Nhà thơ Trần Nam Phong - Cây thơ lục bát tài hoa của văn nghệ miền Trung

Chủ Nhật, 12/05/2024, 14:22

Nhà thơ Trần Nam Phong, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh là một gương mặt thơ đậm chất miền Trung. Đọc thơ anh, tôi như cảm thấy chất nhạc của các điệu hò, điệu ví dân gian của miền đất này đã ngấm vào các thi điệu lục bát ngọt ngào, tinh tế đang ngân nga trong không ít câu thơ lãng mạn làm nên tên tuổi anh.

Theo tôi, thơ hay là loại thơ dễ rung động người đọc bằng thứ cảm xúc và hình ảnh liên tưởng, suy tưởng rất tinh tế và đầy tính sáng tạo khi được khắc họa trong một trường thẩm mỹ giàu chất thơ. Thật ra, thơ hay có những tiêu chí gì, chuẩn mực gì vẫn là chuyện muôn đời xưa nay còn phải bàn cãi, vì cái hay đối với lớp người này (ở thời điểm này) chưa chắc đã là hay đối với lớp người khác (ở thời điểm khác) và ngược lại. Nhưng có một điều dễ nhận ra, thơ hay là thứ thơ còn đọng lại được qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, bởi thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo đích thực của nghệ thuật văn chương.

nhà thơ trần nam phong, chủ tịch hội liên hiệp vhnt hà tĩnh.jpg -1
Nhà thơ Trần Nam Phong, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh.

Hai biểu tượng Sông và Quê là nguồn mạch chính trong thơ

Trong thơ Trần Nam Phong, tôi thấy anh luôn trở đi trở lại, luôn trăn trở, luôn thao thức với hai biểu tượng chính là Sông và Quê. Với bài thơ "Bờ đê, thả gió, chăn trâu" anh đi qua những kỷ niệm chan chứa yêu thương với sông nước tuổi thơ: "Em ơi, gió núi đang về/ Trăng chiều ai thả bùa mê lên rồi/ Trái vườn kết mộng chùm đôi/ Gió chiều đang chín những lời hư không/ Bốn bề là núi là sông/ Là hương cổ tự thơm lòng thơ ngây/ Chiều hôm thương nhớ dâng đầy/ Em ơi chầm chậm đến ngày mai sau/ Bờ đê, thả gió chăn trâu/ Tay không, nón lá, áo nâu và diều/ Em như trăng sáng cả chiều/ Anh như mây móc đổ liều trận giông/ Mai này đi gánh nước sông/ Xin em gánh cả hư không tôi về". Hai câu cuối của bài thơ này mới thật thi vị làm sao khi tác giả hoán đổi hình ảnh "nước sông" và "hư không" cho tràn đầy cái "gánh yêu thương" của riêng mình.

Ở một thi điệu lục bát xúc động khác, ngay cả trong giấc mơ, Trần Nam Phong cũng mơ thấy Sông, thấy Quê và chợt nhận ra: "Dòng sông thức với phù sa/ Nên chi điệu ví đậm đà hồn quê/ Tháng năm vẹn một câu thề/ Cánh buồm xưa lại trở về bên sông/ Trong mưa bất chợt cầu vồng/ Tôi về mơ thấy nâu sồng mẹ trao/ Hồn quê mỏi vía gió lào/ Nghìn năm mây trắng bay vào trời xanh" (Khúc hạ 4)

Trong dòng chảy thi ca hôm nay, có một số nhà thơ đương đại đang hướng đến cách tiếp cận tư duy thơ hiện đại theo kiểu lập trình những suy tưởng mới, những ý tưởng mới để làm thay đổi nội dung trình hiện của các bài thơ, để làm cho những con-chữ-thơ có một đời sống tư tưởng sâu sắc hơn, đa nghĩa hơn, giàu hàm lượng tri thức hơn. Và phải chăng, đây cũng là một hướng cách tân của thơ đương đại, khi một số nhà thơ đang xem trọng sự đổi mới về "chất suy tưởng" của nội dung thơ hơn là sự đổi mới về mặt hình thức nghệ thuật câu chữ trong thơ.

Tôi nghĩ với thơ Trần Nam Phong, anh không cố "lập trình" để thay đổi cách trình hiện trong các bài thơ lục bát của mình để tìm một cách tân mới, nhưng anh luôn làm giàu "nội hàm" của biểu tượng Sông ở chiều sâu của những suy ngẫm về nỗi đời, nỗi người mang hệ triết luận như trong đoạn thơ sau: "Người đi ra bể tìm sông/ Ta về nhặt cái mênh mông cõi người/ Mà sao trĩu nặng trong đời/ Mây bay kiếp trước, mưa rơi kiếp này/…Anh còn để gió trên cây/ Một con sông chảy nắng đầy chiều hôm/ Dâng người xin chút thảo thơm/ Người ơi còn đó nỗi buồn đa mang/ Một đời cơn gió lang thang/ Gió không mang gió thì mang nỗi người" (Lục bát mùa thu)

Tốt nghiệp cử nhân khoa ngữ văn Đại học Sư phạm Huế và đỗ thạc sĩ Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, qua trải nghiệm sáng tác nhiều năm, thơ Trần Nam Phong đã đạt được cái nền của sự tài hoa trong văn chương. Và trong sâu thẳm hồn mình, anh với những kỷ niệm của một thời thương nhớ vẫn thao thức với biểu tượng về Quê như trong bài thơ "Ngày thường bên mẹ" như sau: "Về thăm bụi chuối, hàng cau/ Bất ngờ gặp trận mưa mau trắng trời/ Gọi trăng, trăng ngủ bên đồi/ Gọi người, người đã sau lời cỏ ru/ Khóc hời một kiếp ta xưa/ May ra còn lại thuở chưa có gì/ Thời gian trong chuyến thu đi/ Nghe trong cỏ biếc từ bi muộn phiền/ Mưa chay có thấm cửa thiền/ Làm sao mang được vô biên kiếp này/ Mẹ cười, tóc bạc phơ bay/ Ngoài đê tiếng gió heo may đã về".

Nỗi niềm với quê hương từ "Giấc mơ tuổi thơ" như còn đọng mãi trong tâm hồn người thơ: "Về quê gặp trận mưa rào/ Bao nhiêu mây móc lặn vào thịt da/ Mẹ còn đi chợ đường xa/ Mình con thơ thẩn ngóng quà tuổi thơ/ Thị vàng thơm tận giấc mơ/ Hội làng cô Tấm cài nơ hoa cà/ Đang đêm vọng tiếng tù và/ Hình như phía bụi tre ngà trổ măng/ Nước non biết mấy mùa trăng/ Đường xưa lông ngỗng sao băng trắng trời/ Tạ hồn biêng biếc giếng thơi/ Nỗi đau nguồn cội là nơi tìm về…".

anh trang 14 moi.jpg -0
Bìa tập thơ mới của nhà thơ Trần Nam Phong.

Biểu tượng của Sông và Quê là nơi Trần Nam Phong ký thác, gửi gắm bao tâm sự của đời người từ tuổi còn thơ đến khi trưởng thành và cho tới sau này. Sông gắn liền với quê hương, Sông cũng chính là nguồn mạch khởi đầu và nuôi dưỡng cảm xúc và nghĩ suy cho thi ca, ngay cả khi anh nghĩ về người mẹ và quê hương mình trong những câu thơ viết "Bên cửa sổ máy bay": "Trập trùng thế núi hình sông/ Chỉ thương dáng mẹ cánh đồng heo may/ Một giờ thao thiết mây bay/ Hồn con đi trọn tháng ngày gió sương/ Mai kia trong cõi vô thường/ Biết còn gặp mẹ thân thương thuở nào/ Mẹ ơi, đất thấp, trời cao/ Ngàn năm mây trắng nôn nao nỗi người/ Đồng ta lúa đã gặt rồi/ Bao nhiêu ngọn khói lên trời làm mưa". Một tứ thơ khá hay và hiện đại khi tác giả nhìn cuộc sống thế gian qua cửa sổ máy bay mà liên hệ với người mẹ và quê hương với cái nhìn chiêm nghiệm đầy suy tư.

Thơ lục bát vẫn là một thách thức với người làm thơ

Có một thực trạng, những năm gần đây, thơ lục bát bị không ít người nghi ngờ về khả năng biểu đạt tư duy mới trong dòng chảy của thơ đương đại, họ cho rằng lục bát là thể loại thơ quá gò bó, đơn điệu về vần luật, thanh luật và tiết tấu, chỉ biểu hiện được những cảm xúc quen thuộc của người Việt truyền thống và không phù hợp với tư duy thơ hiện đại. Ngược lại, khá nhiều người vẫn nhận thấy ở lục bát những ưu thế không thể thơ nào có được và họ bền bỉ vượt qua những khó khăn, trở ngại, thách thức để giữ gìn điệu tâm hồn Việt trong thơ lục bát bằng chính tài năng thi ca nỗ lực vượt bậc của mình. Đọc thơ lục bát của những tác giả này, ta thấy họ đã vượt qua được các không gian cũ, cảm hứng cũ, khuôn hình cũ, giai điệu cũ, thi tứ cũ, hình tượng cũ (đã được sử dụng quá quen thuộc trong thơ lục bát khi coi trọng việc biểu hiện cảm xúc trực tiếp và lạm dụng khẩu ngữ).

Và, tôi cho rằng, lục bát thơ của Trần Nam Phong là một trong số các tác giả như vậy khi hình ảnh quê hương, sông núi, con người vẫn là ảnh hình thân thương cũ nhưng dưới tầng câu, chữ đã thức dậy một nguồn mạch của chất thơ mới: "Làng tôi có lũy tre già/ Cái năm giáp hạt nở hoa trắng trời/ Người quê tần tảo muôn nơi/ Đêm đêm thao thức nỗi đời, nỗi quê/ Xa xôi ai có tìm về/ Con sông chảy giữa bộn bề lời ru/ Tháng năm vọng tiếng chim gù/ Nao nao vành nón mùa thu qua làng/ Bao người con gái sang ngang/ Trăng non như mảnh lược vàng bỏ quên/ Loang chiều ngọn khói bay lên/ Mong bình yên, nhớ bình yên cánh đồng".

Những câu thơ lục bát nói trên vẫn lấy sự giản dị làm trọng, vẫn chọn lọc hình ảnh gần gũi, quen thuộc làm mạch chính nhưng chất thơ cứ ngấm vào ta lặng lẽ giống như một khúc dân ca nồng nàn tình yêu quê hương.

Thời gian gần đây, tôi biết Trần Nam Phong không chịu dừng chân trên thành tựu của giá trị đã có được trên mảng thơ lục bát của mình, anh còn đang khai phá những trang mới trong mảng thơ tự do hướng đến nguồn cội lịch sử của quê hương miền Trung, nhằm chuyển hóa các sử liệu thành thi liệu trong một chất thơ mới vạm vỡ hơn, mang tính sử thi trường ca trên con đường sáng tạo thi ca không ngừng nghỉ của mình.

Tôi nghĩ rằng, trong mạch trường ca sử thi này sẽ vẫn không thể thiếu vắng được sự có mặt của những trường đoạn thơ lục bát, với giai điệu trữ tình vừa lãng mạn vừa có tính thế sự, nhân triết như trong bài thơ "Viết chờ sen lên" của anh: "Là ai tôi đã chào đời/ Là ai, tôi đã khóc cười trăm năm/ Buồn vui chín khúc ruột tằm/ Nhẹ tênh hồn vía, đăm đăm dáng hình/ Đường đời muôn nẻo phù sinh/ Mỗi ngày chọn một bình minh với đời/ Là tôi sống giữa đất trời/ Đa đoan gọi gió nói lời yêu thương/ Biết đâu trong cõi vô thường/ Nguyện làm ngọn cỏ lót đường người đi/ Biết đâu trên nẻo thiên di/ Nguyện làm chiếc lá yêu vì mùa xuân…". Trên chặng đường sáng tạo thi ca luôn đầy ắp khó khăn và thử thách, mỗi một nhà thơ đích thực không được phép dừng bước và tôi chúc cho Trần Nam Phong khẳng định được mình trong thời gian tới.

Nguyễn Việt Chiến
.
.