Nghiêng nghiêng nón lá bài thơ

Thứ Sáu, 15/10/2021, 13:08

Về đến Huế ai ai cũng thẫn thờ với vẻ đẹp "non xanh nước biếc như tranh họa đồ". Nhưng có lẽ sắc đẹp dịu dàng của những cô gái Huế mới làm ngẩn ngơ lòng người. Từ năm 1941 cố thi sĩ Nguyễn Bính đã phác họa rằng: "Ở đây áo tím riêng màu/ Bài thơ nón mỏng che đầu mỹ nhân". Làng nón Tây Hồ, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang nằm trên sông Như Ý là gốc tích làm ra chiếc nón bài thơ nức tiếng bấy lâu nay.

Như Ý tung cánh lưới trời

Dòng sông Như Ý nối tiếp với sông Hương ngay ngã ba đối diện với cồn Hến. Đây là dòng sông đào từ thời chúa Nguyễn cách đây hơn 300 năm. Cũng như dòng sông An Cựu, sông Như Ý góp phần giải thoát cho dòng lũ trên sông Hương. Tất cả dẫn nước cuốn ra Biển Đông ở cửa biển Thuận An. Có điều lạ hầu hết những làng làm nón ở Huế đều bám quanh dòng sông Như Ý. Chợ nón Dạ Lê (Thủy Vân) huyện Hương Thủy là chợ cổ sớm hình thành hàng trăm năm bên dòng sông Như ý. Còn các làng khác như Phú Mỹ. Phú An, Phú Hồ, Phú Xuân... đều làm nghề chằm nón từ lâu đời. Các thương hồ về chợ Dạ Lê chở nón lên kinh thành bán. Hoặc từ đây họ chở nón theo đường biển về các tỉnh phía Nam giao hàng.

Gần đây sông Như Ý còn được các nhà nhiếp ảnh gọi là dòng sông nghệ thuật. Hàng trăm nghệ sĩ nhiếp ảnh đã về đây chụp ảnh đánh cá và hình các cô gái đội nón chèo đò trên sông. Có những bức ảnh chụp chợ nón Dạ Lê cổ vẫn còn lưu giữ đến nay. Đó là những bức ảnh quý và là di sản của Huế. Xưa nữa có những bức họa về những chiếc nón lính là nón quan triều Nguyễn còn lưu lại trên trống đồng hoặc trên cửu đỉnh ở thành Huế. Trên dòng sông Như ý mỗi chiều đông bâng khuâng những câu hò nam ai với câu chuyện chiếc nón rằng: "Nón em chẳng đặng mấy đồng/ Chàng mà giật lấy ra lòng chàng tham/ Nón em nón bạc quai vàng/ Thì em mới dám trao chàng cầm tay/ Tiếc rằng vì nón quai mây/ Nón em chẳng dám quai tay chàng cầm".

Nghiêng nghiêng nón lá bài thơ -0
Chằm nón bài thơ.

Ngày nay nhiều người còn kể về câu chuyện đánh giặc Mỹ của 11 cô du kích trên dòng sông Như Ý vào mùa xuân 1968. Những cô gái đã đội nón của làng mình dẫn đường cho quân giải phóng tấn công giặc Mỹ trong TP Huế. Họ là những cô gái làng Thủy Thanh. Cuộc chiến xuất phát từ cầu ngói Thanh Toàn bắc ngang qua sông Như Ý. Những cô du kích chia thành ba mũi dẫn đường quân đội tiến công đồn giặc. Các cô du kích đã cầm súng chiến đấu như những chiến binh đầy quả cảm.

Cuộc chiến diễn ra trong 25 ngày đêm dữ dội và ác liệt. Khi được lệnh rút lui, bốn cô du kích Như Ý đã hy sinh. Đây là đội du kích mang danh "Tiểu đội cô gái sông Hương". Sau cuộc tổng tiến công, Tiểu đội gái sông Hương đã được Bác Hồ gửi thư khen với những câu thơ đậm chất hào hùng: "Dõng dạc trong tay khẩu súng trường/ Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương...".

Sau này đội du kích phát triển thành Trung đội Võ Thị Sáu. Đội trưởng du kích Phạm Thị Liên ngày đó đã trở thành Trung đội trưởng. Họ chiến đấu kiên cường cho đến ngày giải phóng miền Nam 1975. Trung đội trưởng Phạm Thị Liên đã anh dũng hy sinh. Tên của nữ anh hùng đã được gắn với một con đường ở khu phố Kim Long (Huế). Cầu ngói Thanh Toàn là nơi hội quân của Tiểu đội sông Hương ngày ấy luôn vang lên những câu hát về Tiểu đội anh hùng. Hội làng bên cầu ngói bán những chiếc nón bài thơ ghi dấu ấn những cô du kích năm xưa với những câu thơ đề rằng: "Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em đi với một đoàn cho vui". Sau lễ hội hát bài chòi đoàn người thường rẽ về làng Tây Hồ xem chằm nón với "Tình yêu từ chiếc nón bài thơ. Từ giọng nói ấm trầm sâu lắng lạ..." (Huế tình yêu của tôi - Trương Tuyết Mai).

Giấc mơ "Nón bài thơ"

Nón lá ở làng Tây Hồ giống như mọi làng khác trong huyện Phú Vang ở đặc điểm mỏng nhẹ nhưng vẫn cứng cáp với những chiếc quai lụa thướt tha. Đó là thương hiệu của nón Huế so với nghề làm nón ở các nơi. Điều quan trọng nón Huế được làm bằng lá Bồ Quy Diệp chỉ có trên vùng cao của đất kinh thành. Với hai lớp lá của nón Huế làm nên sự khác biệt. Hầu hết các địa phương phía Bắc nay Nam đều làm nón ba lớp lá. Thậm chí nón ở làng Chuông (Hà Nội) còn lót thêm lớp mo khô cho nón thêm cứng cáp trước mưa nắng gió bão. Vậy mà nón Tây Hồ mang đặc trưng nón Huế chỉ có hai lớp lá mỏng với sắc trắng xanh nhã nhặn. Hầu hết thiếu nữ Huế đội nón nhẹ và mỏng đi chợ hoặc đến trường học. Hình ảnh đó luôn được ghi dấu ấn trong các thi phẩm và ca khúc về Huế như: "Nón lá che khuất mắt biếc. Cắp sách sớm chưa chiều. Đi học Đồng Khánh qua cầu Trường Tiền..." (Người em Vỹ Dạ-Nhạc sĩ Minh Kỳ).

Nghiêng nghiêng nón lá bài thơ -0
Thiếu nữ Huế với chiếc nón bài thơ.

Đến làng nón Tây Hồ ai cũng nhớ đến nghệ nhân Bùi Quang Bặc. Ông là tác giả sáng tạo ra chiếc nón bài thơ từ năm 1959. Nghệ nhân rất yêu thơ văn và hay hò trên dòng sông Như Ý trong những đêm trăng thả thuyền nhẹ trôi ra Biển đông. Những câu thơ cổ về Huế luôn ám ảnh ông. Trong một đêm nghệ nhân đã mộng về kinh thành Huế hiện lên trong vành nón trong veo với chiếc lá Bồ Quy Diệp. Những câu thơ lung linh trong vành trăng tròn đêm rằm. Giấc mơ đeo đẳng ông bên những chiếc nón làng.

Một hôm nghệ nhân đã tìm cách đưa những câu thơ mình đã nghĩ ra vào giữa hai lớp lá nón. Khi hoàn thành, mọi người soi chiếc nón trước ánh mặt trời và ai cũng đọc được câu: "Ai về xứ Huế mộng mơ/ Mua về chiếc nón bài thơ làm quà". Dân làng đều ngạc nhiên với hình ảnh của những con chữ và những bông hoa được cắt giấy tạo nên sự mờ ảo trước ánh sáng chiếu rọi. Từ đó ai cũng làm theo ông tạo hình chiếc nón bài thơ. Đó là những chiếc nón chỉ có ở làng Tây Hồ. Những câu ca dao và thơ hay về Huế đã được lồng trong chiếc nón như: "Sông Hương lắm chuyến đò ngang/ Chờ anh em nhé đừng sang một mình".

Chiếc nón bài thơ đã định danh và thành thương hiệu cho xứ sở Huế. Hằng ngày dân làng Tây Hồ đưa nón ra chợ Dạ Lê để quảng bá tạo thị trường hấp dẫn cho những làng làm nón quanh vùng. Cũng từ đây những câu thơ được lồng vào nón càng phong phú hơn. Dân làng làm nón sưu tầm khá nhiều những câu thơ hay lời ca trong những điệu hò Huế tạo nên sắc thái và phong vị cho một nếp sống văn hóa Huế trên nón lá.

Nón bài thơ tô điểm cho hình ảnh Huế được đưa đi khắp mọi nơi. Đó là cách quảng bá cho du lịch Huế không gì hữu hiệu hơn. Chiếc nón bài thơ gắn bó với mọi người với tình yêu Huế sâu sắc. Hình ảnh cầu Trường Tiền cùng chùa Thiên Mụ và những con thuyền trôi trên sông Hương luôn hiện lên cùng những câu thơ và lời ca ngọt ngào xứ Huế.

Nhiều địa phương cũng làm nón bài thơ của riêng mình. Nhưng không đâu đẹp như nón Huế vì ánh sáng của chiếc lá Bồ Quy Diệp luôn dịu dàng bên dáng vẻ kiều diễm của thiếu nữ đất cố đô. Linh hồn Huế hiện lên với những ánh xạ bất thường từ những câu thơ được cài trong lá nón: "Bàn tay xây lá, tay xuyên chỉ/ Mười sáu vành, mười sáu trăng lên" (Người con gái chằm nón bài thơ - Nguyễn Khoa Điềm).

Nón lá sen Huế

Gần đây trong dịp Festival Huế, du khách rất thú vị khi thấy những chiếc nón lá sen được trưng bày bên quày nón bài thơ. Đây là một sáng kiến độc đáo của họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo (phường Hương Sơ, TP Huế). Chiếc nón màu xanh cốm vẫn giữ được hương vị sen của xứ Huế mộng mơ. Những đầm sen rực rỡ đậm chất thiền của thành phố bên sông Hương. Dùng lá sen thay cho lá Bồ Quy Diệp là một bước sáng tạo mới. Chiếc nón lá sen giữ được nét tự nhiên của chất liệu cho dù đã được chế biến qua nhiều bước.

Tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân vang khi bình minh lên. Dòng sông thơm với sắc lá sen đằm thắm của chiếc nón bài thơ làm bâng khuâng bao du khách trên bến thuyền. Câu ca dao xưa gần gũi với đời sống của chiếc lá sen thoang thoảng hương bay: "Ai hay trong một chén trà/ Có hồ sen ngát đậm đà dâng hương". Bên cửa thiền, những chiếc nón lá sen giấu đôi mắt sen của các cô gái Huế thon thả dịu dàng bên sông Hương. Ánh nắng lấp lánh trên sóng nước mênh mang.

Vương Tâm
.
.