Nghĩ từ một cái tết qua

Thứ Năm, 09/02/2023, 07:00

Thế là đã qua một cái Tết. Không biết nên gọi là “hết Tết”, là “qua Tết” hay “xong Tết” nữa, bởi với mỗi người, mấy ngày nghỉ đặc biệt này đan xen rất nhiều xúc cảm. Tết nhất là dịp để về nhà, sum họp gia đình họ mạc, để gặp gỡ bạn bè, chúc tụng, cầu mong nhưng cũng là dịp khiến chúng ta cảm thấy mệt nhất cả về tinh thần và thể chất.

Cứ sau một cái Tết, ông cụ hàng xóm của tôi lại bần thần cầm cành đào còn đỏ hoa ra sân ngắm nghía trước lúc phải ném lên chiếc xe rác. Nghe nói, ông còn muốn giữ cành đào lại để thưởng hoa nhưng con cái thì thấy cánh hoa rụng nhiều làm rác nhà nên muốn ném đi ngay. Chỉ qua một chi tiết nhỏ đó đã thấy người Việt đang có rất nhiều luồng suy nghĩ đan xen giữa cũ và mới, giữa giữ gìn bảo tồn và thay đổi.

Nghĩ từ một  -0
Tết để yêu thương - ảnh TTXVN.

Tết luôn trở thành đề tài bàn luận với những bất cập của sự lãng phí, mê tín nhưng Tết vẫn đủ tạo nên một sức hút, Tết là tiếng gọi về nguồn tha thiết với người Việt ở bất kì nơi đâu trên thế giới. Thường thì khi đã hóa vàng, đã qua rằm tháng Giêng, một năm mới thực sự bắt đầu với sức ì và trở lại guồng quay một cách chậm chạp. Vậy tại sao chúng ta không coi Tết là bậc thang đầu tiên để chinh phục thử thách, là chặng đường đầu tiên để nắm bắt vận hội, tìm ra cách ứng xử với Tết cũng là cách setup cho chính bản thân mình.

Kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống, tình trạng tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể trong dịp Tết Quỹ Mão này. Thế nhưng cái suy nghĩ về Tết thì vẫn còn khá phức tạp. Có lúc, người viết bài đã tự hỏi, nếu một ngày chúng ta dung ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transforme) để đánh giá về Tết Việt thì sẽ nhận được câu trả lời như thế nào? Có thể khi đó AI sẽ đưa ra cho bạn một sự phân tích mang tính tiêu cực cho một phong tục lâu đời này. Bởi, chẳng có sự phân tích, chẳng có thứ trí tuệ nhân tạo nào có thể thẩm thấu văn hóa hơn chính con người; cũng như khoa học không thể làm thay công việc của cảm xúc. Vậy thì suy đi tính lại, bài toán về Tết vẫn cần lời giải từ chính mỗi chúng ta…

Nghĩ từ một  -0
Phát huy sức mạnh mềm của Tết cổ truyền.

Trong một đoạn văn đầy xúc động khi nói về Tết của người Việt, Nhà giáo dục Mark A. Ashwill đã viết: “Mỗi dịp Tết Nguyên đán đều mang một ý nghĩa đặc biệt khi tất cả chúng ta được tiếp tục kỷ nguyên bình thường mới trong cuộc sống và công việc. Vượt ra khỏi những giới hạn chật hẹp của cuộc sống, chúng ta đã có thêm một cơ hội quý giá khác để duy trì sự đoàn kết - Tết, để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn ở Việt Nam và trên toàn cầu. Cầu mong chúng ta chân cứng đá mềm để vượt qua mọi chuyện”.

Rõ ràng, người đồng sáng lập & Giám đốc điều hành Capstone Việt Nam đã rút ra được những chiêm nghiệm sâu sắc sau 18 lần được ăn cái Tết của Việt Nam. Trong đó, điều người viết tâm đắc nhất mà ông nhắc đến là (Tết) “để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn ở Việt Nam và trên toàn cầu”. Hình như đó là câu trả lời thật đơn giản nhưng thuyết phục và ý nghĩa mà bấy lâu nay chúng ta lại không hề nhận ra: Tết làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn, Tết làm đẹp thêm cho mỗi tâm hồn…

Cũng với chủ đề này, một trí thức trẻ như tác giả Trinh Nguyễn lại có một phát hiện rất thú vị khác: “Cứ xem Tết như chiếc phong bao lì xì mà tổ tiên để lại. Suốt hàng nghìn năm, tổ tiên ta đã bền bỉ duy trì tập tục nghỉ ngơi, lễ lạt những ngày đầu năm để con cháu sau này không điên cuồng xoáy vào vòng tròn kinh tế. Chiếc phong bao ấy chứa một tuần hay mươi ngày tinh gọn. Việc dùng một tuần đó thế nào là ở mỗi người”.

Đọc những dòng này, chúng ta thấy Tết như một thứ bảo bối vô hình, vô ngôn đã cứu rỗi được tâm hồn con người trong cuộc sống hiện đại. Tết có phép màu kì diệu giúp chúng ta cân bằng trở lại hay Tết đang giúp chúng ta mạnh mẽ, tỉnh táo hơn trước những tham vọng khôn cùng?

Tết Việt bao giờ cũng diễn ra sau ngày đầu tiên của năm mới tính theo dương lịch. Tết đến, người người về với gia đình, tập trung cho con người cá nhân, đời thường. Cũng vì lẽ đó mà sự trở lại sau kì nghỉ Tết không giống các kì nghỉ lễ khác trong năm, bởi đó không chỉ là việc bạn từ nhà đến cơ quan; từ quê về lại thành phố; từ chỗ thoả sức ngủ nướng đến việc phải dậy theo đồng hồ báo thức… mà ở đây là từ con người cá nhân, riêng tư trở lại với con người xã hội, con người trách nhiệm, sứ mệnh.

Ai cũng biết, hai trạng thái tâm lý, hai bình diện đó có những nét tương đồng, hỗ trợ cho nhau nhưng cũng là một khoảng cách không nhỏ để chuyển đổi và bắt nhịp trở lại. Có thể vì lẽ đó, nhiều người quên nhìn lại năm cũ, ngại lục lọi lại những chuyện của ngày cận Tết, giáp Tết mà chỉ tập trung hướng đến chuyện mới năm mới. Họ coi năm mới là một file dữ liệu trắng. Trong khi, cuộc sống là sự tiếp nối, gắn kết, là dòng chảy liền mạch.

Nghĩ từ một  -0
Nhiều năm nay, Tết luôn gắn liền với tiệc tùng, bia rượu.

Tại sao chúng ta không coi Tết như một sự thăng hoa của cuộc sống thay vì để nó là hòn đá cản đường trên nhiều phương diện. Tiến sĩ Võ Nhật Vinh từng chia sẻ: “Tết là để yêu thương, và trước hết là để yêu thương bản thân mình, đừng hành hạ bản thân chỉ vì hơn thua trên bàn nhậu. Yêu thương bản thân đồng nghĩa người đối diện cũng đáng được yêu thương và được tôn trọng sự lựa chọn của họ. Tết mới, khẩu hiệu "không say không về" nên được đổi thành "không say, để về". Điều này là một trong rất nhiều suy nghĩ tích cực trong quan điểm về Tết.

Thiết nghĩ, cần nhìn nhận Tết đúng nghĩa là phong tục, là liều thuốc tinh thần, là sự tiếp sức cho chúng ta mạnh mẽ hơn trên chặng đường mới. Tết này mới mẻ hơn, sáng tạo hơn Tết xưa, bất ngờ hơn những cái Tết đã qua. Muốn có được điều đó, cần có một kế hoạch, một sự chuẩn bị đón mùa xuân mới từ trong năm Tết đến thật nhẹ nhàng và ý nghĩa chứ không phải kiểu “ném mình” cho Tết, phó mặc cho Tết để rồi lại than thở mệt nhọc.

Tết - mùa xuân - cơ hội mới cũng là khi đất trời và lòng người được trẻ lại. Sự bắt đầu mới mẻ bao giờ cũng giành được ưu thế bởi có quyền ước mơ, quyền được hy vọng nhưng phải được đặt trong sự tương quan giữa cũ - mới, kế thừa - biến đổi.

Còn nhớ, trong Hội nghị triển khai công tác văn học 2023 và kết nạp hội viên mới, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã phát biểu, trong đó có đoạn: “Các nhà văn thế hệ sau và nhà văn trẻ cần tiếp tục soi vào tấm gương của các bậc tiền bối để xem lại mình, để phấn đấu trọn vẹn với giấc mơ văn học, với tư thế và niềm kiêu hãnh của người Việt”.

Những phát biểu này dường như không chỉ đúng với “các nhà văn thế hệ sau và nhà văn trẻ” mà người đứng đầu một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp nói mà còn gợi mở một suy nghĩ: Trước thềm năm mới, phải làm sao để những cái Tết tạo ra tư thế, tâm thế mới cho mỗi chúng ta chứ không phải chỉ là những thủ tục rườm rà lãng phí theo kiểu bổn cũ soạn lại, gây lãng phí và chán nản.

Như nhiều người đã nói: chỉ qua hơn 50 chủ nhật là lại đến Tết. Nếu chúng ta luôn bị động đón Tết trong sự lo âu thì Tết mãi là sự nặng nề, mệt nhọc. Hãy nghĩ từ Tết này, hãy coi Tết là một cơ hội để làm mới mình, để hoàn thành tốt những điều còn dang dở và vừa mới bắt đầu…

Lâm Việt
.
.