Ngọc tỏa sáng trong văn học!

Thứ Sáu, 25/11/2022, 14:05

“Truyện Kiều” có 26 lần nói đến hình tượng ngọc chủ yếu là ẩn dụ chỉ người đẹp, cụ thể là nàng Kiều tài sắc vẹn toàn: “Rằng mua ngọc đến Lam Kiều”; một dáng đẹp tuyệt trần thì: “Càng nhìn vẻ ngọc, càng say khúc vàng”; một người đẹp gặp bi kịch: “Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi”... “Ngọc” còn để chỉ cách ăn nói văn chương trôi chảy, bay bướm, bóng bẩy chinh phục lòng người: “Khen tài nhả ngọc phun châu...”.

Bà Hồ Xuân Hương lấy ngọc tả người: “Hai hàng chân ngọc duỗi song song” cho thấy một quan niệm nghệ thuật coi con người là quý giá nhất (quý như ngọc)... Thực tế xưa nay ngọc quý đến mức chỉ những người quyền quý, cao sang, giàu có hơn người mới có tài sản là ngọc. Quý đến mức “vô giá” vì trước nay cũng chỉ thấy nói “giá vàng” chứ chưa thấy nói “giá ngọc”, tức mua bán vàng là phổ biến còn ngọc thì không. Vì... rất quý!

p -0
Xá lợi Phật.

Trong kho tàng văn hóa Việt, ngọc để chỉ những vật giá trị, tốt đẹp cả hình thức và nội dung. Thành ngữ có câu: “Ngọc lành chẳng phải bán rong” để chỉ những vật quý giá tự khắc sẽ có người tìm đến. Để nói về người tài năng thường có một khuyết tật nào đó có câu: “Ngọc còn có vết”. Nhìn rộng ra trong cổ tích ở nhiều nước đều có chung motif “viên ngọc ước”, ngay tên truyện đã cho thấy ngọc là biểu tượng về khát vọng đổi thay, mong muốn vươn tới một cuộc đời tốt đẹp hơn.

Đại để cũng giống với cốt truyện “Viên ngọc ước” của ta. Một chàng trai nghèo vô tình bắt được con quạ, quạ bèn hứa thả ra sẽ biếu viên ngọc ước. Thế là anh ta ước nhà, ước có vợ, ước giàu sang phú quý... Có tên nhà giàu lập kế chiếm viên ngọc. Nhưng được ngọc thì cả nhà hắn mũi bị dài ra như vòi voi. Được ông Bụt giúp, anh thanh niên đến đòi lại viên ngọc rồi làm cho mọi người bình thường trở lại... Câu chuyện toát lên bài học đạo lý ở hiền gặp lành, khuyên răn người ta ăn ở thật thà...

Theo lối chiết tự phương Đông thì chữ “vương” nghĩa là vua có ba nét ngang và nét sổ ở giữa. Ba nét ngang này biểu thị thiên, nhân, địa, cũng có nghĩa là “tam tài”. Nét sổ ở giữa ý nói con người (này) trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu việc đời. Đó là người kiệt xuất, là “vương” tức là vua. Chữ ngọc là chữ vương có kèm thêm dấu chấm bên trong với ý nghĩa vật quý (tròn nhỏ) vua luôn mang trong người. Theo lối ký hiệu biểu trưng này thì ngọc quý đến mức rất gần gũi với vua, được vua yêu quý mang theo... Thế nên có vàng, nhiều vàng chưa hẳn đã người giàu, phải có nhiều ngọc mới thực sự giàu sang phú quý!

Có nhiều loại ngọc nhưng phổ biến là ngọc trai, tức ngọc lấy từ con trai dưới biển. Thần thoại Ba Tư kể ngọc trai được hình thành từ những giọt sương rơi xuống biển rồi được trai nuốt vào. Thần thoại Hy Lạp cổ cho rằng đó là giọt nước mắt của nữ thần tình yêu Aphrodite (vốn là giọt máu của thần Zeus rơi xuống biển được những đám bọt biển quấn lấy mà sinh ra) rơi xuống đại dương và những con trai nuốt vội vào thân chúng... Các hiệp sĩ thời Trung cổ thường cất viên ngọc trai trong bộ áo giáp sắt trước khi ra trận chiến, coi như một ma thuật hộ mệnh sẽ giúp họ chiến thắng.

Trong Kinh thánh cổng Thiên đường được mô tả làm từ những viên ngọc trai khổng lồ. 12 cổng là 12 viên ngọc trai óng ánh ngũ sắc. Trong tích cổ Hindu giáo, vị thần Krishna tặng người vợ yêu những viên ngọc trai như một biểu tượng của tình yêu và sự hòa hợp. Đất nước Ai Cập thời cổ đại quý ngọc trai đến mức tạo ra một huyền thoại kể chuyện thách đố giữa nữ hoàng Cleopatra với quần thần xem ai có thể “nuốt chửng” tài sản của cả một quốc gia chỉ trong một bữa ăn. Không ai làm được. Đến lượt Nữ hoàng, bà bèn nghiền một viên ngọc trai rồi hòa vào ly rượu uống. Bà đã giành phần thắng. Nghĩa là viên ngọc trai quý đến nỗi ngang giá với tài sản một quốc gia!

Thế nên thời La Mã cổ trang sức ngọc trai là biểu tượng tối thượng của sự giàu có và quyền thế. Vào thế kỷ I trước Công nguyên, nhà nước Cộng hòa La Mã thông qua một đạo luật chỉ cho phép tầng lớp thống trị mới được đeo ngọc trai. Người Trung Quốc cổ cũng có vô số truyền thuyết về ngọc trai, đại để là ca ngợi đó không chỉ là tài sản rất quý, còn tượng trưng cho sự thánh thiện, trong trắng nên chỉ có những thiếu nữ hoàng tộc quyền quý mới được đeo.

Việt Nam có một truyền thuyết cực hay lý giải sự hình thành của ngọc là máu nàng Mỵ Châu. Tuyệt vời trong trắng nhưng gặp oan khuất ngút trời, máu của nàng chảy xuống biển, con trai ăn phải mà trở thành ngọc. Ngọc này càng sáng hơn khi được rửa vào nước giếng nơi Trọng Thủy tự vẫn. Qua chi tiết này phải chăng dân gian chiêu tuyết cho Trọng Thủy rằng dù có là kẻ phản bội nhưng hắn có một tình yêu thật sự với Mỵ Châu?! Đó cũng là cái tình ấm áp bao dung của người Việt. Có nhiều ý nghĩa nhưng truyện cũng phần nào giải thích ngọc trai quý vô cùng vì đó là máu... Thì ra các nền văn hóa đều có mẫu số chung, ngọc trở thành hình tượng mẫu gốc để các đời sau khai thác và tiếp tục tưởng tượng...

p -0
Ngọc lục bảo hình giọt nước rất quý hiếm.

Ngọc quý đến nỗi các triều đại phong kiến phương Đông cổ xưa lấy ngọc làm biểu trưng cho quyền lực tối thượng, sự cao quý, bền vững. Gọi là “ngọc tỷ”. Ngọc truyền từ đời này sang đời khác nên gọi là “ngọc tỷ truyền quốc”, một thứ “quốc bảo” ý nghĩa nhất nên luôn ở bên cạnh vua. Thay đổi triều chính mà vua mới chưa có “ngọc tỷ truyền quốc” là chưa được chính danh. Thế nên chiếm ngôi vua đồng nghĩa với việc phải chiếm “ngọc tỷ truyền quốc”!

Tương truyền nước Sở thời nhà Chu có Biện Hòa bắt được viên ngọc quý liền dâng lên vua Lệ Vương, vua cho là ngọc giả bèn chặt chân trái. Lại đợi dâng vua Vũ Vương liền bị chặt chân phải. Phải đến khi vua Văn Vương lên ngôi mới được coi là ngọc thật. Truyện rằng người họ Hòa ôm hòn ngọc khóc ở chân núi đến chảy máu mắt. Vua Văn Vương bèn cho người đến hỏi. Biện Hòa thưa: “Tôi khóc không phải là thương hai chân tôi bị chặt, chỉ đau xót về nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối”. Vua liền cho người xem lại thật kỹ, quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên gọi là“Ngọc bích họ Hòa”và từ đó viên ngọc này được coi là quốc bảo.

Câu chuyện cũng như viên ngọc phát sáng ra nhiều ý nghĩa, có thể hiểu đó là sự mỉa mai những kẻ xu nịnh sẵn sàng hy sinh cả thân thể mình để lấy lòng bề trên. Lại có thể hiểu ngọc quý (vật quý) phải vào tay người biết dùng, nếu không có thể chết người. Có thể hiểu rộng hơn người tài phải được người đời, nhất là người có chức vị cao, có quyền hành biết đến thì mới phát huy được giá trị còn không thì cũng chỉ như hòn đá vô giá trị mà thôi. Đi kèm với tích này lại có điển tích Tương Như nước Triệu đem ngọc quý sang Tần đổi lấy 15 thành trì, thấy Tần tráo trở liền tìm cách đem ngọc về. Ý nghĩa bật ra mang tính giáo huấn: niềm tin còn quý giá hơn cả vàng ngọc!

Trong các loại ngọc thì có một loại vô giá và khoa học cũng chưa xác định rõ được thành phần hóa học. Đó là ngọc xá lợi Phật, còn gọi là ngọc xá lỵ. Hiểu giản dị thì đó là toàn thân tro cốt của Đức Phật Thích Ca -Mâu Ni sau hỏa thiêu kết thành hình dạng như những hạt đậu nhưng cứng rắn đến nỗi“dùng búa đá đập thì búa đá vỡ tan mà xá lợi không mảy may hao tổn”. Nhưng những ai có “tín tâm” thì chỉ cần niệm Phật với tất cả sự thành kính thì xá lợi lại tự vỡ.

Linh diệu nhất là xá lợi máu vì hạt nhỏ li ti có màu hồng đỏ của máu phát ra hào quang huyền diệu lung linh, óng ánh rất đẹp. Đặc điểm của xá lợi máu là không ngừng sinh sôi tức tự sản sinh ra những hạt xá lợi khác. Tương truyền chỉ có Phật Tổ là có xá lợi máu còn các vị cao tăng khác thì chỉ có xá lợi ngọc. Nhưng không phải vị cao tăng nào cũng có, theo truyền thuyết chỉ những bậc tu hành đạt đến kết quả cao nhất của quá trình tu tập mới có xá lợi. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước, chùa nào có xá lợi Phật được coi là chùa thiêng có nhiều người đến tu hành, vãng cảnh...

Là khoáng chất quý hiếm có nguồn gốc từ thiên nhiên, được con người sử dụng cách nay khoảng 5.000 năm, ngọc mang ý nghĩa biểu trưng cho sự giàu có, quyền lực. Không chỉ quý hiếm về chất liệu, đẹp về hình thức, ngọc còn được tôn sùng về sự vĩnh cửu, thần bí và phúc lành. Phương Đông cổ coi ngọc là thứ thuốc quý, mài ra uống có tác dụng thanh lọc cơ thể, con người mạnh khỏe hơn và trẻ ra. Ngọc còn là vật phong thủy ngăn ngừa khí độc đem lại sinh khí, may mắn!

Nguyễn Thanh Tú
.
.