Nhà thơ Vũ Quần Phương: Những tản mạn cuối năm
Căn nhà nhỏ của nhà thơ Vũ Quần Phương ở tầng cao của một khu chung cư, ông mang về đó cả một không gian sống hoài niệm của mình, những bộ bàn ghế khảm trai, những sập gụ, tủ chè, kỷ vật... dù ông bảo nó không phù hợp lắm với không gian hiện đại. Nhưng ông là vậy, con người luôn tình cảm, ân tình với quá khứ. Và câu chuyện vào những ngày cuối năm cũng không tránh khỏi những hoài nhớ, ngậm ngùi...
1. Tôi tự hỏi, con người đã đi qua bao biến thiên của thời cuộc, bao nỗi đau, mất mát của gia đình ấy, vì sao vẫn luôn giữ được tình yêu, tha thiết với cuộc sống, với người?... Câu chuyện của ông bắt đầu từ những ký ức xa xưa. Nhưng với một người giàu tình cảm như nhà thơ Vũ Quần Phương, thì ký ức mang nhiều ý nghĩa đối với hiện tại của ông, nó giúp ông đi qua những biến động của đời sống và những nỗi cô đơn của kiếp người.
“Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng quê ở Nam Định. Năm tôi 6 tuổi, bố qua đời. Tôi về quê ở với bà gần 4 năm bởi lúc đó kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), Pháp chiếm Hà Nội. Quê nội tôi vẫn là vùng tự do”. Mấy năm ở quê, bà đã đem nhuộm thâm bằng lá bàng và bùn non những tấm trướng và câu đối họ đến viếng ông nội và bố, (mất cùng thời điểm) để may quần áo cho ông. Đứa bé mới lên 6, 7 tuổi có lúc còn phải “dỗ dành” bà, bà quá đau khổ vì một lúc chịu hai nỗi đau, mất chồng và con trai. Còn ông, “trong lòng luôn luôn mơ hồ nỗi thiếu hụt, nét mặt luôn luôn ngơ ngác một thoáng buồn tội nghiệp”.
Nhưng chính quê hương với những ký ức buồn ấy lại bao bọc, chở che ông trong những năm tháng ấu thơ cô độc. Ông chia sẻ: “Lòng tôi vẫn âm thầm, quấn quýt với quê hương - dù tôi chỉ ở đó có ngót bốn năm, các em tôi, mẹ tôi thì chỉ hơn một năm, ngắn ngủi như người tản cư ở trọ - chính là vì tình cảm của những người dân quê tôi. Tôi đã lấy tên quê, Quần Phương (Quần Phương Trung, nay là Hải Hậu, Nam Định), làm tên bút cho mình”.
Ông nhớ những cái Tết ở cùng bà, nghèo lắm. Sáng mồng một Tết, năm nào cũng có một người đàn bà mang giỏ quả bằng sơn mài qua chúc Tết hai bà cháu. Họ bày đĩa cam lên bàn, còn bà nội đi lấy một đồng tiền gói trong tờ giấy đỏ mừng tuổi cho họ. Xong, bà mõ xếp cam vào túi rồi đi sang nhà khác. Tôi thắc mắc hỏi bà, sao cam đẹp thế mà bà không nhận. “Đây là cam của mõ làng, họ đi chúc Tết từng nhà”. Ông cũng nhớ những phiên chợ Tết, hào hứng được đi cắt tóc để có đầu mới đón Tết. Hôm đó ông phải ngồi chờ ông “thượng ngôi” (thợ cắt tóc) rất lâu để có cái đầu mới, Tết đầu ai cũng trắng hếu. 3 năm ở với bà, âm thanh đi vào ký ức của ông là tiếng guốc gõ trên đường làng vào sáng sớm mồng 1 Tết, chỉ duy nhất sáng mồng 1 Tết mà thôi, vì quanh năm, người dân làng ông đi chân đất. Mồng 1, họ mới diện guốc đi chúc Tết quanh làng.
2. Ông theo mẹ, trên một chuyến thuyền xuôi về Hà Nội. Mẹ ông là người Hà Nội, dạy học và biết tiếng Pháp, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, chồng mất sớm, 3 đứa con thơ, bà đã phải bỏ nghề giáo ra chợ Canh (làng Phương Canh) buôn bán. Đó là những cái Tết trọ học mong ngóng để được về với mẹ một tuần, dù hai anh em chỉ cách quê 12km nhưng với một đứa trẻ ngày đó chặng đường quá xa xôi. Những ngày Tết gia đình nghèo, nên cỗ bàn cũng quạnh hiu.
Ông nhớ đêm 30, hai anh em xoay trần dọn vườn, sân cho mẹ (4 mẹ con ở nhờ trong nhà thờ họ Nguyễn ở Phương Canh). Sân rộng nên rêu lên xanh, có lần mẹ ông ngã vì rêu trơn. Đêm giao thừa năm đó, hai anh em vẫn còn cố cạo rêu, sáng ra nhìn rêu nham nhở, sân không còn đẹp nhưng ông mừng thầm vì mẹ sẽ không bị ngã vì trơn nữa. Về Tết bao giờ hai anh em cũng tranh thủ dọn dẹp nhà cửa giúp mẹ. Có lần, em trai ông (đã mất) mang lọ hoa ra bờ ao rửa, vô tình làm vỡ. Em sợ vì làm mất đi một tài sản và sợ bị anh mắng, nhưng lần đó, ông đã không mắng mà chỉ lo lắng em bị mảnh vỡ cứa vào tay. Sau này, ông cứ bị ám ảnh mãi bởi ánh mắt nhìn hoảng hốt, sợ hãi của em trai.
Ngày Tết, ông nhớ cả tiếng bập bùng của giấy bóng mờ màu hồng dán khắp các cửa sổ của ngôi nhà. Các cửa sổ trống, không có cửa gỗ, thường ngày mẹ lấy nong nia che tạm, còn ngày Tết, hai anh em về dán giấy lên cho đỡ tối. Đêm gió lùa. Sau này, chuyển ra Hà Nội ở cùng mẹ, ông vẫn nhớ tiếng bập bùng đó.
Rồi những cái Tết thời bao cấp, trong chiến tranh, nghèo mà đầm ấm. “Ngày nào gia đình tôi cũng có một niềm vui gì đó, khi thì mua được cân gạo, lúc thì mua được gói mỳ chính, túi đồ khô theo tem phiếu. Mẹ tôi thường thay cả nhà xếp hàng mua đồ, có khi cả tuần mới mua đủ thực phẩm cho ngày Tết. Giờ nghĩ lại, sao ngày đó Tết đạm bạc mà vui”. Ông nói, đến bây giờ, khi đã ở tuổi ngoài 80, ông vẫn nhớ cảm giác của niềm vui ấy. Có cái Tết, mẹ ông ra tận ga Hàng Cỏ mua được con gà về nhốt trong lồng ở khu lắp ghép Bách Khoa. Gà sổ lồng, cả nhà tá hỏa đi tìm, còn ông thì lo, nếu mất gà, Tết đó cả nhà sẽ buồn vì không có tiền để mua con gà khác.
Sau này, khi con cái thành danh, ông đã đón những cái Tết xa nhà trên đất Mỹ. Tết với ông bao giờ cũng quây quần quanh bàn thờ, thắp hương cho tổ tiên. Tết của người sống và người đã mất. Nhưng ở Mỹ không có bàn thờ, lại lệch múi giờ. Ông quyết định cúng giao thừa theo giờ Việt Nam vì muốn sống cùng lúc với quê hương mình.
Nhiều năm nay, ông không còn khỏe để đi những chuyến đi xa, Tết với ông là những cái Tết xa con. Có lẽ, đây không chỉ là cảnh ngộ của riêng ông mà của nhiều gia đình Việt Nam. Cũng may bây giờ các phương tiện liên lạc hiện đại, ông có thể kết nối với con cháu từ bên kia bán cầu qua hình ảnh... Ông quý giá những khoảnh khắc ngày Tết khi bàn thờ lên hương và ông cảm giác như tổ tiên ông bà, cha mẹ trở về quây quần trong không gian ấm cúng ấy. Rồi khi dọn bàn thờ, tiễn Tết, ông lại thẫn thờ mấy ngày. Ông vẫn giữ thói quen xông nhà, trước giao thừa, ông đi một vòng quanh khu, ngắm nhìn phố xá và trở về sau khoảnh khắc giao thừa. Ông cùng bà uống một ly rượu chào năm mới và trò chuyện với con từ bên kia bán cầu. Cuộc sống, xã hội đang thay đổi từng ngày, ông tự nhận mình là người “lạc hậu”, “chậm tiến”. Rồi cũng phải thích ứng với sự thay đổi thôi, ông thở dài.
3. Ông thuộc lớp nhà thơ chống Mỹ nhưng không giống như Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm… Thành tựu nổi bật trong thơ ông không phải là những bài thơ về chiến tranh. “Cái làm nên tài năng của Vũ Quần Phương chính là chất suy tưởng và những tình cảm nồng thắm, bình dị được thể hiện trong những bài thơ trau chuốt về ngôn từ, hài hòa về âm điệu và hình ảnh được gạn lọc nhiều khi hóa thành biểu tượng. Thơ ông lúc trẻ đã lắng đằm, heo hút, về sau càng mênh mang, thăm thẳm và giàu triết luận” (Nhà văn Thiên Sơn).
Nhiều đêm ông suy nghĩ, sốt ruột không ngủ được. Vì những dự định vẫn còn dang dở. Ông nói ông đang khép lại hành trình thơ của mình, bởi bây giờ thơ ông không còn cái “rào rạt”, hồn nhiên của tuổi trẻ. Ông làm thơ ít hơn, tìm thơ ở những chỗ tưởng như không có thơ. Như ông viết thơ về con chó, về xe buýt, cái thang máy... những thứ giản dị quanh mình, mà ông quan sát và suy ngẫm. Ở mảng phê bình, ông đã ấp ủ 30 năm nay cho bộ “Tuyển tập thơ thế kỷ XX”, hơn 100 tác giả, trải dài từ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà đến phong trào Thơ mới, thơ trong hai cuộc kháng chiến và từ Đổi mới đến trước những năm 2000. Một tổng tập lớn với những góc nhìn đa chiều, trung thực với mong muốn trả lại những giá trị đích thực của văn chương. Ông là người cầu toàn, tỉ mỉ, nên dù dự định và miệt mài viết, tích lũy hơn 40 năm qua nhưng ông vẫn chưa xuất bản. Đó là những trăn trở để ông khép lại hành trình cuộc đời thơ và phê bình thơ của mình.
Giờ, Tết với ông là những khoảng lặng của cuộc đời, của tháng năm dâu bể. Người ta thường ít nhớ đến niềm vui hơn nỗi buồn. Bạn bè đã dần rời xa, lớp nhà thơ chống Mỹ cũng xa vắng gần hết rồi... Ông tự hỏi “Mình sẽ còn bao nhiêu cái Tết?”. Vì thế trong ông là những nỗi “ngùi ngùi” (chữ của nhà thơ Huy Cận khi đánh giá về thơ ông). Nhưng dù còn bao nhiêu cái Tết thì ông vẫn “coi hôm nay như là ngày cuối cùng để sống”, để làm tiếp những dự định còn dang dở.