Nguyễn Tiến Thanh - “Phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn”

Chủ Nhật, 03/03/2024, 10:30

Đọc thơ của thi sĩ, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật, Uỷ viên Ban thường vụ Hội Luật gia Việt Nam, tôi nhận thấy anh là một người thơ đi giữa đôi bờ thực ảo, vừa trong sáng lại lấm láp hồng trần.

Nỗi buồn thơ vắt lên vai chàng sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi làm bạn với người đàn ông đã qua độ tuổi tri thiên mệnh. Nỗi niềm ấy tìm đến lấp đầy bóng tối rồi vội rời bỏ, để lại những khoảng tâm hồn thinh lặng. Ngỡ ngàng như bình minh, rũ buồn như ngày tận, chạm tới những lát tâm hồn u hoài tựa hồ bị ánh sáng bỏ quên.

Đọc Nguyễn Tiến Thanh, tôi như ra khỏi cái ồn ào của đời sống thường nhật, để thấy trong mình một cảm thức mơ hồ, chới với. Và khi thoát khỏi nó, tôi mới hiểu, đó là những xúc cảm đặc biệt mà thơ anh đã đem đến cho tôi. Tôi gọi đó là nỗi buồn thơ.

Nguyễn Tiến Thanh - “Phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn” -0
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh.

Là một người thành công trong báo giới. Những tưởng tâm hồn của nhà báo sẽ thường thực tế hơn là nhà thơ. Tiến Thanh làm báo tỉnh táo, nhưng làm thơ lại phiêu và hay mới “chết” chứ. Thơ anh đăng chủ yếu trên Facebook cá nhân như một sự chia sẻ. Thế nhưng bất cứ bài thơ nào anh đăng tải, đều được bạn đọc trân trọng đón nhận. Vì thế mà thơ anh có nhiều fan hâm mộ.

Cuộc đời, cơ bản là buồn, thơ buồn là tất yếu. Nỗi buồn đã đem đến một không khí riêng, để những người yêu thơ anh, khi đọc, tách được khỏi đời sống xô bồ, đón nhận vào mình những tiếng hồn nao nát. Có ai trong chúng ta, không từng khao khát được ngân rung trong thế giới cảm xúc lạ lẫm, khi tâm hồn ít nhiều bị chai sần, già nua bởi những toan tính vụn vặt? Thì Nguyễn Tiến Thanh đã phả vào độc giả khoảnh khắc bồng bột, run rẩy, vắng xa, tận cùng niềm trống hoang vô định. Để khi ra khỏi nỗi buồn, ta thấy được cảm thông, xoa dịu, khởi lên niềm khao khát.

Nguyễn Tiến Thanh - “Phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn” -0
Nhà báo Tiến Thanh những lúc thả hồn theo âm nhạc

Nguyễn Tiến Thanh HỎI BUỒN và gỡ mối tơ buồn. Thì ra nỗi niềm ấy là những niệm lành, trú sẵn trong muôn vạn kiếp, chia cho mỗi tâm hồn sầu mộng.

Chúng ta ai chẳng đời trôi với buồn?
Người buồn - ta cũng kệ luôn?
Ta buồn - người vẫn bình thường ngó trông?
Buồn là sắc sắc không không?
Buồn là mê tỉnh, hưng vong, thịnh tàn?

Buồn là tê tái miên man?
Buồn im tháng đợi, buồn vang năm chờ?
Tình buồn - ta trót làm thơ
Ta buồn - tình có thờ ơ với buồn?
Buồn là vui giữa vô thường
Hay mê mải cuối con đường mù sương?

Một mai giã biệt nhé buồn
Còn nghe chớp bể mưa nguồn tiễn đưa?…

Nguyễn Tiến Thanh - “Phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn” -0
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh và các đồng nghiệp tại toà soạn báo Đời sống và pháp luật

Không phải ngẫu nhiên thơ anh xuất hiện nhiều từ Hán Việt. Bởi anh xem đó như một phần chiếc rương kí ức, để cất giấu những “giấc cô miên”, “đời du tử”, “bước thiên di” để “Nhớ một loài hương dị thảo/ Nẻo về hun hút sơn khê”. Anh tự nhận mình là kẻ mang “đời du tử” - người khách đi chơi xa, nhập nhòa, giữa miên du mà nhặt lấy những mảnh vỡ tâm hồn mình, vương sót lại đó đâu giữa chốn nhân gian.

Anh thú nhận, mỗi lần làm thơ anh đều mất ngủ, một mình lêu hêu giữa mỏm hoang vu, cô liêu, thổn thức với màu trăng vỡ, xót xa trước những mất mát tinh thần. Thơ cho anh tìm thấy sự bồng bột và mãnh liệt. Để ra khỏi thơ, anh tỉnh táo trong cương vị một người quản lý, lo đời sống cho nhiều người, khi mạng xã hội từng bước bức tử báo chí.

Bây giờ xa lắc đam mê
Giấc cô miên, lời niệm khúc
Rượu nửa đêm, quán vỉa hè
Dấu chân thiếu thời phiêu bạt

Bây giờ dòng sông nước cạn
Con đò bến vắng rêu phong
Đi qua mấy mùa lá rụng

Hay

Chiều thật buồn riêng của anh thôi
Thành phố trẻ, sao anh ngàn năm cũ
Mưa nắng trĩu vai, bụi đời du tử
Anh hoang vu như gió hoang đàng...

Tôi đọc Nguyễn Tiến Thanh không ít và tự thấy có chút vốn liếng về nỗi buồn anh phả vào thơ đương đại một màu hoang hoải. Nỗi buồn Nguyễn Tiến Thanh, trong sáng và bản năng. Như thể, mẹ khai sinh anh cùng nỗi buồn, đó là thứ gia tài quý với một người thơ. Nó thăm thẳm, vô thủy, vô chung, dù hiện tại anh là người viên mãn.

Thì ra, để đến hôm nay, anh đã đi qua bao bóng tối. Cái trống trải, mất mát của một người sau những cơn bạo liệt tâm can. Trái tim dốc cạn cho khát vọng, đạt được mà vẫn chênh vênh. Tâm hồn người, tận cùng vẫn hun hút gió trăng. Thiếu thốn mới là cảm thức nghệ sĩ. Nỗi buồn làm đẹp và đã đầy cơn khát trong anh.

Buồn Nguyễn Tiến Thanh, mang màu liêu trai, lãng du phiêu bạt, lại có chút hồng trần hiện tại, vừa gần vừa xa, thực ảo, khó nắm bắt. Đó là niềm trắc ẩn sâu kín. Nó giao thoa với nỗi buồn từ vạn kỉ, mang khuynh hướng lãng mạn. Một niềm thanh khiết và tươi sáng, cảm thức sâu sắc về con người và sự sống. Suy cho cùng, buồn là cách anh tự ủ chín mình và khao khát chạm tới một thanh tân, một trung niên, một xuân - thu của tuổi đời.

Tôi đã sống trong phố phường lạ lắm
Những con đường quạnh quẽ mưa rơi
Đến lá úa cũng rụng vào im lặng
Mặt hồ buồn như mắt bạn tôi.

Chợ rất vắng, quán hàng xa nhau lắm
Thế giới mênh mang khép chặt tim người
Những biên giới như hàng rào cửa đóng
Tháng Tư này - tôi nhớ - tháng Tư ơi.

Tôi nhớ lắm trời xanh và mây trắng
Trời của mùa, mây của gió mà thôi
Cà phê đắng - rơi đi - thời gian đắng
Từng giọt buồn hạnh phúc quanh tôi

Nếu tất cả đã không còn nguyên vẹn
Tháng Tư này không giống giấc mơ xưa
Sao không thể hát lên lời cầu nguyện
Hết mưa phùn, rồi sẽ lại... tháng Tư.

Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh có đôi khi như đến từ miền mơ hoang, thoắt ẩn thoắt hiện, tựa hồ cư sĩ ẩn dật, đi - về trong những cảm xúc vô thanh, vô ngã. Tôi đọc mà thấy vương vít khói sương, vơi đầy, dốc cạn; ngẫm ngộ vừa muốn phơi ra, lại cất giấu. Nỗi cô độc bản năng của "loài" thi nhân trong gác trọ cuộc đời, giữa đường mây tứ tán, những hạnh ngộ chợt đến rồi chia xa.

Anh vẽ nên những hạt mưa giăng cuối chân trời vắng, cây xiêu xiêu trong gió, những người cứ nối nhau trên dòng tít tắp, không biết đâu là chốn dừng. Bao ban mai, bao hoàng hôn, bao khuya sâu rồi, anh theo những cơn mơ đi hoang hồn chập choạng đến vậy? Những bến bờ miên du nhập nhòa linh hồn xưa cũ, anh đã ở trọ được bấy lâu?

Có một Nguyễn Tiến Thanh chới với, một Nguyễn Tiến Thanh đem chưng nỗi sầu buồn, giam vào kho gió hồn. Và khi anh đưa tác phẩm đến với độc giả, mối sầu thương lần theo từng ngõ sâu, làm ấm lạnh bao căn kiếp cô lẻ. Câu thơ anh viết như gió mênh mang, như trăng giãi dề, như từng giọt trời thả thánh thót xuống nhân thế mỗi nỗi đầy vơi. Người đã độ mình qua mỗi mùa trăng, tưởng vững vàng, nhưng chỉ cần một cơn đông ập xuống là hồn tơi bời. Người mang nỗi buồn, đi gặp nỗi buồn, để thấy mình hạnh phúc khi còn biết buồn, để yêu thương.

Ta đi về phía mặt trời
Sau lưng ta những mặt người lặng im
- Xin dừng chân phía tàn đêm
Cơn mưa phong kín đường tim gió lùa
Ta đi mòn cả mùa thu
Khoác trên vai những sương mù huyễn du
- Xin dừng chân ngõ mơ hồ
Phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn.

Sẽ là thiếu sót nếu không gọi tên nỗi buồn thanh tân, khi Nguyễn Tiến Thanh còn là một sinh viên Văn khoa, dưới giảng đường Đại học Tổng hợp. Không khí những đêm thơ như tràn vào anh cơn khát. Để anh đọc và nghe thơ như một nỗi cháy bỏng, chàng trai Hà thành tuổi mộng đã bao đêm vương mang một tình thơ đầu đời, đẹp như một làn hương, một đóa quỳnh ứng vào thân phận vô thường của tình yêu. Nhưng phút giây ban đầu xao xuyến khiến anh nhớ mãi về nỗi vụn vỡ. Khúc tình buồn, đẹp và mất mát đến độ câu thơ phải cất lời “Em xin đừng lơ đãng dẫm lên trăng”.

Anh mất ngủ, cùng đêm phiêu bạt
Uống cô miên, khất thực mưa phùn
Quên, nhớ, tiếc, vỗ đàn và hát
May mà còn gặp được quỳnh hương.

May mà còn sương trắng cuối bờ sông
Để anh nhớ mưa nguồn và chớp bể
Quỳnh hương ấy xin đừng bay mất nhé
Em xin đừng lơ đãng dẫm lên trăng

Nhưng mà rượu cứ như là nước lã
Trăng hạ huyền sao nỡ gọi trăng suông
Đêm phố xá nhớ về đêm cư xá
Anh bụi đời đi nhớ một người dưng.

Và Nguyễn Tiến Thanh buồn, cũng là cách để nhớ mình của ngày đã qua. Con người, nếu không trăn trở về bản thân, liệu có thương nổi ai? “Nếu xưa mây trắng đừng bay vội/ Tôi đã bây giờ thôi nhớ... tôi”. Nguyễn Tiến Thanh là người gọi dậy nỗi buồn thơ. Với anh, đôi lúc là nỗi niềm trắc ẩn trước người dưng, nỗi thương vay của một phẩm hạnh thơ. Buồn đến từ vạn kỉ, phảng phất giữa không gian, thời gian, mây gió, thế tục và chính từ căn kiếp người thi sĩ. Nhưng buồn mà không sầu, thương chẳng hề bi lụy. Đọc anh để thấy sự “Phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn” và thấm thía “Từng giọt buồn hạnh phúc quanh tôi”. Nếu không chưng cất nỗi buồn, liệu thơ Nguyễn Tiến Thanh có đẹp và gieo hoài nhớ trong độc giả đến vậy không?

Nguyên Tô
.
.