Nhà thơ Hoa Mai và con đường về lại tuổi thơ
Nhà thơ Hoa Mai viết chưa lâu nhưng chị đã dần khẳng định dấu ấn văn chương và định vị mình trong đời sống văn học thành phố Hồ Chí Minh và cả nước. Trước khi đến với thơ thiếu nhi, Hoa Mai đã công bố hàng loạt các tác phẩm thơ, tùy bút và tiểu thuyết để lại những ấn tượng đẹp trong lòng bạn đọc, bạn viết xa gần.
Có lẽ, cơ duyên đến với thơ thiếu nhi của Hoa Mai là khi chị được lên chức bà ngoại, được ru rín, ẵm bồng, nâng niu, chăm sóc những thiên thần nhỏ của mình, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh COVID xảy ra - bối cảnh đầy thách thức mà mỗi người lớn cần quan tâm, yêu thương nhiều hơn những đứa trẻ.
Từ năm 2020 đến tháng 7/2024, Hoa Mai lần lượt cho ra đời hai tập thơ thiếu nhi: “Khoảng trời của ngoại” (song ngữ Việt - Anh) và “Hoa thơm tay bé” với 108 bài thơ nhỏ xinh, kiệm lời nhưng nhiều thi ảnh thú vị.
Làm mẹ, rồi làm bà ngoại, thiên tính nữ, thiên chức mẹ trong người nữ đa cảm, nhân hậu càng dâng đầy những niềm yêu, sự bao bọc đối với những đứa cháu của mình. Gần trẻ, yêu trẻ nên những lời thơ của chị cứ cất lên thật gần gũi, ấm áp, tự nhiên như nắng mưa, khí trời, đất đai, cây trái.
Tôi đồng tình với nhiều ý kiến làm thơ cho trẻ em thật khó. Bởi vì, chúng ta - những người viết trưởng thành - đã xa quá rồi thời ấu nhỏ. Đã bước ra với đời, bàn chân từng đi muôn nẻo trên thế gian thì đồng nghĩa đôi cánh thiên thần của ta cũng dần ngắn lại và đến một ngày hoàn toàn biến mất. Ta nhìn, ta nghĩ, ta cảm về thiên nhiên, cuộc đời,... không còn bằng đôi mắt, tư duy có phần ngây ngô nhưng vô cùng đáng yêu, ngộ nghĩnh, trong sáng của trẻ thơ nữa. Nữ nhà thơ từng chia sẻ: “Trẻ em là bầu trời đẹp nhất để người lớn quay về”. Vậy nên chỉ còn cách ta yêu trẻ đến tận cùng, hòa vào thế giới của trẻ đến tận cùng thì khi đó mới có những vần thơ đúng chất tâm hồn trẻ.
Đọc thơ thiếu nhi của Hoa Mai ta dễ gặp những bức tranh thiên nhiên vô cùng sinh động, vui tươi, đẹp và tinh tế: “Con chim sâu ngồ ngộ/ Ríu rít cả hiên nhà/ Giàn đậu biếc tím hoa/ Vươn tay chào bông giấy/ Nắng non trườn mây mẩy/ Mai nhu nhú nụ mềm” (Mùa xuân nhà em). Xuân hạ thu hay đông, mỗi mùa nắng có một màu riêng, ai cũng có thể cảm nhận được, văn nhân thi sĩ thì càng có thể cảm nhận được sự đa sắc, đa tâm tình, tâm trạng của nắng nhưng phát hiện ra dáng hình của nắng “mây mẩy”, bụ bẫm như một nụ mầm, một đứa trẻ thì có lẽ tôi mới gặp ở Hoa Mai.
Còn đây là một bản hòa âm đa thanh, một vũ khúc rộn rã, sống động, vui nhộn dưới cơn mưa mùa hạ: “Một bầy ve nhi nhí/ Khát nước lắm phải không/ Tiếng gào cứ ong ong/ Phượng cười như bó đuốc/ Hình như bác Chẫu Chuộc/ Đọc thông báo ngoài ao/ Sắp có trận mưa rào/ Me, sấu cười tít mắt/ Chị Gió bay phần phật/ Gom các chú Mây về/ Bác Sấm quát thật ghê/ Cô Mưa khóc lộp độp/ Cụ cóc kêu ộp ộp/ Từ khe thềm nhảy ra/ Bầy lá quẩy cha cha/ Cùng cô Mưa khiêu vũ” (Cảm ơn cô Mưa).
Tôi thích âm thanh và hình ảnh trong những câu thơ này. Chúng làm cho thế giới thiên nhiên dân dã và thân ái tưởng như đã bỏ một người đàn ông trung niên giữa phố là tôi chợt tìm về, bừng thức và tỏa rạng đến lộng lẫy. Độc giả có thể gặp rất nhiều những câu như thế trong cả hai tập thơ của người thơ Hoa Mai (“Hoa ớt nhà ngoại”, “Cháu là hoa nắng”, “Ông mặt trời đi lạc”, “Cỏ hoa nhà bé”, “Mưa vườn Sao Mai”, “Mưa là nước mắt cô Mây”, “Hết hè”...).
Mỗi một bài thơ của Hoa Mai như một câu chuyện nhỏ, một bài hát ngắn nhưng mở ra cả một thế giới trẻ thơ trong ngần, dí dỏm, tinh nghịch, thông minh. Thế giới ấy bừng nở từ tâm hồn sương mai của các em, từ những suy nghĩ, hành động khám phá thế giới xung quanh.
Trẻ thơ vốn hiếu động, thế nên trong giờ ngủ trưa ở trường mầm non cô giáo đã kiểm tra các bạn nhỏ: “Bạn nào đã ngủ/ Thì giơ tay lên/ Cô giáo hỏi khẽ/ Rồi đứng lặng im”. Câu hỏi của cô giáo “ngược đời” ghê! Ấy thế cô mới “tóm” được các bạn chưa ngủ nhé: “Ơ kìa vui thế/ Nhiều tay giơ lên/ Ở ba bốn phía/ Mắt vẫn nhắm nghiền”. Về tình huống thú vị này, nhà thơ Lê Minh Quốc có lời bình thật tinh tường: “Câu thơ cuối bất ngờ và đúng y chang với tính cách con trẻ. Các em không biết nói dối nhưng mắt vẫn nhắm như “thông báo mình đang ngủ, tức đã làm đúng theo lời dặn dò của cô. Có thể nói, đây là một trong những bài thơ tinh tế của Hoa Mai”.
Cậu bé mới vào lớp Một, hẳn là ham khám phá sự kì diệu của những con chữ và khi ra phố thì những con chữ ấy lại càng cuốn hút làm sao: “Đây cô Hằng cơm tấm/ Miếng thịt nướng vàng ươm/ Hình như đang nháy mắt/ Quấn quýt dìu dịu hương/ Kia là hàng trà sữa/ Đọc mát cả môi em/ Rồi chữ Pizza nữa/ Vừa nhìn đã thấy thèm/ Em đọc hoa cả mắt/ Xe mẹ chạy bon bon/ Chữ thì nhiều như thế/ Lại toàn bốc mùi thơm” (Chữ khắp nơi). Úi cha, chữ gì mà tuyệt quá vậy, thơm nức làm “người ta” tứa nước miếng không à!
Với sự “biện minh” này thì ai mà nỡ trách phạt các nhóc tì vì cứ nhầm lẫn khi đọc trong giờ tự học nhỉ: “Học toán thì dễ/ Con số làm thân/ Bài nào cũng thế/ Em làm thật nhanh/ Đọc thì hơi khó/ Hay sai hay nhầm/ Nhiều khi nhăn nhó/ Chẳng thể đúng âm/ Hay tại cái lưỡi/ Chỉ thích món ăn/ Thấy chữ không chịu/ Làm em đọc nhầm” (Tại cái lưỡi).
Trẻ thơ trong thơ Hoa Mai hồn nhiên, ngộ nghĩnh nhưng cũng rất biết quan tâm, sẻ chia, giàu lòng nhân ái. Bean là một cậu bé như thế, khi bà bị ốm, với tình thương yêu bà, Bean đã chăm sóc và làm tốt mọi việc mà thường ngày bà vẫn làm: “Cuối năm bận rộn/ Ngoại bịnh nằm nhà/ Sốt ho ngạt thở/ Đau đến là ngoa/ Em gửi về nội/ Mẹ đến cơ quan/ Anh chăm sóc ngoại/ Tỉ mỉ rất ngoan/ Tưới cây hoa nở/ Pha thuốc, nấu ăn/ Còn tự đi chợ/ Thoăn thoắt đôi chân/ Ân cần lặng lẽ/ Thay mẹ chăm bà/ Cảm ơn Bean nhé/ Chàng trai của ta” (Bean).
Trẻ thương yêu, quan tâm đến người thân trong gia đình bởi sự vun đắp, kết nối gần gũi và sợi dây huyết thống, đó là lẽ thường tình. Nhưng quan tâm, sẵn sàng sẻ chia với bạn bè, với những người khó khăn, thiếu thốn hơn mình thì đó hẳn là một em bé giàu lòng nhân ái. Đây là tâm sự và hành động của một cô bé khi nhận được thật nhiều quà tặng của người thân mà phía bên kia đường biết bao bạn nhỏ như cô phải lang thang không một mái nhà: “Công chúa mở cửa sổ/ Chỉ tay phía bên kia đường/ Ba xem những bạn đó/ Sao chẳng có ai thương?/ Bạn ấy chắc đang đói/ Chả dám ước quà đâu/ Ba cho con xuống hỏi/ Tặng bạn món quà đầu/ Mắt ba hoe hoe đỏ/ Miệng lại cười rưng rưng/ Con gái ba giỏi quá/ Bảo sao mà không cưng!” (Chỉ cách một bức tường).
Sự quan tâm, lòng trắc ẩn, tình yêu thương của các em bé trong những câu chuyện nhỏ của Hoa Mai không chỉ hướng đến con người mà còn dành cho cả loài vật, hoa lá, cỏ cây: “Ghét ông gió bấc/ Cứ chạy loanh quanh/ Rồi gõ lốc cốc/ Cho cây run cành/ Chúng em đi học/ Áo ấm mũ khăn/ Thương cây khó nhọc/ Giữa trời đầu trần” (Thương cây đầu trần).
Thơ thiếu nhi của Hoa Mai có thế mạnh ở ngôn ngữ trong sáng, nhuần nhị, có những phát hiện thật tinh tế đúng chất trẻ con. Đồng thời, nữ nhà thơ còn là người có tài vẽ lên những bức tranh thiên nhiên thật sinh động qua những câu thơ giàu nhạc điệu, thi ảnh, sử dụng các biện pháp tu từ linh hoạt, mang hiệu ứng thẩm mỹ cao.
Cầm bút khi tuổi sang thu, Hoa Mai đã neo đậu bến văn chương với một trái tim khát khao, mãnh liệt nhất. Chị lấy văn chương để trải lòng, để “cưới nỗi buồn” kiêu sa của người đàn bà qua một chuyến đò tình dông gió, dở dang. Tâm hồn chị khước từ bi lụy, trái tim chị chưa từng rung lên những nhịp đau rạn vỡ. Chị yêu đời, yêu người và yêu cả những thương tổn từng lĩnh trải. Người đàn bà ấy dành tình yêu thương vô bờ cho các con, các cháu. Thế nên, thật tự nhiên, chị đến với thơ thiếu nhi như một cuộc trở về thế giới của những gì ban sơ, giản dị, trong ngần nhất.