinh viên tôi đọc sách hàng tháng trong thư viện Trường Đại học Tổng hợp, thư viện Khoa học xã hội và thư viện Quốc gia... Càng đọc càng mơ mộng, nung nấu ý định viết văn nảy mầm từ hồi 12, 13 tuổi. Càng đọc càng thấy những gì hay nhất trên đời thiên hạ đã viết hết rồi, giờ mình không biết nên chọn con đường nào.

Thế là phải trằn trọc suy nghĩ, tìm đọc thêm những quan điểm triết học không được giảng dạy, hoặc giảng dạy hạn chế trong trường đại học lúc bấy giờ, như: Triết học hiện sinh, triết học thực dụng Mỹ, triết học Phật giáo, thần học... Sau truyện ngắn đầu tay "Màu mận chín" đăng trên Báo Tuổi trẻ chủ nhật hồi năm 1988, năm 1990 tôi viết "Kẻ sát nhân lương thiện" - đó là tác phẩm thể hiện một khía cạnh khác của triết học đấu tranh giai cấp.

Có thể nói, tôi đọc sách triết rất nhiều vì ước mơ viết văn nên lúc cầm bút không thể thoát khỏi ảnh hưởng của tư duy và phương pháp luận triết học, dù viết đề tài, thể loại nào cũng vậy. Ngay cả sáng tác truyện trinh thám hình sự, tôi cũng vận dụng rất nhiều nguyên tắc về mối liên hệ biện chứng của sự vật hiện tượng, góc nhìn tâm lý, lịch sử khi xây dựng nhân vật, tình huống trong từng tiểu thuyết. Nhờ đó tôi có thể viết được bộ sách dày hàng ngàn trang như "Hồ sơ lửa" với hàng trăm nhân vật trong câu chuyện dài xuyên suốt cả thế kỷ mà không bị trùng lắp, rối rắm hay lẫn lộn.

- Trong các tác phẩm của mình, cái nào anh ưng ý nhất, tại sao?

+ Dĩ nhiên tôi thích "Kẻ sát nhân lương thiện" nhất, vì đó là tác phẩm đã làm thay đổi cuộc đời mình theo hướng tốt hơn và dẫn dắt tôi vào con đường viết văn, viết báo chuyên nghiệp. Từ đó tôi mới có, cảm xúc để sáng tác tiếp các tác phẩm sau này.

Tôi thích các truyện ngắn bối cảnh Đà Lạt; nơi tôi được kể lại tuổi thơ của mình, như: "Hồ Vạn Kiếp", "Người trong biệt thự", "Trường xưa", "Kẻ sát nhân lương thiện", "Đường lên trời xa lắm", "Thổn thức gió cao nguyên", "Chuyện kể từ thung lũng"... Trong các tiểu thuyết như: "Gia tộc tướng cướp", "Oán thù trớ trêu", "Mật danh Đ9" và nhất là trong "Thánh Thi" (chưa xuất bản) mỗi đoạn, chương có liên quan đến Đà Lạt đều được tôi mô tả tràn ngập cảm xúc vì đó là kỷ niệm, là ước mơ.

Một phần quan trọng trong tâm hồn tôi là Đà Lạt - nơi tôi sinh ra, lớn lên và nảy mầm ước mơ viết văn. Tôi cũng thích "Người khổng lồ đội mồ kể chuyện" vì đó là tiểu thuyết viết từ ước mơ tuổi thơ và trí tưởng tượng bay bổng giữa các vấn đề về lịch sử và văn hóa.

- Anh suy nghĩ thế nào về câu "Nhà văn là thư ký thời đại"? Các tác phẩm của anh có đáp ứng được theo phương châm này chưa?

+ Không phải nhà văn nào cũng xứng đáng với vai trò "thư ký thời đại". Đó là công việc lớn lao của những tài năng văn học xuất chúng. Tôi luôn ước mơ mình viết được những tác phẩm phản ánh và tiên đoán được thời cuộc, lịch sử; đáp ứng được mong mỏi của người đọc. Nhưng giá trị và "tuổi thọ" của tác phẩm do người đọc và thời thế quyết định chứ không phải tác giả quyết định. Mỗi tác phẩm cũng có số phận như con người, cũng rất cần sự may mắn để được "sống" và phát huy giá trị như "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" dù may mắn không bị đốt trong chiến tranh, nhưng phải chờ mấy mươi năm sau mới nổi tiếng!

Luôn trăn trở để có tác phẩm hay

- Theo anh, vai trò nhà văn trong thời đại này là gì? Anh trăn trở nhất điều gì trong xã hội hiện tại và nghề văn?

+ Tác phẩm làm nên nhà văn, thời nào thì nhà văn cũng phải viết. Thế giới muôn hình vạn trạng đòi hỏi người cầm bút phải "gạn đục khơi trong" để tìm kiếm đề tài sáng tác. Mỗi người tùy theo phông văn hóa, năng khiếu và điều kiện sống mà có cách cảm nhận và trình bày quan điểm của mình qua tác phẩm. Riêng tôi, tôi thích viết theo cảm xúc và dị ứng với đề tài sáng tác theo chỉ định. Điều tôi trăn trở nhất cũng như đa số người cầm bút khác là làm sao có tác phẩm thuyết phục được nhiều độc giả nhất; làm sao sáng tạo được cái mới, cái hay trong văn học; làm sao ngòi bút của mình tạo được đột phá về nội dung, nghệ thuật; làm sao văn học Việt Nam có thể lan tỏa ra khỏi biên giới...

trang 5 - tập truyện của nhà văn lại văn long.jpg -0
Bìa tập truyện của nhà văn Lại Văn Long.

- Có ý kiến cho rằng văn học của ta hiện nay cũ kỹ và nhạt nhẽo, chưa theo kịp thời cuộc, không có đột phá và chậm đổi mới so với nhiều nước. Anh nghĩ sao?

+ Tôi không có thời gian để đọc hết sách văn học ra mỗi tháng, mỗi năm nên không dám đưa ra những nhận xét vì rất chủ quan, phiến diện. Hơn nữa, đọc văn thì "chín người mười ý", những tác phẩm nổi trội đều có sự khen chê sau khi nhận được giải thưởng từ các cuộc thi văn chương. Đánh giá một giai đoạn hay xu hướng văn học là việc rất khó, một cá nhân không thể tùy tiện nhận xét, kết luận được. Điều mong mỏi của tôi và nhiều đồng nghiệp trong nhiều năm nay là làm sao phát huy được vai trò và sức mạnh của lực lượng phê bình văn học. Có như vậy văn đàn mới nhộn nhịp, thu hút công chúng quan tâm đến văn chương!

- Gần đây anh nổi lên với nhiều tiểu thuyết hình sự dày dặn và hấp dẫn, anh muốn gửi gắm điều gì qua các tác phẩm đó?

+ Tôi đã viết xong, chuẩn bị xuất bản bộ "Hồ sơ lửa" (gồm 7 cuốn, khoảng 2.500 trang sách) và hy vọng được công nhận là bộ tiểu thuyết hình sự dày nhất Việt Nam. Từ hồi 13, 14 tuổi tôi đã mê đọc truyện trinh thám, hình sự và mơ ước lớn lên sẽ viết được những cuốn truyện thật dày, thật hay về thể loại này.

Đầu năm 1992, khi được về làm việc tại Báo Công an TP Hồ Chí Minh, tôi có cơ hội thực hiện ước mơ này. Tôi tự hào và rất hạnh phúc với bộ "Hồ sơ lửa" - niềm đam mê và công sức chuẩn bị, ấp ủ suốt 30 năm của mình. Trong câu chuyện rất dài đó, tôi thỏa sức xây dựng các mẫu nhân vật rất đáng yêu và rất đáng ghét; các tình huống để các nhân vật bộc lộ phẩm chất và bản chất của mình. Lực lượng điều tra trong tác phẩm của tôi vừa tài giỏi vừa độ lượng, vừa mạnh mẽ vừa khoan dung, vừa nguyên tắc, vừa lãng mạn... dù viết về cái ác, cái xấu nhưng tôi luôn tự nhắc nhở ngòi bút của mình phải hướng thiện. Thiện luôn luôn thắng ác!

- Xin cảm ơn anh!

Nguyễn Thịnh (thực hiện)
.
.