Nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng: Nghe đất thở ngón tay réo rắt

Chủ Nhật, 31/12/2023, 11:10

Tôi quen với gốm Đoàn Xuân Hùng từ cái đận "Dáng Xuân" (triển lãm gốm toàn quốc), đầu năm 2023. Tôi yêu cái mãnh liệt và say đắm qua điêu khắc đẫm sắc Chăm của Đoàn Xuân Hùng. Gần 40 năm qua anh như bị "ma ám" trong hồn đất vùng sông Cái, nơi đã hình thành tháp Ponaga diễm lệ. Đoàn Xuân Hùng khát khao muốn vực dậy làng nghề gốm hơn 200 năm của quê hương mình-Làng gốm Lư Cấm thuộc vùng thành cổ Diên Khánh (Nha Trang).

Em là đá là mây hay lửa

Thế rồi mãi tới mùa xuân này tôi mới có dịp gặp nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng ngay tại xưởng gốm của anh. Có thể nói đây là cuộc hội ngộ của những câu chuyện mà anh kể bằng đất và ngọn lửa Chăm bao năm qua. Anh yêu gốm từ bé và đã bao đêm trò chuyện với những ngôi tháp Chăm trong giấc mơ huyền thoại.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (1993), Đoàn Xuân Hùng quyết định trở về quê vọc đất. Phù sa dòng sông Cái như có sức hút tâm hồn anh với sắc đỏ như lửa mỗi khi ngắm nhìn những vũ công Apsara nhảy múa. Triển lãm điêu khắc gốm Lư Cấm năm 2018, anh có tới 150 tác phẩm tại Nha Trang. Đó là những tổ khúc âm nhạc của gốm và sành vang lên giọng điệu mới lạ mang tên Đoàn Xuân Hùng. Tất cả hiện lên từ đất vùng sông từ thượng nguồn Trường Sơn chảy xuống với nét dân gian hiện đại. Đó là những bức tượng về lễ hội "Cầu phúc", "Cầu mưa", "Cồng chiêng", "Tây Nguyên đêm hồi sinh"…

Nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng: Nghe đất thở ngón tay réo rắt -0
Đoàn Xuân Hùng với phù điêu Thánh Gióng.

Những khám phá mới về tạo hình qua ngôn ngữ nghệ thuật điêu khắc Chăm của Đoàn Xuân Hùng đã được khẳng định từ đầu những năm 2000. Nét tỏa sáng của anh là tạo ấn tượng về bố cục giầu cảm xúc qua từng đường nét trên thân tượng. Con người lấm lem bùn đất và tro trấu đó đã đem lại sự ngạc nhiên cho người xem về khả năng tạo hình kỳ thú. Một nhà thơ sau khi xem tượng của anh đã dạt dào bày tỏ: "Hồn tình dâng biển cả/ Sóng dậy thì nụ hôn/ Những ngón tay bồn chồn/ Lấm bùn bên tượng đá". Quả thật xem tượng nào của Đoàn Xuân Hùng người ta đều có cảm giác "nét dậy thì" của đất của lửa do anh tạo nên. Anh có nguyên tắc sáng tạo của mình không chỉ tái hiện thế giới mà biểu hiện khát vọng của con người.

Ít có nhà điêu khắc chuyên gốm như Đoàn Xuân Hùng. Những chất liệu trong điêu khắc có khá nhiều như đá, đồng, nhôm, sắt hay gỗ, composit, thạch cao… Nhưng ngay từ những tác phẩm đầu tiên Đoàn Xuân Hùng đã chọn đất sét bên dòng sông quê hương. Anh bày tỏ muốn trực tiếp thả hồn mình trên mỗi vân tay và nghe từng hơi thở phập phồng của bầu ngực thiếu nữ qua làn da đất. Tôi bất ngờ nhìn anh với con mắt đất cùng ngọn lửa vui reo: "Quẩn quanh với đất, cười như đất/ Ngọn lửa liếm đêm rạn sắc hồng/ Nghe đất thở ngón tay réo rắt/ Cất lời ca phiêu lãng tang bồng". Những tác phẩm của anh luôn ánh lên ngọn lửa âm ỉ cháy trong cốt xương đất đỏ. Anh cho biết sự bí ẩn của những bức tượng gốm được lửa trấu tạo nên màu sắc, còn lửa rơm lại vẽ những nét hoa văn qua vết cháy đột biến.

Nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng: Nghe đất thở ngón tay réo rắt -1
Vũ nữ Chăm - Phù điêu gốm Đoàn Xuân Hùng.

Nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng đang chiếm giữ hai kỷ lục tượng đặc sắc. Đó là 20 chân dung nhà khoa học, bác sĩ lừng danh Yersin, người đã sống chết với người dân Nha Trang qua nhiều thời đoạn cam go. Bộ tượng Yersin của anh được bày ở nhiều địa điểm công cộng. Đặc biệt một số tượng Yersin lớn bày tại Bệnh viện Khánh Hòa và ở xóm Cồn thành phố Nhà Trang. Sự sâu thẳm ở chân dung Yersin của Đoàn Xuân Hùng được thể hiện qua đôi mắt thần thái. Đó là một công dân danh dự của thành phố Nha Trang với niềm tự hào của mọi người dân ở nơi đây. Kỷ lục thứ hai của Đoàn Xuân Hòa với bộ tượng gốm 52 bức kể chuyện về kinh thánh. Đó là những hình tượng mà anh muốn gửi gắm sự hướng thiện của con người.

Có thể nói anh còn là nhà điêu khắc mở được nhiều triển lãm tượng gốm nhất hiện nay (6 cuộc trưng bày) và được nhận hơn 30 giải thưởng trong thời gian qua. Tuy sống và làm việc tại Nha Trang nhưng Đoàn Xuân Hùng còn được bầu làm Chủ nhiệm CLB Gốm Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh.

Ngôi đền tình yêu

Chúng tôi mải mê những câu chuyện về đất và lửa khi những ngôi sao băng rơi xuống tung tỏa. Ngôi nhà của Đoàn Xuân Hùng cách bãi biển Nha Trang chừng nửa con phố. Sóng vỗ liên hồi ngoài khơi xa. Tôi đi như trong cơn mộng du quanh những bức tượng tình yêu mà anh vừa hoàn thành. Đoàn Xuân Hùng say sưa với dự án "Ngôi đền tình yêu" với bộ 50 tượng lớn. Dường như anh đang dồn công sức cho ngôi đền này (trưng bày tại vườn tượng quê anh). Một công trình để đời mà tâm hồn nghệ sĩ trong anh luôn trào dâng như sóng biển.

Tôi ngờ ngợ về những bộ tượng trong ngôi đền này sẽ kể những câu chuyện gì đây. Chúng tôi dừng chân trước một bức tượng "Tình yêu" mà anh đang tạc dở. Anh nói cứ vào cữ thời gian này, nghĩa là sau những giờ dậy học ban ngày, những ý tưởng mới lại trỗi dậy. Đó là những cơn lên đồng tạo hình đầy mê đắm được truyền qua những ngón tay. Đó có thể là một tấm lưng trần của chàng trai xứ biển như cánh buồm cuộn gió ra khơi. Hay đó là đôi mắt sâu thẳm chờ trông của người con gái đang mong mỏi chờ chồng. Còn nữa nụ cười con trẻ đầy vui sướng quẫy đạp trong vòng tay mẹ. Và cứ thế tôi trôi đi trong cơn mơ trước biển cùng anh.

Tôi chợt giật mình trước cặp tình yêu với chất liệu gốm sành trắng với tiêu đề "Hoan ca". Đó là một cặp tình yêu đang mê man với niềm say ân ái. Họ trần trụi nhưng lại đầy mỹ cảm trong nét quấn quýt yêu thương. Sành của Đoàn Xuân Hùng là một sáng tạo trong nghệ thuật tạo hình gốm. Sành luôn đanh và dữ dội so với đất nung trầm xốp nên việc tạo hình không dễ dàng.

Rồi bên cạnh đó là những "Hoan ca" khác làm tôi mụ đi vì sự cuốn hút và gợi cảm qua những tư thế nude thơ mộng. Tôi hỏi vì sao lại là một seri tượng "Hoan ca" mà không thể là những giai điệu gốm khác. Đoàn Xuân Hùng vuốt mớ tóc dài rồi lim dim mắt nói rằng, đó là chủ đề cho tình yêu ở lứa tuổi 50 và 60. Đó là góc nhìn về tình yêu ở lứa tuổi 20 lần thứ ba trong cuộc đời con người. Và những bố cục hình tượng cùng những cảm xúc ra đời hàng loạt bức "Hoan ca". Trong xứ sở của "Ngôi đền tình yêu" của anh có những niềm yêu thương ở những sắc độ khác nhau theo thời gian.

Nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng: Nghe đất thở ngón tay réo rắt -2
Ngôn tình - Tượng gốm Đoàn Xuân Hùng.

Tôi quả thực bị hấp dẫn bởi những sự rạch ròi khác biệt trong sáng tạo nghệ thuật ở Đoàn Xuân Hùng. Những bức tượng tình yêu thuộc về lứa tuổi 20 đầu tiên là duy nhất không thể tách rời nhau. Họ hòa nhập làm một chứ không có sự bứt phá như khi bước vào lứa tuổi 20 lần thứ hai. Rồi anh dẫn cho tôi xem hàng loạt những cặp tình yêu sẽ được trưng bày trong "Ngôi đền tình yêu".

Sự hiện diện của ánh sáng nghệ thuật phồn thực Chăm đã được Đoàn Xuân Hùng giải mã ở nhiều góc độ khác nhau. Ở đó không có sự nhục dục mê muội mà những bức tượng của anh đầy tinh tế cùng giai điệu hoan ca về tình yêu đôi lứa. Tôi chợt nhớ tới những câu thơ Chăm lấp lánh hiện lên trong từng thớ đá: "Ngọc Apsara em khảm trên đình tháp/ Đôi môi cười mộng mị hương sen/ Đường cong làm dậy sóng mộng tình/ Cặp đào tiên ngọt ngào mọng đỏ". Có lẽ nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng là người giữ kỷ lục về số tượng nude gốm và sành hiện nay.

Vũ công Apsara màu nhiệm

Tượng gốm và sành của Đoàn Xuân Hùng luôn gây sự ngạc nhiên cho đồng nghiệp và người xem. Có thi sĩ đã cảm tác về tượng của Đoàn Xuân Hùng như những vũ điệu tình yêu với những vần thơ: "Vũ trụ quay bời bởi nắng đổ/ Trống dập dồn tung cánh phượng bay/ Gót chân hồng nhịp điệu mê say/ Bản nhạc chập chờn như lửa cháy". Tôi nghĩ đó là sự miêu tả về gốm của Đoàn Xuân Hùng khá gần gũi. Bởi sự chuyển động là nét bí ẩn trong tác phẩm của Đoàn Xuân Hùng.

Và không ngờ trong câu chuyện của anh tôi càng thấy thú vị khi phát hiện ra người mẫu để làm tượng chính là vợ anh. Chị cũng là một họa sĩ và trở thành nguồn cảm hứng đồng điệu qua những bố cục hình tượng nghệ thuật của chồng. Đoàn Xuân Hùng coi đó là "Apsara em" trong những cặp đôi uyên ương say đắm. Cả hai hòa đồng tạo nên những bản "Hoan ca" cho những vũ điệu Chăm thơ mộng dịu dàng.

Vương Tâm
.
.