Ấn tượng đọc “Suối Cọp”, tiểu thuyết của nhà văn Hữu Ước, Nxb Hội Nhà văn, 2021

Người ta sinh ra không phải là lính...

Thứ Năm, 07/10/2021, 21:29

Trong văn giới hiện đang có tâm thế gặp khó và khó vượt khó khi viết về chiến tranh đã lùi xa. Cũng không có gì lạ khi một thế hệ trải qua lửa đỏ và nước lạnh của chiến tranh bây giờ đã vào ngưỡng thất/ bát tuần, sức lực và tâm huyết không còn cao trào như độ tráng niên. Lớp hậu sinh thì cố gắng hình dung và tưởng tượng chiến tranh theo cách riêng của họ.

Viết chiến tranh sau chiến tranh

Nhưng cũng như trong bóng đá, trong sáng tác văn chương đôi khi cũng có những bất ngờ ở “phút 89”, đó là sự quật khởi của thế hệ U70, 80 vẫn chứng tỏ vững tay nghề khi trở lại đề tài chiến tranh theo cách làm mới. Tác giả Phương Văn đã tung ra tiểu thuyết “Lạc vào giông bão” (Nxb Hội Nhà văn, 2020), viết về chiến tranh trên tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc (về thân phận của những người Việt Nam liên quan đến hậu quả chiến tranh trên đất Mỹ). Xu hướng đào sâu hậu quả chiến tranh in đậm trong “Quay đầu lại là bờ” của Hữu Phương (Nxb Văn học, 2019) - Giải Nhì cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam. Hai tác phẩm này được đón chào khá nồng nhiệt.

image001.jpg -0
Bìa tiểu thuyết “Suối Cọp” của nhà văn Hữu Ước.

Nhà văn Hữu Ước cách đây chưa lâu đã làm nóng văn đàn bằng bộ tiểu thuyết “Kiếp người” (gồm 3 tập: Sống/ Lửa/ Lạnh, ngót 1.500 trang), tưởng đã “rửa tay gác kiếm”, nay lại hiện diện trên văn đàn khi ra mắt “Suối Cọp”. Một cuốn tiểu thuyết, theo tôi, đáng đọc nhất trong năm và có thể lâu hơn nữa. Đề tài “cũ” nhưng “Suối Cọp” được viết theo một nhiệt hứng mới - chiến tranh, với ý nghĩa là một thực tế nghiệt ngã, đáng buồn nhất của thời đại. Chiến tranh hiện lên như nó vốn có trong mối quan hệ với con người, ở đây là những người trẻ tuổi, mặc áo lính, dấu chân của họ in dày đặc trên dải Trường

Sơn. Cảm hứng phân tích hiện thực từ dưới “chiến hào” đến “tổng hành dinh” đã tạo ra một tri nhận thấu đáo về chiến tranh trong tính chất toàn cảnh từ “vĩ mô” đến “vi mô” của nó. Chiến tranh không phải là ngày hội. Đã đành. Chiến tranh cũng không phải là trò đùa của tạo hóa. Tất nhiên. Chiến tranh do con người tạo nên và đến lượt nó hủy diệt con người và sự sống. Cái chết và sự sống trong chiến tranh là tất nhiên nhưng cũng là ngẫu nhiên. Đọc “Suối Cọp” chúng ta cảm nhận được đầy đủ và sâu sắc cái tính chất hỗn mang của một thời bi tráng. Trong đó không thiếu những bi kịch lạc quan.

Người ta sinh ra không phải là lính

Người ta sinh ra không phải là lính. Nhân vật Hữu (đi suốt tác phẩm) con trai Chủ tịch huyện, có ba anh trai đã vào đại học. Ông bố kiên quyết  “bắt” Hữu vào bộ đội. Nhưng: “Mẹ Hữu thì xót xa lắm. Bà không ăn không ngủ được, đêm nào cũng khóc dấm khóc dúi”. Phải hiểu và thông cảm sâu sắc cho tấm lòng bất kỳ người mẹ nào đều không muốn giọt máu của mình đi về phía cái chết. Hữu tòng quân như một lẽ tự nhiên dù cho các phụ huynh mỗi người một ý. Ở đây phải nói đến ảnh hưởng của tinh thần thời đại qua sách vở, nhà trường và những tấm gương sáng ngời đạo đức của các bậc tiền bối anh hùng được xã hội tôn vinh. Mặc dù khi nhận giấy gọi nhập ngũ: “Hữu cũng cảm nhận một tâm trạng chếnh choáng, hẫng hụt và đau buồn, nhưng cũng ý thức được việc nhập ngũ của hắn ở thời điểm này là đúng nhất, lý tưởng nhất”. Phải nói ngay rằng thế hệ thanh niên như Hữu không có cái tâm thế dứt áo ra đi một cách quyết liệt và triệt để như thế hệ trẻ của mùa Thu tháng Tám (1945), họ thậm chí: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Nguyễn Đình Thi - Đất nước).

Thế Cương, nhân vật lãng mạn nhất trong các nhân vật lính trẻ trong “Suối Cọp”. Anh đang là sinh viên năm thứ hai khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giấc mơ của anh là trở thành người làm công tác nghiên cứu văn học. Nhưng chiến tranh cắt ngang số phận anh và người yêu Mai Nhung (tham gia Thanh niên xung phong, đi vào chiến trường để được gặp người yêu, cuối cùng cô đã hi sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ).

Trong “Suối Cọp”, tác giả hướng ngòi bút của mình viết về “bài ca người lính”  đó chính là bài ca về tình yêu bất diệt mà chiến tranh và cái chết rình rập đe dọa không hề làm những người lính nhụt chí và xao nhãng. “Suối Cọp” về hình thức là tiểu thuyết chiến tranh. Nhưng bản chất của nó là tiểu thuyết tình yêu. Đó là tình yêu của những “cặp đôi” độc đáo: Đại đội trưởng Thuần - Bác sĩ Liên, Hoàn -  Y tá Lan, Thế Cương - Mai Nhung, Hữu -  Y tá Lệ. Tất nhiên tình yêu của người lính được nhà văn hun đúc, vun xới bằng tình người, nhưng tiến thêm một bước, nó được tô đậm bằng tính người trong hình hài của bản thể.

Đại đội trưởng Tuần từ ngày vào chiến trường không khóc, đôi lúc tưởng như nước mắt đã khô kiệt. Nhưng anh đã lần đầu khóc khi dám cho cánh lính trẻ trực diện ngắm “tòa thiên nhiên” của một cô gái trẻ được đánh thuốc mê nằm trên bàn chờ ca phẫu thuật cắt ruột thừa: “Đứng ở một góc khuất trong hang, Đại đội trưởng Tuần nhìn những gương mặt thiêng liêng nghiêm trọng có phần căng thẳng của đám lính trẻ của anh. Một cảm giác xót xa, buồn và đau đớn bất chợt đến làm anh tức thở”.

Y tá Lan đã tự nguyện giúp một người lính trẻ “trở thành đàn ông” khi đơn vị tổ chức lễ truy điệu sống cho người này trước khi anh bước vào một trận đánh cảm tử và cần thiết phải hy sinh. Ngay Chính trị viên đại đội Mão là con người nghiêm khắc nhưng khi chứng kiến cảnh đôi trai gái (Hoàn - Lan) yêu nhau thắm thiết đã quay lưng để họ được sống trong tình yêu giữa thiên nhiên (dù sau đó kỷ luật Hoàn rất nặng). Ngay tình cảm của Đại đội trưởng Tuần với bác sĩ Liên cũng trái khoáy, éo le (vì Liên không tự nguyện) nhưng ngòi bút tác giả vẫn nâng giấc, chăm bẵm quan hệ tình cảm của lứa đôi (kể cả khi Liên đã hy sinh).

Tác giả cũng mạnh dạn cho Toàn, một chiến sĩ trẻ “tự sướng” trong một cảnh ngộ hi hữu sau khi ngắm nghía những “phụ tùng” của chị em. Cái chết của chiến sĩ Hoàn dù được miêu tả một cách đau đớn chưa từng thấy trong các trang sách về chiến tranh đã từng có (chết trong khi yêu), nhưng không gợn một chút nào về mặc cảm xấu xa, tội lỗi. Trái lại, người đọc càng thương cảm và chia sẻ.

Người ta sinh ra không phải là lính nhưng khi đã khoác bộ áo lính chiến đấu cho một lý tưởng chính nghĩa thì họ đã trở thành những con người chân chính trong nghĩa rộng của từ này. Nói cách khác, viết về “con người trong con người” chính là ý đồ nghệ thuật của nhà văn Hữu Ước, ý đồ đó đã được hiện thực hóa và thành công.

Khi viết về “tình người và tính người” trong mỗi người lính chiến đấu vì lý tưởng chính nghĩa, những trường đoạn về tên tù binh Mỹ tên Tom rất hấp dẫn và quan trọng. Ở đây không đơn thuần là vấn đề chính sách tù binh chiến tranh. Vấn đề quan trọng và có ý nghĩa hơn cả là truyền thống đạo lý của người Việt Nam “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo”. Nhân nghĩa mà mỗi người lính trên chiến trường thực thi đã tạo nên sức mạnh của chính nghĩa.

Bút pháp mới của tiểu thuyết

Nếu trong “Kiếp người” nhà văn triệt để sử dụng bút pháp hiện thực - tâm lý thì trong “Suối Cọp” bút pháp nghiêng về trữ tình, dẫu cho yếu tố hiện thực - tâm lý vẫn không phai nhạt, nói cách khác cả ba yếu tố hiện thực - tâm lý - trữ tình hòa bện, thẩm thấu, tôn tạo nhau. Nếu trong “Kiếp người” thiên nhiên xuất hiện “khiêm tốn” thì trong “Suối Cọp” nó lan tỏa, kề cạnh, che chở, bao bọc con người (trong những cận cảnh của tình yêu giữa thiên nhiên). Những trường đoạn về cặp vợ chồng Voi được miêu tả đặc sắc trong mối quan hệ với con người, đặc biệt với người lính. Những cánh rừng Trường Sơn trở thành một biểu trưng cho không gian nghệ thuật được khai thác triệt để làm nền, phông cho mọi hoạt động của con người trong một quá khứ oai hùng vẫn đổ bóng xuống hiện tại: “Tang tảng sáng, cả rừng núi Trường Sơn phủ một màn sương mỏng, nhợt nhạt bỗng có một đám mây màu hồng hiện lên tỏa sáng ở cái khoảng trống giữa nghĩa trang Trường Sơn. Và, liền đó vang vọng tiếng những bước chân đi rầm rập của cả một đoàn quân đang hành quân mà không thấy bóng người...”  (Phần kết).

 “Suối Cọp” được viết theo phép “tỉnh lược”, có cái dáng vẻ gọn ghẽ, năng hoạt. Không gian và thời gian nghệ thuật được tập trung, cô đặc bằng những “điểm nhấn”, những “cú đấm nghệ thuật” có chủ đích rõ ràng - hướng ngòi bút “tìm vào nội tâm”, phát huy triệt để cái nhìn “từ bên trong” để tái hiện đời sống tâm hồn người lính. Để viết thành công bài ca tình yêu bất tử về người lính.

“Suối Cọp” thật sự là một tiểu thuyết hấp dẫn và có thể “đọc một hơi” như cách đọc một truyện ngắn hay.

Bùi Việt Thắng
.
.