Nhà thơ Hà Phương với tình yêu mạnh như nước

Chủ Nhật, 23/06/2024, 13:57

Nhà thơ Hà Phương trưởng thành từ vai trò phóng viên chiến trường của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, và từng giữ cương vị Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo. Ở tuổi 75, nhà thơ Hà Phương ra mắt tập thơ “Tình yêu mạnh như nước”, để khẳng định sự gắn bó của thi ca với buồn vui đời mình.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhà thơ Hà Phương trở thành sinh viên Khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1971, nhà thơ Hà Phương cùng 36 bạn học được chọn vào khóa huấn luyện cấp tốc chi viện chiến trường miền Nam, như câu thơ chị viết: “Đường Trường Sơn những ngày đánh Mỹ/ Bữa cơm nào cũng vui lạ lùng/ Ở nhà thịt cá cũng chê/ Cơm rừng vừa sống vừa khê cũng mừng”.

Phần lớn đồng đội của nhà thơ Hà Phương dạo ấy, sau này đều trở thành những tên tuổi quen thuộc trong giới văn chương và báo chí như Phạm Quang Nghị, Dương Trọng Dật, Lê Quang Trang, Trần Thị Thắng, Vũ Thị Hồng, Bùi Thị Chiến, Lê Điệp, Vũ Ân Thy, Cao Xuân Phách, Khuynh Diệp, Nguyễn Khắc Phục…

21 tuổi, nhà thơ Hà Phương bắt đầu lặn lội giữa bom đạn để làm phóng viên của Báo Văn nghệ Giải phóng. Địa bàn tác nghiệp của nhà thơ Hà Phương là vùng đất thép Củ Chi nhiều cam go. Vì vậy, phía sau mỗi ký sự nóng bỏng, nhà thơ Hà Phương bày tỏ sự biết ơn những cô du kích bảo vệ mình: “Vũ khí của tôi chỉ là cây viết/ Nên em luôn giành lên phía trước/ Để cho tôi an toàn”.

Non sông thống nhất, nhà thơ Hà Phương tiếp tục làm báo ở Sài Gòn và gặp gỡ nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn với tư cách cán bộ NXB Lao động bổ sung lực lượng trí thức cho đô thị phương Nam vừa giải phóng. Những lần sơ giao, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và nhà thơ Hà Phương đều không nhiều thiện cảm về nhau, bởi mỗi người đều có sự kiêu hãnh riêng. Thế nhưng, dần dần họ nhận ra ưu điểm của đối phương. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn phát hiện sự đằm thắm và sự tháo vát ẩn giấu bên trong thái độ khinh khỉnh của nhà thơ Hà Phương. Còn nhà thơ Hà Phương cũng phát hiện sự chân thành và sự ấm áp được che đậy bằng bề ngoài lạnh lùng của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn.

Ngày 4/3/1978, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và nhà thơ Hà Phương tổ chức đám cưới, chú rể 33 tuổi còn cô dâu 28 tuổi. Cuộc sống vợ chồng những ngày khó khăn sau chiến tranh, khiến nhà thơ Hà Phương chấp nhận lùi lại làm hậu phương cho chồng thỏa sức sáng tác. Tháng 2/1979, khi mang thai con gái đầu lòng Thuận Ánh ở tháng thứ 7, nhà thơ Hà Phương vẫn ôm bụng bầu ra ga Bình Triệu để tiễn chồng đi viết ở mặt trận biên giới phía Bắc đang bị quân xâm lược Trung Quốc tràn qua dày xéo.

Giai đoạn chịu đựng vất vả hy sinh cho chồng yên tâm cầm bút, được nhà thơ Hà Phương hé lộ trong những câu thơ ân cần: “Hãy tha thứ cho em những lúc thiếu dịu dàng/ Đất nước đã hòa bình/ Vẫn còn nặng cái đuôi thời bao cấp/ Thần kinh em hay đột nhiên bất ổn/ Bởi xung quanh quá nhiều bức xúc/ Thơ viết không ra cũng sinh tức bực/ Sao anh không khuyên em đừng làm thơ/ Đôi khi càng nín nhịn càng tức/ Em mong tất cả đàn ông hãy thử làm vợ/ Chỉ cần một ngày để cho biết sợ/ Nhưng khi bình tâm lại/ Nếu đổi chỗ cho nhau/ Em là anh/ Sẽ thấy anh cũng trải qua những chuyện như em/ Vì chúng ta đang chung một môi trường/ Chỉ khác em là anh không nóng nảy/ Thôi, em cứ là em, anh cứ là anh/ Có lúc chợt buồn, đôi khi cáu bẳn/ Biết yêu nhau và tha thứ khi cần/ Ta sẽ có nhau suốt cuộc đời dài”.

Được sự hỗ trợ của người vợ nhẫn nại bao dung, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn liên tục tung ra những tác phẩm rúng động văn đàn cả nước, như “Những khoảng cách còn lại”, “Cù lao tràm”, “Đứng trước biển”... Tiểu thuyết Nguyễn Mạnh Tuấn được xem một hiện tượng xã hội thời Đổi mới. Nhà thơ Hà Phương lặng lẽ chăm chút những trang viết của chồng. Thậm chí, có lúc chị còn đảm đương cả việc in ấn và phát hành, để hàng vạn cuốn sách Nguyễn Mạnh Tuấn đến tay bạn đọc khắp nơi.

Tên tuổi nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn càng lừng lẫy, thì tên tuổi nhà thơ Hà Phương càng có vẻ khuất lấp. Chị không hề so đo hay buồn bã. Chị tự an ủi bản thân: “Tôi là ga nhỏ im lìm/ Con tàu vội vã chẳng nhìn ra tôi”. Trái ngược với hình ảnh người chồng được xưng tụng xôn xao, nhà thơ Hà Phương nép mình trong những câu thơ trầm tư: “Vẫn còn một góc riêng tôi/ Cho riêng tôi khóc/ Cho riêng tôi cười/ Ai là tôi giữa đời thường/ Ai còn mộng tưởng khôn lường vẩn vơ/ Bao nhiêu huyền thoại ngày xưa/ Trả về cho sách, cho thơ của người”.

Sau cơn sốt tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn lại tạo thêm cơn sốt kịch bản phim. Đắc dụng cả điện ảnh và truyền hình, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn góp phần tạo ra những bộ phim ăn khách như “Lưới trời”, “Đồng tiền xương máu”, “Hướng nghiệp”, “Người đàn bà yếu đuối”, “Blouse trắng”, “Cô thư ký xinh đẹp”, “Nghề báo”…

Không có gì phải hoài nghi để khẳng định, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn là tác giả có thu nhập cao nhất Việt Nam trong suốt thập niên 90 của thế kỷ 20. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn chỉ viết và viết, còn mọi việc từ chăm sóc ba đứa con đến xây nhà dựng cửa đều do bàn tay nhà thơ Hà Phương đảm trách. Không oán than, không trách giận, nhà thơ Hà Phương gánh vác tất cả bằng tình yêu chồng, theo cách chị tỏ bày:

Tình yêu tự đến tự đi/ Dẫu trói ghì cũng không giữ được/ Tình yêu không thể ích kỷ/ Cũng không rộng giống như ngôi đền hoang/ Tình yêu là gió/ Nhưng xin đừng phóng túng ngược ngang/ Tình yêu là lửa/ Xin đừng đụng đâu cháy đó/ Tình yêu là nước/ Xin đừng ở bầu thì tròn ở ống thì dài/ Cũng đừng tràn lan như cỏ dại/ Tình yêu dữ dội/ Không thể đón bằng sự cứng rắn/ Tình yêu dịu dàng/ Không thể đón bằng sự yếu mềm/ Không ai biết khi nào tình yêu đến/ Cũng chẳng ai lường trước lúc nó đi/ Tình yêu không định hình, không định nghĩa/ Tôi có một tình yêu như thế/ Giữ vừa dễ cũng vừa khó vô cùng”.

Sau thời gian làm quản lý một số đơn vị xuất bản và báo chí, nhà thơ Hà Phương vui vẻ nghỉ hưu với tâm sự: “Hơn bốn chục năm đi làm/ Thay đổi lắm cơ quan/ Làm như chơi/ Vẫn mang nhiều danh tiếng/ Nhà này, nhà kia, nhà nọ/ Đến tuổi vẫn phải về hưu/ Hóa ra chỉ một Nhà Mình/ Nặng nợ, cật lực, buồn vui gắn kết trọn đời/ Với danh xưng Nhà Bếp Hạng Ba/ lại được làm đến hơi thở cuối cùng/ Xin tự chúc mừng tôi”. Thế nhưng, từ ngày nghỉ hưu, nhà thơ Hà Phương càng chứng minh được giá trị “của chồng công vợ”. Với nhuận bút tích lũy của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, họ mua được một miếng đất rộng rãi ở phường 11, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh để cất lên Trường mầm non Hoa Mai, thu hút rất đông phụ huynh mang trẻ nhỏ đến gửi gắm nuôi dạy.

Cũng từ ngày nghỉ hưu, nhà thơ Hà Phương mới quay lại chuyên tâm sáng tác cùng chồng. Khi nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn được một nhà làm phim Hollywood đặt hàng viết kịch bản phim “Nước mắt phương xa”, nhà thơ Hà Phương đã sang Mỹ nhiều tháng để lo lắng cơm nước cho chồng và phụ giúp chồng hoàn chỉnh bản thảo. Khi nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn viết hai kịch bản “Huyền sử thiên đô” và “Thái sư Trần Thủ Độ”, thì nhà thơ Hà Phương cũng viết hai bài thơ để nhạc sĩ An Thuyên và nhạc sĩ Quốc Trung phổ nhạc thành hai ca khúc chủ đề cho hai bộ phim này.

Có một điều mà nhiều đồng nghiệp thấy mừng cho nhà thơ Hà Phương, đó là sau gần 30 năm dành trọn vẹn tâm huyết đứng sau chồng, thì chị đã quay lại sự nghiệp văn học của mình, bằng tập thơ “Tình yêu mạnh như nước” dày hơn 200 trang, phát hành quý 2/2024. Và chính tập thơ “Tình yêu mạnh như nước” đã hé lộ niềm riêng của nhà thơ Hà Phương với cuộc đời: “Một sự cố bất ngờ khiến tôi bạo bệnh/ Cả tháng trời nửa tỉnh nửa mơ/ Bác sĩ nói, trong máu tôi có vi trùng sốt rét từ hồi chiến tranh/ Giờ lớn tuổi cơn ác tính tái phát/ Tôi rùng mình nhớ lại những cơn sốt ngày nào/ Thật bất hạnh nếu như mình bỏ cuộc/ Giữa đường rừng Trường Sơn/ Nhưng giờ đây/ Hạnh phúc khiến tôi đã vượt lên/ Bình dị như tôi đang sống giữa đời/ Như mỗi sớm cùng chồng ăn sáng/ Và con tôi thức giấc gọi Mẹ ơi/ Hạnh phúc với tôi là có thật/ Thật như anh ngồi viết bên bàn/ Những nhân vật bước vào trang sách/ Rồi ra đời để sống đẹp hơn/ Hạnh phúc với tôi là có thật/ Như những lo toan vun vén mỗi ngày/ Như tiếng cười khi vui/ Ứa nước mắt khi xúc động/ Thật như bản thảo anh mỗi lúc một dày”.

Cũng qua tập thơ “Tình yêu mạnh như nước”, công chúng hiểu thêm những rung động nhà thơ Hà Phương dành cho nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: “Không biết từ khi nào/ Em bắt đầu tin vào luật luân hồi nhân quả/ Việc chúng ta sống với nhau hôm nay/ Là do nợ nần từ kiếp trước/ Nên kiếp này trả mãi chưa xong/ Chắc kiếp trước anh nợ em quá sâu/ Trả mãi tới bây giờ chưa dứt/ Nợ, trả luân hồi khiến em vay ngược/ Đành khất tới kiếp sau trả tiếp/ Mình cứ nợ rồi trả muôn đời muôn kiếp/ Là hoàn cảnh thật, hay lừa thần linh/ Nếu lừa thì cũng vị tình/ Luật nghiêm của đấng thần linh cũng hòa”.

Lê Thiếu Nhơn
.
.