Nhà thơ, họa sĩ William Blake: Sự vang vọng của "Khúc ca thơ ngây và từng trải"

Chủ Nhật, 13/07/2025, 13:30

Vừa qua, NXB Văn học & Book Hunter đã phát hành bản dịch tuyển tập thơ “Khúc ca Thơ ngây và Từng trải” của William Blake (28/11/1757-12/8/1827) - nhà thơ, họa sĩ người Anh chiếm giữ một vị thế độc đáo trong lịch sử nghệ thuật phương Tây ở cả lĩnh vực thị giác và văn chương.

Bản dịch “Khúc ca Thơ ngây và Từng trải” của dịch giả Nguyễn Tuấn Bình giới thiệu đến độc giả Việt Nam lần này sẽ phần nào lý giải vì sao những sáng tác ra đời từ hơn 200 trước vẫn có được sự vang vọng đến tận hôm nay.

1. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thị dân có gia cảnh bình thường tại London, nhưng ngay từ nhỏ William Blake đã ước mơ trở thành nghệ sĩ. Người bố chiều lòng con trai đã đăng ký cho con theo học vẽ tại Trường Hội họa Henry Pars từ năm 1767 tới 1772. Nhưng rồi gia cảnh của cha mẹ ông đã không kham nổi mức học phí tại đó và họ phải tìm đến nghệ sĩ chạm khắc James Basire (1730-1802) và được chấp thuận cho theo học nghề trong vòng 7 năm tiếp theo để trở thành một thợ chạm khắc độc lập.

Năm 1779, Blake ghi danh vào học tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia khi đó mới thành lập để trở thành họa sĩ và di sản nghệ thuật ông để lại là những tác phẩm đầy mới mẻ, táo bạo. Ông đến với thi ca và bắt đầu hát lên những vần thơ của mình khi tham dự những buổi thảo luận về nghệ thuật và văn chương của nữ sĩ Harriet Mathew vào những năm 1780.

1.jpg -0
Chân dung nhà thơ, họa sĩ William Blake do Thomas Philips thực hiện năm 1807 hiện được lưu giữ tại Phòng Trưng bày Chân dung Quốc gia tại London (Anh).

Dịch giả Nguyễn Tuấn Bình tâm sự: “Do công việc phải va chạm với sách vở hàng ngày, tôi cảm nhận rất rõ trở ngại khi đưa thi ca tới công chúng. Khi lần đầu nhận bản thảo để dịch thuật, nó toàn là… chữ!

Có hôm vô tình tôi lật giở cuốn “Những cuốn sách làm thay đổi thế giới” do Đông A phát hành, tôi thấy một trang sách nói về “Khúc ca Thơ ngây và Từng trải” của William Blake. Hóa ra William Blake chẳng những là thi nhân - ông còn là họa sĩ. Ông đều tự vẽ minh họa cho thi phẩm của mình, hơn thế, ông còn phát minh ra lối “sách minh họa”: kiểu in ấn đồng thời cả phần chữ và hình họa được cho là từ ông mà ra. Đó là giá trị khiến thi phẩm đó “làm thay đổi thế giới” khi mỗi trang sách đều chứa lời thơ bao quanh bởi hình minh họa độc đáo. Do vậy, mỗi ấn bản đều có sự khác biệt.

Khi đó tôi mới thấy rằng, “Khúc ca Thơ ngây và Từng trải” là một tác phẩm thi - họa không thể tách rời. Độc giả ngắm tranh - đọc thơ mới vỡ lẽ nhiều ẩn ý trong thi phẩm của ông. Tôi đã thuyết phục đơn vị làm sách in màu nguyên bản toàn bộ tranh minh họa tập thơ của ông. Vì thế, khi cầm trên tay tuyển tập “Khúc ca Thơ ngây và Từng trải”, bạn đọc sẽ không chỉ thấy đó là một tập thơ, mà còn là một “tác phẩm nghệ thuật”.

2. Nhắc tới William Blake, người ta nhớ về những vần thơ tuyệt diệu như “Chiên con” (The Lamb), “Oai Hùm” (The Tyger), “Đứa bé nạo ống khói” (The Chimney Sweeper) hay “Đồng xanh rì rào” (The Echoing Green) trong “Khúc ca Thơ ngây” (Songs of Innocence, 1789) và “Khúc ca Từng trải” (Songs of Experience, 1794).

Trong đó, “Khúc ca Thơ ngây” là tập thơ đáng chú ý đầu tiên trong sự nghiệp thi ca của William Blake gồm 19 bài thơ in trên 26 bản khắc là các bài thơ viết cho thiếu nhi thể hiện nét ngây thơ hồn nhiên và dễ bị tổn thương của con trẻ, được bảo vệ và nuôi dưỡng bởi quyền năng vượt xa bản thân chúng. Trong “Đứa bé nạo ống khói”, khúc ca ngân lên trong trẻo được Nguyễn Tuấn Bình dịch:

Thiên thần dặn dò Tôm, hãy thật ngoan con nhé,
Chúa chính là cha con, giúp con luôn vui vẻ.
Thế rồi Tôm tỉnh giấc, bật dậy trong bóng tối,
Túi khoác và bàn chải, chúng em vào việc thôi.
Dẫu sáng lạnh lẽo, Tôm vẫn thấy ấm lòng:
Chẳng việc gì phải sợ, cứ hết mình là xong.

Còn trong “Khúc ca Từng trải” xuất bản 5 năm sau đó lại tập trung vào những tâm hồn tuyệt vọng bị đe dọa, thiếu đi sự chở che, bao bọc với 26 bài thơ tạo thành phần 2 “Khúc ca Thơ ngây và Từng trải”. Trong bài thơ “Luân Đôn” (London) tác giả đã phải thốt lên:

Muôn vàn tiếng gào kêu từ bao kiếp sinh linh
Muôn vàn tiếng khóc than từ con trẻ sơ sinh,
Ôi bao tiếng khẩn nài, ôi bao vòng kiềm tỏa,
Khối xiềng xích kìm kẹp vang trong tâm trí ta…

Dịch giả Nguyễn Tuấn Bình chia sẻ: “Tôi bắt tay vào chuyển ngữ hơn 50 bài thơ thuộc thi tập “Khúc ca Thơ ngây và Từng trải” cùng bài trường thi “Điềm báo Thơ ngây” như một cánh cửa chào mời bạn đọc Việt Nam vào thế giới của William Blake - người thi nhân, họa sĩ - vốn luôn giữ vị trí độc tôn trong lịch sử nghệ thuật phương Tây. Thực sự thì dịch thuật vốn đã là thách thức rồi huống hồ là dịch thơ, mà còn là thơ cổ thế kỷ XVIII!

Trong suốt quá trình dịch thuật, tôi cố gắng giữ cái đầu lạnh, không cố đoán ý hay để con chữ bay bổng theo chủ quan cá nhân. Với mỗi bài, tôi tìm hiểu các tiểu luận phân tích cố gắng bám sát nghĩa, sao phỏng đúng thể thơ và cả cách gieo vần, cốt sao truyền tải được phần nào tinh thần thơ. Làm sao vừa sát nghĩa, lại có nét bay bổng của thi ca, giữ trọn vần điệu…, thú thật là khó!

Tôi đã làm việc nghiêm túc và cẩn trọng, nhiều bài dịch xong, rồi tôi dịch lại hoàn toàn. Tôi đã gắng hết sức, và tất nhiên chẳng thể truyền tải lời thơ của tác giả sang một ngôn ngữ khác mà không làm rơi rớt tư tưởng và tính nhạc trong đó…”.

3. Theo các nghiên cứu đã được công bố, điều đặc biệt ở William Blake, là trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông không bao giờ cho xuất bản một tập thơ theo lối thông thường. Vào năm 1788 khi đang ở tuổi 31, Blake đã thử nghiệm với phương pháp khắc nổi, phương pháp ông sẽ sử dụng để tạo ra hầu hết các cuốn sách, bức họa, tập sách nhỏ và các tập thơ của mình.

Với sự trợ giúp của người vợ tận tụy, hai người in ấn, tô màu, khâu thành tập sách từ những tờ giấy màu thô ráp rồi đem đi bán. Tuy việc in ấn khó khăn và cầu kỳ như vậy, nhưng chẳng bản in nào của ông bán được quá 30 bản và nhiều bức người ta cho rằng chỉ in một lần duy nhất. Bởi thế, trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của mình, William Blake và vợ sống trong cảnh thanh bần mà hạnh phúc. Và khi ông qua đời, người vợ tần tảo đã bên ông suốt đời đã phải nhờ đến một khoản tiền vay mới đủ chi trả cho tang lễ.

2.jpg -1
Bài thơ "Oai Hùm" (The Tyger) một bài thơ tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách nghệ thuật của William Blake được in kèm hình minh họa độc đáo.

William Blake cũng giống như nhiều vĩ nhân khác, lúc sinh thời ông gần như không được người đương thời quan tâm và công nhận, thậm chí còn nhận về những lời phê bình, công kích nặng nề. Thậm chí, người ta còn gọi ông là “một gã mất trí bất hạnh”. Mãi đến sau khi ông qua đời, công trình nghiên cứu đầu tiên về William Blake có tên là “Life of William Blake” (Cuộc đời của William Blake) gồm 2 tập của Alexander Gilchrist xuất bản năm 1863 đã thu hút sự chú ý của các nhà phê bình và từ đó Blake được coi là một nhân vật quan trọng đối với nền thi ca và nghệ thuật Anh.

Vào những năm 1890, Blake tiếp tục nhận được sự đề cao của William Butler Yeats và Edwin John Ellis. Họ đã cùng nhau hợp tác thực hiện công trình đồ sộ gồm 3 tập với tràn ngập các tranh minh họa của Blake và lần đầu giới thiệu đến công chúng những dòng thơ tiên tri của ông. Từ đó, sức lôi cuốn của William Blake lan rộng khắp thế giới không chỉ trên những vần thơ. Đã có những cuộc triển lãm lớn về nghệ thuật của Blake tại London (1927), Philadelphia (1939) cho tới Tokyo (1990), Barcelona và Madrid (1996). Hiện nay, bộ sưu tập tranh vẽ và tranh keo của William Blake nằm rải rác tại các thư viện và bảo tàng lớn trên thế giới.

Vào năm 1957, Hội đồng Hòa bình Thế giới đã tiến hành hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh của William Blake và tôn vinh những đóng góp, sáng tạo đột phá trong thi ca, hội họa và hoạt động in ấn. Tới năm 2022, khi đài BBC bầu chọn 100 người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại, William Blake xếp ở vị trí số 38, đủ cho thấy tầm ảnh hưởng không nhỏ của ông đối với đời sống nghệ thuật của nhân loại.

Chia sẻ những cảm xúc khi hoàn thành việc giới thiệu bản dịch “Khúc ca Thơ ngây và Từng trải” đến với độc giả Việt Nam, dịch giả Nguyễn Tuấn Bình xúc động nói: “Gắn bó non nửa năm với những vần thơ của William Blake, tôi cảm nhận thế này: Văn chương, thơ phú là công cụ để truyền đạt tư tưởng và câu chuyện. Nếu lời thơ tự nhiên, giản dị, cô đọng, chất chứa tư tưởng và đâu đó ngân vang giai điệu trong tâm hồn ta, thì nó đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình…”.

Nguyệt Hà
.
.