Nhà thơ Phan Hoàng: Người về tắm bến sông trăng
“Bực mình nghe Trương Chi khóc/ Chữ nghĩa tình trường”; “Em nóng dần lên/ Gởi Phú Yên”; “Nụ hồng sau cơn bão/ Thành phố bây giờ”; “Trái đất trái tim”... Chữ nghĩa của nhà thơ có khác. Viết báo lười như tôi may gặp nhà thơ Phan Hoàng bèn cứ chắp các tên bài thơ của ông anh thành câu mở đầu cũng là thuận tiện.
Phan Hoàng từng viết: “Anh muốn ôm em hun hút sông trăng/ em trắng quá/ sông thì trăng quá/ - Anh muốn trăng hãy đi đi/ cho da thịt lên ngôi/ cho men tình lả tả/ - Sông buốt dậy thì/ mỗi độ trăng lên (“Em tắm bên sông trăng”). Có tiếng gì như thể tiếng hương/ có tiếng gì như thể tiếng sương/ hương huyền hoặc/ sương mong manh quá/ tôi mộng du thu đồi đông phố/ ú ớ tịch thiền/ lớ ngớ tiếng đêm (“Tiếng động xuân thì”)... rõ ràng ở đây là một Phan Hoàng vừa cổ truyền, vừa hậu hiện đại. Phan Hoàng càng quyết tâm hậu hiện đại bao nhiêu càng cổ truyền bấy nhiêu chăng?
Với thơ, Phan Hoàng cũng nhùng nhằng cành la cành bổng lắm. Nhưng, được cái, những ỡm ờ, giả vờ giả tảng của ông anh chân chất đáng yêu chứ không táo tợn làm bừa khiến cánh nữ bao gồm từ tú nữ đến lão nương đều luôn thân thiện với Phan Hoàng. Có giao cho anh các bé lớp chín, lớp mười tinh khôi vào rừng hái hoa đuổi bướm cũng rất yên tâm mà nếu giao các chị bát ngát thơ văn trung niên giàu có phấp phới huê tình để Phan Hoàng giao lưu thơ phú men nồng trời đất thì ông anh cũng rất biết làm vừa lòng tất thảy. Phan Hoàng ngó bên Đông một cái, nhìn bên Tây một chặp, khi thì nheo mắt cười tình, lúc lại mở miệng nói lời mật ngọt khiến mọi thứ nước sôi lửa bỏng bỗng dần dần trở nên hết sức thanh bình như sư thầy thụ lộc chốn thiền môn.
Cứ tưởng Phan Hoàng ngao du sơn thủy mới là chính, mấy ai biết ông cũng chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm lắm. Tất thảy mọi việc liên quan đến văn bút, Phan Hoàng đều không từ nan. Ông sẵn lòng viết từ mẩu tin truyền thông cho trang web của Hội Nhà văn Việt Nam tới các bài ngắn dài tùy lúc, tùy thời rất hăng say và đầy trách nhiệm. Tôi đã quá đỗi ngạc nhiên khi ông nhận lời và viết một mạch cho tập thơ của tôi khúc nào ra khúc nấy mặc dù trong bụng tôi luôn nghĩ đời nào ông anh ngó mắt tới thơ mình, phải là thơ của các dì các thím sực nức hương hoa tình e ấp, Phan Hoàng mới đọc. Ở chỗ này đây quả thực quá là oan uổng cho ông anh.
Làm thơ, tôi không biết Phan Hoàng tiến thoái ra sao nhưng việc liên quan tới các tiền bối văn chương thì ông quả là tấm gương đáng nể. Một cuộc, gần đây thôi, tôi vào TP Hồ Chí Minh đã rất ngạc nhiên khi thấy nhà thơ Hoài Vũ, tác giả của: "Vàm Cỏ Đông"; "Đi trong hương tràm"; "Gửi miền hạ"; "Hoàng hôn lặng lẽ"; "Anh ở đầu sông em cuối sông"... vẫn khỏe mạnh cười nói tươi vui bên chén rượu cạn liên hồi kì trận, mặc tôi bất bình khi biết vị lão trượng của giới văn nghệ quân giải phóng từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng, và nhất là các tác phẩm lừng danh của ông chúng tôi thuộc từ tấm bé chẳng hiểu tại sao đến nay Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, Hoài Vũ vẫn chưa được nhận. Ông sinh năm 1935, cùng lứa với các bậc “đa, đề” thời chống Mỹ mà các bạn văn nghệ, thậm chí có người thuộc quyền ông, tác phẩm cũng chỉ ngang ông đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật từ rất lâu rồi.
Nhà thơ Phan Hoàng trước sự bất bình của tôi đã giãi bày những điều gan ruột về cơ chế giải thưởng, về những đóng góp quan trọng của nhà thơ Hoài Vũ với nền văn học nghệ thuật cách mạng. Phan Hoàng như tìm thấy sự đồng điệu, nhất là sự can đảm, dũng khí của lứa văn nghệ sĩ lớp sau với các bậc trưởng thượng làng văn nghệ. Khi đó, nhà thơ Hoài Vũ chỉ tươi cười đọc thơ, còn muốn gạt đi những tâm tư, dự kiến hành xử của lớp đàn em đang hăng hái, thực chất là bất bình trước cơ sự về ông. Chúng tôi cũng đủ tinh tế để chuyển đổi câu chuyện sang chiều hướng khác trong bữa tiệc.
Ngay trong đêm đó, tôi cầm điện thoại đọc một mạch bài "Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông" cho bạn thư kí. Hai hôm sau, bài lên báo buổi sáng thì chưa đến mười giờ, Hoài Vũ đã từ cuối thành phố đi xe ôm tới thẳng chỗ tôi công tác với vẻ mặt vô cùng xúc động, cứ thế ôm rất chặt. Tôi cảm nhận được những giọt nước mắt nóng hổi nhỏ xuống vai mình.
Bài báo lập tức gây dư luận, tạo sự chú ý sâu sắc, nhất là đối với giới văn nghệ sĩ miền Nam. Ai cũng tình thương mến thương Hoài Vũ. Ai cũng thắc mắc ngẩn ngơ ừ nhỉ, sao đến tận bây giờ, một bậc đa đề như Hoài Vũ với những tác phẩm hữu ích với sự nghiệp cách mạng thời kì chống Mỹ và sau này lại tuyệt không được nhận những giải thưởng đúng mức với tài năng của ông? Lúc đó, Phan Hoàng chứ không phải ai khác đã siết chặt tay tôi bảo: “Phải tiếp tục lên tiếng! Phải kiên quyết hành động! Chúng ta không đấu tranh cho sự công bằng này thật xấu hổ, ông ơi!”.
Tôi thấy được trái tim nóng ấm của Phan Hoàng và lập tức viết bài thứ hai với tiêu đề "Nhà thơ Hoài Vũ, riêng đâu tượng đài tình yêu nơi cuối đất" tiếp tục gây tiếng vang. Chúng tôi cảm ơn sự lan tỏa của các báo điện tử, các trang mạng, nhất là ở phía Nam đã tạo ra một luồng thông tin sát sàn sạt, trầm hậu mà ấm nóng về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Hoài Vũ.
Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã rất nhạy bén và sáng suốt, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tổ chức Đêm thơ Hoài Vũ trang trọng tại Nhà hát Thành phố. Tôi là một khách mời đặc biệt. Những dòng chữ, tấm ảnh trong bài báo của tôi được trình chiếu trong đêm thơ với sự xúc động vô cùng. Phải kể dài dòng một việc như trên bởi tôi rất quý trọng không chỉ thơ ca, mà cái chính yếu là tấm lòng của nhà thơ Phan Hoàng với thế hệ đi trước, cụ thể ở đây là nhà thơ Hoài Vũ. Những chi tiết đặc sắc nhất trong hai bài báo tôi viết về Hoài Vũ đều do Phan Hoàng cung cấp. Tôi thực ra chỉ thay mặt Phan Hoàng mà thể hiện thành tác phẩm báo chí đó mà thôi. Sau việc đó, gần như tuần nào nhà thơ Hoài Vũ cũng gọi điện cho tôi, trò chuyện có khi tới vài chục phút, mà tuyệt nhiên ông không bao giờ nhắc về mình.
Đối với nhà thơ Phan Hoàng, kì cuộc nào anh ra Hà Nội hoặc tôi vào TP Hồ Chí Minh, đôi khi vân du tới Phú Yên quê anh, chúng tôi đều gặp gỡ và mời các bạn văn nghệ giao lưu. Chuyện trò trên trời dưới biển gì cuối cùng vẫn quay về đọc thơ Hoài Vũ. Cái nòi thơ ca nó luôn như vậy. Thơ thơ thẩn thẩn ấy mà! Không thơ thơ thẩn thẩn sao lại viết: "Ta biết Trương Chi không bao giờ khóc/ chỉ có nụ cười chẳng hé trên môi/ nụ cười của ngôi sao lạ/ cuộc tình như một lằn roi/ - Ta biết Trương Chi không bao giờ khóc/ chỉ có tài hoa chẳng thốt nên lời/ tài hoa giữa ảo trùng tai họa/ đừng thương hại chàng vội Mỵ Nương ơi!" (“Bực mình nghe Trương Chi khóc”).
Phan Hoàng! Ôi Phan Hoàng - "Những ngôi sao ngang trời thao thức/ thuyền Trương Chi lãng đãng bến mơ"... Phan Hoàng đích thực là một nhà thơ, cũng đích thực là một người bạn tốt. Làm bạn với nhà thơ nào có khác gì tìm trăng trong nước, lên núi hái mây, cái được cái chăng đan cài miên man biết đâu bờ bến. Cơ mà, làm bạn với nhà thơ như nhà thơ Phan Hoàng cũng nhiều điều thú vị lắm thay!