Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim Nắng triền sông nâng mãi nhịp xuân
Tập thơ đầu tay "Nắng triền sông" xuất bản năm 1981 của nhà thơ Nguyễn Thanh Kim là tập hợp những bài thơ ông đã viết từ hồi là phóng viên Đài Phát thanh tỉnh Hà Bắc và "lên đỉnh" khi ông tích cực tham gia ban trù bị thành lập Hội Văn nghệ Hà Bắc. Đó là quãng từ năm 1975 đến năm 1982.
Chả là tôi đã có lần "nhờ" nhà thơ Nguyễn Thanh Kim tìm tập thơ của nhà thơ Xuân Hồng (nhà thơ Xuân Hồng đã mất. Ông công tác ở Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Giang cũ). Trong tâm trí của tôi thì lần đầu gặp Xuân Hồng ấy là cuối tháng 2/1979. Chúng tôi đang dừng nghỉ bên thác nước thì gặp Xuân Hồng từ trên chốt đi xuống. Chàng lính trẻ Xuân Hồng ngồi nghỉ trên một hòn đá, anh tự đệm đàn guitar cho bài hát "Cao Ba Lanh mồ chôn quân bành trướng" mà anh mới nảy lên giai điệu.
Thế rồi từ "cái nợ" tìm thơ của bạn lính cho tôi, đã giúp tôi với nhà thơ Nguyễn Thanh Kim gần nhau nhiều hơn và cũng hiểu nhau nhiều hơn. Ở người đàn ông vốn quê gốc ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, nay là xã Nam Phù, Hà Nội này có gì đấy còn "đầy" sự chân chất và rất sâu đậm nét văn hóa miền Kinh Bắc.

Tập thơ đầu tay "Nắng triền sông" xuất bản năm 1981 của nhà thơ Nguyễn Thanh Kim là tập hợp những bài thơ ông đã viết từ hồi là phóng viên Đài Phát thanh tỉnh Hà Bắc và "lên đỉnh" khi ông tích cực tham gia ban trù bị thành lập Hội Văn nghệ Hà Bắc. Đó là quãng từ năm 1975 đến năm 1982. Tập thơ đầu tay cũng là "chứng chỉ" để tác giả thơ trẻ Nguyễn Thanh Kim bước vào "giảng đường" khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du danh giá (1982-1985).
Ra trường, cây thơ Nguyễn Thanh Kim lại trở về "quê nhà" Hà Bắc và công tác ở Hội Văn nghệ tỉnh thêm dăm năm rồi mới chính thức làm phóng viên, biên tập ở Báo Hà Bắc. Thời kỳ này ông đã được nhận các giải thưởng văn học như: Giải A về thơ do Hội Văn nghệ Hà Bắc trao; Giải B Giải Báo chí Ngô Gia Tự do Hội Nhà báo Hà Bắc trao.
Anh em trò chuyện vui vẻ nên tôi "mạnh dạn" hỏi: "Làm thế nào mà bác lại gắn bó sâu đậm với đất và người Kinh Bắc bền lâu đến thế?". Ông nhà thơ sinh năm 1948 (hơn tôi 9 tuổi) cười hóm: "Thì mình "quê" Kinh Bắc mà". Tôi hiểu "Kinh Bắc" mà ông nói chính là vùng đất của sông Cầu nước chảy lơ thơ và của sông Thương nước chảy đôi dòng. Vùng đất linh thiêng và tài hoa ấy đã "gieo sâu" vào lòng Nguyễn Thanh Kim những dấu ấn văn hóa và một tình yêu tha thiết.
Tuy quê gốc ở Thanh Trì, Hà Nội nhưng hai cụ thân sinh ra nhà thơ Nguyễn Thanh Kim đã sớm lập nghiệp ở đất Kinh Bắc. Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim kể rằng: "Gia đình tôi sống ở thị xã Bắc Ninh cũ. Cha mẹ tôi làm thợ thủ công, tuy nghèo lại có 6 người con, lại trong kháng chiến chống Pháp nữa. Vậy mà, mấy người anh em chúng tôi đều được cha mẹ cho ăn học và cùng đam mê đeo đuổi văn chương nghệ thuật".
Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim còn cho biết thêm: "Cha mẹ tôi có nghề làm mũ cát và khăn xếp quan họ. Những chiếc mũ cát và khăn xếp quan họ tuy thủ công thôi nhưng đó lại là tất cả của sự khéo tay của cha tôi và nét đảm đang thêu thùa khâu vá của mẹ tôi. Có lẽ, sự tảo tần và chăm chỉ ấy đã cho tôi điều người đời gọi là cần mẫn và kiên trì".
Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim tên thật là Nguyễn Kim Thành, có lẽ bút danh Nguyễn Thanh Kim chỉ là cách nói lái mà thôi. Ông bảo rằng: "Tôi đến với nghiệp thơ cũng từ thói quen, ham mê đọc sách từ nhỏ". Được hay, ông sinh ra ở thị xã Bắc Ninh, may mắn có được một người hàng xóm là nhà thơ Anh Vũ, gia đình nhà thơ Anh Vũ có cả một tủ sách lớn trong nhà và cậu Kim đã tha hồ "ngụp lặn" trong cả thế giới ngàn cuốn sách đó để thỏa cơn nghiền đọc sách.
Ông đọc tất cả những gì có trong tủ sách đó, từ sách kiếm hiệp, triết học, tôn giáo, tới sách thơ, sách văn của nhiều tác giả trong và ngoài nước. Thế rồi cậu Kim Thành "tập tọng" làm thơ. Khi làm thơ xong thì nhờ nhà thơ đàn anh Anh Vũ góp ý, rồi sau đó mạnh dạn gửi Báo Văn nghệ Hà Bắc đăng.
Ở Trường cấp 3 Hàn Thuyên, Bắc Ninh, cho đến giờ các thế hệ thầy cô và học trò còn nhắc về cậu học trò Nguyễn Thanh Kim "tài thơ" nhất trường, nhất lớp. (Thời học trò cấp 3 ấy, cậu học trò Nguyễn Kim Thành từng đoạt Giải nhất Cuộc thi thơ của Trường cấp 3 Hàn Thuyên, Bắc Ninh).
Tôi bảo: "Bác còn nhớ bài thơ thuở học trò nào không?". Ông nhà thơ đã ngoại thất thập gật đầu nói luôn: "Nhớ chứ". Rồi ông trầm ngâm đọc cho tôi nghe: "Thầy chăm những suối con/ Trở thành sông bát ngát/ Thầy chăm những mầm non/ Vươn lên cành cứng cáp" (Thầy giáo em).
Nếu như ở bài "Nắng triền sông" cây bút thơ trẻ Nguyễn Thanh Kim đã viết: "Anh đi trong lời ca ấy/ Lời ca nắng xanh triền sông" thì chỉ một năm sau chính cây bút thơ đầy "hăm hở" ấy cho trình làng "Sông xuân đất bãi" - 1982, rồi "Trăng soi thật mình" - 1989, rồi "Cánh diều" - 1990... toàn là những bài thơ với những câu thơ "dạt dào" tình quê Kinh Bắc. Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim bảo: "Tôi nhớ Kinh Bắc mỗi đêm ông ạ". Và, ông đọc: "Câu ca một thuở qua rồi/ Như phù sa lấp một thời trong tôi/ Mà xanh ngút ngát bãi bồi/ Dâu lên tằm chín ửng trời bên sông" (Nghe trong câu hát tằm tơ).

Tôi tin điều ông nói, đấy năm 1998 đấy, nghĩa là khi ông đã "định cư" trên đất Hà thành được 2 năm, thì ông xuất bản tập thơ "Nẻo nhớ" - 1998 (Năm 1996 nhà thơ Nguyễn Thanh Kim chuyển công tác về Báo Sức khỏe và Đời sống, Bộ Y tế). Hồn thơ ở "Nẻo nhớ" của ông cứ da diết, cứ trào lên, cứ thắm đượm: "Chiêm bao ba nhịp cầu duyên/ Gần kề gang tấc, xa biền biệt xa" (Chiêm bao).
Làm thơ song hành cùng nghề báo, cứ tưởng chuyện "cơm áo gạo tiền" lấn hết thời gian, chi phối tâm hồn vậy mà cứ "tằng tằng", cứ đều đều, ông nhà thơ "xứ Kinh Bắc" này đã xuất bản hơn 30 đầu sách, trong đó tập thơ chiếm đa số với hơn 20 tập. Tôi bảo: "Bác làm thơ bền như chính con người mình vậy". Rồi, tôi đọc một câu thơ trong tập thơ mới tỉnh tình tinh của ông, tập "Nhịp xuân", NXB Văn học, 2025. "Kể chi nước chảy qua cầu/ ước ta kết một nhịp cầu luyến thương" (Kể chi).
Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim sâu đậm là như vậy đó, cho đến giờ ông vẫn còn "điều ước" giản dị của mình, bất kể tháng năm trôi, bất kể dòng đời trôi chảy. Chính vì vậy mà dù tuổi cao nhưng "sức viết" của nhà thơ Nguyễn Thanh Kim vẫn đều đều tuôn chảy. Dăm bảy năm trở lại đây chốc chốc tôi lại nhận được "quà tặng" từ nhà thơ, đó là những tập thơ mới ra lò. Vui là lần nào tặng sách ông cũng gọi điện trước kiểu "thông báo" để tôi khỏi bất ngờ.
Mà cũng "bất ngờ" thật, bởi "nguồn thơ" trong con người Nguyễn Thanh Kim dường như chẳng khi nào nguôi cạn. Với "tinh thần" sâu đậm nét văn nết người Kinh Bắc, thơ của Nguyễn Thanh Kim luôn đem đến "cái nhìn" mới cho "dòng văn hóa" ngàn đời xứ Kinh Bắc. Ông đã viết: "Em thuở bến quê níu câu thề/ chèo khuya mái đẩy trăng sông nước/ ta - trai phố thị dưới mái che/ chụm đầu hai đứa gieo nguyện ước" (Duyên quê). Mới hay, cho dù "phố thị" xa xôi là vậy, cho dù tháng năm dằng dặc là vậy, thế mà "duyên quê" Kinh Bắc vẫn "gieo nguyện ước" trong tâm hồn người thơ Nguyễn Thanh Kim.
Đúng vậy "Nẻo quê nào kể đâu xa/ ngước trông cõi gạo thiết tha bóng làng/ hồn quê thuở ấy đa mang/ có người em gái rỡ ràng nhặt hoa" (Hoa gạo bóng làng). Ở "nẻo quê" này, nét tài hoa đậm chất Kinh Bắc trong ông được "bộc lộ" trong hai chữ "rỡ ràng", phải là người tinh tế lắm và cũng "quê" lắm mới có được hai chữ "rỡ ràng" không "chạm ai".
Văn hóa Kinh Bắc trong thơ Nguyễn Thanh Kim, chí ít là với tập "Nhịp xuân" mới xuất bản, cho dù mảnh đất này đã "đô thị hóa" rất nhiều, đã công nghiệp hóa" rất nhiều nhưng còn được Nguyễn Thanh Kim "lưu lại" trong tâm hồn. "Có gì nhớ, có gì thương/ có chi vấn vít mà lương vương hoài/ tạnh cơn mưa ấy hoai hoai/ ruộng ải men đất thơm ngoài đồng ta" (Khói bếp).
Lại phải "khen" ông thêm lần nữa, hình như Nguyễn Thanh Kim còn là một nhà ngôn ngữ học thì phải? Trong câu thơ của mình, ông luôn "cho ra đời" những chữ, những từ đầy chất quê (theo thiển nghĩ của tôi thì đấy phải là chất quê Kinh Bắc?). Chữ "lương vương hoài", rồi chữ "hoai hoai" đúng phải là "người quê" mới biết, mới thấy nó gần gụi, mới thấy hay hay, mới thấy riêng riêng. "Lời tỏ tình trong gió/ Có tan như mây chiều/ Giọng em dìu dặt thế/ Sương mờ anh tím theo" (Lời tỏ).
Tôi xin được dẫn hai câu thơ cuối trong bài thơ "Gặp gỡ sông Thương" trong tập "Nhịp xuân" có tới 61 bài, để "nói thay" ông nhà thơ còn nhiều "đắm đuối" với "hồn Kinh Bắc", xin dẫn: "Sông Thương xuôi ngược, sóng đỉnh nguồn/ ráng chiều hắt nắng, bóng chiều buông".