Người mơ mộng của xứ Mường
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Tiến Xô xúc động ôm cái chiêng dàm vào lòng y như nâng niu, trân trọng một đứa trẻ chứa đựng sức mạnh tiềm năng linh khí vô biên. Anh thật thà lên tiếng: "Này, không riêng gì bà con xã Vĩnh Tiến thuộc đất Mường Động (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình bây giờ) nơi tôi đang sinh sống mà người dân của các Mường khác họ bảo tôi là cái anh "cổ hủ"; cái thứ người "dở hơi" không chỉ thuộc dạng "đầu bảng" của tỉnh Mường Hòa Bình mà còn "nhất Vịnh Bắc bộ" đấy ông ạ!".
"Tự thưởng" cho mình một cái cười nhạo, Bùi Tiến Xô ung dung rời chiếu cùng với cái chiêng cổ. Anh tiếp tục "luận tội" mình bằng cái giọng hào sảng, nửa đùa nửa thật. Rằng thì, kinh tế thị trường diễn ra một thời gian ngắn, những ngôi nhà sàn Mường truyền thống bị người ta "hô biến". Thay vào đó là những ngôi nhà bê tông. Ấy thế mà Bùi Tiến Xô lại bỏ tiền ra dựng một ngôi nhà sàn Mường truyền thống, chỉ để làm nơi lưu giữ chiêng cồng. Rõ là ông ta "hâm tỷ độ" rồi còn gì nữa.
Rồi nữa, ai đời, vợ con đang trong lúc cơ hàn, bĩ cực không để đâu hết, thế mà "đánh đùng" một cái chỉ sau một "đêm trắng", sáng hôm sau ông ta gọi người bán ngay đàn bò tám con đang "tuổi ăn tuổi lớn". Và là niềm hy vọng chứa chan của vợ con về một tương lai không phải "giật gấu vá vai" nhờ tám con bò ấy. Có tiền bán bò cộng với món tiền vay mượn được của anh em bạn bè, Bùi Tiến Xô "rước" về một dàn chiêng cổ trong nước mắt tức tưởi của vợ con. Trần đời này, chỉ có cái lão "dở hơi" Bùi Tiến Xô mới có hành động "chả giống ai" như thế thôi!
Đôi mắt tinh anh, trải đời của Bùi Tiến Xô chợt loang loáng nước. Hướng cái nhìn về một miền xa thăm thẳm, Bùi Tiến Xô bồi hồi trở lại với dòng hồi ức tinh khôi. Cuộc sống và văn hóa Mường là thứ mạch nguồn tự nhiên thuần khiết ngấm dần trong tâm hồn Bùi Tiến Xô từ ngày còn chưa biết thế nào là chơi khăng đánh đáo. Rồi thì đã có không biết bao đêm trời, Bùi Tiến Xô được xách cây đèn măng sông lũn cũn theo cha đi hát trong những đêm hội trong và ngoài vùng Mường Động.
Trong lúc tuổi thơ đầy hồn nhiên của một cậu bé người Mường đang lớn dần lên cùng chất thi ca và âm thanh muôn điệu, muôn lời của chiêng cồng Mường thì một bất hạnh đã xảy ra với Bùi Tiến Xô. Đó là khi người cha - "kho - tàng - văn - hóa - Mường" - của anh đột ngột qua đời. "Của để dành" mà người cha ấy để lại cho Bùi Tiến Xô chỉ đơn giản một cây đèn măng sông với chiếc chiêng Mường cổ, những câu dân ca Mường. Giấc mơ tìm kiếm kho báu của cha ông ngày một lớn dần trong tâm hồn trong trẻo thuần khiết của Bùi Tiến Xô.
Trở lại với khách cùng chiếc chiêng cổ (mà sau này tôi mới hay, chiếc chiêng đó có tuổi đời hơn 400 năm) ôm ấp trong vòng tay, bất giác Bùi Văn Xô trở nên mơ màng thi vị. Thế rồi điều bất ngờ xảy ra trong cái giây phút huyền diệu khi bàn tay của Bùi Văn Xô trịnh trọng xoa nhẹ lên cái vú chiêng. Những âm thanh của hồn thiêng núi rừng mang ngôn ngữ đặc trưng chiêng cồng xứ Mường đột nhiên bừng thức, ngân nga vang vọng trầm bổng nhặt khoan.
Nghệ nhân Bùi Tiến Xô thổ lộ, lúc người nghệ nhân xoa tay lên núm chiêng cổ ấy chính là khi anh cầu hồn (gọi) chiêng trở về. Đó là sự bí ẩn của những chiêng cổ xứ Mường. Núm chiêng chính là linh hồn của văn hóa Mường. Nơi ấy hội tụ cái phần hồn di sản của người Mường được kết tinh từ cái thuở "Đẻ Đất - Đẻ Nước". Khi người nghệ sĩ trân trọng chạm vào núm chiêng là khi di sản văn hóa Mường được nâng niu đánh thức.
Bùi Tiến Xô kể, cơ duyên đầu tiên để anh có được hai chiếc chiêng cổ đầu tiên trong đời đến vào năm 1976. Ngày đó Bùi Tiến Xô 26 tuổi. Khi ấy anh vừa cưới cô gái Mường đẹp người đẹp nết. "Tuần trăng mật" còn chưa hết, một gia đình tại bản Lác, huyện Mai Châu (Hòa Bình) xa xôi thuê Bùi Tiến Xô và những người bạn của anh dựng cho họ ngôi nhà sàn. Người vợ phấp phỏng mong những đồng tiền công làm thuê mà chồng sẽ mang về để cô có cái sắm sanh những vật dụng cần thiết cho đôi vợ chồng son.
Nhưng rồi gần ba tháng sau, thứ mà Bùi Tiến Xô "tha" về nhà không phải là những đồng tiền đẫm mồ hôi nước mắt của mình mà là hai chiếc chiêng màu đồng. Cả hai đã bị ô xi hóa. Lý do là bởi, khi thanh toán tiền công cho đám thợ, đến lượt Bùi Tiến Xô thì chủ nhà nhẵn túi đành lấy chiêng ra gán nợ cho anh.
"Thú thật với ông, lúc đó tôi cần có tiền mang về cho vợ - Bùi Tiến Xô bộc bạch - Nhưng vừa nhìn thấy hai chiếc chiêng bị chủ nhà "hô biến" thành "chổi cùn rế rách", bỗng dưng tôi nhớ tới điều mà cha mình nói trước lúc nhắm mắt xuôi tay. Rằng, nếu không còn chiêng cồng; nếu những câu dân ca không còn trong trí nhớ của người Mường Động, Mường Vang,… thì người Mường chẳng còn là mình nữa. Nhớ lời cha dặn thì nhận chiêng gán nợ thôi chứ tôi nào đâu biết, hai cái chiêng "rách" ấy lại có tuổi đời 400 năm cơ chứ!".
Kể từ cái đận ấy, cuộc đời Bùi Tiến Xô bắt đầu những năm tháng lặn lội "trên từng cây số" tới không chỉ mọi ngóc ngách bốn xứ Mường của tỉnh Hòa Bình. Anh đã trải qua cả một núi tướng những hỷ - nộ - ái - ố. Sau rất nhiều năm "đổ mồ hôi sôi nước mắt". Thậm chí đổ cả máu, để rồi bây giờ Bùi Tiến Xô sở hữu tới 55 chiếc chiêng cổ thuộc hàng vô giá, có "tiền tấn" cũng chẳng thể mua được. Trong đó có một chiếc chiêng có được sự phân ngôi âm thanh cực kỳ chính xác. Và điều kỳ ảo thiêng liêng vô cùng tận xảy ra ở chỗ: khi tấu lên, một mình nó hoàn toàn thay thế âm thanh cho cả một dàn chiêng Mường truyền thống.
*
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Tiến Xô trải lòng, anh sưu tầm cồng chiêng về không phải để ngắm. Với anh, cồng chiêng được bảo tồn song không có cơ hội phát triển thì rốt cuộc, đó cũng chỉ là một thứ di sản chết, vô giá trị. Chiêng Mường phải để cho người Mường gọi hồn ông cha trở về vui với con cháu. Hồn chiêng là hồn người trao gửi cho thế gian này, với những nỗi khát khao về một tương lai tươi sáng.
Dẫu đã sở hữu mấy chục chiếc chiêng vào hàng vô giá dù vậy, nghệ nhân Bùi Tiến Xô vẫn chưa thể may mắn có được những giấc ngủ an yên. Kinh tế thị trường xuất hiện, những người biết đánh chiêng của Mường trong Mường ngoài lần lượt thay nhau đi hầu ông bà ông vải. Còn những người trẻ họ chỉ ưa thứ nhạc "chát xình chát bùm bùm" chứ nào còn mặn nồng gì với âm nhạc truyền thống.
Với nỗi bất an ngày một dày thành kén trong lòng rằng, trong tương lai nếu con cháu Mường không một ai còn biết gọi hồn chiêng thì một ngày không xa, chiêng cồng chỉ còn là một thứ "đồ thừa bỏ đi". Thế là Bùi Tiến Xô quyết định truyền dạy nghệ thuật đánh chiêng. Năm 2005, anh chọn xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi của tỉnh để mở lớp trao truyền đầu tiên.
Song việc ấy không hề dễ dàng với Bùi Tiến Xô. Kiên trì, nhẫn nại không hề biết mệt mỏi, cuối cùng Bùi Tiến Xô đã mở được ba lớp trao truyền nghệ thuật đánh chiêng với số thành viên tham gia hàng trăm người. Những "em bé quàng khăn đỏ" tuổi lên chín, lên mười tham gia lớp học của Bùi Tiến Xô không hề ít, vậy đấy!
Hàng ngày bươn chải với nghề hàn xì để góp thêm "đồng tiền bát gạo" với vợ, liên tục những năm gần đây, Bùi Tiến Xô "vô tư" nhập vai "người vác tù và hàng tổng" bằng việc tới các huyện Lạc Sơn, Đà Bắc, Tân Lạc và thành phố Hòa Bình để tìm và mở những lớp dạy cồng chiêng miễn phí. Người dạy và người học đến với nhau hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện và tự giác. Bùi Tiến Xô cũng chẳng ngại ngần "vác" những chiếc chiêng quý của mình đi cho học sinh thực hành.
Tôi bảo với Bùi Tiến Xô, "đơn thương độc mã" làm cái việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Mường Hòa Bình chẳng lẽ ông không có cảm giác cô độc, lẻ bóng hay sao? Sau cái cười đầy tự tin và lạc quan, người nghệ nhân ưu tú ấy thủng thẳng dốc lời gan ruột: "Ờ thì mình hãy cứ "vô tư" làm tất cả những gì có thể vì mọi người đi. Rồi thì mọi người sẽ chia sẻ với mình thôi mà!". "Một người vì mọi người. Mọi người vì một người!". Hóa ra ngay ở cái thời 4.0 này, câu ấy chả hề "muôn năm cũ" với Bùi Tiến Xô. Mà xem ra, cái cách bảo tồn, phát triển di sản văn hóa của Bùi Tiến Xô thật đáng để tâm suy ngẫm đấy chứ? Phải vậy chăng?