Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: Những ý nghĩ nảy mầm lặng lẽ

Thứ Sáu, 03/02/2023, 13:44

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân quan niệm, đời người như một chuyến tàu và chị may mắn có thơ đồng hành, sẻ chia với chị những vui buồn. Thơ mang chị đến những vùng đất mới, vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Nhưng cũng chính thơ đưa chị trở về Đất Mẹ, trở về bản thể của mình. Mười hai năm sau tập thơ thứ ba, "Những chiếc gai trong mơ", Nguyễn Bảo Chân mới ra tập "Bóng của ý nghĩ". Với tập thơ thứ tư này, chị đã vinh dự được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2022.

1.Trong lời tựa tập thơ song ngữ "Bóng của ý nghĩ", nhà thơ Nguyễn Bảo Chân viết: "Tôi nghĩ, hành trình đời người là một chuyến tàu. Ai cũng biết mình đang đi về chốn cuối, nhưng nơi ấy ở đâu, nó như thế nào, thì chẳng ai dám chắc. Từ ga đầu tiên tới ga sau cùng sẽ có những chặng dừng chân thư thả bình yên hay chộn rộn chóng vánh; những nhà ga náo nhiệt, những bến đỗ hoang vu; những người ta gặp gỡ, gắn bó, chia tay, nặng lòng hay buông bỏ còn tùy duyên nợ. Thơ luôn đồng hành cùng tôi trên "chuyến tàu" ấy. Nó nhắc tôi nhớ về từng khoảnh khắc lóe sáng huy hoàng, về bóng tối dằng dặc, về những ban mai hân hoan, những hoàng hôn u uẩn, những mất mát đau đớn, những yêu tin hy vọng...".

nhà-thơ-bảo-chân.jpg -0
Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân

Phần lớn những bài thơ trong "Bóng của ý nghĩ" ra đời khoảng từ 2010 đến 2022. Nguyễn Bảo Chân lặng lẽ viết. Nhiều năm, thơ đồng hành cùng chị như một người bạn tri âm. Nguyễn Bảo Chân là vậy, chị ít khi xuất hiện ở chốn ồn ào. Chị tự thấy mình không thuộc về đám đông. Với Nguyễn Bảo Chân, thơ là tình yêu, là đức tin, là nơi nương tựa... Chị viết với tâm thế của một người đã đi qua nhiều biến động đời sống và thế sự, hiểu thấu mọi lẽ được - mất.

Nếu ngày trẻ, chị làm thơ theo cảm xúc, bị cảm xúc cuốn đi, thì bây giờ, thơ chị chắt lọc về ngôn từ, chuyển tải nhiều chiêm nghiệm, tư tưởng. Chị suy nghĩ sâu về tứ thơ, về những điều mình muốn gửi gắm. Chị tin, mỗi người đọc sẽ cảm nhận thơ chị bằng cả những trải nghiệm riêng của họ. "Những câu thơ kiêu hãnh/ trở về căn phòng nhớ/ Bước khua vang/ từng góc quên/ Những câu thơ đối thoại/ với tiếng vọng của mình". "Bóng của ý nghĩ" gợi chiều sâu tư duy, mở ra những mạch liên tưởng sâu sắc về nhân tình thế thái. Có những tứ thơ nẩy ra bất chợt, nhưng phải một năm sau chị mới hoàn thành cả bài thơ.

Bài "Phục Sinh" là một ví dụ. Hai câu: "Giếng xưa cạn/ Gương soi trời đã vỡ/ Muôn mạch ngầm giấu lòng đất cổ" được chị ghi vào sổ tay khi đến làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) quay một cảnh cho phim tài liệu về nhà thơ Lưu Quang Vũ -  "Người thuộc về mây trắng". Một năm sau, vào dịp lễ Phục sinh, chị đã viết bài thơ "Phục Sinh" nối tiếp mạch ý tưởng đó: "Hoa gạo tháng Tư nhuộm ngày cả gió/ những vệt môi nhức đỏ/ rối lòng xuân/ Gió đắm đuối chẳng thể nào níu buộc/ Người đàn ông tháng Tư sầu muộn/ chàng khuất phía nỗi đau/ tháng tư mắt nâu/ thương màu xứ sở/ xót phận người bể dâu/ mây trắng đâu/ nắng âm âm mịt mờ/ giếng xưa cạn/ gương soi trời đã vỡ/ muôn mạch ngầm giấu lòng đất cổ...".

sach.jpg -0
Bìa tập thơ của Nguyễn Bảo Chân và bìa tập tản văn mới của Nguyễn Bảo Chân.

Thơ Nguyễn Bảo Chân giàu suy tưởng. Dù chị viết về gia đình, về những người thân yêu, bè bạn, hay về những cảm xúc và trải nghiệm cá nhân qua những địa danh quen thuộc như Hà Nội, Hải Phòng, Hội An, Paris…, thì sự kết nối trong thơ chị vẫn là mạch tâm tưởng về cuộc đời, thế sự, phận người. Nỗi buồn trong thơ chị không bi lụy. Đó là nỗi buồn đẹp, với tâm thế của một con người yêu thương cuộc đời, cảm ơn mỗi ngày được sống, đón nhận mọi buồn vui của nhân gian.

Nhà thơ Trương Đăng Dung đánh giá: "Chuyến tàu tưởng như đang di chuyển qua các địa danh quen thuộc Hải Phòng, Hà Nội, Hội An, Berlin, Paris… nhưng thi sĩ vẫn luôn đứng giữa hiện tại. Đây là lúc thi sĩ cần đến khoảnh khắc. Thơ hiện đại nhận từ khoảnh khắc một ý nghĩa lớn, khi trong đời sống hiện tại, một khoảng khắc có thể lóe lên điều gì đó, ẩn giấu ý nghĩa và hạnh phúc của cả cuộc đời, để rồi nó sẽ mất đi vĩnh viễn… Có vẻ như thi sĩ đã an nhiên được trong từng khoảng khắc của hiện tại, vì thế ''Chuyến tàu'' của Nguyễn Bảo Chân ra đi là để Trở về. Trở về với bản thể tồn tại người: "Những ý nghĩ nảy mầm lặng lẽ/ Trổ lá xanh thăm thẳm phận người". Còn Giáo sư - Tiến sĩ Harry Aveling, Trường Đại học Monash, Melbourne, Úc lại nhận xét: "Đây là thơ của một Nguyễn Bảo Chân đằm chín. Nó đẹp và mạnh mẽ. Đọc để hiểu vì sao thơ Nguyễn Bảo Chân chạm tới những cảm xúc sâu sắc nhất".

2.Trong căn hộ nhỏ ấm cúng ở một con phố vắng của Hà Nội, mọi thứ được chị sắp xếp, bày biện khéo léo, tỉ mỉ, ý tứ, như cách chị làm phim, hay làm thơ vậy. Tôi đã cùng chị ngồi uống trà, trò chuyện suốt một buổi chiều tràn ngập hương hoa hồng. Chị yêu loài hoa này đến mức không thể thiếu nó mỗi ngày. Hoa hồng trổ nụ ngoài ban công; Hoa hồng nở rực rỡ trong bình. Những bông hồng đủ màu vẫn hàng ngày có mặt, tươi rói không gian của chị, nơi chị trở về sau những chuyến đi xa, nơi chị được sống chậm lại, tĩnh lặng, bình thản, sau nhiều biến động cuộc đời.

Nguyễn Bảo Chân là một trong số không nhiều nhà thơ Việt Nam giỏi tiếng Anh. Đó là một lợi thế, mở ra cho chị những cơ hội và con đường mới. Hơn hai mươi năm qua, chị đã đi nhiều nơi trên thế giới, đọc thơ ở các liên hoan thơ quốc tế. Từng có thời gian ở nước ngoài, cũng có lúc phải suy nghĩ, buồn vui bằng ngôn ngữ khác, nhưng chị vẫn giữ một tâm hồn thuần Việt, luôn yêu quý, trân trọng những giá trị cội nguồn.

"Thơ đưa tôi đến những miền xa, tôi tự hào nói rằng tôi là người Việt Nam; tôi làm thơ bằng tiếng Việt. Nếu viết tiếng Anh, tôi vẫn viết với tất cả trái tim và tâm hồn của một người Việt đích thực, đã ăn sâu, bén rễ vào lòng Đất Mẹ". Nguyễn Bảo Chân chia sẻ, mỗi lần được tham dự các liên hoan thơ quốc tế, trong tà áo dài Việt Nam, đọc thơ tiếng Việt, rồi đọc thơ tiếng Anh, chị thấm thía hơn bao giờ hết hai từ cội rễ. Chị làm thơ với tâm thế của một người Việt Nam, như cái cây mọc lên từ đất, hết mình vươn lên, hướng về phía ánh sáng, để xanh tươi.

Và trong cái bao la, sâu thẳm của nắng gió đất trời ấy, có tình yêu của bố mẹ chị, nhà viết kịch Nguyễn Anh Biên và NSƯT Ngọc Hiền. Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân được sống trong bầu không khí nghệ thuật từ nhỏ, giữa những tủ sách của cha, những đêm diễn của mẹ. Đến bây giờ chị vẫn nhớ nằm lòng nhiều đoạn độc thoại của những vai diễn mẹ chị từng đóng, như vai phu nhân Milford  trong vở "Âm mưu và tình yêu" của đại văn hào Schiller.

Cuối năm Nhâm Dần, tập tản văn "Những ý nghĩ khua vang căn bếp nhỏ" của Nguyễn Bảo Chân ra mắt bạn đọc. Nếu trong thơ, ta thấy một Nguyễn Bảo Chân với chiều sâu tâm tưởng, thì cuốn tản văn này lại cho ta gặp một Nguyễn Bảo Chân đời thường, tinh tế, đắm đuối không chỉ từng con chữ mà cả với căn bếp của mình, qua những "mùi vị ký ức" liên quan đến kỷ niệm, trải nghiệm của chị, nhưng chắc chắn sẽ là mùi vị ký ức của nhiều người, như chị từng viết: "Điều gì đang đến? - Một ngày mới của Đời/ Điều gì mãi rời xa? - Thanh xuân/ Điều gì còn nán lại? - Kinh nghiệm/ Điều gì dễ bỏ qua? - Phiên bản lỗi của chính mình/ Điều gì rất khó quên? - Mùi vị ký ức". Và như chị giãi bày trong lời mở đầu cuốn sách: "Chúng giăng níu với nhau bởi sợi dây vô hình mà bền chặt. Đó là sợi tình tôi, buộc chính tôi vào cuộc sống đầy trắc ẩn, nơi bất cứ Vui - Buồn - Sướng - Khổ - Được - Mất nào cũng đẹp, cũng thơm. Đẹp và thơm đến nhói lòng."

Nhưng dù là thơ, là tản văn, hay phim tài liệu thì đó vẫn là một Nguyễn Bảo Chân luôn trân trọng nâng niu từng con chữ, từng khuôn hình bằng tình yêu, sự dấn thân của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu đời, yêu người.

Việt Hà
.
.