Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, đi về phía mặt trời...
Nhà thơ, TS. Lê Cảnh Nhạc vừa “tái xuất” với tác phẩm thơ “Đi về phía mặt trời”. Từ lúc anh xuất bản 2 tập thơ song sinh “Non nước đàn trời” và “Khúc thiên thai” đến nay vừa đúng 10 năm. Cùng lúc xuất bản tập sách nhạc với hơn 150 ca khúc phổ thơ ông. Thơ là khúc hát tâm hồn Lê Cảnh Nhạc, đến lượt ca khúc chắp cánh cho thơ bay lên. Thơ Lê Cảnh Nhạc có sự giao cảm khác lạ với nhiều nhạc sĩ.
“Đi về phía mặt trời” được nhà thơ Lê Cảnh Nhạc chia ra làm hai phần, Phần II có tên “Hồn Việt” gồm 64 bài. Bài thơ “Hồn Việt” được nhà thơ ủy nhiệm làm tên chung cho cả phần và tự nó giới thiệu với bạn đọc những cảm xúc của Lê Cảnh Nhạc với quê hương, đất nước. Đó có thể là những cảm xúc thăng hoa từ ký ức, hoài niệm; nhưng cũng có thể là những cảm xúc lớn về truyền thống, lịch sử đáng trân quý, tự hào của dân tộc.
*
“Hồn Việt ngân nga trong tiếng đàn bầu/ Hồn Việt thơm danh Thạch Sanh, cô Tấm/ Hồn Việt tạc nên tượng đài Thánh Gióng/ Chim Lạc trống đồng, sóng Bạch Đằng giang”, (Hồn Việt). Lê Cảnh Nhạc quán chiếu từ nhã nhạc cung đình, văn hóa cồng chiêng cho đến ví dặm, ca trù, quan họ, đờn ca tài tử... Đó không chỉ là thành tố làm nên hồn Việt nữa, mà đã trở thành giá trị phi vật thể của nhân loại.
“Hồn Việt tắm trong xanh ngát bóng tre/ Chắt chiu tinh hoa tự cường dân tộc/ Bốn ngàn năm non sông gấm vóc/ Kết tinh trong hồn Việt hôm nay” (Hồn Việt). Đúng là hồn Việt, giá trị Việt đã được kết tinh thành sức mạnh, “Nước những người chưa bao giờ khuất” (“Đất nước”, thơ Nguyễn Đình Thi), thành trường tồn: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” (Phạm Quỳnh), "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh). “Hồn Việt” là bài thơ lớn về tư tưởng.
Tựa như tình yêu Tổ quốc luôn chảy trong huyết mạch nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, dồn lên cảm xúc thành thơ. Bài thơ “Đất Việt trường tồn” chỉ có 8 khổ, 32 câu thơ, 268 từ nhưng đó là bản hùng ca về lịch sử dựng nước, giữ nước, chiến thắng giặc ngoại xâm từ thuở Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh.
“Thế kỷ hai mươi/ Cả đất nước hát bài ca ra trận/ Dáng đứng Việt Nam - Tượng đài chiến thắng/ Muôn triệu con tim nhân loại hướng về” (Đất Việt trường tồn). Không chỉ có tự hào, bài học từ thời Hùng Vương còn nguyên giá trị, “Qua lửa chiến tranh càng trân quý bình yên/ Chuyện nỏ thần nhắc muôn đời giữ nước”.
Đọc bài thơ này, dẫu không biết thời gian sáng tác, nhưng chắc chắn, cảm thức thời gian thuộc về lần nhà thơ Lê Cảnh Nhạc ra công tác ở quận đảo Trường Sa. Ông nhận ra những điều lớn lao từ cảm xúc.
...
Những dòng sông ra biển đón bình minh
Bão tố bao đời tràn vào theo con sóng
Lưới phòng thủ canh biển trời lồng lộng
Tiếng chuông chùa vang vọng giữa trùng khơi.
(Đất Việt trường tồn).
Vốn là nhà báo, Lê Cảnh Nhạc có điều kiện đến với nhiều vùng của đất nước, trong đó có quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Về đề tài biển, đảo trong đề tài về quê hương, đất nước, ông có cả một chùm vạm vỡ, như “Đảo Sơn Ca”, “Đảo Sinh Tồn”, “Hành trình”, “Tàu đi giữ đảo”, “Hướng về Gạc Ma”, “Những chú chó Trường Sa”, “Anh nuôi trên biển”, “Trên vành đai san hô”.
Người lính trong thơ Lê Cảnh Nhạc hiện lên bình dị, nhưng cương cường, vượt qua mọi sóng gió, bởi “Đảo là nhà, biên giới là quê hương”. Cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa, đảo xa là quê hương thứ hai, cán bộ, chiến sĩ ngày đêm nỗ lực hết mình góp phần bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng Tổ quốc.
Có đến Trường Sa mới hiểu vì sao trên đảo có loài cây phong ba và bão táp; mới hiểu, Tổ quốc nhiều khi chỉ là một quả bàng vuông, một hòn đá mồ côi mà ta nhìn thấy. Tất cả làm cho tâm hồn thơ Lê Cảnh Nhạc lay thức.
...
Những hòn đá mồ côi ngày ngày vẫn ngoi lên
Ngóng về Gạc Ma rồi ngụp chìm trong nước
Ngọn đèn Cô Lin suốt ngày đêm đứng gác
Lá chắn Trường Sa trước vây bủa quân thù.
(Hướng về Gạc Ma).
Bạn đọc của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc dễ nhận ra xuyên suốt tình cảm trong thơ ông là tình yêu với Tổ quốc, quê hương. Đó là mảng đề tài lớn, thủy chung, nổi bật. Sau “Non nước đàn trời” và “Khúc thiên thai” (xuất bản năm 2015), “Đi về phía mặt trời” là tiếp nối cảm xúc. Mọi miền Tổ quốc, từ Tây Bắc, Tây Nguyên đến Đất Mũi và các địa danh cụ thể theo bước chân Lê Cảnh Nhạc, tâm hồn ông đều thể hiện trên văn bản.
Lê Cảnh Nhạc sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh. Xứ Nghệ nói riêng, miền Trung nói chung bọc đùm, không chỉ nuôi ông lớn lên, mà còn là nơi bồi đắp tâm hồn. Trong “Đi về phía mặt trời” có 12 bài thơ về vùng đất “Nắng cong đòn gánh/ Nắng cong bờ biển/ Nắng cong Trường Sơn”... “Câu ví chảy qua sông/ Điệu hò vắt qua núi/ Rót hồn dân tộc/ Vào câu lục bát” (Miền Trung).
Quê hương không chỉ nặng lòng trong thơ, ngoài đời, Lê Cảnh Nhạc là nhà thơ trân quý hiện sinh, vun khởi phồn sinh. Ngay từ những ngày còn công tác, khi đang có tầm ảnh hưởng rộng lớn cho đến lúc nghỉ hưu, ông luôn dấn thân vì những hoạt động hướng tới cộng đồng. Có thể đó là hàng trăm con bò giống dành cho người nghèo, có thể là hàng ngàn tô cháo cho các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện...
Tâm hồn nhà thơ Lê Cảnh Nhạc vừa dào dạt tình cảm, vừa trăn trở suy tư trước số phận; nhưng chưa bao giờ hết hy vọng vào những điều tốt đẹp.
....
Những con đường thơm nắng ban mai
Những con đường lan hương đồng nội
Đường về làng hoa đường ra phố mới
Chở ước mơ xanh đến với cội nguồn
(Âm vang những con đường)
*
Lê Cảnh Nhạc vốn là thầy giáo, sinh ra đầu nguồn dòng sông La. Đấy là vùng vừa là căn cứ của nghĩa quân Phan Đình Phùng, vừa là đất thơ, quê hương của thi nhân Huy Cận. Bởi thế, những tiếng vọng vô thức được khởi cảm từ những ám ảnh sâu sắc. Ông tri âm với thiên nhiên, vũ trụ; tri âm và hòa điệu. Thơ Lê Cảnh Nhạc, như tên thân sinh đặt cho ông, là nốt nhạc của vũ trụ, khai ngộ huyền diệu.
Trong “Đi về phía mặt trời”, Phần I của tập thơ được ông đặt tên “Dặm đời”, gồm 58 bài thơ. Nếu như Phần II “Hồn Việt” có thể hiểu là những cảm xúc từ “dặm đường” thì Phần I là “dặm đời” chất chưa suy tư, suy cảm. Lê Cảnh Nhạc ngộ về tồn sinh, số phận, kiếp người... Kể cả tình yêu với quán chiếu vô thường. Có thể nhận ra vẻ đẹp mỹ triết qua các thi phẩm “Cát”, “Hạt bụi”, “Con tàu và bến cảng”, “Hư vinh”, “Quyền lực”, “Nhân thế”, “Thời gian”.
...
Hạt cát nhỏ nhoi mênh mông sa mạc
Thăm thẳm biển khơi bát ngát đất trời
Cát trẻ trung vĩnh hằng không tuổi
Cát chở che muôn vạn kiếp luân hồi
(Cát)
Bài thơ “Người thầy vĩ đại”, không phải lấy cảm hứng từ một người thầy cụ thể, mà đó là thời gian. Không còn trẻ về tuổi đời nên trong thơ Lê Cảnh Nhạc có triết lý vô thường. Thật vậy, cuộc sống luôn đan xen, giao hòa giữa những ngày vô tận và những cung bậc thăng trầm. Ở đó có hợp, có tan; có niềm vui, nỗi buồn; có khóc, có cười...; “có thương có nhớ có khóc có cười/ có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”, ("Đồng dao cho người lớn", thơ Nguyễn Trọng Tạo).
...
Ta đếm tuổi ta bằng số bạn bè
Ta đếm cuộc đời bằng nụ cười thân thiết
Rồi tất cả chúng ta đều được ban cái chết
Bởi người thầy vĩ đại: Thời gian.
(Người thầy vĩ đại).
Lê Cảnh Nhạc là một nhà thơ có tâm hồn yếu đuối và nhạy cảm. Trong “Đi về phía mặt trời”, hẳn nhiên, không thiếu những bài thơ về đề tài tình yêu. Dễ nhận ra qua các thi phẩm “Trăng và biển”, “Bóng trăng”, “Chưa một lần trăng”, “Anh trút lòng tham với em thôi”, “Đừng trách nghe em”, “Hai nửa”...
Không gian nghệ thuật thơ bao giờ cũng hiển thị ở các thi ảnh. Vì sao khi viết về tình yêu, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc hay dùng các biểu tượng nghệ thuật màu sắc, cỏ cây, hoa lá, thiên nhiên và nhất là trăng?
Trăng một hành tinh trong hệ Mặt trời; nhưng trong thơ Lê Cảnh Nhạc hiện hữu của khát khao mộng tưởng. Trăng nhiều khi cũng lạnh lùng nhẫn tâm, trăng gần lắm mà cũng cách xa vời vợi, trăng nồng nàn mê đắm mà cũng vô tình lãng quên... Lê Cảnh Nhạc có những câu thơ mê đắm trong mơ hồ trăng.
...
Trăng trinh nguyên trong cõi mơ hồ
Tan vào sóng hòa dòng đời mặn chát
Nhào trộn giọt tinh cầu trong vắt
Khúc đớn đau và hạnh phúc đê mê.
(Trăng và biển).
Trong thi phẩm “Nhân thế”, Lê Cảnh Nhạc nhận ra vô thường: “Ai rồi cũng trở về cát bụi”. Sinh ra một kiếp người ở “quán trọ trần gian”, (chữ của Trịnh Công Sơn), ai cũng nếm trải đắng ngọt, chua cay. Và dù, nói như TS. Ngô Tự Lập, đau đớn cũng là một “gia vị” ở cuộc đời; Lê Cảnh Nhạc vẫn tin vào tình yêu như hằng tin vào thơ: “Khỏa lấp cô đơn xoa dịu thương đau/ Hai dòng sông tan hòa biển cả/ Mặc kệ ai người kiếm tìm vay trả/ Hạnh phúc đong đầy hai nửa thuộc về nhau” (Hai nửa).