Nhà thơ Phan Hoàng: Tự chất vấn đến tận cùng bản thể

Thứ Sáu, 07/01/2022, 13:43

"Đối với nhà thơ thì cách viết, bút pháp của anh ta là một nửa việc làm. Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp. Không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp một cách riêng. Đối với nhà thơ, tìm cho ra bút pháp của mình - nghĩa là trở thành nhà thơ" (Raxun Gamzatốp). Nhà thơ Phan Hoàng đã định nghĩa mình theo cách ấy. Đi con đường không hề có dấu chân, trên độc đạo anh đã gặp chính mình, một gương mặt thơ lạ hậu hiện đại.

Không chỉ là nơi xuất phát từ quê hương, cuộc đời còn là một cuốn sách không có chữ và chúng ta tự mình nắm lấy cây bút viết nên những trang sách cho chính mình, chỉ thuộc về chính mình. Phan Hoàng đã đưa vào tập thơ "Chất vấn thói quen" mới nhất của anh những cuộc đời của lịch sử, nhân dân, nghệ thuật và cả của chính mình. Đọc tập thơ anh, sẽ thấy tất cả những điều đó hiện diện và độc giả sẽ gặp bản thể của riêng anh. Đó chính là sức dẫn dụ của một Phan Hoàng.

nhà thơ phan hoàng.jpg -0

"Văn bản dở dang" là dấu vân tay của anh bắt đầu cho tập thơ.

"Tuổi thơ tôi trên thúng gióng tản cư
mẹ gánh ước mơ chạy qua mùa loạn lạc
tiếng khóc con thơ mạnh hơn

tiếng gầm đại bác"

(Mẹ gánh ước mơ)

Nhưng nốt thăng giáng lại gieo trên khuông nhạc đời người. Rõ nhất là thân phận người. Nhân vật trữ tình "tôi" trong "Chất vấn thói quen" có thể là sáng tạo, có khi mang màu sắc tự truyện - một cái tôi nghệ sỹ cô đơn. Nghệ sỹ càng tầm vóc, cô đơn càng ngút ngàn, càng tử thương trong những khát vọng và thất vọng. Chỉ có câu thơ cứu rỗi. Người vịn vào thơ để ca hát nỗi đau!

"Thì thầm giao hưởng bất tận
tuần hoàn qua những đại dương phận người lênh đênh
cuốn cánh buồm tôi trôi mê mải hải lưu buồn
đau những chân trời tư tưởng tật nguyền

câu thơ neo bờ nước mắt"

Thơ chính tâm hồn. Thơ ca chân chính không chỉ có sự sáng tạo, mà còn bắt nguồn từ cuộc sống, nhu cầu càng tăng, tri thức thơ ca càng tăng, từ những hiểu biết muốn được giải đáp của loài người và vũ trụ vô tận này. Tất cả được chuyển tải bằng những kí tự. Người ta không thể nhân danh thơ ca để nói những điều giả dối hay sơn phết cho câu chữ óng lên. Điều Phan Hoàng trăn trở chính là tiếng nói đầy tinh thần trách nhiệm của một công dân nghệ sỹ:

"kỹ năng dục vọng trang phục mỹ từ mục ruỗng bị đánh đắm|từng đợt sóng tín hiệu bụi vàng ký ức dâng tràn"

Anh đôi khi đã tự chất vấn thơ mình vẫn chỉ là một thứ "văn bản dang dở". Ngôn ngữ thời @ là một thứ fast food hổ lốn, giết chết cảm xúc. Nó đưa loài người lạc vào "thung lũng silicon ngôn ngữ". Người ta quá chăm chú kim hoàn, mạ vàng ngôn từ. Nó trở nên sắc lẻm, vô ân, vô ngôn. Hãy trả cho ngôn ngữ vẻ đẹp nguyên thủy. Vì trí tuệ là một vẻ đẹp, ko cần trang sức tự nó đã lấp lánh. Sự sáng tạo của thi sỹ sẽ đem sinh mệnh cho đứa con tinh thần của anh ta. Thơ Phan Hoàng chạm tới những điều tầm vóc lại xót thương, hân hoan cả bao nỗi niềm sinh linh. Không ít lần tôi thấy anh chất vấn chính mình, chất vấn những thói quen nhàm chán, cảm xúc rời bỏ, để lại tâm hồn hạn hán. Nhưng cái giật mình "Chất vấn thói quen" đã cứu chuộc anh. Đôi khi cần cảm ơn những khoảnh khắc giật mình hiện sinh ấy.

"có sáng
mùi cà phê không chồn
tôi uống qua loa bỏ đi
Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi
tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen

không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước"?

Không chỉ "Chất vấn thói quen", anh còn đi sâu vào mình, để tìm cố tật của người. Thực ra, khát vọng công danh là một cái gông, cùm bao thân phận đàn ông. Ai sinh ra cũng đều vừa vặn với sứ mệnh của mình. Xã hội hủ nho đóng ấn, bắt người đàn ông phải trả nợ công danh. Cây quyền trượng công danh sự nghiệp trên đường đời hun hút, nhọc nhoài, lầm mê. Nếu ai cũng là anh hùng thì đâu có thi nhân. Phan Hoàng lùi lại sau ồn ào và ánh hào quang để tự cảm. Anh nhận ra cái bình thường trong vĩ đại.

Một chiều thu năm 2009, Phan Hoàng đã phơi trên tháp nhọn thơ anh trái tim rỉ máu, những dòng phiền muộn: "Nước mắt bao giờ cũng độc hành lặng lẽ/ hào quang đâu ngăn nổi con mọt hư danh gặm nhấm tâm hồn"? Chắt bao mùa thu của tuổi đời, anh nằm trong bóng tối hồn cô quạnh mà thả ra những tiếng thở dài, về nỗi "con mọt hư danh gặm nhấm tâm hồn". Ai trong chúng ta dám dũng cảm mà nói rằng, tâm hồn mình chưa từng hơn một lần bày tiệc cho những hư danh tham vọng hão huyền?

bìa tập thơ chat-van-thoi-quen-phanhoang-vhsg-1536x1085.jpg -0
Bìa tập thơ ''Chất vấn thói quen'' của nhà thơ Phan Hoàng.

Sứ mệnh của thi ca là cất lên những nỗi đau. Gia tài nghệ sỹ nào thiếu được nỗi đau? Thơ Phan Hoàng ngấm nỗi đau mà ngôn ngữ đành bất lực, trái tim nghệ sỹ trào chảy huyết lệ tâm hồn. Nó là một vết thương không lành, mãi mãi. Nham thạch tâm hồn nghệ sĩ không một ngọn núi lửa nào đủ dung dưỡng, nó bơ vơ trong nỗi đau, niềm phiền muộn bất tận nghệ sỹ.

"và còn những nỗi đau mà ta không bao giờ chạm được
dưới tầng sâu cánh rừng thiêng ngập mặn
có bữa ăn cầm hơi chiến thuyền mang thơ mở cõi
có chỗ nằm nửa nước nửa đất ngư dân hò bả trạo khẩn hoang
có bình gốm nuôi đứa trẻ mãi mãi không chào đời

và còn những nỗi đau mà ta không bao giờ chạm được
nỗi đau đau đến lặng im
Lịch sử tầng tầng mỏ quặng số phận

văn học lọc cọc đóng nọc thủ công"

Phan Hoàng hay tất cả chúng ta rốt cuộc đều là những mảnh linh hồn làng, của nền văn minh lúa nước Đại Việt. Tôi, anh, chúng ta đều sinh ra từ làng. Đồng quê xào xạc dạy chúng ta những bài học nông thôn.

"Hồn làng trong màu men mắt trâu
buồn và đẹpgió sông Hồng có giữ được hơi thở vĩnh cửu đất thiêng?"

Phan Hoàng ở vào độ tuổi vàng của người đàn ông, nên thơ anh tràn đầy nội lực và sinh mệnh. Phan Hoàng đi sâu vào tất cả, va chạm với vũ trụ, cháy xém trong ngọn lửa khát thèm dục vọng vật chất của loài người. Họ đã tự thiêu mình đến hư hoại trong ảo vọng công danh, anh đặt tên cho nó là "bóng tối". Thơ anh đã diễn tả rất sâu và chân thực khoảnh khắc u tối, dã thú của loài người. Con chữ anh như một vết khắc rướm máu vào bầu khí quyển lịch sử trong cơn hỗn mang nhân loại. Phan Hoàng đã đưa chất triết luận xã hội, thời đại vào thơ tự nhiên như hơi thở. Như thể anh là một nhà thơ sinh ra đã vừa vặn với sứ mệnh này.

"Chạy giữa gầm gừ dã thú đói khát hoả hoạn
chạy giữa ầm ào sóng thần vây bủa vũ khí hạt nhân
chạy giữa là đà văn bản mới viết đã cũ

chạy giữa nhập nhoạng mặt người mới mở mắt đã gian manh" (Bóng tối đang nuốt chúng ta).

Phan Hoàng đi suốt cõi thơ đầy nỗi trở trăn của anh. Người trí thức nghệ sỹ ưu hoài thân phận nhân dân và lo âu vận mệnh lịch sử. Anh băn khoăn tự hỏi một câu hỏi lớn "Tôi đang ở đâu?". "Tôi đang ở đâu mảnh vườn trĩu nặng lời ru của mẹ?

 "Tôi đang ở đâu đất nước sinh từ hồn thiêng nghĩa sĩ vô danh?
Đất nước dãi dầu hạt gạo anh hùng, xảo quyệt đám rầy nâu chưa bị hành quyết! 
Tôi đang ở đâu cây bút mang đầy danh hiệu sứ mệnh?

Cây bút vô cảm trước thân phận dân nghèo, im lặng trước lãnh thổ đe doạ ngoại xâm, bất lực trước cái ác trá hình nhũng nhiễu!
Tôi đang ở đâu cây bút mang đầy danh hiệu sứ mệnh?
Tôi đang ở đâu?
Ở đâu?"

Đi suốt tập thơ Phan Hoàng, độc giả đã được "chất vấn", dù có dám trả lời hay im lặng thì ít nhất, chúng ta đã được anh đánh thức, trong một nỗi cồn cào rất người. Thơ Phan Hoàng viết không bó khuôn, khi đứng trước cõi thế chi chít ngã tư đường đời, lúc nóng giãy thế sự, hay u trầm lịch sử từ căn kiếp tận cõi mịt mù, vừa hiện thể lại quá khứ, mở tới tương lai bằng những câu hỏi triết luận. Anh vượt khỏi cái cá nhân để chạm tới tính chung vì những tư tưởng mang hơi thở thời đại.

Nhân loại mỗi thời kì đều mang khuôn mặt riêng, nhà thơ là bác sỹ của trái tim, họ bắt mạch tâm hồn, với ngòi bút tài tình trong tay, họ thức tỉnh và phục sinh những ý niệm tư tưởng lầm lỡ, chỉ cho họ bài hát lạc điệu và cất trăn trở vào trái tim mình. Một thứ phập phồng mang sinh mệnh. Nghệ thuật Phan Hoàng "như một hạt giống vô hình, tư tưởng gieo vào tâm hồn nghệ sỹ và từ mảnh đời màu mỡ ấy nó triển khai thành một hình thức xác định, thành các hình tượng nghệ thuật đầy vẻ đẹp và sức sống"- Beelinxki. Đọc "Chất vấn thói quen", người đọc sẽ được Phan Hoàng chất vấn và tự chất vấn đến tận cùng bản thể.

Đỗ Quyên
.
.