Nguyễn Cảnh Bình: Giấc mơ lan tỏa văn hóa đọc
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến công nghệ nghe nhìn, làm thay đổi tư duy văn hóa, lối sống của đại đa số người Việt, trong đó có văn hóa đọc. Định hình và phát triển được thói quen đọc sách trong thời đại ngày nay luôn là một bài toán khó, nhưng không có nghĩa là không có lời giải. CEO Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình là một trong những người đang cần mẫn tìm lối đi riêng cho văn hóa đọc sách giữa “ma trận” thông tin 4.0 như thế.
Người gàn của thế hệ
Nguyễn Cảnh Bình là người sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Alpha Books, Omega+ Books và các thương hiệu khác như ETS, Gamma, MedInsight, Sống và Trạm đọc… Anh hiện cũng đang là Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC); Sáng lập và là Viện trưởng Viện lãnh đạo ABG.
Tham gia xây dựng, phát triển nhiều chương trình đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng như Hành trình tri thức, Cùng đọc sách, Đại sứ văn hóa đọc… các hoạt động đào tạo lãnh đạo trẻ và truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên... Từ nhiều năm trở lại đây, anh được biết đến như một diễn giả, một doanh nhân, một nhà hoạt động xã hội sôi nổi, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa đọc.
Để có được thành công như hôm nay, ông chủ chuỗi nhà sách Alpha Books cũng đã trải qua không ít thăng trầm, thậm chí là có những quyết định tưởng như “điên rồ”, như quyết định từ bỏ công chức Nhà nước, một công việc rất ổn định ở Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex sau gần 10 năm gắn bó để dấn thân trên con đường kinh doanh, khởi nghiệp, rồi dấn thân vào kinh doanh bất động sản, sale ô tô...
Tất cả những điều đó, anh gọi là trải nghiệm sống, bởi sau rất nhiều những thử nghiệm, thậm chí là đánh đổi, Nguyễn Cảnh Bình vẫn quyết định rời bỏ tất cả để sống chết với con chữ, với sách vở - như cách anh đã làm, đã đeo đuổi từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, lúc thơ thẩn trên giảng đường Đại học Bách khoa Hà Nội cho đến lúc ra trường, vật lộn với miếng cơm manh áo, lúc nào anh cũng nghĩ về sách vở, với những con chữ luôn nhảy múa.
Sau nhiều năm bầm dập với cuộc sống, lăn lộn với đủ thứ nghề để kiếm sống, và thậm chí là thỏa sức đam mê, Bình vẫn nhận ra rằng, công việc mà anh hướng đến đều xoay quanh hai trục chính là phát triển tri thức và phát triển con người. Nhưng chỉ mang tri thức về thôi chưa đủ, mà theo anh, điều quan trọng nhất là chúng ta chuẩn bị con người như thế nào để tiếp nhận những tri thức ấy. Nhất là, trong thời đại bùng nổ công nghệ số cùng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, con người dần thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin từ sách, báo truyền thống sang các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển văn hóa đọc sách, đặc biệt là trong giới trẻ.
Là một người tâm huyết với sách và văn hóa đọc, Cảnh Bình cũng thừa nhận, ngày nay trong thế giới nghe nhìn và Internet thì hiển nhiên sách giấy không còn vị thế quan trọng như ngày xưa nữa. Song, bản thân anh vẫn tin tưởng rằng, sách vẫn là con đường tri thức bền vững nhất, bởi việc cô đọng tri thức vào trong cuốn sách khó hơn nhiều so với việc nói tràn lan trên mạng. Các phương tiện nghe nhìn giúp cho việc xử lý thông tin nhanh hơn, lan truyền thông tin nhanh hơn nhưng chiều sâu thì không thể so sánh với sách.
“Tôi có thể nói rằng, mặc dù vị thế của sách giấy không còn giữ vai trò độc tôn như khi chưa có Internet nhưng cho đến tận bây giờ, đó vẫn luôn là một nguồn tri thức đáng tin cậy nhất, đáng kể nhất và giúp cho chúng ta trưởng thành”, Cảnh Bình khẳng định.
Cần mẫn lối đi riêng
Dịp tết Nguyên đán vừa rồi, anh về lại quê nhà Nghệ An, nhìn thấy vị trí của nhà sách năm xưa nay đã bị thay thế bởi cửa hàng điện thoại Thế giới di động mà lòng trống vắng, hiu hắt. Cùng với việc xâu chuỗi lại trước đó, khi tổ chức những hội sách và những cuộc trò chuyện, anh nhận thấy quê hương Nghệ An là một trong những tỉnh dẫn đầu về truyền thống hiếu học, cho đến tận bây giờ.
Trong cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc mà anh là người khởi xướng thì Nghệ An cũng là tỉnh có nhiều em học sinh được giải Nhất, Nguyễn Cảnh Bình cho rằng, sẽ không thể phát triển được nền văn hóa đọc trong quốc gia nếu không phát triển tốt ngay trên quê hương và cộng đồng của mình.
Vì thế, anh sẵn lòng dành thời gian để phát triển các hoạt động ở Nghệ An nói chung, và huyện nhà Đô Lương nói riêng. Cũng chính bởi vậy, thời gian này Nguyễn Cảnh Bình đang tìm kiếm sự hợp tác phát triển mảng giáo dục, đào tạo, xuất bản ở Nghệ An. Bản thân anh có ý định muốn mở rộng hoạt động và cũng là cách đóng góp cho quê hương, tập trung vào mảng giáo dục, đào tạo, xuất bản với việc đưa nhiều chương trình học tập, khoa học, ngoại ngữ, toán và tư duy kinh doanh vào các trường học, các tổ chức giáo dục trên địa bàn.
Làm công tác xuất bản, nhưng Nguyễn Cảnh Bình lại nặng lòng với văn hóa đọc sách, và anh luôn nghĩ cách để khơi dậy niềm đam mê đọc ấy trong cộng đồng. Không chỉ bằng con đường truyền thống là đưa sách vào các trường học, khôi phục lại hệ thống thư viện, sách hóa nông thôn mà anh còn len lỏi tìm lối đi riêng bằng chính trong thế giới ảo của nền công nghiệp 4.0, giúp người trẻ đọc sách trong ma trận hỗn độn của dòng chảy thông tin như thế.
Trạm Đọc (tramdoc.vn) ra đời cũng xuất phát từ ý tưởng táo bạo như vậy, để thực hiện sứ mệnh là xây dựng một chuyên trang truyền thông chuyên biệt cho riêng ngành xuất bản, nhằm thông tin sách mới, sách hay đến với bạn đọc nhanh và hiệu quả nhất. Trạm Đọc là một kênh gợi ý các dòng sách chất lượng cho độc giả, đặc biệt đối tượng hướng tới là giới trẻ, để họ biết đến và tìm đọc những cuốn sách hay, ý nghĩa. Bên cạnh việc “lôi kéo” văn hóa đọc sách trên nền tảng cách mạng 4.0, Nguyễn Cảnh Bình còn lặng lẽ ươm mầm, xây dựng và phát triển xu thế đọc, văn hóa đọc đến tận các vùng nông thôn, miền núi.
Tương tự dự án “Sách hóa nông thôn” của Nguyễn Quang Thạch, hiện nay Nguyễn Cảnh Bình và nhóm bạn đang thực hiện dự án “1 triệu cuốn sách”, với tham vọng đem được 1 triệu cuốn sách về nông thôn, thiết lập được khoảng 500 - 1.000 câu lạc bộ đọc sách trên cả nước. Khi tiếp xúc với học trò ở nông thôn, Bình nhận ra các em thực sự khao khát sách nhưng lại ít có điều kiện để đọc. Dần dà, Bình nhận ra, “1 triệu cuốn sách” chỉ là khởi đầu, bởi bạn đọc cần nhiều hơn thế. Bình mong ước rằng, có thể lan tỏa 1 tỷ cuốn sách đến với người dân các tỉnh, thành trên toàn đất nước.
Qua những chuyến đi ấy, Nguyễn Cảnh Bình xót xa khi nhận thấy sự dần biến mất của hệ thống nhà sách tại các địa phương. Vài chục năm trước, khi về quê, có thể dễ dàng bắt gặp những hiệu sách ở phố huyện hay thị trấn nào đó, dù rằng diện tích nhỏ và rất ít đầu sách. Nhưng ngày nay, những hiệu sách kiểu đó đã thưa vắng đi rất nhiều. Hệ thống thư viện dành cho người dân hay trong các trường học lại càng thiếu thốn, sơ sài. Lắng nghe tâm sự của người dân và học trò ở các vùng quê trong những chuyến đi, anh được truyền cảm hứng và trách nhiệm về sứ mệnh lan tỏa sách, tri thức đến cộng đồng. Tất cả những câu chuyện, mong ước về sách vở bạn đọc ở các vùng quê chia sẻ đều lay động trái tim Bình. Đó là những câu chuyện tự nhiên, bột phát nhưng rất chân tình, lay động đến trái tim người tiếp nhận.
Với Nguyễn Cảnh Bình, ở anh vẫn còn những dự định, ấp ủ khác để hiện thực hóa giấc mơ lan tỏa văn hóa đọc sách trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, như mong ước phục hồi mạnh mẽ các hệ thống thư viện tuyến huyện, xã, thôn; thành lập và trao các giải thưởng thường niên về lĩnh vực giáo dục và xuất bản… Và ở cái tuổi 46, Bình tin tưởng rằng, mình vẫn còn đủ thời gian, đủ đam mê để thực hiện, dù con đường anh lựa chọn có phần lập dị, và không ít những chông gai, trắc trở. Nhưng trong tâm trí của mình, Nguyễn Cảnh Bình vẫn tin mình sẽ thành công, như cách anh đã đi trong suốt những năm tháng đã qua của cuộc đời.