Nhà thơ Trương Ngọc Lan: Từ “bông hoa biết khóc'' đến “nắng lạ''

Chủ Nhật, 11/08/2024, 11:48

Cầm trên tay tuyển thơ dày 360 trang “Chứng tích thời gian” của nhà thơ Trương Ngọc Lan do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2024 (được chọn từ 12 tập thơ đã in trong ba chục năm qua), mới thấy sức lao động nghệ thuật đáng nể trọng của một cô giáo công tác lâu năm tại Học viện Múa Việt Nam. Chị là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội và có thơ in từ những năm 1990.

Nhà thơ Trương Ngọc Lan, sinh năm 1945 quê ở Yên Phụ, Hà Nội, tốt nghiệp khoa Piano Nhạc viện Hà Nội rồi về công tác ở Học viện Múa Việt Nam. Bố của chị có mối quan hệ rộng rãi với anh em văn nghệ sĩ cùng thời như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Tử Phác, Trần Dần…

Từ năm 11 tuổi Trương Ngọc Lan được bố mẹ gửi lên học đàn ở nhà nhạc sĩ Tử Phác trên phố Hàng Giấy, do vợ ông là nghệ sĩ piano Lương Thị Nghĩa giảng dạy. Chính ở trong môi trường nghệ sĩ này, Trương Ngọc Lan đã đến với văn hóa nghệ thuật khi được chơi đàn trong các buổi gặp mặt của nhóm văn nghệ sĩ nói trên. Đích thân nhạc sĩ, nhà văn Tử Phác đã chỉ bảo cho Trương Ngọc Lan đọc các tác phẩm văn, thơ của các nhà văn nổi tiếng trong và ngoài nước từ thuở ấy.

Người đẹp trong mộng của danh họa Nguyễn Sáng

Có một mối duyên tình khá bất ngờ, Trương Ngọc Lan lại chính là “người đẹp trong mộng” của danh họa Nguyễn Sáng. Năm 18 tuổi khi Lan đang học piano ở Nhạc viện Hà Nội, ông đã mang hoa đến tặng cô. Ngày sinh nhật 18 tuổi của Lan, họa sĩ Nguyễn Sáng đã bày một bàn tiệc tại nhà riêng của mình để mừng sinh nhật Lan, chị nhớ hôm ấy trên bàn có 100 ngọn nến và 100 bông hoa ngọc lan còn đang e ấp.

Họa sĩ tặng cô một món quà bất ngờ, gồm một đôi găng tay màu trắng mỏng (nói là để em giữ ấm bàn tay khi chơi đàn trong mùa đông), một sợi dây chuyền vàng và một khăn quàng cổ sang trọng. Sau rồi họa sĩ cho cô biết, ông phải báo cáo lên Hội Mỹ thuật Việt Nam xin mua vàng để vẽ tranh sơn mài khảm vàng, nhưng thực tế là mua dây chuyền vàng tặng cô.

nhà tho truong ng%3fc lan.jpg -0
Nhà thơ Trương Ngọc Lan.

Đúng ra, đây là mối tình “đơn phương” khi họa sĩ Nguyễn Sáng hơn cô nhiều tuổi, còn Lan thì quá trẻ nên chưa nghĩ tới chuyện chồng con. Và sau này, trong bài thơ “Bông hoa biết khóc” Trương Ngọc Lan đã giãi bày: “Ngày xưa ngây thơ/ Có người đem tặng một trăm bông hoa/ Tình con gái đã bỏ qua/ Chưa bao giờ Anh chọn một màu hoa tặng vợ/ Em tự chọn cho mình niềm vui nho nhỏ/ Để quên bữa tiệc lộng lẫy một thời/ Một hôm có một người/ Vô tình đem đến một bông hoa/ Bông hoa biết khóc”.

Trong mấy năm làm quen Trương Ngọc Lan, họa sĩ Nguyễn Sáng đã dành cho cô một tình cảm đặc biệt, thường xuyên đến trường nơi cô học và tặng cô quà. Khi biết cô cùng với mẹ và em gái đi tàu hỏa lên chơi Sa Pa, ông đã bí mật lấy vé đi cùng họ. Sau chuyến đi ấy, cha cô biết chuyện, đã đánh cô một trận nhừ đòn và bắt cô cắt đứt mọi quan hệ.

Họa sĩ Nguyễn Sáng chuyển vào sống ở Sài Gòn. Sau này trong bài thơ tưởng nhớ danh họa Nguyễn Sáng, Trương Ngọc Lan đã viết: “Trời một màu, đất một màu/ Ngày thuở ấy mặt trời đâu/ Người nghệ sĩ bền niềm tin/ Như cây lá tự thắm xanh/ Dâng cho đời muôn khát vọng/ Đời dành cho một góc vắng/ Say men đời tình hào phóng/ Quên tình riêng vị đắng cay/ Trên đỉnh cao-tranh lồng lộng/ Mộng tỉnh mộng-bạn bè qua/ Một hội bốn đã tàn ba/ Thoắt gần nhau đã thẳm xa/ Đời ngưỡng mộ một tài năng/ Nhưng bỏ quên một số phận”. Hai câu thơ kết như gói lại một định mệnh về nhà danh họa gặp nhiều thăng trầm trong đời sống và trong tình cảm riêng tư.

“Người đã lâu rời xa/ Tình trong tim vẫn ở”

Trương Ngọc Lan là một người quê gốc Hà Nội nên phong vị thơ chị đậm chất người Hà Nội, lấy sự tinh tế, hài hòa giữa cảm xúc lãng mạn và ý tứ làm đầu. Trong thơ chị, Hoa là một hình tượng luôn được gửi gắm nhiều thi ảnh, thi cảm và thi tứ đặc sắc. Từ hoa hồng khô đến hoa dại; từ hoa sữa đến hoa cẩm chướng, rồi từ hoa đào đến hoa lưu hương...

Mỗi loài hoa trong thơ Trương Ngọc Lan đều gửi lại một kỷ niệm, một xúc cảm tự thân hướng về miền ký ức yêu thương trong sâu thẳm hồn người như bài “Hoa hồng khô” dưới đây: “Một bông hoa hồng khô/ Cô đơn trong lọ đứng/ Chỉ còn dáng hình hoa/ Chập chờn như ảo ảnh/ Tình đã nhận của nhau/ Là vĩnh viễn mắc nợ/ Cho đến cả mai sau/ Dù không gần nhau nữa/ Theo nhau một đoạn đời/ Hoa hồng tươi mời gọi/ Bất chợt rồi tàn phai/ Như một điều lừa dối/ Hoa đẹp rồi héo khô/ Hương thơm vương trí nhớ/ Người đã lâu rời xa/ Tình trong tim vẫn ở”. Hai câu kết của bài thơ này đọng lại một dư âm, như tình người dĩ vãng dẫu có tàn phai theo tháng năm, nhưng hương tình xưa vẫn hồi vọng lại trong thăm thẳm thời gian như nhắc nhở chúng ta.

Còn trong bài “Hoa sữa”, những câu thơ như gọi ta trở về một miền yêu dấu xưa: “gói lại mùa hoa sữa/ thả chìm ký ức xưa/ sương vu vơ nương gió/ đêm đi trong vật vờ/ lang thang qua phố cổ/ dắt bóng mình đi chơi/ gặp người quen rất cũ/ vất vả một nụ cười”. Đến nụ cười cũng hiện lên nét vất vả của một người quen rất cũ, cho thấy Trương Ngọc Lan đã khắc tả được nét đời rất hiện thực trong một phác họa rất tinh tế khi chị dắt bóng mình đi chơi qua 36 phố phường xưa.

Đọc thơ chị ở phần sâu lắng nhất, ta thường gặp những câu thơ giàu chất hội họa như “Những ngày thường tĩnh vật/ Cất giấu đợi trăng soi” khi mỗi ngày qua đi như một ảo ảnh của tĩnh vật, sẽ có lần trở lại soi bóng dưới ánh trăng êm đềm của ký ức xưa. Còn đây, trong bài thơ “Bức họa cuối cùng” viết về họa sĩ Dương Bích Liên, chị cảm nhận thấy: “Còn đây một dang dở/ Bức tự họa cuối cùng/ Nỗi hoàng hôn hẹn tắt/ Theo sắc vàng bâng khuâng/ Chiều rối bời dự cảm/ Đêm không biết đêm lành/ Trăng bạc màu mòn mỏi/ Ngã hình hài vào tranh”.

Đi qua sự tươi nguyên của trường mỹ cảm lãng mạn trong những tập thơ đầu, thơ trữ tình Trương Ngọc Lan ở các tập thơ sau nghiêng dần về phía những trải nghiệm suy tư, thấm tháp nỗi buồn nhân thế qua những cảm nhận, sẻ chia về con người, về cuộc đời: “Tôi đi tìm tôi/ Trong từng mong đợi/ Qua những khát khao/ Tủi hờn giấu nhẹm/ Một đời thì ngắn/Một ngày lại dài/ Sao không tận hưởng/ Lây nhau mê say/ Nhìn kìa đàn kiến/ Li ti trên đường/ Mưa thì ngơi nghỉ/ Nắng tiếp đường trường/ Sao ta không thế/ Quan trọng gì đâu/ Việc gì cần trước /Lùi việc cần sau/ Để rồi thanh thản/ Đi qua địa cầu/ Hai tay nhẹ nhõm/ Mang được gì đâu”.

Tôi có cảm giác, thơ Trương Ngọc Lan ở các tập thơ sau này, giống như những tiếng chuông buông nhẹ nhõm trong tâm khảm với những bài thơ ngắn, giàu chất suy nghiệm hơn là sự khắc họa lãng mạn về mặt biểu cảm trong một tiếng thở dài. Trong bài thơ “Mệnh lá” chị viết: “Dẫu biết/ Mùa lá đi/ Bạn bè thưa dần trên lối/ Bất ngờ/ Tiếng thở dài tắt vội/ Đã xanh hết mức nô nức/ Nay bằn bặt rơi/ Ảo mộng lá ơi/ Lá ơi lá có nhớ lời gì không?”. Câu thơ cuối cứ lịm dần như một câu hỏi đau xót, như một tiếng khóc bạn và bài thơ ngắn như một tiếng chuông buông vỗ về con người trong cõi thế nhiều vui, buồn yêu thương và lắm khổ đau này.

Tôi có cảm tưởng, Trương Ngọc Lan như một nữ sĩ đã sớm rút vào cõi lặng lẽ, lánh xa những ồn ào của đời sống xung quanh để chiêm nghiệm làm một phép tự vấn của tâm trạng trong cõi cô đơn. Chị tự vấn khi tâm tư xúc động trước bao nỗi niềm năm tháng: “Có con thuyền lạc giữa sông/ Có vầng trăng nhạt khóc trong lá gầy/ Có điều ước bay lên mây/ Có bao nhiêu sự mảy may tay cầm/ Tháng bảy lũ rảy bão giông/ Bao nhiêu sông suối ròng ròng nỗi đau”. Rồi chị tự vấn trong ngày “Nắng lạ” với những ưu tư trăn trở suốt một đời người: “Tôi về dọn dẹp hồn tôi lại/ Gói mấy bơ vơ của một thời/ Bây giờ/ Nắng lạ chan khô mắt/ Ngược dòng phố xá/ Khuất bồi hồi/ Tôi về/ Nhặt nhạnh những rã rời”.

Ở giai đoạn sau này, thơ Trương Ngọc Lan bắt đầu có xu hướng chuyển trạng thái từ trữ tình lãng mạn sang trạng thái trữ tình suy ngẫm, hướng tới đời sống xã hội nhân sinh mang nhiều lo toan, khó nhọc. Cũng viết về những gian truân, thiên tai, nghèo khó của người dân miền núi, chị lại có được một tứ thơ khác lạ với sự quan sát khác biệt trong cái tựa đề thơ “Trò chơi” như sau: “Những ngọn núi nhấp nhô/ Như cái phễu lộn ngược/ Đổ nước xuống đồng bằng/ Dễ lúc nào cũng được! Những ngôi nhà trống hoác/ Những khuôn mặt sương bạc/ Theo dòng nước cuốn phăng/ Dễ lúc nào cũng được! Những đứa trẻ chân trần/ Mèn mén ăn quanh năm/ Nhặt sỏi trên đất cằn/ Dễ lúc nào hết lạnh/ Những ai sáng không cắp ô đi/ Chiều không cắp ô về/ Lử khử lừ khừ như người say rượu, say thuốc/ Giờ có biết trò “chơi ô ăn quan”? Bài thơ không cao giọng và cách chấm phá không cường điệu lại mang đến một hiệu quả khác thường như một sự thức tỉnh.

Sau hơn ba chục năm bền bỉ sáng tác với 12 tập thơ, nhà thơ Trương Ngọc Lan đã cho thấy một giọng thơ nữ có phong cách riêng: tĩnh lặng mà sâu sắc, tinh tế mà khơi gợi, hài hòa trong cảm xúc và suy tư. Tôi cho đấy là sự thành công của một cây bút thơ chuyện nghiệp và đích thực.

Nguyễn Việt Chiến
.
.