Nhà thơ Bùi Minh Vũ, rẩy run cùng chiếc lá
Tôi gặp nhà thơ Bùi Minh Vũ và ấn tượng về ông. Tôi biết Bùi Minh Vũ mới được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam cách đây 3 năm, nhưng tôi quan tâm đến tác phẩm hơn là “mốc thời gian” dài ngắn. “Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Không có tác phẩm thì nhà văn ấy coi như đã chết”, tôi nhớ mãi câu nói này của Xuân Diệu.
Cho đến nay Bùi Minh Vũ đã xuất bản 16 tập thơ, trong đó “Màu thổ cẩm” được Giải thưởng của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật (năm 2019) và “Lão ngư Kỳ Tân” được Giải ba Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2020). Vì thế, Bùi Minh Vũ vào Hội Nhà văn Việt Nam theo chuyên ngành thơ. Ông còn là nhà văn, tác giả của 5 tiểu thuyết.
Bùi Minh Vũ gốc Quảng Ngãi, nhưng từ lâu Đắk Lắk đã là quê hương thứ hai. Biết ông sinh ra ở Quảng Ngãi, một huyện miền biển, tôi kính trọng. Trước hết ở phẩm chất cách mạng và lam lũ của người dân vùng đất ấy. Đất nào người ấy quả không sai, “địa linh” ắt sinh “nhân kiệt”. Quảng Ngãi còn là nơi sản sinh ra những tài năng lớn về văn chương, nơi có những nhà báo giỏi.
“Những tiếng đàn hồng” là tập thơ mới nhất của Bùi Minh Vũ, gồm 114 bài thơ. Có phải đến tập thơ này mới tạo ra “Căn cước của Vũ”, như tên bài “Tựa” của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều? Tôi suy nghĩ mãi. Có điều “....tràn ngập Tây Nguyên. Tây Nguyên là cánh đồng cảm xúc thơ ca của Vũ. Thơ Vũ là núi đồi, sông suối, rừng cây, nương rẫy, rượu cần, cây cỏ...” thì mở tập thơ ra đã thấy.
“Hì hục làm câu thơ hay/ Cho những linh hồn nhỏ/ Khó hơn chặt tre/ Hì hục làm bài thơ hay/ Cho những người không có linh hồn/ Khó hơn nuốt mặt trời”, đó là những câu thơ trong bài “Từ lồng ngực của tôi”, thay cho một quan niệm, có ý nghĩa một tuyên ngôn, “đại diện” cho phong cách.
Tôi từng đọc Đặng Bá Tiến, giờ là Bùi Minh Vũ - hai trong số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Tây Nguyên. Thơ họ đều khắc khoải, suy tư về núi rừng, sông suối, đại ngàn; họ đều “Viết câu thơ bạc tóc bởi nỗi niềm rừng xanh” (thơ Đặng Bá Tiến); “Đâu rồi con chim bhĩ/ bay bay/ lá kliêng ủ cơm rượu cần/ thơm thơm/ quả khăm ngọt/ chát chát/ ta sờ gốc cây bảy vòng tay ôm/ những giọt nước mắt trong vắt rỉ ra/ như nước mắt” (thơ Bùi Minh Vũ).
Bùi Minh Vũ yêu từng cây cỏ, tiếng chim... thuộc về đại ngàn. Sinh thái của đại ngàn mất đi, đọng lại trong ông thành “nỗi nhớ tráng lệ”. “Làm sao vẽ chân dung/ tiếng khóc của con thú rợn gào/ như tiếng người” (Thú rừng); “Thú thật nỗi nhớ tráng lệ/ Chẳng có gì bù đắp/ Giữa những đổi thay / Hình như/ Rẫy đang trôi về phía trước” (Hai lần nhớ rẫy).
...
Tìm kỷ niệm bên bờ sông
Gương mặt xưa hóa thạch
Những tiếng ho thiên nhiên vọng lại
Im lặng nhìn nhau không muốn về
(Tiếng ho thiên nhiên)
Bùi Minh Vũ nói rằng, ông xót xa khi rừng Tây Nguyên đã và đang biến mất bởi con người, văn hóa các dân tộc anh em - vốn là dân bản địa của Tây Nguyên đang bị mai một, trẻ con gần như không còn biết đến sử thi Tây Nguyên. Đó là cảm xúc bật lên “Những tiếng đàn hồng” - trở thành tên chung của tập thơ; “Rừng sẽ không già/ khi tóc rừng là những tiếng đàn hồng”. Và nhà thơ Bùi Minh Vũ có những suy tư độc đáo.
....
Khi bạn đọc thơ cho rừng nghe
Rừng vỗ tay bằng tiếng suối chảy
Khi bạn tự ý vào rừng
Những tiếng đàn hồng che khuất lối ra
(Những tiếng đàn hồng)
Trở lại với “Tựa” cho tập thơ “Những tiếng đàn hồng”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “Hầu hết những bài thơ của Vũ không phải là một cánh cửa mở sẵn mà là một chìa khóa. Bài thơ chỉ trao cho người đọc cái chìa khóa để người đọc mở chính nó”. Đọc thơ luôn là một việc khó, nói về thơ càng khó. Thế mới là thi ca.
*
Bùi Minh Vũ vốn là sinh viên khoa Văn - Đại học Huế, chỉ sau nhà thơ “Phố Núi” Văn Công Hùng một khóa. Và cùng giống nhau, cuộc đời cùng “lên núi”. Tất nhiên, Bùi Minh Vũ còn “quăng quật” nhiều nơi, từng tham gia bộ đội bảo vệ biên giới Tây Nam, năm 1988 rời quân ngũ ông đặt chân lên Tây Nguyên, thành “công dân” Đắk Lắk.
Hỏi ông, vì sao trong “Những tiếng đàn hồng”, có nhiều bài thơ về rẫy, tâm thế... ngóng rẫy? Hóa ra, vợ chồng ông cùng “quẩy tráp” lên Tây Nguyên. Vợ ông làm rẫy để nuôi...nhà thơ. Hỏi ông, vì sao ông lăn lộn với văn hóa bản địa, ông trả lời rất... “Quảng Ngãi” là bởi say mê. Có lẽ nhờ thế, năm 2001 Bùi Minh Vũ đã công bố tác phẩm “Thần Ntốch bị đánh”. Từ đó đến nay, ông đã công bố 22 tác phẩm (11 trong số này đồng tác giả).
Gần 30 năm qua, Bùi Minh Vũ rong ruổi khắp “hang cùng, ngõ hẻm” các buôn, làng ở Đắk Lắk. Thời gian ngắn thì vài ba ngày, dài có khi cả tháng; lúc một mình, có mặt hầu như ở những vùng sâu, vùng xa nhất, cùng ăn, cùng ở với bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Và gần như toàn bộ kinh phí trang trải cho hoạt động nghiên cứu, ông đều tự bỏ ra.
“Tôi phải dành hết tiền lương mua cassette, băng ghi âm, mua vé xe đò. Ngày thì lăn lộn tìm gặp già làng và những người khác biết truyện cổ ghi âm, đêm lọ mọ ngồi gỡ băng, ghi chép lại”, Bùi Minh Vũ chân thành. Biết bao nhiêu cực khổ ông phải vượt qua. “Chuyện hẹn lên hẹn xuống, xếp thời gian gặp họ đã khổ rồi. Họ còn phải đi nương đi rẫy chớ, đâu quan tâm đến việc của mình”, ông chia sẻ.
Ông tâm sự: “Phải mất thời gian, tạo nên sự gần gũi, tin cậy, người ta mới thổ lộ tâm tình và đánh thức được những lời hát kưứt, hát ayray, câu chuyện cổ, lời nói vần... đã lặn sâu trong trí nhớ người già...”. Bùi Minh Vũ đã tìm ra được những “hạt ngọc” bằng sự bền bỉ.
Thế rồi 2.000 trang đánh máy cũng hoàn thành. Rất may, cuối cùng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội Văn học các dân tộc thiểu số cũng “đỡ đầu” ông in và công bố tác phẩm. Bùi Minh Vũ trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc ở Tây Nguyên, nhất là cộng đồng dân tộc M'nông (còn gọi là Bu - Nông), Ê-Đê... Riêng dân tộc M'nông, ông đã in 4 tập truyện cổ và “Thần trong tâm thức M'nông” (năm 2020).
Tôi quý Bùi Minh Vũ ở số lượng tác phẩm sưu tầm, biên soạn truyện cổ, sử thi, luật tục và các công trình nghiên cứu khác về lịch sử, văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Đắk Lắk. Nhiều tác phẩm trong số này được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ghi nhận, tưởng thưởng.
*
Bùi Minh Vũ là một người khá đặc biệt. Ông yêu thơ, làm thơ từ bé, đặc biệt có trí nhớ “khác người”. “Từ nhỏ tôi đã đọc hết thơ của các nhà thơ của phong trào Thơ mới, nhất là Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu. Thuộc lòng "Truyện Kiều" của Nguyễn Du không sót một câu. Những bài thơ của các nhà thơ từ cổ chí kim ở Việt Nam viết về trăng tôi đều thuộc hết”, ông tâm sự.
Bùi Minh Vũ kể rằng, năm 1972, lúc học lớp 8 (hệ 10) khi gặp thầy giáo Trần Phố, ông đã đọc như “cháo chảy” một bài thơ cho thầy nghe. Cho đến bây giờ ông vẫn nhắc đến những người thầy đưa ông đến với con đường văn học bằng tấm lòng tri ân. “Tôi may mắn được những giáo sư hàng đầu ở miền Bắc dạy. Có nghĩa là rất chính quy, bài bản. Năm 1981 tôi đã viết chuyên luận “Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử”, Bùi Minh Vũ hào hứng khi nói về văn học.
Là nhà thơ, Bùi Minh Vũ quan tâm đến đời sống thi ca. Trước những nhìn nhận về thơ hiện nay, Bùi Minh Vũ triết luận: “Tôi cho rằng thơ là linh hồn của văn hóa, linh hồn của văn học. Ông xem, thơ đã cùng dân tộc ta đi đánh giặc. Thơ không bao giờ “chết” đâu, dẫu cuộc sống ngày càng số hóa”.
Cuộc đời Bùi Minh Vũ may mắn có người “bạn đời” cùng quê hương, lam làm và thấu cảm. Vợ ông vốn là kế toán của một công ty, nhà có ít rẫy; đặc biệt thuộc thơ chồng, chia sẻ công việc của chồng.
“Tôi đứng bên vườn cà đắng trăm mùa/ Gương mặt tôi mặt lá/ ....? Cho đến khi tôi nhận ra/ Nắng đã về quê ăn giỗ mưa chói sáng/ Tôi vẫn đứng bên vườn”, (Bên vườn cà đắng). “Nhà tôi rất nghèo, không thể không làm gì chỉ ngồi đọc thơ. Tôi thường phải trốn bả, tìm chỗ vắng người để đọc thơ”, Bùi Minh Vũ chân thành, đến đáng yêu.
Hà Nội, 3/6/2024