Nhà thơ Hồng Thanh Quang: “Cuộc sống của tôi không có chỗ cho sự tẻ nhạt”
Vượt qua bạo bệnh, nhà thơ Hồng Thanh Quang đã dần lấy lại phong độ, nhưng một điều luôn bất biến trong ông là sự lạc quan, lãng mạn, yêu đời và đặc biệt con tim luôn dạt dào với những cảm xúc tươi mới. Ông vẫn làm thơ, viết báo và có nhiều dự định giới thiệu sách đến độc giả. Dường như cuộc sống của một ông “quan báo” về hưu không có gì phải hụt hẫng, tiếc nuối cả. Tất cả cứ trôi đi một cách tự nhiên như ông khẳng định: “Cuộc sống của tôi vẫn bận rộn và thú vị, không có chỗ cho sự nhàm chán và tẻ nhạt”.
Sẽ sống có trách nhiệm với bản thân hơn
Nhà thơ Hồng Thanh Quang luôn gây ấn tượng với người đối diện bởi sự uyên bác, dí dỏm, thẳng thắn và cách nói chuyện đầy cuốn hút. Và lần này cũng vậy, khi tôi trò chuyện cùng ông. Hỏi nhà thơ chiêm nghiệm lại quãng thời gian đã qua, ông đúc kết bằng một câu danh ngôn quen thuộc: “Những thử thách hay vận hạn đen đủi đã không giết được ta thì sẽ giúp được ta trở nên mạnh mẽ hơn. Và biết thương mình cũng như thương những người khác hơn”.
“Tôi đã mắc một căn bệnh vô cùng nan y, gần như đã đặt một chân vào thế giới bên kia. May thay, tôi đã được những người thân thiết nhất, đặc biệt là gia đình, hết lòng tìm thầy tìm thuốc chạy chữa bằng mọi giá. Và có những người bạn luôn ở cạnh sẵn sàng hỗ trợ. Giờ tôi sẽ phải chú ý hơn đến việc bảo vệ sự sống cho mình, bớt chúi đầu vào những sự vụ không cần thiết nữa, như một cách để bày tỏ lòng biết ơn và trách nhiệm đối với những ân nhân của mình”, nhà thơ trải lòng.
Đương chức và về hưu là hai cuộc sống khác nhau mà ngay cả người lạc quan nhất cũng khó có thể hình dung được mình sẽ đón nhận và thích nghi cuộc sống ấy như thế nào. Còn với Hồng Thanh Quang thì khác. Ông vui vẻ đón nhận cuộc sống thực tại và cháy hết mình với những đam mê. Ông bảo, hiện nay mình không còn vướng bận các công tác xã hội nữa mà phải tập trung nhiều thời gian vào chăm lo dưỡng bệnh theo chỉ dẫn của các bác sĩ. Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng trong khả năng và thực trạng sức khỏe của mình để tiếp tục làm những việc yêu thích, như viết báo, làm thơ, biên tập nội dung cho các cuốn sách nằm trong kế hoạch dự kiến xuất bản trong tương lai.
Có lẽ với nhiều người yêu mến ông cũng đang rất nóng lòng khi “thần tượng” của mình đã rất lâu rồi chưa xuất bản sách. Tác phẩm thơ gần nhất mà ông in là hai tập “Nỗi buồn tốc ký” vào năm 2013. Thì đây là tin vui với họ. Hiện nay ông đã đưa vào nhà in tập thơ nhỏ hơn trăm trang “Chút sen còn lại” là những bài thơ mà trong mỗi bài đều có ít nhất là một chữ “sen” hay chữ “liên”, viết trong những giai đoạn khác nhau.
Tháng 10 này, ông sẽ đưa đi nhà in một cuốn thơ khác, in thành hai tập, khoảng gần nghìn trang, có tên là “Cỏ bạc triền đê”. Đó là tuyển tập từ những gì ông viết từ cuối năm 2013 tới nay. Và xa hơn, trong dự kiến tới sang năm, ông sẽ in một tập ghi chép “Để tự răn mình”, một tuyển tập khoảng gần nghìn trang về những bài trò chuyện mà ông từng thực hiện trong gần 20 năm qua với những bậc trí giả và văn nghệ sĩ, một tuyển tập thơ Nga và một số cuốn sách nữa. Thấy tôi “mắt tròn, mắt dẹt” tỏ vẻ ngạc nhiên, ông hạ giọng: “Đấy là dự định, còn làm được tới đâu chắc phải tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe. Hiện tôi đang cảm thấy ổn, nhiều cảm xúc”.
Chưa bao giờ cảm thấy tuyệt vọng
Nhà thơ Hồng Thanh Quang khẳng định, cuộc sống của mình vẫn bận rộn và thú vị, không có chỗ cho sự nhàm chán và tẻ nhạt: “Sướng nhất là hiện nay, mình có nhiều điều kiện để tự do lựa chọn hơn, ít phải tham gia các hoạt động mà thực chất mình không cảm thấy hứng thú. Bởi lẽ, với tư cách một cán bộ về hưu, mình không còn phải thực hiện các chức trách mà các cương vị công tác trước đây bó buộc”.
“Chân thành mà nói, tôi rất thấy thoải mái với nếp sống hiện nay. Vì nếp sống này rất tốt cho thực trạng sức khỏe và tâm trạng của tôi bây giờ. Ngẫm lại, tôi thấy mình rất gặp may vì không có gì phải nuối tiếc trong công việc vì hơn 40 năm làm việc trong bộ máy Nhà nước, tôi đã luôn cố gắng thực hiện các chức trách của mình một cách tận tụy nhất. Còn bây giờ, bệnh tật là chuyện do giời, muốn cũng chẳng tránh được. Mà tôi thực ra đã thoát khỏi căn bệnh oái oăm của mình một cách rất ngoạn mục. Không phải ai cũng được “cô thương” như thế”, nhà thơ bộc bạch.
Sau khi nghỉ hưu, ông đã và đang nhận được nhiều đề nghị cộng tác viết bài, tùy theo tình hình sức khỏe của mình. Đây là việc làm quen thuộc của ông hàng chục năm nay. Ở lứa tuổi bây giờ, ông nghĩ mình càng phải có trách nhiệm hơn đối với những gì bản thân viết ra. Cuộc sống này, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn và trúc trắc nhất, cũng chưa bao giờ làm ông phải cảm thấy tuyệt vọng cả. Và ông viết báo luôn với một tâm thế như vậy. Ông khẳng định: “Mình biết ơn những người tốt với mình, và mình hiểu hơn những người từng cư xử không hay với mình trên quan điểm là: Trách nhiệm chủ yếu là do mình đã không làm họ hiểu đúng được mình, do mình cũng có nhiều lúc cư xử không chuẩn mực. Nghĩ thế thì lòng nhẹ nhõm hơn rất nhiều”.
Thấy nhân vật của mình vẫn còn rất sung sức, đam mê, tôi buột miệng hỏi trong thời gian tới nếu có một tờ báo nào đó mời ông về làm việc với vai trò như một cố vấn, người “gác cổng” hay giữ chuyên mục “đinh”, ông nghĩ sao? Nhà thơ không một chút nghĩ ngợi đáp: “Về tương lai thì chưa thế nói chắc là tôi sẽ định làm việc trên cương vị gì. Tất cả tùy thuộc vào việc dưỡng bệnh. Sức đến đâu thì mình sẽ làm đến đấy. Hơn nữa. bây giờ tôi đã hiểu ra rõ ràng hơn, làm người, thực ra chơi mới khó chứ còn làm những việc như tôi đã làm thì rất nhiều người cũng làm được”.
Nếu vào Facebook thì thấy đời sống của ông được phản ánh khá sinh động. Ngoài đăng ảnh khoe ngôi nhà và các bức ảnh “tự sướng”, ông vẫn làm thơ, đặc biệt là thơ tình. Thơ là cảm xúc chân thật nhất của con người và với nhà thơ đa cảm như Hồng Thanh Quang thì thơ trong giai đoạn này có gì khác với giai đoạn trước? Chắc nhiều người cũng đang rất tò mò với câu hỏi này nhưng vẫn như mọi khi, ông thẳng thắn đáp: “Nhà thơ chỉ nên làm thơ thôi, còn việc nhận xét nên dành cho độc giả. Ở giai đoạn nào, tôi cũng viết thơ như tôi cảm thấy, như tôi nghĩ, như tôi muốn truyền tải cảm xúc của mình. Tới tuổi lục thập này, tôi vẫn ham sống và ngại chết như thời thanh niên”.
Cần những nghi thức mới
Là người có nhiều bài thơ hay về mùa thu, thậm chí trong đêm thơ vài năm trước ông đã lấy chủ đề “Người đàn ông mùa thu”. Và cũng thật tình cờ khi tôi trò chuyện cùng ông cũng vào thời điểm Hà Nội vào thu với những gì lãng mạn, thăng hoa nhất của đất trời, của lòng người. Nhưng mùa thu năm nay còn là sự lo lắng của mỗi người khi chúng ta đã và đang trong “cuộc chiến” với đại dịch COVID-19.
Từ những cảm xúc đó, bất chợt ông bật lên những câu thơ trong bài thơ “Ngẫm ngợi” như thổ lộ lòng mình: “Với Covid, cần những nghi thức mới/ Dù sắc trời như cũ vẫn xanh trong.../ Em có biết, chúng ta đều đổi khác/ Khi bao điều ngỡ có, hóa thành không.../ Nếu giả dối cứ trở thành mực thước/ Mọi vui buồn theo nhịp cánh tay vung/ Thì lễ hội đều chỉ như hành xác/ Trong cô đơn lẫn lộn đa trùng.../ Phải biết tự lặng im trong cuồng nộ/ Phải biết buồn khi nghe những tung hô.../ Phải đau đớn khi mình thì vô sự/ Còn ai người tri kỷ chết trong thơ.../ Rồi tất cả đều Tây phương bước lạc/ Anh bây giờ cũng đã cạn thời trai.../ Có nhất thiết phải nhọc nhằn đến thế/ Với hơn thua tài lộc danh hài?”. Đọc xong ông cười, đúng là sau mỗi biến cố, chúng ta sẽ nghiệm ra bao điều để sống.