Nhà văn Đới Xuân Việt: Từ thành cổ Quảng Trị đến văn chương

Thứ Bảy, 01/04/2023, 07:57

Một ngày đầu Xuân Quý Mão, nhà văn Đới Xuân Việt tặng các bạn văn, thơ ở TP Hồ Chí Minh truyện thơ của ông mới xuất bản "Truyền thuyết Nàng Tuyệt Vời"( NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh 2023). Tôi cũng như nhiều người đọc tác phẩm của ông với sự ngạc nhiên, cảm phục.

Thứ nhất, đây là tác phẩm thơ dài hơi được thực hiện bởi một chàng lính trẻ mới ngoài hai mươi tuổi, lại được viết dưới làn bom đạn trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972.

Thứ hai, ông lặng lẽ đến với văn chương không ồn ào để lại những tác phẩm đáng suy ngẫm.

Nhà văn Đới Xuân Việt: Từ thành cổ Quảng Trị đến văn chương -0

Thường giữa sự sống và cái chết nơi chiến trận, con người ta ngộ ra nhiều điều về tình đồng đội thiêng liêng, nỗi khát khao cháy bỏng của tình yêu đôi lứa, về người mẹ già mòn mỏi chờ con nơi quê nhà, về sự ra đi không bao giờ trở lại của những người đồng đội còn thân thiết hơn cả ruột thịt. Có ai còn nhớ đến họ không? Có ai đã quên họ không? Tất cả cứ âm ỉ cháy trong trái tim người lính. Nỗi day dứt ấy thúc giục ông cầm bút đến với văn chương.

Cuốn truyện dài đầu tay của ông "Anh chỉ có mình em", rồi tác phẩm thứ hai, tiểu thuyết "Đi qua vừng mặt trời", rồi tiểu thuyết "Hoa Đỗ Quyên nở muộn" (NXB Trẻ), hình tượng người lính cứ trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông. Nó phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc chiến, giúp ta chiêm nghiệm nhiều hơn cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài của dân tộc. Trong số đó truyện dài "Anh chỉ có mình em" đã được chuyển thể, dựng thành phim cùng tên, rất nổi tiếng.

Ông viết chậm rãi, nhiều tác phẩm ông viết đi viết lại, tu sửa, hoàn chỉnh trong 10 năm cho đến khi ưng ý thì thôi. Đó là cách làm việc nghiêm túc, cẩn trọng và có trách nhiệm.

Đọc các tác phẩm của ông, người đọc có thể nhận ra cái khát vọng sống mãnh liệt của người lính. Ở "Anh chỉ có mình em", Hoan, người chiến sĩ trở về, đã đấu tranh không khoan nhượng với những trở ngại của cuộc sống để đưa Vân, vợ chưa cưới của anh, một thương binh mất trí nhớ trở lại làm một người bình thường, để được sống và được yêu.

Với "Đi qua vừng mặt trời", Văn - người chiến sĩ có khát vọng sống mãnh liệt: phải sống để hoàn thành nhiệm vụ, phải sống để còn về quê tri ân người thầy đã dạy dỗ mình, phải sống để còn đưa người yêu về thăm quê đi tìm chiếc lá diêu bông trên những cánh đồng hoa cải vàng vùng Kinh Bắc…

Ở "Hoa Đỗ Quyên nở muộn", người cựu chiến binh đã chiến đấu không mệt mỏi để vượt qua số phận nghiệt ngã mà chiến tranh đã xô đẩy ông xuống vực sâu của sự bần hàn và nghèo đói, chỉ để mong có ngày được sống yên bình bên con cháu, giọt máu cuối cùng còn sót lại trong gia đình ông. Cuối cùng, trời đã không phụ ông.

Đọc các tác phẩm của Đới Xuân Việt ta bị cuốn hút và có thể đọc một mạch từ đầu đến cuối. Trước hết, là bởi vì nó có "chuyện", có cái để thưởng thức. Sau nữa, mạch chuyện có khi không theo thứ tự thời gian mà được phát triển theo các vấn đề đã đặt ra. Bên cạnh chất liệu ngồn ngộn của cuộc sống, các chi tiết được xây dựng công phu và chắt lọc. Nhiều chi tiết có ý nghĩa biểu tượng, rất sắc sảo, độc đáo.

Trong "Anh chỉ có mình em", chi tiết con vịt trời đậu trên ngọn đa khiến ta liên tưởng đến câu ca dao "Bao giờ trạch đẻ ngọn đa..." nói đến cái quái gở, cái không có thực. Và khi người mẹ vỗ tay vào thân cây kêu lên: "Con ơi!" thì con vịt trời, chừng như chỉ đợi có vậy, đã vỗ cánh bay đi, lượn quanh trên ngôi làng cổ kính, cất tiếng kêu văng vẳng. Cùng với nó, tiếng kêu "Con ơi!" của người mẹ mất con hẳn vang tới cõi khôn cùng. Nỗi đau mất mát của chiến tranh không chỉ là nỗi đau của một con người, một làng quê mà là nỗi đau của cả một dân tộc chiến đấu cho độc lập tự do đã phải gánh chịu.

Trong "Đi qua vừng mặt trời", Văn, người chiến sĩ đặc công đói lả, lang thang nhiều ngày trong rừng ngập mặn, đã bắt con cá vừa rơi vào lòng thuyền từ cái dải băng chân bị thương của anh, ăn ngấu nghiến. Chi tiết ấy tự thân nó đã biểu lộ khát vọng sống có tính bản năng của con người.

Những chi tiết độc đáo mang tính biểu tượng như thế cũng có nhiều trong cuốn tiểu thuyết "Hoa Đỗ Quyên nở muộn". Đọc "Hoa Đỗ Quyên nở muộn" ta như bị ám ảnh bởi hình ảnh xác người vô thừa nhận lăn đi lăn lại trong chiếc xe bò lọc cọc đi ra nghĩa trang. Rồi một loạt các chi tiết sống động trong cảnh ông Duyên gặp lại vợ con ở chợ âm phủ đã khắc họa thêm nỗi đau mất mát sâu thẳm, không thể cứu vãn được...

Nhà văn Đới Xuân Việt: Từ thành cổ Quảng Trị đến văn chương -0
Hai tác phẩm mới của nhà văn Đới Xuân Việt.

Bạn đọc còn có thể tìm thấy rất nhiều hình tượng đa nghĩa trong các câu chuyện mà ông kể như con vịt trời trong "Anh chỉ có mình em", chiếc lá diêu bông trong "Đi qua vừng mặt trời", cây hoa Đỗ Quyên trong "Hoa Đỗ Quyên nở muộn"… Các hình tượng này đã mở rộng không gian của câu chuyện, thúc đẩy trí tưởng tượng của người đọc, đem đến những cảm nhận đa chiều.

Điều đặc biệt là trong tất cả các câu chuyện mà Đới Xuân Việt kể, cái kết luôn làm người đọc bất ngờ. Trong "Anh chỉ có mình em", câu chuyện được kết thúc bằng hình ảnh anh lính người Bắc dẫn cô gái phương Nam chạy trên đồng cỏ vùng Kinh Bắc tìm chiếc lá diêu bông, vừa lãng mạn lại vừa sâu sắc. Nó buộc ta phải nghĩ rằng, phải chăng sau những ồn ào của cuộc chiến, hạnh phúc nhất là được trở về với cội nguồn dân tộc, với làng quê bao đời thân thương… Cái kết này tưởng như không ăn nhập gì với câu chuyện, nhưng thật ra nó lại gắn bó máu thịt với toàn bộ câu chuyện.

Ông còn biết cách kéo phông màn cho một vở kịch đã đến hồi kết thúc một cách gọn gàng và súc tích. Còn gì hay hơn, ý nghĩa hơn trong cái kết của câu chuyện "Hoa Đỗ Quyên nở muộn", rằng:

"Có lẽ phải là người làng Nhân Ái, phải là người yêu quê tha thiết thì mới nghe được tiếng rặng dừa hát chăng?".

Văn của Đới Xuân Việt giàu cảm xúc. Ông rất sắc sảo trong việc tả cảnh, từ đồng quê cho đến phố thị. Cảnh trí thiên nhiên trong văn của ông luôn lấp lánh và chứa đầy mật ngọt, đầy ứ lên trong "Đi qua vừng mặt trời", trong "Hoa Đỗ Quyên nở muộn" và trong tản văn "Bốn mùa".

Ta hãy nghe ông tả mùa Xuân về trên phố phường Hà Nội.

"Mùa Xuân đem đến những phong vị riêng cho kinh thành Hà Nội. Những cơn gió cuối cùng của mùa Đông thỉnh thoảng còn kéo về vặt nốt những chiếc lá vàng trên hàng cây cơm nguội và rú rít dọa dẫm nơi góc phố, mái nhà, len lỏi vào những chiếc áo khoác sờn cũ của ông già hoặc chiếc khăn trùm đầu của một bà lão nào đó có việc phải dò dẫm ra đường. Nhưng dù chúng có gào thét, van nài, láu lỉnh thế nào đi chăng nữa cũng không cản được dòng nhựa xuân đang trào ra trên chồi non, lá biếc trong không gian ngời sáng, trang trọng của ngày Xuân".

Tôi thực sự yêu cùng ông với cảnh sắc trong tập tản văn "Bốn mùa" mà ông đã dầy công bày lên mâm cỗ văn chương cho ta thưởng thức. Hãy nghe ông kể về mùa Xuân:

"Trời đất hây hẩy gió, những cơn gió đầu Xuân mơn man da thịt, vừa ấm lại vừa lạnh. Mở cửa cho mùa Đông ra đi, trời đất lại mở lòng đón những cơn mưa bụi lất phất, nhỏ li ti, sáng lấp lánh như những hạt ngọc trên chồi non, lá biếc...".

Thật độc đáo và thú vị khi ông nói về mùa Thu, mùa của tình yêu đôi lứa:

"Khi những ngọn gió heo may bắt đầu thổi về, cái ngột ngạt của mùa Hè chết lịm đi trong đôi mắt xanh sâu thăm thẳm của mùa Thu".

Ông nhìn nghiêng, nhìn ngửa bốn mùa và cho ta cảm nhận mới lạ. Nếu như "mùa Xuân giống như cô gái tóc xõa ngang vai, đôi mắt to tròn lấp lánh, trìu mến nhìn ta dịu dàng, tha thiết" thì mùa Thu lại giống như cô con gái đẹp chưa một lần yêu:

"Mùa Thu không thì thầm, không náo nhiệt nhưng cứ mở to mắt nhìn, cứ lặng lẽ nhìn thôi"…

"Bốn mùa" đã để lại nỗi khát khao mơ hồ cứ âm ỉ cháy trong ta.

Đới Xuân Việt lặng lẽ đem đến cho làng văn khát vọng sống của con người, các chi tiết điển hình với tính biểu tượng cao, chất trữ tình, lãng mạn và những đoạn văn tả cảnh tuyệt vời. Chừng ấy thôi cũng đủ để bạn đọc nhớ đến một Đới Xuân Việt tinh tế và trữ tình.

Tôi cũng như nhiều bạn đọc đang hồi hộp chờ đón một tập truyện ngắn gồm 9 truyện của ông đã hoàn thành, sắp được xuất bản, cũng như cuốn ký sự dài hơi đang trên đường về đích.

Đới Xuân Việt rất đa tài. Nghe đâu ông đang ấp ủ chuyển thể tiểu thuyết "Hoa Đỗ Quyên nở muộn" thành phim chiếu rạp. Chúc ông thành công và may mắn như bộ phim "Anh chỉ có mình em".

Trương Nam Hương
.
.