Ngõ đi ba lối khéo mà lạc nhau
Chả có cái ngõ nào ở Hà Nội nằm giữa quận Hoàn Kiếm lại dọc ngang như ngõ Hội Vũ. Ngõ thông ra ba phố Hàng Bông, Tràng Thi và Quán Sứ. Xưa con đường được hình thành do hai làng Chiêu Hội và Cổ Vũ của huyện Thọ Xương hợp lại. Đường ngang ngõ tắt lắm lối chen chân. Vậy nên mới có câu: “Hai thôn ghép lại ấp trang/ Ngôi đình Hội Vũ thờ nàng Mai Hoa/ Yêu em thì tìm đến nhà/ Đường đi ba lối khéo mà lạc nhau”.
Người đẹp với chuyện tình phố thị
Ngôi biệt thự cổ đẹp nhất ở ngõ còn giữ được đến ngày nay là do cô Tư Hồng xây dựng vào năm 1906. Không những thế cô còn là chủ của một dẫy nhà bên phố Quán Sứ (cũng thuộc đất của thôn Hội Vũ). Thậm chí cô đã cho xây mấy dẫy nhà cho thuê ở phố Cửa Đông và Hàng Da. Nhưng chưa hết, dấu ấn của người đẹp Tư Hồng còn đọng lại với thời gian khi cho xây ngôi trường dòng Punigier vào năm 1897 (Trường THPT Việt Đức ngày nay).
Hồi đó cô nức tiếng là một Giám đốc Công ty thầu An Nam. Người ta nói cô ỷ vào nhan sắc với cặp mắt “Nhân trung hữu thủy” hút hồn người nên mới giầu có như thế. Nói vậy không sai nhưng thật ra số phận của nhan sắc thành Nam ấy bị đưa đẩy theo thời cuộc. Số phận giai nhân khi dấn thân không thể cưỡng lại được. Với gương mặt khuôn trăng đầy đặn của người đẹp kèm theo đôi mắt sóng sánh hồ thu của nàng làm cánh mày râu đổ rạp. Tới đâu cũng có những người đàn ông bám theo.
Thân phận nghèo hèn của gia đình Trần Thị Lan (tên thật của cô Tư Hồng, sinh năm 1869 tại Nam Định) là khởi nguồn cho những cuộc săn đuổi. Vì người cha chất chồng nợ nần mà cô bị tên lý trưởng già đòi mua về. Mới 17 tuổi cô như con thỏ non bị sa bẫy. Nhưng cô đã bỏ chạy từ quê Nam Định về Hải Phòng sinh sống với một thương gia người Hoa. Cô mang tên chồng theo phận phu thê. Người ta gọi cô là thím Hồng. Nhưng không dè được vài ba năm người chồng bỏ trốn về nước vì vỡ nợ.
Bối rối và đầy lo toan ở tuổi 20 nơi đất khách quê người, thím Hồng phải bươn chải mưu sinh trong nỗi cô đơn bất tận. Lại còn hay tin bố chết và anh trai đã bị lý trưởng bắt giữ để gán nợ. Lòng cô càng ngổn ngang với nỗi khốn khổ vì không về làm tang cha được. Đúng lúc đó có bạn cùng quê từ Hà Nội về rủ lên Hà Nội làm ăn. Ở chốn kinh thành đô hội đông vui cô Hồng bỗng trở nên nổi bật vì sắc đẹp được tô son điểm phấn. Và cô đã rơi vào bẫy tình của một vị quan tư Pháp tên là Garlan.
Nhưng cuộc săn đuổi lần này cô Hồng lại co mình chịu bị “bắt sống”. Với sự nhậy cảm của một thương nhân, do kinh nghiệm của người chồng cũ truyền lại, cô Hồng đã đồng ý lấy vị quan tư này (1895). Bởi lẽ anh ta phụ trách lĩnh vực kinh tế và đấu thầu trong giới quân đội Pháp. Người đẹp mang cái tên ghép Tư Hồng từ đó. Vừa ở tuổi 24 với sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cô Tư Hồng làm đâu trúng đó, tiền vào như nước.
Nhưng có lẽ tiếng tăm cô Tư Hồng lừng lẫy trong cả nước khi được chồng hỗ trợ trúng thầu dự án phá thành cổ Thăng Long. Thực dân Pháp muốn lấy đất để phát triển đô thị nên cần phá công trình thành phía ngoài chỉ giữ lại phần nội cấm thành cũ. Để giành được khoán thầu, cô Tư Hồng đã hạ giá thấp nhất và triển khai gấp gáp. Chính vì thế không ít con phố như Cửa Bắc, Cửa Nam, Cửa Đông đều có dấu ấn của bàn tay cô Tư Hồng. Riêng đất vùng cửa thành phía Đông thuộc về phần đất Quảng trường Lăng Bác liền kề với làng hoa Ngọc Hà.
Biết cách tổ chức huy động nhân công từ khắp nơi hội tụ về tới cả ngàn người. Công trình phá thành được hoàn thành khá nhanh chóng vượt thời gian trước đến cả nửa năm. Vì thế, cô Tư Hồng càng giầu to và dành nhiều tiền mua đất làm nhà cho thuê. Có thể nói cô Tư Hồng là một nữ Giám đốc công ty xây dựng đầu tiên ở xứ An Nam này. N
ay ngõ Hội Vũ ngoài biệt thự ở số 5 còn một dẫy nhà hai tầng cho thuê ở Quán Sứ (từ số 20 đến 40) vẫn được lưu giữ của phong cách kiến trúc cổ Pháp. Người dân lâu năm ở đây còn nói vui rằng, đôi mắt hồ thu của cô Tư Hồng vẫn còn thấp thoáng đâu đây. Tiếng còi ô tô của vị quan tư Garlan vẫn rú rít mỗi khi chở cô Tư Hồng về. Vì lúc đó bọn trẻ ùa ra vây quanh chờ cô cho bánh kẹo ngọt lừ.
Bạc phận má hồng
Cô Tư Hồng rất yêu trẻ con và hay làm từ thiện. Nhưng số mệnh thật trớ trêu với mấy đời chồng mà cô không một lần sinh nở. Chiếc máy hát của cô luôn vang lên những âm thanh hát ru ngân nga khắp xóm ngõ. Đó là thời gian lắng đọng trong tâm hồn cô khi nhớ về quê hương cùng với nỗi buồn tênh xa vắng.
Oái oăm thay mọi sự bắt đầu suy vi từ khi cô dúng tay phá thành cổ của cha ông. Phải vậy chăng mà ngày đó các nhà nho lên án dữ dội. Họ dè bỉu cô là con “me tây” mất nết. Cho dù cô đã từng tổ chức cứu đói cho những vùng ngập lụt mất mùa. Cô còn trực tiếp mang gạo phát chẩn tới người dân vùng đói nghèo trong những tháng năm thóc cao gạo kém. Nhưng không hiểu sao mọi điều tiếng chua ngoa đều đổ lên đầu cô.
Đến nhà thơ Nguyễn Khuyến ngày đó cũng lên tiếng mắng mỏ khi triều đình ân thưởng cho cô 4 chữ vàng “Tiết hạnh khả phong”. Hay có người còn nanh nọc rêu rao: “Đĩ có tàn có tán/ Đĩ có hương án thờ vua”. Thật xót xa cho phận má hồng truân chuyên muôn nỗi. Thì ra những lời sắc phong của vua Thành Thái khi đó cũng chỉ là hư danh. Chúng đã đem lại bao nỗi muộn phiền trong cuộc đời cô Tư Hồng.
Nhưng khốn khổ nhất cho cô Tư Hồng khi người chồng chia tay bỏ về Pháp chỉ vì một nỗi không thể sinh con. Nỗi buồn chồng chất nỗi buồn. Cô Tư Hồng mất chỗ dựa quyền lực của ông chồng quan tư Garlan mọi sự làm ăn vất vả hơn trước. Mặc cho bao chuyện đồn thổi thị phi, cô Tư Hồng vẫn làm ăn buôn bán và luôn chia sẻ tình thương đồng bào trong những khốn khó ập đến.
Còn có chuyện cô đã gặp lại ông chủ Hồng người Hoa thuở xưa sau cuộc bôn tẩu thoát thân. Cô đã lấy vợ cho chồng cũ và còn cấp vốn cho họ làm ăn. Lấy điều làm phúc đức cô Tư Hồng muốn giải tỏa những tai ương phía trước. Căn biệt thự số 5 ngõ Hội Vũ luôn vẳng lên bản thánh ca buồn vô vọng. Cũng vì lẽ này mà tình cờ cô Tư Hồng lại rơi vào một bẫy tình khác. Đó là một linh mục phá giới muốn lấy cô làm chỗ dựa. Nhưng tất cả chỉ là vớt vát trong khối tình sứt mẻ.
Công chuyện làm ăn mỗi ngày một khốn khó vì thời cuộc tao loạn vào đầu thế kỷ 20. Sắc phong được vua ban cũng không thế cứu vãn nổi khi không còn “Gặp thời mây tuôn sấm dậy” nữa. Cô Tư Hồng bị ám ảnh trong uẩn khúc tâm linh bởi đã ra công phá vỡ thành trì của ông cha. Vợ chồng cô lụn bại không cưỡng lại được. Họ trôi dạt khắp nơi gắng gượng làm ăn nhưng cuối cùng vẫn trắng tay. Cô Tư Hồng đổ bệnh lao nặng phải rời bỏ công việc trở về nhà sống trong cô đơn trầm cảm. Thật đúng là: “Phận má đào trâm anh nữ kiệt/ Lỡ thời thất vận chết sương đêm”.
Cô Hồng mất sau cơn ho dữ dội trong một đêm giá buốt năm 1922 (thọ 53 tuổi). Nghe nói trước khi qua đời cô Tư Hồng đã hiến một mảnh đất giá trị lớn cúng vào nhà Chung. Mộ của người đẹp được chôn cất bên đền Hai Bà Trưng (chính là chùa Đồng Nhân, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trên bia mộ chỉ khắc ba chữ “CÔ TƯ HỒNG”.
Giai điệu phố mới
Giờ đây ngõ Hội Vũ khác xưa nhiều lắm. Nhiều hàng quán ăn, nhà hàng mọc lên hai bên đường. Có không ít tòa nhà đồ sộ với kiến trúc hiện đại tạo không gian phố đông vui trên con đường chỉ rộng chừng 6 mét. Riêng căn biệt thự cô Tư Hồng vẫn giữ nguyên hiện trạng tuy đã được gia cố thiết kế bổ sung cho một không gian văn hóa Pháp. Nơi đây luôn vang lên những giai điệu thanh bình và đầy lãng mạn của những bản tình ca. Có du khách ngạc nhiên như đang trầm mình trong một không gian của một con phố nhỏ ở Paris. Ở đây luôn vang lên bài ca “Em đẹp như mơ”. Những âm thanh trong vắt như hiện về trong đôi mắt sương thu của cô Tư Hồng thuở nào.