Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn: Tiếp nhận nhân vật lịch sử qua mẫu nhân cách văn hóa

Thứ Bảy, 19/08/2023, 09:35

Nguyễn Văn Sơn, với cá tính và năng lực chuyên môn của mình, đã mạnh dạn và công phu trong tiếp cận các nhân vật lịch sử thông qua mẫu nhân cách văn hóa một cách khoa học. Với tư cách Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa, Nguyễn Văn Sơn với các công trình riêng, đồng tham gia một số công trình với các thành viên của Viện, đã cho thấy khả năng bao quát rộng và tư duy khoa học sâu sắc, nhất là khả năng ngôn ngữ của anh.

Tôi với anh Sơn làm việc với nhau đã nhiều năm. Cần mẫn, chu toàn, luôn nhiệt huyết với công việc thực hành nghiên cứu chính là bản tính của anh. Nhà nghiên cứu - nhà văn Nguyễn Văn Sơn rất chăm đi điền dã. Anh ghi chép tỉ mỉ, so sánh, đối chiếu cẩn thận các tư liệu cổ và xử lý chúng theo hướng khoa học lịch sử. Những tham luận của anh về nghiên cứu các nhân vật lịch sử luôn khiến Ban tổ chức các hội thảo yên tâm. Yên tâm ở chỗ, anh không những dày dặn kinh nghiệm trong tổ chức một bài báo khoa học, mà còn luôn thăng hoa với ngòi bút của mình. Tập sách gần đây của anh - Mẫu nhân cách văn hóa là một ví dụ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn: Tiếp nhận nhân vật lịch sử qua mẫu nhân cách văn hóa -1
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn.

Nguyễn Văn Sơn, với cá tính và năng lực chuyên môn của mình, đã mạnh dạn và công phu trong tiếp cận các nhân vật lịch sử thông qua mẫu nhân cách văn hóa một cách khoa học. Với tư cách Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa, Nguyễn Văn Sơn với các công trình riêng, đồng tham gia một số công trình với các thành viên của Viện, đã cho thấy khả năng bao quát rộng và tư duy khoa học sâu sắc, nhất là khả năng ngôn ngữ của anh.

Anh từng tốt nghiệp Khoa Sáng tác - Lý luận phê bình văn học (K8 Nguyễn Du) Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chuyên ngành văn xuôi. Nguyễn Văn Sơn đã in nhiều truyện ngắn, bút ký, tản văn trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 với những thành công được ghi nhận từ các mảng sáng tác, phê bình văn học dày dặn của mình. Nguyễn Văn Sơn đã xuất bản các tập sách: "Cửa sổ mở rộng" (Tiểu luận phê bình văn học, 2009); "Văn hóa đọc một cách nhìn" (Chuyên luận, 2012); "Những người khóc chân mây" (Tiểu luận phê bình, 2015); "Mẫu nhân cách văn hóa" (Nghiên cứu lý luận, 2021); "Ngọn lửa từ trang viết" (Tiểu luận phê bình, 2021)... đã cho thấy trường lực của anh.

Trong cách nhìn của chúng tôi, Nguyễn Văn Sơn ở thế mạnh nhất chính là nghiên cứu các nhân vật lịch sử qua mẫu nhân cách văn hóa. Có thể khẳng định, tập Mẫu nhân cách văn hóa của Nguyễn Văn Sơn là một trong những tập sách hay nhất của anh.

Nhà văn Đặng Văn Sinh trong một bài viết về cuốn sách đã khẳng định: “Mẫu nhân cách văn hóa là cuốn sách thực sự mang tinh thần khoa học bao gồm các mẫu nhân cách văn hóa danh nhân văn hóa lịch sử và mẫu nhân cách văn hóa xã hội. Trong phần danh nhân văn hóa lịch sử, tác giả lại phân ra làm hai cấp độ: biểu tượng của lịch sử và văn hóa dòng tộc. Hai nhân vật chính thuộc biểu tượng cho mẫu nhân cách văn hóa Đại Việt được tác giả nghiên cứu kỹ lưỡng với nhiều tư liệu quý, dẫn chứng hết sức thuyết phục là Lý Công Uẩn và Trần Nhân Tông. Đây là hai vị hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử Đại Việt cùng nằm trong một hệ hình văn hóa lấy đạo Phật làm phương châm hành xử và dùng đạo Nho trị quốc bên cạnh đạo Lão như một tông giáo để cân bằng mối tương quan theo phương châm tam giáo đồng nguyên hay tam giáo tịnh hành”.

Từ điểm nhìn ấy, Nguyễn Văn Sơn đã đưa ra những chứng lý và luận giải ngọn ngành trên tinh thần khoa học lịch sử về các nhân vật lịch sử thông qua mẫu nhân cách văn hóa một cách trọn vẹn nhất.

Nguyễn Văn Sơn là một nhà nghiên cứu thực chứng. Anh rất chăm tham gia các đoàn đi điền dã đến với các di tích lịch sử, các đình, đền, chùa, miếu để tìm hiểu ngọn ngành các tư liệu và nhất là thâu lượm các huyền tích, huyền sử dân gian. Tư duy của anh rất gần với tư duy của Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ, người luôn đồng hành với chúng tôi trong các cuộc điền dã để hình thành nên các tham luận, bài báo khoa học một cách công phu và căn cơ nhất trước bất kỳ hội thảo khoa học nào.

Đối với mỗi hội thảo khoa học, nhất là về văn hóa lịch sử, trong đó có các hội thảo về khẳng định thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của các vị vua chúa, danh nhân lịch sử, Nguyễn Văn Sơn bao giờ cũng đưa ra chủ ý khoa học và nhất là đề nghị phải tổ chức đi điền dã thực chất và chuyên sâu về các nhân vật lịch sử đó. Các cuộc Hội thảo khoa học về Bố Cái Đại vương Phùng Hưng; Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan; Hữu tướng Phùng Thanh Hòa; Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu… đều là như vậy.

Gần đây, khi Ban tổ chức chuẩn bị cho Hội thảo khoa học về Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận - vị Tổng Thái giám có công và đóng vai trò quan trọng với ba đời vua Lê Hy Tông, Lê Dụ Tông, Lê Thuần Tông, anh đã đề nghị phải tổ chức đi điền dã kỹ lưỡng các vùng đất Nội Hoàng, Yên Dũng, Bắc Giang, nơi có Từ chỉ, đình, chùa với nhiều văn bia về cụ Phùng Đức Nhuận. Các cuộc đi đều có chuyên gia Hán Nôm và các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử đã bổ sung và giao lưu kiến thức khoa học lịch sử lẫn nhau khiến vấn đề càng thêm sáng tỏ.

Nhờ những cuộc đi như thế, cùng với những khảo sát mang tính văn bản học, từ các nguồn tư liệu dân gian, Nguyễn Văn Sơn đã chứng minh trên tinh thần khoa học lịch sử, nhất là khía cạnh mẫu nhân vật văn hóa đã khẳng định thuyết phục việc Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận đã từng được vua Lê chúa Trịnh giao binh quyền, làm chủ tướng dẫn quân đánh tan bọn cướp biển nơi cửa biển Quảng An được nhân dân thờ phụng. Đây là chi tiết mới thú vị trong Kỷ yếu Hội thảo của Nguyễn Văn Sơn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn: Tiếp nhận nhân vật lịch sử qua mẫu nhân cách văn hóa -0
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn (thứ 2 từ phải qua) đi điền dã tại Nội Hoàng, Yên Dũng, Bắc Giang.

Tham gia trong ban lãnh đạo Viện Nhân học Văn hóa với tư cách Phó Viện trưởng, Nguyễn Văn Sơn rất gương mẫu trong thực hành nghiên cứu khoa học và xuất bản các tập sách, công trình liên quan đến nhân học văn hóa mà cuốn ''Mẫu nhân cách văn hóa'' của anh là một điển hình. Viện mới ra đời, nhiều khó khăn thách thức, nhất là vấn đề kinh phí hoạt động đã và đang đặt lên vai anh và đồng nghiệp không ít thử thách.

Với tư duy khoa học, nhất là nhiệt huyết và sự độc lập trong việc phát triển của Viện, Nguyễn Văn Sơn đã cùng với Viện trưởng - Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy; Phó Viện trưởng Phạm Minh Quân; Giáo sư Ngụy Hựu Tâm; Nhà nghiên cứu Dương Đức Minh; Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn; Nhà văn Đào Bá Đoàn… tổ chức được nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, tổ chức Tủ sách Văn hóa đọc, xuất bản nhiều ấn phẩm gây tiếng vang trong giới nghiên cứu văn hóa lịch sử. Trong sự trưởng thành chung của Viện Nhân học Văn hóa, đã có phần đóng góp công sức, trí tuệ của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn.

Nguyễn Văn Sơn là một trong những người đồng hành đáng tin cậy. Trong các hoạt động nghiên cứu phê bình về văn học và nghiên cứu văn hóa lịch sử, anh đều nhiệt huyết và cần mẫn thực hiện trách nhiệm của mình, còn có sự dẫn dắt, khơi cảm hứng, “truyền lửa” với những người đồng hành. Bất kỳ chương trình hoạt động nào có Nguyễn Văn Sơn, khi phân công công việc, anh đều hoàn thành đầy trách nhiệm.

Trong các cuộc ra mắt sách của tôi, từ khi chưa có Viện Nhân học Văn hóa đều diễn ra ở Trường Viết văn Nguyễn Du - Đại học Văn hóa Hà Nội, nơi mà tôi và anh từng là sinh viên, Nguyễn Văn Sơn đều nhiệt thành tham gia từ khâu kịch bản tới việc biên soạn các tham luận một cách cẩn trọng, khoa học. Anh cùng với thầy Văn Giá, chị Thảo Ngọc, anh Vinh Huỳnh, Tiến sĩ Mai Anh Tuấn… đã tận tình giúp tôi về công tác tổ chức rất chu đáo.

Nguyễn Văn Sơn luôn coi việc của người khác như việc của chính mình. Càng đi nhiều, tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu về văn hóa lịch sử với anh, chúng tôi càng tự tin có một người bạn đồng hành không chỉ nhiệt thành, nghiêm túc mà còn rất có kiến thức trong công tác nghiên cứu vốn đòi hỏi tri thức và sự bền bỉ trong suốt cuộc đời.

Trong nhiều lần ngồi với chúng tôi, các vị Giáo sư Ngụy Hữu Tâm, Phó Giáo sư sĩ Đỗ Lai Thúy, Phó Giáo sư Trương Sỹ Hùng, Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ đều đánh giá cao sức cống hiến và khả năng làm việc bền bỉ, khoa học của Nguyễn Văn Sơn. Là người nghiên cứu chuyên sâu với thành tựu về mẫu nhân vật văn hóa thì anh đã từ lâu vượt qua những lối tư duy cứng nhắc, những khuôn khổ tầm thường để bước tới sự phong quang, an nhiên, rộng dài phía trước.

Đó cũng chính là bản lĩnh của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn.

Đó cũng là niềm tự hào của chúng tôi về Nguyễn Văn Sơn.

Phùng Thế Khai
.
.