Người phàm lấy tiên - Khát vọng hạnh phúc!
Hầu như nền văn học nào cũng có truyện người phàm lấy tiên, hẳn nhiên tần số xuất hiện nhiều hơn trong văn học dân gian và văn học viết trung đại. Kiểu truyện này phổ biến để rồi trở thành một mô típ chung mà nếu bóc cái vỏ huyền thoại sẽ thấy cái lõi sự thật là một hiện thực bất như ý và cái khát vọng mãnh liệt của con người về hạnh phúc. Ở các nước gần gũi có những truyện gần như trùng khít nhau.
Điều này dễ lý giải, một là do tiếp biến văn hóa, càng gần nhau sự tiếp biến càng mạnh mẽ, nhanh chóng. Hai là, do sự tương đồng lịch sử, như một nguyên lý, văn chương luôn là hơi thở, là tiếng nói của thời đại. Ba là, ở đâu cũng thế con người đều chung một hằng số hạnh phúc. Ước mơ, khát vọng giống nhau sẽ sản sinh ra các hình tượng giống nhau. Điều này cũng lý giải vì sao có những nền văn học quá xa nhau, không có dấu vết của tiếp biến văn hóa mà vẫn có những cổ tích giống nhau…
Tất nhiên chẳng có “tiên” nào cả nhưng sức tưởng tượng của con người thì không giới hạn nên “không thèm lấy” người trần phàm mà lấy hẳn “tiên” cho thỏa. Có một thực tế là trong thời phong kiến lấy vợ rất khó khăn, với người quá nghèo thì gần như là không thể. Vì đó là cái thời đa thê, đàn ông được lấy nhiều vợ. Mà vợ thì gần như là bỏ tiền ra mua (tiền chạm ngõ, tiền cheo, tiền hỏi, tiền cưới, tiền lại mặt…). Kẻ càng giàu càng dễ có nhiều vợ. Với người nông dân làm thuê cuốc mướn thì tiền đâu ra… (!?). Không lấy được người trần thì đi lấy “tiên”. Đó là ước mơ rất đẹp của cổ tích, cũng là sự phản kháng gián tiếp của người nghèo với kẻ giàu. Điều này cắt nghĩa mô típ người phàm lấy tiên hầu như chỉ có trong cổ tích và hầu hết là lấy “vợ tiên”, chứ không phải “chồng tiên”!
Ở Việt Nam, cổ tích người Kinh và một số dân tộc Tây Nguyên có truyện “Nàng tiên thứ chín” chung cốt truyện là một bà lão nghèo rất buồn vì con trai đã lớn mà không thể lấy vợ. Một hôm bà mơ thấy ông tiên đến nói ngày mai bảo con trai ra suối sẽ gặp chín nàng tiên xuống tắm. Muốn lấy ai làm vợ chỉ việc lấy đôi cánh của nàng đó giấu đi.
Quả thật con trai bà lấy được cô tiên thứ chín (Giáng Hương) xinh đẹp vô cùng. Họ yêu nhau và đẻ được đứa con trai kháu khỉnh. Nhưng nhà Trời chẳng để yên nên sai Thiên Lôi xuống bắt nàng Giáng Hương về trị tội vì dám lấy người trần. Có dị bản kể vô tình Giáng Hương tìm thấy đôi cánh của mình giấu trong cót thóc, cộng với nỗi nhớ nhà nên nàng bay về trời. Nhưng hầu hết các truyện kể Giáng Hương bị Trời bắt về thì logic hơn với chủ đề truyện và tâm lý nhân vật.
Nhớ vợ, nhớ mẹ hai cha con quyết đi tìm. Được ông tiên cho con chim sắt bay lên Trời nhưng đến bờ sông Hằng thì gặp gió bão không thể bay tiếp. Nhà Trời ra các điều kiện vô cùng khó khăn nhưng được ông tiên giúp họ đã lên tới Trời và đoàn tụ hạnh phúc. Có truyện đẩy tưởng tượng đi rất xa kể người chồng còn thay Ngọc Hoàng làm vua Trời nên từ đó mưa nắng phải thì, mùa màng tươi tốt… Lại có bản kể Trời thách làm cái nhà bằng kim cương ở giữa sông Hằng nhưng người chồng vẫn làm được. Thấy nhà đẹp Ngọc Hoàng và quan lại triều đình nhà Trời tranh nhau ra ngắm nghía thì bị sóng gió đánh sập. Cả lũ chết trôi ra biển. Thật đáng đời. Người chồng bèn lên ngôi Ngọc Hoàng…
Các bản kể thì khác nhau nhưng chủ đề thì giống nhau là cái khát khao hạnh phúc của con người được thỏa mãn và lũ thống trị ác bá bị trừng trị. Các dị bản đều đi theo mô hình cổ tích: gặp gỡ - thử thách - đoàn tụ và cái kết thật viên mãn, từ rất nghèo không thể có vợ mà lại lấy được “vợ tiên”, thậm chí còn được làm vua nữa. Không chỉ là những ước mơ thật đẹp, đó còn là một định nghĩa về hạnh phúc: có may mắn (tiên giúp đỡ); có nhà cửa; có vợ đẹp, con khôn; thêm nữa thì có “quyền cao chức trọng”… Đến nay ước mơ này, định nghĩa này có lẽ vẫn chưa lạc hậu (!?).
Đi vào văn học viết, chịu sự quy chiếu của tri thức hàn lâm nên hình tượng được thay đổi, chất tố cáo trí tuệ nhiều hơn nhưng chất bay bổng lãng mạn giảm đi. Trong “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ có “Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên” nếu so sánh truyện này với cổ tích “Sự tích động Từ Thức” thì khó xác định truyện nào trước truyện nào sau.
Truyện kể năm Quang Thái đời Trần, có người Hóa Châu (Thanh Hóa nay) tên Từ Thức làm tri huyện Tiên Du. Làm quan nhưng say mê cái đẹp, cái lạ nên Từ Thức hay đi vãng cảnh. Một lần đến chùa thấy có người con gái xinh đẹp tuyệt vời vì vô tình vin vào cành hoa quý không may làm gãy mà bị bắt giữ, Từ Thức bèn cởi áo gấm chuộc lỗi cho người con gái ấy.
Chán cảnh quan trường Từ Thức trả ấn tín đi chu du khắp nơi. Lần ấy lạc vào một hang động đẹp như cõi tiên, chàng gặp lại người con gái cũ (Giáng Hương). Họ nên vợ nên chồng. Một năm sau, nhớ quê Từ Thức nói với vợ về thăm. Không cản được chồng, Giáng Hương chỉ biết khóc và gửi theo một phong thư. Về quê không ai biết chàng, vì một ngày cõi tiên bằng ba năm cõi trần. Bùi ngùi, thẫn thờ chàng mở thư vợ mới biết đây là bức thư vĩnh quyết. Chàng bỏ đi vào núi… Về sau người đời gọi động tiên nơi Từ Thức lấy vợ tiên là động Từ Thức, nay thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa.
Nhân vật chính của truyện là mẫu người quân tử đáng mơ ước, thuộc tầng lớp quan lại nhưng có học, thích tự do, không tham tiền tài danh vọng, có tâm hồn nghệ sĩ biết yêu cái đẹp, trượng nghĩa, biết thương người, giúp người, cứu người. Truyện để lại nhiều dư âm đáng suy nghĩ: Thì ra cõi tiên, cảnh tiên, người tiên cũng không bằng “quê nhà”. Cái đáng quý nhất là cuộc sống đang có. Nhất là triết lý về thời gian và hạnh phúc, đúng như câu thơ của Nguyễn Du: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Sống trong hạnh phúc thì thời gian luôn trôi nhanh, do vậy mà hãy cố gắng giữ gìn hạnh phúc!
Nguyễn Dữ có ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa không? Rất có thể là có. Vì xứ Trung Hoa có nhiều truyện cùng mô típ người nghèo lấy được tiên tiêu biểu như truyện “Đổng Vĩnh” trong “Liệt tiên truyện” của Lưu Hướng (đời Hán). Riêng truyện về “Lưu Thần, Nguyễn Triệu nhập Thiên Thai” có trong nhiều sách như “Sưu thần ký” của Can Bảo, trong “U minh lục” của Lưu Nghĩa Khánh… Hai nhân vật chính là những nho sĩ Lưu Thần, Nguyễn Triệu một hôm vào núi Thiên Thai hái thuốc.
Càng đi càng thấy nhiều thuốc quý, mải mê hai chàng lạc vào một động gặp hai nàng thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần xưng là Ngọc Chân và Ngọc Hoa người tiên. Họ lấy nhau trong hạnh phúc nồng nàn. Nửa năm sau, nhớ nhà nhớ quê hai chàng xin được về thăm. Níu giữ không được, hai nàng cũng chỉ biết khóc. Họ về đến quê thì cảnh vật thay đổi quá nhiều. Nửa năm tiên giới bằng bảy đời trần gian. Không người nào biết mình là ai, hai chàng ngậm ngùi quay trở lại động tiên... Nhưng động tiên đã khép. Họ thẫn thờ buồn bã trở ra… Truyện này còn có tên là “Thiên Thai” tức nơi tiên ở.
Cảm hứng từ tích này mà Nguyễn Du cho nàng Kiều chủ động sang nhà Kim Trọng: “Sẵn tay mở khóa động đào/ Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai”. Ngày xưa các chàng Lưu Nguyễn “mở động”, đến thời Kiều thì nàng chủ động “mở”. Thật hiện đại, mới mẻ. Đến thời Tản Đà hình như lại quay về cổ điển trong bài “Tống biệt”: “Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai/ Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi/ Nửa năm tiên cảnh/ Một bước trần ai/ Ước cũ duyên thừa có thế thôi/ Đá mòn, rêu nhạt/ Nước chảy, huê trôi/ Cái hạc bay lên vút tận trời/ Trời đất từ đây xa cách mãi/ Cửa động/ Đầu non/ Đường lối cũ/ Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...”.
Bài thơ đưa người ta trở về với cảnh xưa gần như nguyên thủy tuyệt đối. Không thấy có “người tiên” nhưng đều có cảm giác đó là nơi tiên ở. Không chỉ là cái “ngậm ngùi” của người xưa mà người đọc cũng thấy “ngậm ngùi”. Nhờ cái tích điển cố đầy lãng mạn hay nhờ thơ hay mà đã tạo ra sự truyền cảm ấy. Chỉ biết, là người trần chắc ai cũng muốn thử một lần được như Lưu Nguyễn ngày xưa!
Hầu hết các truyện đều chung phần kết vì nhớ cảnh trần gian mà nhân vật xin trở về quê nhưng xa cách quá lâu không ai còn biết nên đành bỏ đi vào núi. Kết cấu khá hiện đại này tạo ra khoảng trống dành cho bạn đọc. Nhưng cũng là hợp lẽ bởi đã lấy tiên, sống nơi cảnh tiên tức đã được “tiên hóa” nên không thể sống chung với trần gian bụi bặm. Bỏ đi - cũng là một cách bất tử hóa cái khát vọng về hạnh phúc. Mà đã bỏ đi còn gặp lại thì… vô duyên!