Người hiền tài sống trong ngõ nhỏ

Thứ Tư, 26/01/2022, 15:05

Hà Nội đã chuộc lại những phận người cơ nhỡ, người bỏ phố, bỏ ngõ ra đi. Nghệ sỹ thực tài thì còn có ca khúc lời ru, những bài ca bất hủ. Riêng những phận đời bình thường thì tìm cách quay đầu về phố. Hà Nội vẫn bao dung, người phụ đất chứ đất không phụ người. Đất lượng thứ với nghịch cảnh con người từng bỏ phố ra đi.

Nhà tôi sang ngõ chợ Khâm Thiên chỉ cần đi bộ qua mấy thảm cỏ trong công viên Thống Nhất là tới; cách mấy sải tay nữa là ga Hàng Cỏ. Lúc nào đi chợ tôi cũng nhìn thấy nắng ngay dưới chân, có lẽ vì phía phố Khâm Thiên còn chưa có nhiều nhà cao tầng.

Buổi trưa ở ngõ chợ Khâm Thiên “nắng được thì cứ nắng” như Phan An Sa, con trai nhà văn Phan Khôi từng mong đợi, cái nắng trong hồn người ra đi. Chữ nghĩa còn để lại, ngõ chợ Khâm Thiên xưa, là nơi nghệ nhân Quách Thị Hồ, sống trong cái phòng không gian bé như cái hộp diêm, mà giọng ca trù “hồng hồng tuyết tuyết” còn ngân rung, một thuở sáng danh tên tuổi bà. Ngõ chợ Khâm Thiên đi sâu nữa là ngõ nghèo Trung Phụng, xửa xưa nhiều ao bèo, mà dân ngụ cư mua đất lấp ao xây nhà, giờ đã khó nhìn thấy ao có nắng trưa. Nghệ nhân Quách Thị Hồ, có rơi vào quên lãng trong văn hóa ca trù?

untitled-15.jpg -0
Đài tưởng niệm trên phố Khâm Thiên.

Mới đây nữa, nhạc sỹ tài hoa Phú Quang ra đi người đời lại nhắc nơi ông từng ở ngõ chợ, một thuở ngõ nghèo nuôi rất nhiều người hiền tài. Như nhà văn Tô Hoài ở ngõ Đoàn Nhữ Hài; Văn Cao ở ngõ Vũ Hữu Lợi, phố Yết Kiêu, nhà văn Kim Lân, Nguyễn Đình Thi ở ngõ Hạ Hồi, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ở trong ngõ của phố Trần Khát Chân, nhà văn Vũ Bão ở sâu trong ngõ Quỳnh…

Người hiền tài hay sống trong ngõ nhỏ. Người hiền rời ngõ đi kiếm sống không chỉ có “xác xơ mới trở về”, mà những ngày xác xơ như nhà văn Vũ Bão, Nguyễn Xuân Khánh, đến nghèo như nhạc sỹ Văn Cao chỉ thèm môt chén rượu suông cũng không có, mà vẫn “từ nay người biết thương người”.

Một họa sỹ Bùi Xuân Phái sống trong ngõ hẹp ở phố Thuốc Bắc, bao năm đi khuân vác ở hậu đài phía sau sân khấu, chỉ mơ kiếm đủ năm cái bánh mì cho gia đình bữa trưa. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Phùng kể về họa sỹ Phái, còn nhớ day dứt ngõ hẹp, chốn ở ẩn của người hiền. Một ngõ Trạm xưa vẫn còn đó viên gạch cũ mòn vẹt, minh chứng cho thời gian lối lên cầu thang tầng hai, nơi ghi dấu bao nhiêu năm nữ họa sỹ Kim Bạch vẽ chân dung và vẽ hoa tàn.

Hà Nội có phận người với ngõ, dấu vết của mùa lá sấu đổ vàng trên phố Phan Đình Phùng, mùa hoa sữa lay lắt phố Nguyễn Du, nó đậm đặc, quánh lại trong hồn người, tới nỗi người xa cố hương cuối đời đã cố dành dụm tiền để trở về Hà Nội nhìn ngõ phố lại một lần trước khi rời dương thế.

Chị Hòa An là một người nhớ Hà Nội như thế. Chị từng sống lưu vong ở nước Nga bao nhiêu năm, mang giấc mộng lá phong đỏ và tuyết trắng xóa… Ngâm chân trong tuyết, đi chạy chợ bán hàng, từ thời buôn áo gió Việt Nam đến nồi áp suất, quạt tai voi Nga. Buôn bán dành dụm để rồi trắng tay sau vụ cháy chợ, lại xả thân trong tuyết bán hàng để có tiền trở về Hà Nội, quyết mở bán hàng oline thực phẩm Nga trong căn hộ thuê tồi tàn ở một chung cư cũ. Cuối cùng chị đã thấy Hà Nội  đã thuộc về mình với phố xá xưa. Hà Nội còn chuộc lại hồn chị khi chị rời xa mơ mộng đổi đời. Hơn hai mươi năm ở nước Nga, chỉ mơ Tết về làm nguyên món bún thang mẹ dạy, rồi món ốc nguội nấu dấm bỗng với nước mưa, để nguội ăn với bún đêm trăng. Ngày xưa nhà văn Nguyễn Hà đã viết về bún ốc nguội, đọc đến đâu tứa nước miếng đến đó vì thèm.

Hà Nội đã chuộc lại những phận người cơ nhỡ, người bỏ phố, bỏ ngõ ra đi. Nghệ sỹ thực tài thì còn có ca khúc lời ru, những bài ca bất hủ. Riêng những phận đời bình thường thì tìm cách quay đầu về phố. Hà Nội vẫn bao dung, người phụ đất chứ đất không phụ người. Đất lượng thứ với nghịch cảnh con người từng bỏ phố ra đi. Có rất nhiều người rời Hà Nội mơ về viễn cảnh xứ cờ hoa, mơ về sự đổi đời từ nước Mỹ, nước Nhật, nước Nga. Có người thành đạt, lại có người không thành đạt. Khi không thành đạt, xác xơ trở về, Hà Nội vẫn ấm áp đón họ như đứa con quay đầu trở lại, vỉa hè bán nước, hay chạy xe ôm, hay làm thợ may hàng chợ để sống? Phố, ngõ vẫn cưu mang người.

Mùi Tết ở chợ ga Hàng Cỏ vẫn còn đầy lá dong xanh ở chợ Ngô Sỹ Liên. Ô mai Hàng Đường vẫn xuất khẩu đi các nước Đông Âu, và phở Hàng Đồng nửa thế kỷ chưa đóng cửa. Ngõ phố Hà Nội bình dị vẫn có cách giữ chân người, hồn người từ phố Phái hội họa, đến âm nhạc Phú Quang, hay thơ Lưu Quang Vũ, đến chiếc xe kéo thời loạn lạc của Tô Hoài, đến món quà vặt của Thạch Lam… mãi bảo tàng trong cúc áo ngực của người Hà Nội, dù ai đó chưa “đi ngang cửa”, dù ai đó chưa trở về, ngõ phố Hà Nội xưa vẫn còn là ký ức trong văn chương và âm nhạc không lời.

Hoàng Việt Hằng
.
.